Ký ức chiến tranh

Nguyễn Văn Nọi

29/11/2021 09:20

Theo dõi trên

Cuối năm 1973; sau khoảng 8 tháng hành quân bộ dọc Trường Sơn; qua Lào, Campuchia; đoàn 2004 của chúng tôi (có khoảng 200 lính sinh viên) trở về VN và đóng quân tại Cà Tum (Tây Ninh).

chuy-tra-tm-1638152060.jpg
Các anh lính - sinh viên về nghỉ phép để đi B. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Đại đội tôi đóng quân trong rừng le; tre, gần sân bay dã chiến Cà Tum. Chưa kịp đào hầm trú ẩn thì đơn vị đã bị máy bay địch ném bom. Một quả bom đã rơi vào trung đội 1 (đang nấp sau ụ mối; nhưng lại nấp đúng hướng bom rơi). 11 người hy sinh; 11 người bị thương. Vì bị bom nên có liệt sỹ chỉ gom được ít xương thịt vào túi nilon để chôn (rất có thể còn lẫn xương thịt của người khác). Huyệt mộ chỉ đào được khoảng 50 cm là ngập nước; các liệt sỹ đều được bó trong tấm tăng (thường dùng để che mưa; trên võng) và được dìm xuống nước để lấp đất chôn. Trận bom đã tác động mạnh đến những người lính trẻ (tuổi 20). Trung đội 4 của tôi vì nằm xa chỗ bom rơi nên an toàn; anh em từ khu vực bị bom chuyển đến ở cùng với chúng tôi. Đêm xuống; không đèn đóm; cả không gian chùng xuống; cả đám lính sv bị sốc vì sự nghiệt ngã của chiến tranh. Để xua tan những suy nghĩ vẩn vơ và để khỏi trằn trọc cho những giấc ngủ; thật may trong lán chúng tôi có anh Bùi Khởi Đàm (lính B3 chuyển đến ngủ nhờ) - anh Đàm vốn là sv năm 3 khoa toán (ĐH Tổng hợp Hà Nội) đọc rất nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn của văn học Xô viết thời ấy. Với trí nhớ đáng nể và lối kể chuyện cuốn hút, anh Đàm đã đưa chúng tôi ra khỏi rừng le vương mùi xác chết để bước vào không gian lãng mạn của văn học Xô viết trước khi chìm vào giấc ngủ ít mộng mị. Tôi nhớ mãi hai câu chuyện anh kể hồi đó là "cây phong non trùm khăn đỏ" của Aitmatop và "Đubropxki" của Puskin và nhớ cho đến bây giờ. Mãi sau này tôi mới được đọc trực tiếp truyện ngắn và tiểu thuyết nói trên nhưng trước đó nội dung hai câu chuyện đó đã thấm đẫm trong tôi; đã tác động đến nhân cách của tôi và tôi đã mang cảm xúc đó đến cho nhiều người bằng cách kể lại hai câu chuyện đó theo trí nhớ của mình (đa phần những người nghe tôi kể chuyện đều xúc động và khen hai câu chuyện đều hay).

chuy-t-tim3-1638152272.jpg
Lính sinh viên tạo dáng sau ngày 30/4/1975 tại Long An. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Mới gần đây tôi mới biết anh Bùi Khởi Đàm là cháu họ gần của cụ Bùi Bằng Đoàn. Anh Đàm là Phó GS toán (trước đây anh đã từng đoạt giải nhì về thi học sinh giỏi toán lớp 10 miền Bắc); anh từng làm việc ở Viện toán và sau đó về dạy ở trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau trong những sự kiện của cựu chiến binh Trung đoàn 271; anh vẫn thẳng tính, bốp chát và tình nghĩa. Nhắc lại kỷ niệm này cũng là để cám ơn anh Bùi Khởi Đàm về hai câu chuyện rất hữu ích anh đã mang đến cho tôi và các đồng đội của tôi.

(Còn nữa)

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn