Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 30)

PGS TS Cao Văn Liên

07/06/2023 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử" của PGS TS Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành.

b1download-1686067178.jpg

Tranhh cổ động thành tựu xây dựng đất nước. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 30

 7 : Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc (1954-1975).

  -Thời kỳ khôi phục kinh tế  (1954-1957)

 Sau năm 1954, việc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mở đường cho miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội nhằm xây dựng một xã hội  không có người áp bức, bóc lột người, nhân dân ấm no hạnh phúc. Đồng thời xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của chi viện  cho miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ.

         Thời gian từ 1954 đến 1957 là thời kỳ nhân dân ta khôi phục kinh tế , hàn gắn lại  vết thương chiến tranh, hoàn thành nốt những nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ  còn lại .

         Trong khôi phục kinh tế, khôi phục nông nghiệp là trọng tâm. Khi đó 14 vạn ha ruộng đất bị bỏ hoang, các công trình thuỷ lợi lớn và vừa bị phá huỷ, đê điều không được củng cố, nông cụ, trâu bò, sức kéo  thiếu thốn, mất mùa đói kém kéo dài từ 1954 đến 1955. Trong khi đó vấn đề ruộng đất, một trong những nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ vẫn chưa hoàn thành. Cho nên khôi phục kinh tế nông nghiệp gắn liền với cải cách ruộng đất nhằm đánh đổ giai cấp địa chủ, đem lại ruộng đất cho nông dân .

         Cải cách ruộng đất diễn ra rầm rộ ở nông thôn miền Bắc  từ 1955 đến 1956. Kết quả đã  xoá bỏ toàn bộ giai cấp địa chủ. Cải cách tiến hành qua 5 đợt ở 3.653 xã, đã chia 81 vạn ha ruộng đất, 10 vạn trâu bò, 2 triệu nông cụ cho nông dân.  Nông dân có ruộng đất, trâu bò nông cụ để sản xuất khôi phục kinh tế.  Năm 1957, 85% ruộng đất được cày cấy, đạt 4 triệu tấn lương thực .

         Trong sản xuất thủ công nghiệp cũng được phục hồi, năm 1957 sản lượng đạt bằng năm 1939 (trước chiến tranh thế giới thứ II). Thủ công nghiệp đã  sản xuất đủ hàng hoá  cho nhân dân, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Trong công nghiệp có 97 xí nghiệp do nhà nước quản lý.  Đã khôi phục và mở rộng hầu hêt các xí nghiệp quan trọng như mỏ than Hồng Gai, nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy dệt Nam Định. Ta xây dựng các nhà máy mới: Nhà máy cơ khí Hà Nội, nhà máy diêm Thống nhất, nhà máy chè Phú Thọ, nhà máy cá hộp Hải Phòng. Giao thông vận tải được khôi phục và mở rộng: Khôi phục 700 km đường sắt, sửa chữa hàng nghìn km đường ô tô, xây dựng mở mang thêm cảng Hải Phòng, Hồng Gai, Cẩm Phả, Bến Thuỷ; lập đường hàng không dân dụng. Về thương mại, ta mở cửa quan hệ thương mại thế giới. Năm 1957 ta đặt quan hệ buôn bán với 27 nước . Trên cơ sở thắng lợi trong khôi phục kinh tế, hệ thống chính trị được tăng cường. Ngày 5-9-1955 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập do cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ Tịch, nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân được củng cố tăng cường về quốc phòng, văn hoá, giáo dục phát triển. Trong chính sách đối ngoại ta tăng cường quan hệ mật thiết hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa và với các dân tộc yêu chuộng hoà bình  trên thế giới, với các nước châu Á-châu Phi và  khu vực Mỹ La Tinh, thắt chặt tình hữu ngghị liên minh chiến đấu với ba nước Đông Dương .

         -Thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa 1958-1960: Cải tạo xã hội chủ nghĩa là một trong ba nội dung của cách mạng xã hội chủ nghĩa: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng kinh tế  và cách mạng tư tưởng văn hoá. Cải tạo xã hội chủ nghĩa là cách mạng quan hệ sản xuất, tức là thủ tiêu tất cả những hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, biến thành sản xuất công cộng với hai hình thức: Sở hữu tập thể (Hợp tác xã nông nghiệp và thủ công nghiệp) và sở hữu nhà nước (Sở hữu toàn dân). Nước ta là nước nông nghiệp  nên cải tạo quan hệ sản xuất nông nghiệp được xem là trọng tâm, còn phải cải tạo đối với thủ công nghiệp, cải tạo thành phần kinh tế tư sản. Năm 1958 bắt đầu đẩy mạnh  hợp tác hoá, đưa các hộ nông dân cá thể vào hợp tác xã nông nghiệp. Đến năm 1960, 85,5% số hộ nông dân, 76%  đất đai trồng trọt đã vào hợp tác xã các cấp, trong đó có hơn 1.490 hợp tác xã bậc cao. Hình thành sở hữu toàn dân với hình thức nông trường quốc doanh. Năm 1960, 88 % thợ thủ công đã gia nhập hợp tác xã thủ công bậc thấp và cao, 783 hộ tư sản công nghiệp (100%), 862 hộ tư sản thương nghiệp (97 %), 319 hộ tư sản vận tải (99 %) được cải tạo xã hội chủ nghĩa, đạt tổng cộng 97 % số hộ tư sản  ở các ngành kinh tế. Như vậy vào những năm 60 toàn bộ các thành phần kinh tế  tư nhân bị xoá bỏ, chỉ còn sở hữu  tập thể (hợp tác xã) và sở hữu nhà nước. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa về cơ bản được xác lập, chế độ tư hữu  bị thủ tiêu. Cuộc cách mạng trong quan hệ sản xuất thành công .

          - Thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất chất cho chủ nghĩa xã hội 1961-1965

 Nội dung chính của thời kỳ này là công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm  là tiến hành cách mạng khoa học kỹ thuật. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965 nhằm thực thi nhiệm vụ này. Nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất  là nhằm phát triển công nghiệp và nông nghiệp, nâng cao trình độ văn hoá, vật chất cho nhân dân, củng cố quốc phòng, hoàn thiện thêm một bước quan hệ sản xuất. Kết quả, công nghiệp quốc doanh phát triển mạnh, đóng vai trò trụ cột lãnh đạo nền kinh tế quốc dân. Năm 1965  xây dựng được 1.045 xí nghiệp,  nhà máy trong đó  250 xí nghiệp lớn do Trung ương quản lý, còn lại do địa phương quản lý. Hình thành  một nền công nghiệp nặng với các ngành cơ khí, luyện kim, hoá chất. Công nghiệp nhẹ phát triển mạnh. Ngoài công nghiệp trung ương, còn có mạng lưới  công nghiệp địa phương. Năm 1965 công nghiệp đã sản xuất bảo đảm  90% hàng tiêu dùng  và một phần máy móc .

         Đẩy mạnh thêm một bước Cách mạng quan hệ sản xuất, nâng cao quan hệ sản xuất nông nghiệp, bằng việc đưa các hợp tác xã cấp thấp lên cấp cao, tức là hợp tác xã từ qui mô một thôn, vài thôn đưa lên qui mô toàn xã. Năm 1965 nông thôn miền Bắc đã đạt 76,7% hợp tác xã bậc cao. Chú ý xây dựng cở vật chất hạ tầng cho hợp tác xã. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các hợp tác xã tăng 4,9 lần, điện tăng 9 lần, máy kéo tăng 11 lần so với 1958-1960. Các hệ thống công trình thuỷ lợi, sửa chữa cơ khí tăng. Năng suất sản xuất nông nghiệp gia tăng: 1960 có 162/700 hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn một ha, sản lượng nông nghiệp 1965 tăng 23%. Nội nggoại thương được gia tăng và đẩy mạnh. 1965 Việt Nam dân chủ cộng hoà đã buôn bàn với 35 nước trên thế giới .

         Năm 1961-1965 tăng tiến trong lĩnh vực văn hoá giáo dục. Năm 1965 học sinh phổ thông tăng 3,5 lần, học sinh học nghề và sinh viên đại học  tăng 25 lần, số bác sĩ tăng 5 lần so với 1960, 70%  số huyện có bệnh viện , 90% số xã  ở đồng bằng, 78% số xã ở miền núi có trạm y tế. Sự thay  đổi  phát triển kinh tế, văn hoá làm cho xã hội thay đổi. Giai cấp công  nhân tăng về số lượng và chất lượng, giai cấp nông dân tập thể được xác lập, liên minh công-nông càng thêm vững chắc, trí thức xã hội chủ nghĩa phát triển thành một giai tầng  mới của xã hội đóng vai trò to lớn trong cách mạng văn hoá,  khoa học kỹ thuật. Tóm lại, trong 10 năm xây dưng chủ nghĩa xã hội (1958-1965), miền Bắc có những biến đổi lớn lao về kinh tế, xã hội, văn hoá và khoa học kỹ thuật .

         (Còn nữa)

          CVL

 

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 30)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn