Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 26)

PGS TS Cao Văn Liên

03/06/2023 06:08

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử" của PGS TS Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành.       

 Kỳ 26

 Tuy nhiên chính quyền ta cũng kiên quyết trừng trị những tên phản động gây tộí ác mà có bằng chứng cụ thể. Để tránh mũi nhọn của địch đang chĩa vào Đảng, tháng 11 năm 1945, Đảng tuyên bố tự giải tán  (thực tế rút vào hoạt động bí mật), chỉ để lại một bộ phận hoạt động công khai lấy tên là “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác”. Kết quả to lớn của các sách lược này là đã hạn chế và vô hiệu hoá hoạt động lật đổ chính quyền ta của quân Tưởng .

b1chien-thang-dbp-4976-1685697448.jpg

Ngày 7.5.1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh : Tư liệu

 

         Giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 12-1946: Hoà với Pháp để đuổi quân Tưởng. Sau đại chiến thế giới thứ  hai (1939-1945) nội chiến giữa chính quyền Tưởng Giới Thạch với lực lượng cách mạng Đảng cộng Sản Trung Quốc bùng nổ khốc liệt. Tưởng giới Thạch phải rút quân về nước, ra khỏi vấn đề Việt Nam. Pháp cũng muốn hoà hoãn với Tưởng. Do Mỹ dàn xếp,  ngày 28-2-1946 Tưởng và Pháp ký “Hiệp ước Pháp- Hoa”, theo đó, Tưởng đồng ý cho quân đội Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân đội Tưởng. Phía Pháp phải nhường cho quân Tưởng nhiều quyền lợi quan trọng .

         “Hiệp ước Pháp -Hoa” đặt ra cho Chính phủ ta hai con đường, thứ nhất chống lại việc quân Pháp ra miền Bắc. Như vậy ta đã chống lại “Hiệp ước Pháp -Hoa”, chống lại một lúc cả Pháp và Tưởng  mà sau chúng là Mỹ.  Con đường thứ hai là ta cho quân Pháp ra miền Bắc, mượn quân Pháp đẩy nhanh 20 vạn quân Tưởng về nước, tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến. Trước hai con đường đó ta chọn giải pháp hoà hoãn với Pháp. Thực hiện sách lược này ta đã tiến hành một quá trình đàm phán với Pháp. Lúc 16 giờ ngày 6-3-1946 Hồ Chủ tịch đã ký với đại diện Pháp Xanh tơni “Hiệp định sơ bộ” tại số nhà 38 phố Lý Thái Tổ-thành phố Hà Nội. Theo đó Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam dân chủ cộng hoà là một Quốc gia Tự do nằm trong Khối liên hiệp Pháp. Chính phủ ta đồng ý cho quân đội Pháp vào miền Bắc Việt Nam  thay quân đội Tưởng  với danh nghĩa Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật. Hai bên ngừng bắn ở Nam Bộ để tạo không khí thuận lợi cho việc đàm phán chính thức tại Pa ri .

         Ngày 31-5-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Cuộc đàm phán chính thức giữa Việt Nam và Pháp diễn ra tại lâu đài Phôngtennơblô (cách Pa ri 60 km). Trong thời gian này ở Đông Dương, thế lực hiếu chiến Pháp đã phá vỡ “Hiệp định sơ bộ”, mở rộng cuộc xung đột ở Đông Dương. Vì thế cuộc đàm phán Việt-Pháp tại Phôngtennơblô không đạt kết quả. Ngày 14-9-1946 trước khi lên đường về nước, để cứu vãn tình thế, Hồ Chủ tịch ký với Pháp bản tạm ước , theo đó hai bên Pháp -Việt ngừng cuộc xung đột, phía Pháp phải thi hành tự do dân chủ ở Nam Bộ và thả những người bị Pháp bắt. Pháp được một số quyền lợi kinh tế, văn hoá  ở Việt Nam . “Với Hiệp định sơ bộ” và bản “Tạm ước 14-9” ta đã loại trừ được quân Tưởng mà đằng sau là Mỹ để ta tập trung lực lượng vào kẻ thù chính là Pháp, tranh thủ được thời gian để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến, cho một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi vì Pháp quyết tâm dùng vũ lực xâm lược nước ta một lần nữa .

         Tóm lại từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đứng đầu là Hồ Chủ tịch, ta đã giữ vững được chính quyền cách mạng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở miền Nam, có thời gian để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sắp bùng nổ. Nguyên nhân thắng lợi là Đảng ta đã có đường lối chính trị đúng đắn, cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, biết xác định kẻ thù chính  để tập trung lực lượng đối phó với Pháp. Tất cả đường lối này là phải dựa vào sức mạnh của nhân dân để thực hiện. Chỉ có sức mạnh của nhân dân mới đưa đất nước, chính quyền vượt qua được tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” hiểm nghèo, củng cố và bảo vệ được chính quyền cách mạng .

          5-Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954)

  Trong năm 1946-1954 Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải đương đầu với cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp.  Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở các đô thị,  làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của Pháp.  Ta đánh bại Pháp ở Chiến dịch Việt Bắc thu-đông 1947, ở Chiến dịch Biên giới 1950,  chiến dịch Trung du: Chiến dịch Trần Hưng đạo 1950-1951,  chiến dịch Hoàng Hoa Thám 1951,  Chiến dịch Quang Trung 1951,  chiến dịch Hoà Bình 1951,  chiến dịch Tây Bắc 1953-1954 mà đỉnh cao nhất là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. 

           Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta, sự chuyển biến to lớn trong quá trình phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Điện Biên Phủ đã đưa cuộc kháng chiến của ta từ phản công cục bộ sang hình thái phản công trên toàn chiến trường Đông Dương. Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của ta đến thắng lợi, buộc Pháp phải ký hiệp nghị Giơ nevơ, lập lại hoà bình ở Đông Dương trên cơ sở công nhân độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương .

         Chiến thắng Điện Biên Phủ có ảnh hưởng to lớn trên thế giới, là chiến thắng của các dân tộc thuộc địa Á-Phi chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc. Địên Biên Phủ là một tiếng sấm vang rền báo hiệu thời kỳ bão táp của phong trào giải phóng dân tộc châu Á, châu Phi, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc. Điện Biên Phủ đã góp phần vào việc bảo vệ hoà bình thế giới .

         Thắng lợi của Điện Biên Phủ là kết quả của sự lãnh đạo chính trị, quân sự của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính  nhưng biết tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới, tạo nên sức mạnh của dân tộc và sức mạnh quốc tế đè bẹp quân thù. Là Thắng lợi của sự đoàn kết chiến đấu hi sinh biết bao xương máu của nhân dân ta, của nhân dân hai  nước bạn Lào và Cam pu chia. Là thắng lợi của sức mạnh bắt nguồn từ cuộc chiến tranh chính nghĩa cách mạng, chiến tranh nhân dân, sức mạnh của cả một dân tộc quyết tâm không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ một lần nữa. Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã đóng góp 25 vạn dân công với 3 triệu ngày công được huy động để phục vụ. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp với các đơn vị công binh mở đường phá bom bảo đảm cho giao thông vận tải lưu thông . Trên hai vạn xe đạp thồ, xe trâu, xe bò, xe ngựa, hàng vạn thuyền bè đã được dùng chở hàng vạn tấn gạo, thực phẩm, đạn dược, thuốc men . . . ra mặt trận trên những tuyến đường dài 500 km .

         Tháng 1-1954 trong cuộc họp các Ngoại trưởng 4 nước ở Béc Lin,  theo đề nghị của Liên Xô, Anh, Pháp Mỹ đồng ý triệu tập Hội nghị Giơ nevơ gồm đại diện của 4 cường quốc Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và các bên có liên quan để giải quyết vấn đề chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương. Ngày 4-5-1954 phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hoà do đồng chí Phạm Văn Đồng, quyền Bộ trưởng ngoại giao dẫn đầu đến Giơnevơ. Ngày 8-5-1954 Hội nghị Giơnevơ bàn về vấn đề Đông Dương khai mạc. Cuộc đấu tranh ngoại giao gay gắt.

           (Còn nữa)

              CVL      

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 26)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn