Việc thể hiện con người trong phim tài liệu Việt Nam (Phần 1)

 Nguyễn Thị Việt Nga.

07/10/2021 00:05

Theo dõi trên

Trong lịch sử phát triển nền nghệ thuật điện ảnh tài liệu dân tộc Việt Nam, những tác phẩm điện ảnh tài liệu thành công và được ghi nhớ nhất là những tác phẩm đã lấy tư tưởng thể hiện là con người, coi con người là trung tâm của thể hiện nghệ thuật.

         phim-tai-lieu-1631174431.jpg

       Trong lịch sử nghệ thuật nói chung và lịch sử điện ảnh nói riêng, con người từ lâu đã là nguồn cảm hứng chủ đạo, là đối tượng chính để các nghệ sĩ phản ánh, ngợi ca.

Nền điện ảnh Việt Nam [1] trong quá trình phát triển của mình đã có những thành tựu đáng tự hào. Tính cách anh hùng và nhân hậu của con người Việt Nam đã được phản ánh trong hàng trăm tác phẩm điện ảnh, đủ các thể loại, đề tài. Hình tượng con người được các nghệ sĩ thể hiện rất thành công, nhất là điện ảnh tài liệu- Vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng, một thời kỳ từng làm rạng danh nền điện ảnh nước nhà, đã chuyển tải được những hình ảnh có thật mà hàng triệu người dân và chiến sĩ ta đã từng gánh chịu, từng dâng hiến trong cuộc chiến đấu thần thánh, cũng như trong công cuộc xây dựng và tái thiết đất nước.

Để những tác phẩm điện ảnh không bị thờ ơ và lãng quên với thời gian, để sự nghiệp điện ảnh Việt Nam trưởng thành xứng đáng với nền văn hóa nghệ thuật dân tộc, chúng ta phải có một thái độ khoa học, nghiêm túc đối với quá trình định hướng sáng của người nghệ sĩ. Thể hiện hình ảnh con người là khuynh hướng chủ yếu của sáng tạo nghệ thuật, nhất là con người trong tác phẩm điện ảnh tài liệu, bởi vì từ trước tới nay nhiều người vẫn thường quan niệm rằng, điện ảnh tài liệu chỉ là cơ quan ngôn luận bằng hình ảnh và nó không liên quan gì tới việc thể hiện những số phận và cuộc sống của con người.

Nhưng có loại hình nghệ thuật nào mà không tiếp cận với con người, hơn nữa, điện ảnh tài liệu phản ánh những sự kiện của đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: Chính trị, kinh tế và văn hóa với sự tiếp cận trực tiếp đời sống và số phận của những con người bằng xương, bằng thịt đang diễn ra hàng ngày, và cũng chính những con người đó làm nên lịch sử của dân tộc và của đất nước. Bởi vậy, tư tưởng trong nghệ thuật được biểu hiện qua hình tượng con người và mối quan hệ của họ. Cho nên, dù là hình ảnh cuộc sống hay sự kiện cuộc sống trong tác phẩm đều phản ánh hoạt động của con người và lấy hình tượng sinh động thay cho lời nói của nghệ sĩ. Những lý lẽ đó đã được mọi người công nhận từ lâu không cần nhắc lại nữa. Trong điện ảnh cũng vậy, một bộ phim hay không thể có sự kiện mà không có con người, hoặc coi trọng sự kiện mà coi nhẹ con người. Con người cần được coi là trung tâm của tác phẩm. Đối với phim truyện và các loại hình nghệ thuật khác thì điều đó là quá rõ. Song ngay cả đối với điện ảnh tài liệu, dù ngôn ngữ của loại hình này là hình ảnh thực của cuộc sống, những tác phẩm nào lấy con người làm trung tâm, miêu tả con người, gắn số phận của cá nhân họ với số phận lịch sử của cả dân tộc và đất nước thì ở đó người nghệ sĩ sáng tạo đã đạt đến sự thành công. Và như vậy, nghệ sĩ đã có sự phát hiện mang tính chất hình tượng về sự thật cuộc sống. Tổng hòa sự thật cuộc sống với lý tưởng thẩm mỹ tiên tiến tạo thành sự thật nghệ thuật và quyết định sức mạnh tác động đến tư tưởng thẩm mỹ của con người. Trong các loại hình khác nhau của nghệ thuật ( văn học, sân khấu, âm nhạc, hội họa…) đều có sự thể hiện đặc trưng riêng, bởi chất liệu của từng loại hình nghệ thuật nhất định. Ở đây, người viết chỉ muốn nêu vấn đề thể hiện con người trong nghệ thuật điện ảnh tài liệu.

Trong lịch sử phát triển nền nghệ thuật điện ảnh tài liệu dân tộc Việt Nam, những tác phẩm điện ảnh tài liệu thành công và được ghi nhớ nhất là những tác phẩm đã lấy tư tưởng thể hiện là con người, coi con người là trung tâm của thể hiện nghệ thuật. Ai mà không xúc động trước hình ảnh những cô gái Ngư Thủy đầu chít khăn tang, bình tĩnh hướng nòng pháo vào tàu chiến Mỹ, trước hình ảnh cô gái dân quân xăm xăm vác đạn toàn thân ánh lên chất thép trong bộ phim  Những cô gái Ngư Thủy (1969, biên kịch, đạo diễn Thành Liêu, quay phim Lò Minh, Đỗ Duy Hùng- Giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim 1973, giải Bồ câu bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig- Cộng hòa Dân chủ Đức 1971 ), chất anh hùng ca toát ra từ những con người, từ mảnh đất có tên tuổi cụ thể. Những cảnh biển trời bao la, bãi cát mênh mông, những người dân ven biển kéo khẩu pháo nặng nề qua bãi cát, những trận chiến đấu mặt đối mặt với hạm đội 7 của Mỹ trên biển Đông, và nhất là chân dung các cô dân quân mà người quay phim ghi được trong những giây phút khá điển hình được các nhà làm phim, dựng phim, nhạc sĩ tạo lên thành những hình ảnh điển hình về cái đẹp, cái anh hùng, cái cao cả  trong những con người mộc mạc mà giản dị tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam anh hùng trong cuộc chiến tranh thần thánh chống kẻ thù xâm lược.

         Người xem phim tài liệu không thể quên hình ảnh mẹ Suốt chèo đò trên sông Nhật Lệ được sử dụng trong phim thời sự quân đội: Mỹ không chừa Mỹ còn chết và nhiều phim khác đã thể hiện nét mặt, bộc lộ ý chí cương quyết, cố gắng đến cao độ của mẹ. Mái tóc phất phơ trước gió theo nhịp đôi bàn tay chèo khẩn trương, chắc nịch, vươn mình trên bầu trời vẩn đạn, không chịu rời con đò tiếp tế trên sông Nhật Lệ nói lên sức mạnh tiềm tàng trong người mẹ già mảnh khảnh, người mẹ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, không có những sự chọn lọc về ánh sáng, bố cục. Góc độ ống kính là góc nhìn của người chiến sĩ ngồi trên đò, trước mặt mẹ Suốt đang chèo lái vượt bom đạn giặc qua song. Đoạn phim dài vẻn vẹn có 5-6 mét đã thể hiện khá đầy đủ ý chí quyết chiến đấu vì độc lập tự do của cả một Dân tộc qua hình tượng độc đáo của bà mẹ Việt Nam trogn một giây phút, trên một cương vị hoạt động thật đời thường ( người chèo đò), song cũng hết sức điển hình.

Ở bộ phim Lũy thép Vĩnh Linh, phim đã được tặng huy chương vàng tại Liên hoan điện ảnh quốc tế Matxcơva, 1967 ( Đạo diễn Ngọc Quỳnh, quay phim Ma Văn Cường, biên kịch Bành Châu ), sự thể hiện số phận khủng khiếp của con người trong chiến tranh hết sức sâu sắc, chân thực và gây xúc động lòng người. Từ mặt đất chi chít hố bom, camera chuyển lên bầu trời vẩn đục những áng mây. Một thiếu phụ chết ngồi, tay ôm xác đứa con nhỏ được ống kính kéo lại gần, rồi đẩy vụt ra xa và tạc vào nền đá xám như một bức phù điêu ghi lại đời đời tội ác man rợ của giặc Mỹ xâm lược. Nhưng dưới sâu trong lòng đất cuộc sống vẫn tưng bừng. Đôi mắt hóm hỉnh của một chàng trai tay cầm đàn, miệng hát truyền tới người xem cái bất diệt của người dân trên đồng quê bị cào xé này. Qua bộ phim, hàng triệu người xem trên thế giới đã cảm thông và ủng hộ cuộc chiến tranh chống xâm lược của nhân dân Việt Nam, họ đã trở thành những người bạn trong những tháng năm khốc liệt.

Con người trong phim tài liệu, đó là nguồn cảm xúc mà các nghệ sĩ điện ảnh tài liệu tìm đến với với những con người bình dị cũng như cuộc đời của những anh hùng dân tộc. Việt Nam- Hồ Chí Minh hay Hồ Chí Minh- Chân dung một con người là tên của những bộ phim mà các nhà làm phim tài liệu đã tái tạo lại bằng những hình ảnh thực cuộc đời hết sức vĩ đại và cũng vô cùng giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc đã gắn cuộc đời mình với những trang sử vẻ vang của đất nước ( Cả hai bộ phim đều nhận giải huy chương vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI và lần thứ VII ).

Có rất nhiều bộ phim của các nghệ sĩ điện ảnh trong và ngoài nước làm về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song, có lẽ điều có ý nghĩa lớn lao ở những bộ phim này, đó là chân dung, là một cuộc đời, là số phận của một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam- Hồ Chí Minh- Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, sự kết hợp hài hòa những phong thái rất khác nhau trong một con người vừa dân tộc, vừa quốc tế, vừa rất mực nhân từ, vừa triệt để cách mạng, rất uyên bác mà cực kỳ khiêm tốn, vừa vĩ đại, vừa vô cùng bình dị. Ở Người là lòng yêu nhân dân, yêu nhân loại không bao giờ thay đổi.

         Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu cao đẹp tiêu biểu cho nhân cách văn hóa Việt Nam, một biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn với đầy đủ ý nghĩa của nó. Người như một dòng cảm xúc vô tận cho sáng tạo của người nghệ sĩ. Cho nên không chỉ những phim nói về Người, mà cả những phim nói về Đảng, về đất nước thì Bác Hồ vẫn là  hình ảnh đậm nét đem đến cho người xem nỗi xúc động sâu xa về cuộc đời của Người dành cho dân, cho nước. Dù ở Paris hay Luân Đôn, khi là thầy giáo Nguyễn Tất Thành hay anh phụ bếp trên chiếc tàu buôn, lúc là Nguyễn Ái Quốc hay Hồ Chí Minh, Bác vẫn chỉ có một ham muốn tột cùng là Việt Nam được tự do, nhân dân Việt Nam được ấm no, hạnh phúc. Khi nằm trên giường bệnh trút hơi thở cuối cùng Bác vẫn hỏi tin chiến sự miền Nam và sớm mong ngày toàn thắng.

Làm phim về Hồ Chủ Tịch, các nghệ sĩ điện ảnh trong nước hay ngoài nước đều gặp nhau trong việc biểu hiện nét riêng thuộc về đạo đức, phẩm chất, lối sống thường ngày của Bác là giản dị, thanh bạch và gần gũi với nhân dân. Bác là lãnh tụ của cuộc kháng chiến nhưng Bác cũng là con người, một con người hết sức đời thường ở chỗ: Bác cũng đánh bóng chuyền với cán bộ, chiến sĩ giữa rừng Việt Bắc, Bác ăn cơm với các chiến sĩ trong đội bảo vệ, Bác cũng tập võ, dạy võ. Sáng ngủ dậy trong lán giữa rừng Bác cũng tự mình gấp chăn,  Bác cũng ra suối tắm, giặt giũ quần áo và Bác trở về, áo may ô phơi trên mũ, quần dài phơi dưới gậy rồi vác lên vai…

Chỉ ngần ấy nét chấm phá đã đem đến biết bao xúc động cho người xem. Đó cũng là sức mạnh riêng của điện ảnh tài liệu. Một chiếc giường gỗ đơn sơ với một cây đèn bàn thông thường, một ngôi nhà sàn nho nhỏ, đôi dép cao xu với một chiếc điện thoại cũ kỹ. Tờ di chúc viết trên mặt trắng của các bản tin… Tất cả đã nói lên nhân cách của con người Bác, nhưng nó cũng gợi lên sự cô đơn của một con người. Bác cũng thèm một tiếng cười trẻ thơ. Bác cũng cần có tiếng người giữa tiếng chim và tiếng cá. Nhưng vì Bác mang nặng trong lòng tình thương yêu vô bờ bến đối với nhân dân nên Bác đã hy sinh tất cả mà không giữ lại cho mình một chút gì gọi là chút riêng tư. Bác đi thăm và tặng quà cho các cụ già, chia kẹo cho trẻ em. Các em thiếu nhi quay quần bên Bác. “ Cho một tình thương lớn thì cũng nhận được một tình thương lớn”. Ở trong những bộ phim về Bác Hồ, người xem đâu có tìm thấy một nhà chính trị, một ông vua, mà họ chỉ tìm thấy ở đó một con người như biết bao con người đã gắn số phận mình với số phận của dân tộc và của đất nước.

_________________

 [1]. Nền điện ảnh Việt Nam: Bao gồm tất cả các thể loại, loại hình nghệ thuật điện ảnh gồm: phim truyện, phim tài liệu, phóng sự, phim khoa học, phim hoạt hình và hệ thống công nghiệp sản xuất điện ảnh, hệ thống phát hành chiếu phim trên toàn quốc

+ Điện ảnh tài liệu: bao gồm những bộ phim tài liệu, phóng sự dù ngắn hay dài nhưng đã được Montage ( dựng) thành tác phẩm hoàn chỉnh.

       (Kỳ sau đăng tiếp)

 

 

---

Đọc thêm những bài biết cùng chủ đề trên Chuyên trang Hội nhập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/

Bạn đang đọc bài viết "Việc thể hiện con người trong phim tài liệu Việt Nam (Phần 1)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn