Khai quật Di chỉ khảo cổ học Làng Vành (Lạc Sơn - Hòa Bình) nhớ nữ khảo cổ học Pháp Madeleine Colani

Xuân Vũ

25/08/2022 10:42

Theo dõi trên

Di chỉ khảo cổ học nổi tiếng này nằm ở phía Tây của dãy núi Trắng thuộc Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Cách thành phố Hoà Bình khoảng 60km theo quốc lộ 6 đến ngã ba Mãn Đức, rẽ trái theo đường 463 đến thị trấn Vụ Bản - huyện Lạc Sơn khoảng 55km, từ đây rẽ trái theo đường liên xã khoảng 5 km là đến di tích khảo cổ học Làng Vành.

 

ch1tsnv1-1661398086.jpg
TS Nguyễn Việt đang thám sát dưới hố khai quật Di chỉ khảo cổ Làng Vành.

 

TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á cho biết: Từ ngày khai quật di chỉ Làng Vành tôi tìm hiểu sâu hơn về nữ khảo cổ học Pháp Madeleine Colani đã đến khai quật mái đá này trước tôi gần một thế kỷ (từ 1929). Tôi sẽ viết kỹ và đày đủ về bà cho Hội thảo khoa học tỉnh Hòa Bình cùng chúng tôi tổ chức năm nay về bà và về văn hóa Hòa Bình sau 90 năm được bà đưa ra diễn đàn quốc tế (1932).

Hôm nay muốn kể về một chi tiết thú vị còn in đọng trong cư dân Mường ở Làng Vành về bà và cuộc khai quật của bà tại đây. Câu chuyện bắt đầu từ chiều hôm qua, khi tôi vừa ngồi vào bàn chỉnh lý hiện vật đặt cạnh hố khai quật. Tiếng một phụ nữ Mường đã lớn tuổi dẫn theo mấy người dân bản khác leo lên mái đá nơi chúng tôi khai quật. Bà chào chúng tôi rồi đi thăm hố đào, vào hang bên trong như để nhớ lại thuở trẻ trâu từng len lỏi ở đây. Vẫn cái giọng lanh lảnh đó bà kể bằng tiếng Mường cho những người đi theo và có ý để tôi và anh em dân công cùng biết về một bà Tây mặc váy ngồi trùm lên phiến đá năm nào, luôn miệng nói một câu tiếng Việt : " cho bà xem". Theo truyền lại từ bà mẹ thân sinh ra bà già đang kể chuyện, nay 65 tuổi, con thứ 6 trong gia đình 9 đứa con thì bà mẹ của bà nếu còn sống cũng trên 100 tuổi, là nhân chứng cuộc khai quật 1929 ở đây. Hóa ra cuộc "khai quật" năm xưa đã diễn ra như vầy : Từ đồn Vụ Bản, Colani được dân chúng chỉ cho mái đá nhiều ốc này. Bà đến đây mấy ngày, ngồi trên hòn đá mà chúng tôi hay ngồi chụp ảnh, thuê dân làng đào tầng ốc theo chỉ dẫn của bà. Bà đã vẽ và chấm trên bản đồ vị trí các bếp (F) và độ sâu tương ứng. Bà chia thành 6 vùng khai quật, từ I đến VI, có lẽ tương ứng với mỗi ngày khai quật. Khi người dân đào thấy hiện vật, bà thường nói câu tiếng Việt :"Cho bà xem". Nếu được hiện vật ưng ý bà thưởng tiền ngay, một hay hai xu tiền Đông Dương khi đó. Vì vậy dân chúng truyền tụng nhau và nhớ nhất câu " Cho Bà xem". Nơi chúng tôi đang khai quật ghi nhận trên báo cáo khai quật là mái đá Làng Vành, nhưng trong dân làng từ đó mang tên là hang BÀ XEM.

Năm nay, tôi cho đào lại một hố nhỏ để xem nền cư trú nguyên thủy đầu tiên trong vùng II Colani đã khai quật. Cũng đã thấy vết tích vị trí bếp mà bà đã ghi nhận. Nhưng do vướng đá nên bà cho dừng ở độ sâu gần 2m so với nền hang lúc ban đầu. Năm 1987 từ Đức về, tôi đã đến đây đào một hố nhỏ (50×50 sâu 70cm) để lấy mẫu ốc mang sang Berlin làm tuổi C14 (17 ngàn năm). Hôm qua, tại hố kiểm tra TS4, chúng tôi đã đào tới độ sâu 3,5m, vẫn thấy nguyên trạng trầm tích văn hóa Hòa Bình với vỏ ốc suối melania, bàn nghiền, công cụ hạch cuội, mảnh tước, công cụ xương động vật, xương thức ăn và than tro vỏ quả dẻ juglans - like... Như vậy, cho dù tầng trên của phần lớn mái đá khảo cổ học quan trọng này đã được khai quật, tôi tin rằng vùng ngoài rìa, như H1 tôi đang khai quật và tầng dưới với độ dày 1,5-2m vẫn còn rất nguyên vẹn với niên đại cư trú hoabinhian khoảng trên dưới 20 ngàn năm cách ngày nay...

Một số hình ảnh khai quật khổ cổ học Di chỉ Làng Vành (Ảnh do Ts Nguyễn Việt cung cấp):

ch2tsnv2g-1661398444.jpg
ch3tsnv3g-1661398515.jpg
ch4tsnv4g-1661398650.jpg
ch5tsnv5g-1661398735.jpg
ch6tsnv6g-1661398856.jpg