Làng Long Linh Ngoại, nơi khai sinh Hội liên hiệp phụ nữ Thanh Hóa

Trịnh Duy Hoàng

17/10/2022 15:23

Theo dõi trên

Chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930- 20/10/2022), nhớ lại một vinh dự lớn của quê hương Long Linh Ngoại – nơi khai sinh tổ chức Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hoá.

Theo lịch sử Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hoá, “Ngay sau khi Đảng bộ Thanh Hoá được thành lập, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã có mặt dưới ngọn cờ tranh đấu của Đảng. Tháng 2/1935 tại làng Long Linh Ngoại, xã Thọ Trường, huyện Thọ Xuân, Hội phụ nữ giải phóng Thanh Hoá được thành lập. Qua các thời kỳ, tổ chức Hội phụ nữ có thay đổi với nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với sách lược Cách mạng. Tháng 7/1952, Đại hội phụ nữ toàn tỉnh lần thứ nhất đã hợp nhất Đoàn phụ nữ cứu quốc và Hội LHPN thành một tổ chức chính trị duy nhất của phụ nữ các dân tộc trong tỉnh - Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá”.

ddt1-thanh-hoa-1665994415.jpg
Tại khuôn viên ngôi nhà lão thành cách mạng Trịnh Khắc Sản (di tích lịch sử cấp tỉnh), Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phát động phong trào hưởng ứng Tết trồng cây chào mừng thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022 - 2027. Ảnh: Trịnh Đức Huân.

Vậy trong bối cảnh lịch sử nào để làng Long Linh Ngoại, xã Thọ Trường (nay là xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân) có vinh dự là nơi khai sinh của tổ chức Hội phụ nữ tỉnh?

Là vùng đất có bề dày văn hiến và truyền thống yêu nước chống ngoại xâm kiên cường bất khuất, làng Long Linh Ngoại được tiếp thu ánh sáng cách mạng từ rất sớm. Ngay từ năm 1928, đồng chí Trịnh Khắc Sản, một người con ưu tú của quê hương đã tham gia đảng Tân Việt và sau đó là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. Được sự tuyên truyền, giác ngộ của đồng chí, từ cuối năm 1928 một tổ chức cách mạng đầu tiên trong xã Thọ Trường đã được thành lập: Hội Dân nghèo gồm 12 người (làng Long Linh Ngoại 9 người, Long Linh Nội 3 người). Hội dân nghèo ra đời như một tiếng chuông thức tỉnh người dân nơi đây đang chìm đắm trong cảnh lầm than nô lệ vùng lên cùng tiến bước trong phong trào đấu tranh cách mạng mới. Đặc biệt từ sau hội nghị đại biểu các cơ sở cách mạng trong tỉnh cuối tháng 2/1932 được tổ chức tại làng Yên Lộ (Thiệu Hoá) do các đồng chí Lê Chủ (Thiệu Hoá), Trịnh Khắc Sản (Thọ Xuân), Hoàng Văn Mạch (Yên Định) là những cán bộ chủ chốt còn lại chưa bị chính quyền thực dân phong kiến phát hiện bắt cầm tù chủ trì đã thống nhất nhận định tình hình và quyết định phương hướnghoạt động trong thời gian tới, phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh nói chung và phong trào ở làng Long Linh Ngoại nói riêng bước sang giai đoạn mới mạnh mẽ hơn,quyết liệt hơn. Đáng chú ý các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, củng cố, phát triển các hội biến tướng của Nông hội đỏ như Hội cày, Hội cấy, Hội đánh tranh lợp nhà, Hội hộ sản của phụ nữ… nhằm che mắt quân thù, tạo thế hợp pháp tập hợp quần chúng tham gia vào các tổ chức cách mạng, đưa phong trào đấu tranh chống chính quyền thực dân phong kiến ngày càng mạnh mẽ, rộng khắp.

ddt2-thanh-hoa-1665994716.jpg
Bà Ngô Thị Hồng Hảo - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo Hội Phụ nữ huyện Thọ Xuân và xã Trường Xuân trồng cây lưu niệm tại khuôn viên ngôi nhà lão thành cách mạng Trịnh Khắc Sản (di tích lịch sử cấp tỉnh). Ảnh: Trịnh Đức Huân.

 

Tại làng Long Linh Ngoại, được sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Trịnh Khắc Sản – Tỉnh uỷ viên, trong các năm 1932 – 1935 phong trào đấu tranh cách mạng phát triển lên tầm cao mới. Từ Hội dân nghèo tiếp tục thành lập các Hội mới như Họ bạn, Tương tế ái hữu, Nông hội đỏ… thu hút ngày càng đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh cách mạng và đã giành nhiều thắng lợi đáng khích lệ như cuộc đấu tranh đòi đòi giảm tế lễ xôi thịt, phá lệ “cơm lượt”, phá lệ “Cỗ chuyển nhục”… nhằm giảm gánh nặng đóng góp cho các hộ nghèo; Đấu tranh phá tổ chức “Chức sự”, tổ chức “Tư Văn” (các tổ chức chuyên nhũng nhiễu cướp bóc của dân)... Cuối năm 1934 phong trào đấu tranh của nông dân diễn ra mạnh mẽ đòi chia lại công điền, công thổ và cây lưu niên bị bọn lý hào chiếm đoạt. Kết quả bọn lý hào buộc phải trả lại 4 mẫu ruộng, hàng chục cây lưu niên như vải, dừa, mít… cho dân làng.

dt3-thanh-hoa-1665994932.jpg
Bà Ngô Thị Hồng Hảo - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo Hội Phụ nữ huyện Thọ Xuân và xã Trường Xuân thắp hương tri ân lão thành cách mạng Trịnh Khắc Sản. Ảnh: Trịnh Đức Huân.

 

Từ những thắng lợi này, uy tín của các tổ chức cách mạng, các hội, đoàn ngày càng được nâng cao, nhân dân càng tin tưởng và tích cực tham gia, trong đó tổ chức Hội tương tế ái hữu phát triển mạnh nhất, có tổ chức chặt chẽ, thực hiện điều lệ nghiêm chỉnh. Các hội viên quan tâm giúp đỡ lẫn nhau chu đáo, nhất là những người mà lâu nay bị coi là “bần đinh cùng hộ”, là ngu đần, ngụ cư… bị khinh rẻ thì nay không may qua đời đều được Hội đón đưa chôn cất tử tế, giúp đỡ vô tư. Chị em sinh đẻ, ốm đau được Hội chăm sóc thuốc thang, cơm cháo chu đáo.

Trong Hội Tương tế ái hữu có một số chị em đã tham gia hoạt động bí mật trong Hội Phụ nữ giải phóng liên huyện Thọ Xuân – Thiệu Hoá – Yên Định như Trịnh thị Đức (là một trong 4 đảng viên sáng lập Chi bộ Đảng đầu tiên của làng Long Linh Ngoại và cũng là của Tổng Thử cốc), Trịnh thị Viết (bạn đời của đồng chí Trịnh Khắc Sản), Trịnh thị Khuyên (bạn đời của cụ Trịnh Hữu Nhã, mẹ của chị Hiểu), Ngô thị Sự… đã quyết định tách ra thành lập Phụ nữ Tương tế hội. Từ đây phong trào Phụ nữ làng Long Linh Ngoại phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Cùng trong thời gian này trên địa bàn toàn tỉnh nhiều tổ chức hội theo các giới tính, ngành nghề, công việc… tiếp tục được mở rộng. Hoạt động tương thân tương ái trong các tổ chức hội không ngừng phát huy hiệu quả trong tương trợ sản xuất và đời sống người dân ở từng làng, xã. Đặc biệt Hội hộ sản của chị em phụ nữ đã không ngừng ý thức giới tính và yêu cầu thành lập một đoàn thể nhằm tập hợp và đoàn kết đông đảo phụ nữ vào một mặt trận đấu tranh phản đế, phản phong, giành quyền bình đẵng nam – nữ.

Từ điều kiện chín muồi đó, vào tháng 2 năm 1935 các chiến sỹ cộng sản trong Tỉnh uỷ Lâm thời Thanh Hoá đã chỉ đạo tổ chức hội nghị thành lập Hội Phụ nữ giải phóng tại làng Long Linh Ngoại. Cơ sở cách mạng trong các khu vực ở Thọ Xuân đã cử cán bộ nữ tham gia Hội và tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn cho hội nghị. Hội nghị đã bầu ban lãnh đạo Hội và đề ra chương trình vận động phụ nữ trong toàn tỉnh tham gia cách mạng. Hội nghị thành công đã trực tiếp cổ vũ phụ nữ Thọ Xuân xuống đường đấu tranh chống áp bức bóc lột, đòi quyền bình đẵng nam nữ.

Từ ngày thành lập đến nay Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đã qua 18 kỳ Đại hội. Cùng với sự trưởng thành của phong trào phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thanh Hoá đã có những cống hiến to lớn làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của quê hương Bà Triệu.

--------------------------

Tài liệu tham khảo: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá qua các giai đoạn

Lịch sử Đảng bộ huyện Thọ Xuân (1930 – 1945)

Tư liệu lịch sử Đảng bộ xã Thọ Trường (1930 – 1945)

Bạn đang đọc bài viết "Làng Long Linh Ngoại, nơi khai sinh Hội liên hiệp phụ nữ Thanh Hóa" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn