Tuệ Trung Thượng Sĩ là ai ?

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

23/03/2023 09:48

Theo dõi trên

Về thơ, trước hết, phải kể đến HƯNG NINH VƯƠNG TRẦN TUNG (1230-1291), tức TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ. Ông là người đặt nền móng cho sự ra đời của THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ. Trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Trần Tung đóng góp rất nhiều công lao. Sử sách ít viết về Trần Tung, lý do là bởi ông sớm từ quan, rồi cống hiến phần đời còn lại cho Phật giáo.

b3vbl3-1679539567.jpg

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

Chính Pháp Loa (Đồng Kiên Cương), vị Tổ thứ hai của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, cũng là người chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Thượng Sĩ Tuệ Trung là Thiền Sư tu hành đã đạt đến Bồ Tát.

Pháp Loa có bài thơ ca ngợi ngài:

Ôi!

Thép ròng rèn được,

Gang sống đúc nên.

Thước trời gang đất,

Trăng sáng gió trong.

Quát!

Dịch thơ

Ngài như gang sống đúc nên,

Thép ròng luyện lấy, rạng tên tuổi vàng.

Thước trời thước đất so ngang,

Trăng thanh gió mát chơi ngàn năm sau.

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Điều đáng ghi nhận hơn cả ở Tuệ Trung Thượng Sĩ, chính là ở chỗ tư tưởng Thiền học của ngài đã có hơi hướng của “biện chứng” sơ khai. Chúng ta có thể tin rằng, Thượng Sĩ Tuệ Trung là người đầu tiên ở nước ta đưa ra khái niệm BẢN THỂ LUẬN mà ngày nay các nhà lý luận vẫn thường dùng.

Nhập thế là gì nhỉ? Theo Thượng Sĩ, nhập thế nghĩa là vì đời, vì nhân sinh, vì quê hương đất nước, chứ không phải là vì cái cá nhân nhỏ bé, cho dù, đó có thể là một cá nhân kiêu hãnh đi chăng nữa. Và cũng có thể là cái cá nhân hèn yếu của chính mình. Có thể nói rằng, điều này đã làm nên một khái niệm chung nhất, có tính phổ quát nhất, mà Trương Hán Siêu, vị danh sĩ đã từng sống qua 5 đời vua Trần, đã đúc kết trong bài BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ.

Giặc tan, muôn thủa thanh bình,

Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao!

Cũng có thể nói thêm rằng, tư tưởng nhập thế của Trần Tung đã ảnh hưởng khá rộng rãi đến nhiều tầng lớp xã hội đương thời. Ở đời nhà Hậu Lý trước đó, vốn đã có 3 dòng Thiền khác nhau cùng thịnh hành. Vô Ngôn Thông, Tì Ni Đa Lưu Chi và Thảo Đường. Cả ba dòng Thiền này, đến thời Trần, khởi nguồn từ tư tưởng nhập thế mang sắc thái đổi mới của Trần Tung, đã được hợp lưu thành một tông phái duy nhất, đó chính là Thiền phái TRÚC LÂM YÊN TỬ, do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Và cũng chính Ngài là vị Tổ thứ nhất của Thiền phái này.

Vua Trần Nhân Tông là học trò xuất sắc của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung. Chính Trúc Lâm Đại Sĩ Trần Nhân Tông đã hết lời ca ngợi Tuệ Trung Thượng Sĩ, rằng Ngài là “Pháp Hải độc nhân / Thiên tâm tam giác”, tức là “Biển pháp một người / Rừng Thiền ba phía”. Phật Hoàng Nhân Tông còn đánh giá Tuệ Trung Thượng Sĩ là “Ngọn đèn Tổ của Phật Hoàng, lấy tâm truyền tâm”, bởi chính ngài đã “làm phấn phát ngọn gió lành nhà Phật”.

Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viết:

Nhìn lên, càng thấy cao,

Khoan vào, càng thấy cứng.

Bỗng nhiên ở phía sau,

Nhìn, lại thấy phía trước.

Cái đó gọi là

Đạo Thiền của Thượng Sĩ!

(TÁN TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ)

Thượng Sĩ Tuệ Trung “GỢI BẢO MỌI NGƯỜI” rằng:

Tìm chi Thiếu Thất, Tào Khê,

Thể tính vằng vặc, chưa mê chưa lầm.

Trăng soi chẳng kể xa gần,

Gió trời thổi, đâu phải cần thấp cao?

Nhị sen thơm đỏ tươi sao,

Ánh thu đen trắng tùy vào sắc duyên.

“Bản lai” diệu khúc ca lên,

Tìm chi ở khắp bốn bên cõi người?

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ sáng tác và trước thuật nhiều. Tác phẩm của ông được các đồ đệ nồng nhiệt đón nhận. Nó cũng đã được tập hợp, được nghiên cứu, bàn khảo chu đáo trong THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC.

Thơ của Hưng Ninh Vương Trần Tung bộn bề tâm trạng, đặc biệt nhất là từ khi ông được giao chức TIẾT ĐỘ SỨ phủ Thái Bình. Chẳng bao lâu, ông bỏ chức quan về DƯỠNG CHÂN TRANG, ở Tĩnh Bang, thái ấp của ông, nay thuộc huyện Ninh Giang của tỉnh Hải Dương và huyện Vĩnh Bảo của thành phố Hải Phòng. Bên kia sông Hóa là vùng đất A SÀO, huyện Phụ Dực (nay là Quỳnh Phụ) tỉnh Thái Bình, đất phong của cha ông là Phò Mã Trần Liễu, đời Hậu Lý.

Những dằn vặt suy tư, những nghĩ suy đo đắn, có đôi chút chua cay với thế thái nhân tình được gửi gắm qua nhiều bài thơ Trần Tung để lại. Cuối cùng thì ông cũng đốn ngộ, quyết định hướng tâm theo Phật pháp. Từ đây, ông dày công nghiên cứu Phật học, trở thành cao Tăng bậc nhất đương thời. Hơn thế, ông đã thành Thượng Sĩ Tuệ Trung, tức đã đạt tới Bồ Tát. Nhưng ông vẫn sống như người thường. Ông vẫn lấy vài ba bà vợ và sinh con. Ông vẫn ăn thịt ăn cá như người thường. Ông nhập thế tùy duyên là vậy!

Bài PHÓNG CUỒNG NGÂM, hay là PHÓNG CUỒNG CA, chính là một bài ca đặc sắc của Trần Tung, chẳng những ở nghệ thuật đã đạt tới mức siêu đẳng, mà còn ở nội dung rất phong phú. PHÓNG CUỒNG NGÂM (Bài ngâm phóng cuồng) như biểu tượng chân dung đich thực của Trần Tung, ở giai đoạn giằng xé tâm tư, vô cùng phóng túng, để cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi cái bản thể chính mình, để tự khẳng định mình trong cái hỗn mang thế giới hữu hình. Say và tỉnh, để phóng cuồng vùng vẫy thoát ra khỏi chính mình, nhưng chưa thể thoát ra được.

HƯNG NINH VƯƠNG TRẦN TUNG là con trai đầu của An Sinh Vương Trần Liễu. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chính là em trai cùng mẹ của Trần Tung. Em gái ông là Hoàng Hậu của vua Trần Thánh Tông.

Bạn đang đọc bài viết "Tuệ Trung Thượng Sĩ là ai ?" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn