Kiên Giang: Họp mặt Kỷ niệm Ngày âm nhạc Việt Nam

Trương Anh Sáng

05/09/2022 22:03

Theo dõi trên

Buổi họp mặt là dịp để những người làm công tác âm nhạc của tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, cùng nhau phấn đấu tạo ra nhiều tác phẩm hay, có giá trị phục vụ xã hội, đưa sự nghiệp âm nhạc Kiên Giang ngày càng phát triển trong thời gian tới.

1-kien-giang-hop-mat-1662390067.jpg

Nhạc sĩ Dương Minh Đức, Chi hội trưởng Chi Hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Kiên Giang, ôn lại truyền thống lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Chiều ngày 05/9, Chi Hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức buổi Họp mặt Kỷ niệm Ngày âm nhạc Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ huy dàn nhạc, dàn hợp xướng và quần chúng nhân dân hát Bài ca kết đoàn tại công viên Bách Thảo, Hà Nội nhân dịp chào mừng Ðại hội Ðảng lần thứ ba năm 1960 (3/9/1960).

Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, Chi hội trưởng Chi Hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Kiên Giang, nhạc sĩ Dương Minh Đức, cho biết, năm nay “Ngày âm nhạc Việt Nam” lần thứ XIII năm 2022 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi đất nước vừa trải qua đại dịch Covid - 19, nhưng với tinh thần lạc quan, đoàn kết, tình thương và trách nhiệm, cả nước đã cùng chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Ôn lại truyền thống lịch sử nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Dương Minh Đức, thông tin, Âm nhạc Việt Nam là một phần của lịch sử và văn hóa Việt Nam, phản ánh sâu đậm những nét đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống lịch sử, địa lý,...của con người Việt, đất nước Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Kiên Giang được biết đến như là một vùng đất địa linh nhân kiệt và trù phú, con người Kiên Giang sống hào sảng, đời sống văn hóa được phát triển đa dạng và phong phú. Trong các loại hình nghệ thuật, ngoài văn học đã có những tên tuổi lớn xuất hiện trên văn đàn của thế kỷ 19 thì âm nhạc cũng theo dòng chảy văn hóa đã len lỏi xuất hiện trong cộng đồng dân cư bằng những bài dân ca truyền khẩu như các tác phẩm lý kéo chài, hò đưa cá ông, .v.v… mà sau này đã được Nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ và Nhà thơ Lê Giang đưa vào tư liệu sưu tầm “Dân ca Kiên Giang” rất có giá trị.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xuất hiện một số nhạc sĩ, như: Nhạc sĩ Phạm Công Nhiều (1926) với “Hồ Chí Minh cứu tinh của dân tộc Việt”; nhạc sĩ Quốc Hà (Đại tá Nguyễn Văn Luận) với “Phú Quốc đứng lên”, “Phú Quốc mến yêu”, “Tôi gặp cô giao liên” (ca sĩ Quốc Hương hát trên đài Giải Phóng); nhạc sĩ Minh Viễn với “Em là du kích U Minh”; nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng với “Bà mẹ Nam Thái”, “Kiên Giang ngày nay”, được dùng làm nhạc hiệu cho Đài PTTH KG; nhạc sĩ Lâm Nghĩa Văn với “Em hát bài ca trên đường tiếp vận”, “Chiếc lá U Minh”,..v.v… đã góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, động viên cho kháng chiến thành công, đi đến chiến thắng mùa xuân lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Sau chiến thắng 1975, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh từng bước khởi sắc. Phong trào văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh, lực lượng sáng tác âm nhạc từng bước được hình thành. Các nhạc sĩ được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đã góp phần cho âm nhạc Kiên Giang phát triển như: Quang Phong, Phạm Định, Ngô Quang, Bùi Đức Thịnh, Thái Bình Đẳng, Lê Hoài Phú, Nguyễn Hữu Vệ, Lý Hữu Di, Lý Dũng Liêm, Dương Minh Đức,…

2-kien-giang-hop-mat-1662390150.jpg

Các nhạc sĩ Chi Hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Kiên Giang chụp hình lưu niệm.

Bước vào thời kỳ đổi mới, lực lượng sáng tác Kiên Giang phát triển đông đảo với số lượng tác phẩm sáng tác khá lớn, nhiều tác giả đã làm nên tên tuổi bằng những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và chất lượng cao về nghệ thuật như: NS Lý Dũng Liêm với “Đất biển Kiên Giang”, “Mưa bong bóng”; NS Lý Hữu Di với “Giọt nhớ”; NS Bùi Đức Thịnh với “Nguyệt cầm”; NS Lâm Thành Liêm với “Rạch Giá thành phố biển xanh”, “Trên đỉnh Tô Châu”; NS Phạm Định với “Mưa tím”, “Em gái Thạnh Đông”; NS Thái Bình Đẳng với “Khúc hát ru”, “Biệt ly”; NS Dương Minh Đức với “Bài ca người giữ đất”, “Chiếc cầu quê em”; NS Trần Năm với “Cơn mưa cuối mùa”, “Đường về Hà Tiên”; NS Đào Hoàng Vũ với “Rạch Giá thành phố tôi yêu”, “Phố biển Hà Tiên”; NS Hải Sơn với “Nơi đàn sếu hẹn”, “Chiều phố biển và Làn hương hoa sữa”,…

Được biết, phân hội âm nhạc có 46 hội viên hoạt động trên các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, giảng dạy; Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Kiên Giang được thành lập từ năm 2014 với 8 hội viên, đến nay Chi hội phát triển thêm 3 hội viên, nâng tổng số là 11 hội viên. Số lượng hội viên chi hội mặc dù ít nhưng đa số là các nhạc sĩ có quá trình hoạt động âm nhạc lâu năm, làm nòng cốt cho hoạt động âm nhạc của tỉnh thì đội ngũ sáng tác trẻ cũng đã dần hình thành, có trình độ, năng lực và nhiệt tình, đã được đứng vào hàng ngũ hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đây cũng sẽ là lực lượng kế thừa cho lứa nhạc sĩ đàn anh trong nay mai.

Ngày Âm nhạc Việt Nam được tổ chức hàng năm sẽ động viên văn nghệ sĩ phát huy các giá trị truyền thống cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam, sáng tạo ra nhiều tác phẩm hay và nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa để phục vụ công chúng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bạn đang đọc bài viết "Kiên Giang: Họp mặt Kỷ niệm Ngày âm nhạc Việt Nam" tại chuyên mục Thời cuộc. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn