Xin đừng bỏ phí kho từ Việt gốc Hán!

PGS. TS. Phan Văn Khôi

26/10/2022 08:59

Theo dõi trên

Trên các diễn đàn về tiếng Việt, một vấn đề tranh luận mãi không dứt là việc dùng từ Việt gốc Hán (còn gọi là từ Hán Việt) như thế nào cho đúng. Không ai chịu ai, bởi chưa có quy định thống nhất. Hiện đang có hai quan điểm đối lập: một là phải viết đúng gốc, cả chữ lẫn nghĩa, và đúng ngữ pháp tiếng Hán; hai là viết tùy ý, theo thói quen, miễn sao vẫn “hiểu” là được.

tu-dien-han-viet-1666751378.jfif
 

Những người theo quan điểm thứ nhất có mong muốn tốt rằng, người Việt cần biết chữ Hán, hay ít nhất, cũng phải hiểu và dùng được từ Việt gốc Hán. Nếu không, chúng ta sẽ đoạn tuyệt với kho tàng văn hóa ngàn đời của ông cha. Biết bao văn bản cổ chữ Hán ta không đọc được hoặc khi nhìn vào các hoành phi câu đối ở đền chùa, các ngôi nhà cổ, các bia đá trong các di tích lịch sử của nước mình mà như nhìn vào bức vách. Sự đứt gãy văn hóa đã và đang phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến tâm tính người Việt. Vì vậy, những người theo quan điểm này cổ vũ đưa việc học tiếng Trung vào tất cả các trường phổ thông như một ngoại ngữ bắt buộc.

Tuy nhiên, khi nhiều học sinh còn cần học những ngoại ngữ quan trọng khác và theo đuổi ngành học hợp thời khác, không thể đòi hỏi tất cả dùng từ Hán Việt một cách nghiêm ngặt; chẳng hạn đòi hỏi phải viết quốc lộ, tiếp tuyến, sông Hồng, Vạn Niên tự, không viết đường quốc lộ, đường tiếp tuyến, sông Hồng Hà, Chùa Vạn Niên Tự; phải viết chúng cư, Hợp chúng quốc Hoa Kì, không viết chung cư, Hợp chủng quốc Hoa Kì; đã viết Bộ trưởng, Viện trưởng thì cũng phải viết Ban trưởng, Phòng trưởng, vv.

Chiều ngược lại, quan điểm “thói quen” dường như hiểu lầm rằng, từ Hán Việt không là từ Việt, nên xa lánh dần, thậm chí tẩy chay những gì dính dáng đến Hán. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy trong tiếng Việt có đến 40 % là từ Hán Việt (theo một luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, năm 2007, khi thống kê các mục từ trong cuốn Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên). Trong khẩu ngữ thường ngày, tỉ lệ này thấp hơn, nhưng ở nhiều ngành chuyên môn, như Toán học, Y học, Chính trị học, vv., tỉ lệ này còn cao hơn nhiều.

Biết rằng, ngay cả ở những nước Châu Âu sớm văn minh, nước nào cũng có từ điển gốc tiếng nước khác. Ở nước ta cũng vậy, ngoài những từ gốc Hán còn có rất nhiều từ ngoại lai, đặc biệt gốc Pháp như xà phòng, cà phê, kem, mùi xoa, gác, phanh, lốp, ô tô, bu lông, xi măng, bê tông, cốp pha, kilô, vv., chưa kể đến những từ có nguồn gốc ngôn ngữ hệ Nam Á. Và giờ đây, trên phương tiện truyền thông xuất hiện ngày càng nhiều các từ gốc Hán như phong sát, tra nam, tiểu tam, cẩu lương, ... và gốc Anh như facebook, youtube, internet, showbiz, tour, check in, robot, blockchain, logistic, idol, diva, shark,... , nhưng chưa biết nên giữ chúng nguyên gốc hay Việt hóa thế nào.

Vì vậy, ngăn chặn sự du nhập ngôn ngữ là việc làm trái quy luật. Mặt khác, trở lại với từ Hán Việt, cần lưu ý rằng, đó không phải là từ Hán. Người Hán không có từ này. Đó là từ Việt, của người Việt, được người Việt viết bằng chữ quốc ngữ và nói bằng tiếng Việt.  

Kết quả, quan điểm theo “thói quen” dẫn đến tình trạng viết sai tiếng Việt ngày càng nhiều, như ta đang thấy hằng ngày: hàng ngày, đinh tặc, cát tặc, chắp bút, bổ sung thêm, tối ưu nhất, xác minh làm rõ, trẻ chưa vị thành niên, trường tồn mãi mãi theo thời gian, không phân biệt được bàng quan với bàng quang, yếu điểm với điểm yếu, khuyết điểm thành tồn tại, vô hình trung thành vô hình chung, không thống nhất khi dùng nguyên cựu, lạm dụng từ huyền thoại, biến danh từ thần tượng thành động từ, trong khi đã có những hâm mộ, ái mộ, ngưỡng mộ, sùng bái, tôn thờ, vv. 

 

tu-han-viet-1666749488.jpg
 

 

Có lẽ dung hòa hai quan điểm trên là hợp lí hơn cả, khi biết rằng, ngôn ngữ nào cũng vậy, du nhập rồi biến đổi, cả nghĩa lẫn cách dùng, theo thời gian và vùng miền là chuyện tất yếu, do nguồn gốc dân tộc, lịch sử di dân và đặc tính cảm nhận ngôn ngữ của người bản địa, nhất là trong một thế giới hiện đại, hội nhập và rộng mở.

Theo đó, để có thể cải thiện việc dùng tiếng Việt của đại bộ phận công chức, viên chức, nhà báo trong các văn bản, tài liệu chính thức, có thể cần dựa trên nguyên tắc: những từ được dùng nhiều, tần suất cao, đã được cập nhật đưa vào các từ điển uy tín, đáng tin cậy thì cần được chấp nhận; còn những từ mới du nhập, chưa có trong từ điển thì cần cân nhắc thận trọng. Việc đọc hiểu các văn bản cổ hay các hoành phi câu đối đành trông chờ ở số ít các nhà chuyên môn Hán Nôm.

Thực tế, phần lớn những lỗi dùng từ sai là do chưa khai thác hết kho từ vựng Hán Việt sẵn có trong các sách dạy ngoại ngữ tiếng Trung và trong các từ điển Hán Việt.

Hiện nay các sách dạy tiếng Trung, khi đưa ra một từ mới thường cho lần lượt ba yếu tố: chữ Hán (để viết), phiên âm (để đọc/nói) và giải nghĩa Việt, mà bỏ phí một từ Việt đồng nghĩa khác. Nay chỉ cần một cải tiến nhỏ, thêm từ Việt gốc Hán ấy vào, người học sẽ biết thêm một từ Việt nữa (chữ in đậm trong ngoặc), như các ví dụ dưới đây. Lưu ý, một từ Hán Việt thường có nhiều nghĩa, những ví dụ ở đây chỉ nêu những nghĩa tương đồng:

  chōng đầy đủ (sung)

   cān   tham gia, can dự vào (tham)  

   zhěn – khám nghiệm, xem xét (chẩn)

   qiān –  nhún nhường (khiêm)

   xùn – nhũn nhặn (tốn).

Như vậy, khiêm tốn là nói đến thái độ của một người nhún mình, không tự mãn, tự kiêu, không hề có nghĩa nào là chưa nhiều, nhỏ bé hay ít ỏi.

Việc thêm vào đơn giản như vậy, với sự giảng giải của thày cô, sẽ làm giàu vốn từ cho đông đảo học sinh, rồi từ đó lan tỏa trong cộng đồng. Khi đã hiểu đúng từ Việt gốc Hán, sẽ tránh được những lỗi viết khập khiễng, ngô nghê như bổ xung, thăm quan, chuẩn đoán, thành tích còn khiêm tốn, vv.

Đối với phần đông những người chỉ mong muốn viết đúng tiếng Việt, không quan tâm đến tiếng Trung, có thể tìm những cuốn từ điển Hán Việt đang bán nhiều trên thị trường, trong đó có những cuốn liệt kê các cặp từ Việt đồng nghĩa xếp thứ tự theo vần abc, mà không có chữ Hán, để khi còn băn khoăn dùng một từ nào đó thì dễ dàng tra cứu.

Lại nhớ đến cuốn Tam thiên tự, xưa các cụ dạy chữ Nho cho trẻ, trong đó, các cặp từ đồng nghĩa được ghép thành vần. Ví dụ: thiên – Trời, địa – đất, cử – cất, tồn – còn, tử – con, tôn – cháu, lục – sáu, tam – ba, gia – nhà, quốc nước, tiền – trước, hậu – sau, ngưu trâu, mã – ngựa, .... Cuốn này hiện cũng có bán ở hiệu sách; nó như một bài vè ba nghìn câu, dễ học dễ nhớ, nhưng khó tra cứu.

Dù giải pháp nào chăng nữa, cũng cần đến một nhận thức chung của mọi người  mong muốn giữ gìn vẻ đẹp, sự trong sáng và chính xác của tiếng Việt, trong đó, nhà trường, các nhà ngôn ngữ học và biên soạn từ điển đóng vai trò vô cùng quan trọng, trong việc hướng dẫn dùng từ một cách khoa học, không vì lí do là sinh ngữ mà chạy theo số đông.

Hà Nội, 22/10/2022 - PNK

Bạn đang đọc bài viết "Xin đừng bỏ phí kho từ Việt gốc Hán!" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn