
Để đảm bảo lễ hội diễn ra trang trọng và an toàn, Ban tổ chức đã có sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp với tổ công tác để hỗ trợ người dân và du khách trong quá trình di chuyển lên, xuống tàu rước nước. Đặc biệt, chú trọng an toàn đường thủy; đồng thời, giữ được sự trang nghiêm trong từng nghi thức.
Đúng 14h00, đoàn rước nước khởi hành từ đền, tiến ra bến sông Hồng, nơi dòng nước vẫn ngày đêm bồi đắp phù sa cho đất đai màu mỡ, cũng là nơi khởi nguồn của bao huyền tích linh thiêng. Đội rước trên sông gồm một tàu chở 30 người, trong đó có: đại diện ban tổ chức, nhân dân và du khách thập phương.

Nghi thức du thủy diễn ra trang trọng trong gần hai giờ đồng hồ, sau đó, nước thiêng được cung nghinh trở về đền. Một chóe nước được rước vào cung cấm, dùng để thắp hương quanh năm, như sợi dây kết nối giữa trời - đất, giữa con người và thần linh. 30 can nước (loại 20 lít) lấy từ sông Hồng linh thiêng, được lọc sạch, đổ đầy vào bảy choé còn lại rồi làm lễ, sau đó ban phát cho nhân dân và du khách.

Khi được hỏi về nghi lễ quan trọng này, nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai xúc động chia sẻ: "Từ bao đời nay, nước luôn mang ý nghĩa thiêng liêng trong tín ngưỡng dân gian, là khởi nguồn của sự sống và cũng là sợi dây kết nối tâm linh giữa con người với thần linh. Việc rước nước từ sông Hồng - dòng sông giàu huyền tích, về với Đền Rừng không chỉ là sự khôi phục một nghi thức truyền thống mà còn thể hiện lòng thành kính, ước nguyện về một năm mới bình an, hanh thông. Nghi lễ này sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của đền, để mỗi du khách khi về đây, đều cảm nhận được sự thanh tịnh và liêng thiêng".

Không chỉ mang ý nghĩa tại đền, nước thiêng từ lễ rước cũng được đông đảo người dân xin về để đặt trên bàn thờ gia tiên, tỏ lòng thành kính. Trong tâm thức dân gian, nước từ sông Hồng không chỉ đơn thuần là nguồn mạch sinh sôi mà còn chứa đựng linh khí của đất trời. Khi được rước về từ một nơi linh thiêng như đền Rừng, dòng nước ấy càng trở nên quý giá, được xem là biểu tượng của sự trong lành, hanh thông và may mắn.

Chứng kiến nghi lễ đặc biệt này, nhiều du khách thập phương không khỏi xúc động. Chị Nguyễn Ngọc Minh (Gia Lâm, Hà Nội), lần đầu tiên đến dự lễ Thượng Nguyên tại đền Rừng, chia sẻ: "Tôi thực sự ấn tượng với sự trang nghiêm của nghi lễ rước nước. Nhìn đoàn rước thành kính cung nghinh dòng nước thiêng từ sông Hồng về đền, tôi cảm nhận được sự kết nối sâu sắc giữa con người với thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện tại. Khi được nhận một chai nước thiêng mang về, tôi thấy trong lòng vô cùng hoan hỉ, cảm giác như đang mang theo sự may mắn, bình an về cho gia đình mình".

Dưới mái đền cổ, giữa làn khói hương trầm, dòng người hành hương thành tâm dâng lễ, kính cẩn nguyện cầu cho một năm an lành, gia đạo yên ấm. Từng bước chân trên sân đền, từng nén hương được dâng lên, từng giọt nước thiêng nâng niu trong tay - tất cả đều thể hiện sự gắn kết giữa con người với thế giới tâm linh, giữa quá khứ với hiện tại. Lễ Thượng Nguyên không chỉ là dịp để tri ân các bậc tiền nhân mà còn là lúc mỗi người hướng về cội nguồn, tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn.

Theo kế hoạch, ngày 12/2/2025 (tức rằm tháng Giêng), sẽ diễn ra nghi thức tế Thánh của nhân dân và nghi thức hầu đồng do nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai, thể hiện lòng thành kính đối với chư vị thần linh, đồng thời cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, vạn sự hanh thông. Đây là những nghi thức quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng thờ thần và thờ Mẫu, phản ánh nét đẹp văn hóa của người Việt từ bao đời nay.
Lễ Thượng Nguyên năm nay không chỉ đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới mà còn là dấu mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống. Việc tổ chức nghi lễ rước nước lần đầu tiên trong lịch sử của đền không chỉ tạo nên nét đặc sắc cho lễ hội mà còn thể hiện sự tiếp nối tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn vinh những giá trị tâm linh đã tồn tại qua bao thế hệ.
Đền Rừng không chỉ là nơi gửi gắm niềm tin tâm linh mà còn là một phần của dòng chảy văn hóa truyền thống. Những nghi lễ như rước nước, tế Thánh, loan giá phụng hầu chính là cách mà thế hệ hôm nay tiếp nối mạch nguồn xưa, giữ gìn nét đẹp tín ngưỡng của cha ông.