Vĩnh Phúc: Núi Đinh vùng đất thiêng “ngự lộc” gắn với “Lỗ Đinh Sơn Thất vị Đại Vương”: Vùng đất tâm linh (Bài 1)

Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng

19/01/2022 09:37

Theo dõi trên

Ngược đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai bằng ô tô hơn hai mươi phút đã nhìn thấy ngọn núi Đinh lộ diện dần, được ví như “cọc tiêu” - trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc, đến nút giao IC4 là lối rẽ vào địa giới Tp Vĩnh Yên, huyện Tam Dương và Tam Đảo, giao thông đi lại thuận tiện.

Những ngày giáp Tết Nhâm Dần, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt để thực hiện “mục tiêu kép”, Vĩnh Phúc tiếp tục vừa phòng chống dịch Covid 19, vừa phát triển kinh tế xã hội. Tết Nhâm Dần đang gõ cửa mọi nhà. Cái rét se lạnh của mùa đông đang qua đi, những tia nắng ấm áp bắt đầu ló dạng trên bầu trời cũng là thời điểm người dân vùng quê trung du này náo nức tới các chợ và siêu thị để sắm Tết. Chợ Tết bao giờ cũng đông vui  nhưng vì phải áp dụng các biện pháp 5K phòng chống dịch CoVid 19 nên vắng vẻ, không náo nhiệt như những năm trước.

nui-dinh-tam-duong-vinh-phuc-1642559675.JPG
Núi Đinh nhìn từ cao tốc Hà Nội – Lào Cai

Núi Đinh được biết đến là vùng đất "ngự lộc” (lộc vua ban), nơi gắn với truyền thuyết về bảy vị danh tướng họ Lỗ ở Bồ Lý (Tam Đảo) giúp vua đánh đuổi giặc Nguyên Mông, được vua nhà Trần phong tước Đại Vương (Lỗ Đinh Sơn Thất Vị Đại Vương). Do vậy, Đinh sơn (núi Đinh ngày nay) là vùng đất tâm linh trải dài từ các huyện Tam Dương, Bình Xuyên đến thành phố  Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Theo sách “Danh nhân Vĩnh Phúc” do Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh này xuất bản năm 1999: Bảy anh em nhà họ Lỗ đều là con ông Lỗ  Trọng và bà Khổng Thị Liên, người quê ở xã Bồ Lí, huyện Lập Thạch, vốn có nghề hái thuốc nam chữa bệnh. Khi lớn lên, bảy anh em đã có một thời không thần phục triều Trần, nhưng rồi được Thái sư Trần Thủ Độ thu dùng, sáu anh trai được phong chức quan Điển binh thị nội, người em út Lỗ Thị Bồ được phong làm Tham mưu việc quân.

Tháng Chạp năm Đinh Tị (1257 - dương lịch là đầu năm 1258), tướng giặc Nguyên Mông là Ngột Lương Hợp Thai dẫn quân theo đường lộ Đại Lí (Vân Nam, Trung Quốc) xâm lăng nước Đại Việt, tiến đến Sông Thao. Bảy anh em nhà họ Lỗ nhập vào đoàn quân cứu nước do Trần Thủ Độ chỉ huy và đều được phong chức Tướng quân.

Ngày 12 tháng Chạp, quân Nguyên Mông tiến đến địa điểm Bình Lệ Nguyên (nay thuộc xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên). Vua Trần Thái Tông tự thân đốc chiến. Bảy anh em nhà họ Lỗ khi ấy cũng đang đón đánh giặc ở sông Lô (sông Hồng ngày nay), liền đem quân đến cứu, nhận lệnh đóng quân cản giặc ở động Tam Dương, huyện Tam Dương. Còn đại binh của quân Nguyên Mông đã tiến đến xã Nhật Chiêu. huyện Yên Lạc.

Ngày mồng 2 Tết năm Mậu Ngọ (1258), vua Trần Thái Tông ban cho sáu người anh mỗi người một thanh long đao, người em út được một đôi bảo kiếm. Mỗi người được một con ngựa chiến và một áo chiến bằng gấm, cùng một vạn quân tinh nhuệ để ra trận. Đến buổi đêm, bảy anh em cho quân sĩ giết gà, lập đàn thề ước,tuyển mộ thêm quân sĩ ở quê hương là các xã Bồ Lí, Hữu Thủ bổ sung quân cho nhà vua.

Sáng ngày mồng 3, đến xã Nhân Ngoại, huyện Tam Dương, đội quân được nhân dân tưng bừng tiếp đón, mổ lợn khao quân, đương lúc tưng bừng thì được tin tiền đạo quân Nguyên Mông đang tiến đến gần, bảy vị Tướng quân kịp truyền lệnh dùng số thịt lợn còn chưa được nấu chín đó khao quân, còn tiết lợn thì dùng xoa lên trán quân sĩ để tỏ lòng quyết chiến tới cùng.

Trận chiến diễn ra vô cùng quyết liệt, quân Nguyên Mông phải rút chạy về cố thủ ở xã Nhật Chiêu. Đạo quân của bảy vị tướng quân cấp tốc vây kín quân giặc, chém được hơn 1.000 tên. Số quân giặc do khiếp sợ nhảy xuống sông chết đuối, khiến dòng nước sông Lô có lúc tắc lại.

Ngày ca khúc khải hoàn, bảy vị đều được vua Trần phong tước Đại vương. Riêng bà Lỗ Thị Bẩy được ban tước hiệu: Đô dũng thống chế đại vương, đại tướng quân, lại còn được ban thưởng rất hậu và phong đất ngự lộc ở vùng Đinh Sơn (Núi Đanh), nên gọi là Thất vị Lỗ Đinh Sơn.

Về sau, cả bảy vị đều mất ở núi Đinh. Tuy ngày mất có khác nhau, nhưng triều đình cho lấy ngày mồng 4 tháng Giêng là ngày cúng giỗ chung. Sắc phong đề là “Lỗ Đinh Sơn thất vị Đại vương”. Lại phong riêng cho bà Bẩy là “Ả lợi chàng lê hùng nữ công chúa”.

Bộ Lễ triều Lê chép sự tích bảy anh em họ Lỗ vào mục Sơn thần của nước Nam được tôn thờ. Đền thờ chính: Xã Tích Sơn, huyện Tam Dương (nay là TP Vĩnh Yên). Có 5 di tích: Đình Cả thôn Vĩnh Ninh (về sau là phố Đồng Thái) thờ ba vị: Lỗ Văn Cường, Lỗ Văn Dũng và Lỗ Văn Mẫn; Miếu Đậu thôn Lông Đậu thờ vị Lỗ Văn Dực; Miếu Khâu làng Khâu (thôn Sơn Đồng) thờ vị Lỗ Văn Vũ; Miếu Sậu làng Sậu (sau là phố Sơn Tuyền) thờ vị Lỗ Văn Đài; Miếu Tướng xóm Tiếc thôn Vĩnh Ninh thờ vị Lỗ Thị Bồ, hiệu: Đô dũng thống chế đại vương, Lỗ Thị Bồ đệ nhất đại tướng quân. Nay đều thuộc về thành phố Vĩnh Yên.

Xã Nhân Ngoại: nay là làng Nhân Mĩ, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương.

Các di tích khác cùng thờ cúng có: Làng Miêu Duệ thờ ở đình Láng, Làng Hữu Thủ thờ ở đình Hữu Thủ, Làng Hướng Đạo thờ ở đình Hướng Đạo, Làng Hán Nữ, Làng Định Trung thờ ở thôn Yên Lập và đình thôn Thiện Kế, Làng Xuân Trường thờ ở đình thôn Mĩ Hổ, đều là vùng xung quanh núi Đinh có tới 18 điềm thờ tự.

Các lễ hội dân gian quanh vùng núi Đinh ngày nay còn in đậm dấu ấn một thời chinh chiến với tục cúng lễ bằng sinh huyết (tiết sống), sinh nhục (thịt sống), lệ tục kéo cờ, kéo dây, đánh gậy làm sống lại khí thế của ngày ra quân Tết năm Mậu Ngọ (1258) kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất thời nhà Trần.

Còn theo tài liệu của Bảo tàng Vĩnh Phúc, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 đình, đền, miếu thờ Thất vị Đại vương Lỗ Đinh Sơn tại các huyện Tam Dương, Bình Xuyên và thành phố Vĩnh Yên như các đình Lai Sơn, Yên Lập, Mỹ Hổ, Hữu Thủ, Sơn Bi, Thanh Giã; đền Bồ Lý; miếu Đậu; miếu Chám… Các di tích này hầu hết đã được xếp hạng cấp tỉnh. Hằng năm, vào tháng Giêng, các làng đều dâng hương, mở tiệc tưởng nhớ công lao của “Thất vị Đại vương Lỗ Đinh Sơn”. Tuy mỗi di tích có một kiến trúc khác nhau nhưng đều mang dáng vẻ trầm mặc, uy linh như lịch sử hào hùng để lại.

Còn nữa!

Đón đọc bài 2: Phục dựng, phát huy giá trị di tích thành điểm du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh

Nguyễn Hưng

Nguyễn Hưng

16:34 02/02/2023

Theo tôi trong bài viết biên làng “Hán Nữ” là sai, làng “Hán Lữ” mới đúng.