Đặc điểm nghệ thuật Gốm Biên Hòa

Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, gốm Biên Hòa là một thương hiệu lớn với các sản phẩm gốm của Trường dạy nghề Biên Hòa tham dự triển lãm quốc tế tổ chức tại Paris năm 1925 đã từng vang danh trên “thị trường gốm” thế giới.

Năm 1903 người Pháp thành lập Trường dạy nghề Biên Hòa (École Professionnelle de Bien Hoa), cũng được xem là nơi dạy nghề gốm đầu tiên của Đông Dương, đã góp phần làm thay đổi về chất của gốm Biên Hòa. Gốm Biên Hòa là sự kết hợp các nguyên liệu tự nhiên để tạo ra những màu men đặc biệt cùng với sự đa dạng về chủng loại, tạo dáng, tính trang trí và khắc chìm nhằm hướng tới cái đẹp của sự hài hòa trên sản phẩm.

Từ lâu vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đã có cư dân sinh sống và hình thành nghề làm gốm. Những nhà nghiên cứu như Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc đã bàn luận cụ thể về việc hình thành và phát triển của gốm Biên Hòa. Năm 1679, một số thợ gốm người Hoa theo Trần Thượng Xuyên vào Biên Hòa, họ lập ra lò sản xuất gốm ở Cù Lao Phố để phục vụ cho việc sử dụng, trao đổi và buôn bán với các vùng lân cận. Tại Rạch lò gốm (Cù Lao Phố) hiện còn rất nhiều mảnh gốm sành da nâu, xám nhạt cùng dấu vết của xỉ lò được các nhà khảo cổ đoán định là nơi sản xuất gốm có nguồn gốc của cư dân Trung Bộ và gốm của người Hoa ở Việt Nam có niên đại thế kỷ XVII -XVIII. Như vậy, có thể nói Cù Lao phố là nơi xuất phát nghề thủ công làm gốm ở Biên Hòa được những lưu dân Việt và Hoa tạo lập thời kỳ khai phá vùng đất này.

thuong-hieu-gom-bien-hoa-vang-danh-the-gioi-mot-thoi-1635135453.jpg
Thương hiệu Gốm Biên Hòa vang danh một thời

Đặc biệt, Năm 1903 người Pháp thành lập Trường dạy nghề Biên Hòa (École Professionnelle de Bien Hoa)[1], được xem là nơi dạy nghề gốm đầu tiên của Đông Dương. Dưới sự điều hành của ông Serré từ năm 1918-1922, hàng năm Trường đều có sản phẩm trưng bày tại Hội Mỹ thuật Sài Gòn (Société des Beaux-Arts de Saigon). Đến năm 1923, ông Robert Balick làm Hiệu trưởng và bà Mariette Balick làm Trưởng Ban gốm, có thể coi thời gian này là mốc lịch sử làm thay đổi về chất của gốm Biên Hòa. Bà Balick tốt nghiệp gốm ở Limoges[2], khi phụ trách Ban gốm tại trường bà đã vạch hướng đi riêng cho Ban gốm, đó là tập trung vào các dòng sản phẩm gốm trang trí nhiều màu sắc, hoa văn chạm khắc đặc sắc và màu men lạ. Đa số những men này được chế tạo từ nguyên liệu tự nhiên như tro rơm, tro lò, thủy tinh (mảnh),…Những loại men được bà Balick cùng các cộng sự người Việt tạo ra thời bấy giờ là men ta (men làm từ tro), men đá đỏ (men làm từ đá ong Biên Hòa) và đặc biệt men xanh đồng (Vert de Bien Hoa) rất đẹp.

Năm 1925, các sản phẩm gốm của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa tham dự cuộc Triển lãm quốc tế tổ chức tại Paris đã gây tiếng vang lớn và trở thành thương hiệu gốm nổi danh châu Âu. Chính phủ Pháp đã tặng bằng khen danh dự tối ưu và Ban tổ chức triển lãm tặng huy chương vàng. Sau đó, cuộc Triển lãm quốc tế tại Paris năm 1933, sản phẩm gốm Biên Hòa đã thực sự chiếm được vị trí của mình ở Pháp và thị trường gốm quốc tế. Những năm tiếp theo, sản phẩm của Trường đã liên tục tham gia nhiều cuộc triển lãm lớn ở trong và ngoài nước như: Nagoya (Nhật Bản - 1937), Hà Nội (1938), Sài Gòn (1942), Bangkok (1953 và 1955), PhnomPenh (1957). Có thể khẳng định, nửa đầu thế kỷ XX là thời kỳ phát triển và hưng thịnh nhất của gốm Biên Hòa. Giai đoạn này, những đặc điểm nghệ thuật của gốm Biên Hòa đã được hình thành và khẳng định. Dưới đây, chúng tôi muốn đi sâu phân tích một số đặc điểm nghệ thuật đó.

1. Đặc điểm về kỹ thuật tạo hình

Kỹ thuật thực hiện sản phẩm gốm Biên Hòa, từ lúc còn là đất khai thác ở mỏ đến khâu tạo dáng trên bàn xoay, sau đó trang trí vẽ chìm, đắp nổi hoặc trổ thủng rồi phủ men màu và công đoạn cuối cùng là đưa vào lò nung. Mỗi công đoạn đều có những kỹ thuật khác nhau cho từng loại sản phẩm, ví dụ: Để tạo hình một bình hoa có thể áp dụng kỹ thuật xoay bằng tay hoặc rót khuôn; Để tạo một cái đôn tròn hình voi thì có thể kết hợp giữa xoay bằng tay và đắp trực tiếp những mảng phù điêu nổi lên trên,…Có thể nói, các kỹ thuật tạo dáng, kỹ thuật khắc, chấm men, độ lửa nung đã làm nên sự hấp dẫn kỳ lạ và độc đáo cho gốm Biên Hòa. Sản phẩm gốm tiêu biểu của trường Mỹ nghệ Biên Hòa với loại men riêng dựa trên sự kết hợp các chất liệu tại chỗ và men gốm Tây. Năm 1923 được xem là mốc lịch sử làm thay đổi về chất của gốm Biên Hòa.

Gốm Biên Hòa rất đa dạng kiểu dáng với nhiều chủng loại khác nhau như các loại đôn voi, đôn tròn hình rồng, đôn hoa mai, các loại chậu hoa, đĩa trang trí, bình thú và đặc biệt là tượng người. Sự cân đối, hài hòa về hình dáng của sản phẩm cùng với nét độc đáo được thể hiện qua các phù điêu và tượng nhỏ. Bên cạnh những tượng nhỏ được thị trường cũng như những nhà sưu tầm ưa chuộng thì còn có những phù điêu tranh lịch sử, phù điêu lễ hội dân gian rất công phu với các họa tiết chạm khắc rất đẹp và đa dạng.

Những sản phẩm gốm gia dụng như: lu, khạp, nồi đất,... thì yếu tố công năng sử dụng giữ vai trò quyết định về hình thức tạo dáng. Sự liền lạc và dịu dàng của đường cong tạo ra cái lu, đường lượn tạo ra cái bình, đường thẳng tạo nên những viên gạch gốm trổ thủng dùng để trang trí các ô cửa sổ đã toát lên vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của người dân Việt Nam. Biên Hòa còn nổi tiếng bởi các sản phẩm gốm đất nung (gốm đỏ) không phủ men, nhưng mang vẻ đẹp tự nhiên. Các nghệ nhân gốm Biên Hòa chú trọng khai thác, sáng tạo bằng tất cả tâm hồn hướng đến cái đẹp và cái thiện được thể hiện qua những dòng sản phẩm như tượng Phật, Bồ tát, La hán.

Để đánh giá chất lượng của một sản phẩm gốm sứ, con người thường dựa vào những tiêu chí: “Nhất dáng, nhì xương, tam men, tứ trí”. Như vậy, nghệ thuật tạo dáng sản phẩm là yếu tố hàng đầu trong nghệ thuật tạo hình gốm. Tạo dáng sản phẩm là cơ sở để nghệ nhân định hình và tiến hành các hình thức thể hiện khác nhau. Điều đó đòi hỏi người sáng tạo phải nắm vững đặc điểm chất liệu để kết hợp đường nét và mảng khối trong nghệ thuật tạo hình không gian ba chiều nhằm tạo ra những sản phẩm ứng dụng tốt, tiếp cận theo xu hướng và quan niệm thẩm mỹ của thời đại.

Các yếu tố chất liệu, nghệ thuật chế tác, kỹ thuật và phong cách thể hiện, nghệ thuật tạo dáng sản phẩm, đã làm nên đặc điểm riêng của một dòng gốm nổi tiếng. Có thể nói, có nhiều yếu tố tạo hình để hình thành nên sự hài hòa của một sản phẩm, ví dụ như: Tỉ lệ của chiều cao so với chiều rộng, Tỉ lệ của thân bình so với các bộ phận khác, Tỉ lệ của miệng bình so với đáy bình, cuối cùng là tỉ lệ từng bộ phận so với tổng thể (Hình 3). Có dạng bình thì tác giả chủ động tạo dáng cổ bình ngắn, thân bình dài và lớn nhằm mục đích tập trung vào phần thân bình để truyền tải nội dung muốn thể hiện các nhân vật trọng tâm lớn hơn, rõ hơn, đồng thời tạo nên sự tương phản mạnh giữa mảng có hình và mảng không có hình. Phần miệng bình tạo cho người xem cảm giác chắc chắn và vươn lên. Giữa phần miệng bình và phần thân bình được kết nối bởi những quai bình mềm mại nhằm tạo nên nhịp nối

chuyển động, hoài hòa trong một tổng thể đẹp.                                      

                                

gom-bien-hoa-2-1635135452.jpg
Gốm Biên Hòa. Ảnh Internet

Gốm Biên Hòa có nhiều kiểu dáng và chủng loại khác nhau, song vẻ đẹp truyền thống mang tính đặc trưng của nó thể hiện qua các yếu tố tạo hình như: sự cân đối, hài hòa về hình dáng và nghệ thuật phối màu men trên từng sản phẩm.

2. Đặc điểm về tính trang trí

Mô típ trang trí (decorative motifs) gốm Biên Hòa đều gắn với ý nghĩa và biểu tượng của các motifs tiêu biểu từ hoa lá, cây cỏ đến một số con vật được lưu truyền trong dân gian. Về cơ bản, hoa văn trang trí trên gốm Biên Hòa rất phong phú, từ hoa văn truyền thống của dân tộc đến những họa tiết riêng của vùng miền và nhiều motifs  hiện đại khác. Sự đa dạng của hoa văn truyền thống cùng với motifs hiện đại đã đưa gốm Biên Hòa trở nên gần gũi với người thưởng ngoạn trong và ngoài nước.

Ngoài những sản phẩm như chậu hoa, đôn voi, lu, khạp, đèn trang trí,… gốm Biên Hòa còn thể hiện khá nhiều đề tài lịch sử, đề tài lao động, đề tài sinh hoạt. Mỗi đề tài đều gắn với một điển tích, một cảnh sinh hoạt hay một cốt truyện cụ thể trong dân gian. Nó là những lời ngợi ca các anh hùng, ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam trong lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Sự kết hợp hài hòa của nhiều màu men mà mỗi đồ án trang trí hiện diện như một tác phẩm hội họa với đầy đủ các yếu tố về bố cục, đường nét, mảng khối, phối màu, không gian, thời gian được chắt lọc, sắp xếp theo các quy tắc của nghệ thuật trang trí.

Gốm Biên Hòa là sự kết hợp của nhiều màu men cùng với độ dầy–mỏng của men khi có ánh sáng tác động vào sẽ hình thành những sắc độ đậm nhạt, sáng tối khác nhau tạo nên tính trang trí. Điều này đã thể hiện qua những công trình nghệ thuật công cộng của gốm Biên Hòa: “Gốm trong kiến trúc Biên Hòa có một hòa sắc độc đáo trên cùng một màu men được pha chế từ men ta truyền thống, có loại men trong, có loại đục và tạo nhiều hiệu ứng khác nhau như tuôn tạo sợi, lốm đốm bông tròn hay bông hình sao, ánh đỏ của màu xanh khi men bị khử, lấm tấm trắng trên màu xanh dương…Trên những sắc men này, nếu có sự tác động của ánh sáng sẽ làm cho sắc màu men lung linh huyền ảo trên các công trình kiến trúc Biên Hòa”[3].

Hiện nay, Biên Hòa có hai dòng gốm chủ yếu đang được các lò sản xuất là gốm mỹ nghệ hoa văn đất trắng với kỹ thuật khắc chìm, vẽ hoa văn trực tiếp lên gốm và gốm đất đen được nung ở nhiệt độ cao. Đặc điểm chính của gốm Biên Hòa là trang trí theo kiểu khắc chìm, chạm lộng vào thân sản phẩm, hoa văn rõ ràng, dứt khoát, phân mảng màu sắc riêng biệt (Hình 4, hình 5, hình 6), cùng với kỹ năng phối màu men mang tính sáng tạo trên cơ sở những màu men truyền thống nổi tiếng đã nâng nghệ thuật trang trí gốm Biên Hòa vươn tới cái đẹp của sự hoàn thiện.

Tính trang trí được thể hiện khá rõ nét qua sản phẩm, bình Tùng - Hạc (Hình 6) là một bức tranh sinh động về cảnh sinh hoạt của cả một đàn chim với nhiều hình dáng khác nhau, có con thì đậu nhưng đầu nhìn lên hướng con đối diện như đang trò chuyện cùng nhau, con thì đang bay lên cao đi tìm mồi, con thì lại đang nhìn về hướng xa với tâm trạng đợi chờ… Tất cả những hình ảnh ấy đã toát lên cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của loài chim đang hòa nhập cùng nhau. Đặc biệt, hình tượng cành và lá cây Tùng mang tính trang trí cao, đã tạo nên sự liên kết giữa các mảng hình và nét tạo thành nhịp điệu chính. Bố cục của đồ án trang trí này mang tính tự do, các họa tiết phát triển tự nhiên và chạy vòng quanh phủ kín diện tích bề mặt, cùng một vài mảng mây được cách điệu đã tạo nên sự chuyển động nhịp nhàng theo hướng vươn lên rất đẹp.

                                                                        

gom-bien-hoa-1-1635135453.jpg
Gốm Biên Hòa. Ảnh Internet

 

Có thể nói, gốm Biên Hòa đã thể hiện được những yếu tố quan trọng của nghệ thuật trang trí, đồng thời khẳng định phong cách độc lập trong sáng tạo và có xu hướng riêng biệt để bảo tồn và phát huy. Điều này được xác định từ thời người Pháp quản lý Trường dạy nghệ Biên Hòa đã quyết định đến phong cách sáng tác nghệ thuật của gốm Biên Hòa “Việc Trường Bá nghệ Biên Hòa chọn phương pháp khắc chìm và phối màu men trên sản phẩm thay vì là gốm men Lam rất phổ biến ở Miền Bắc và Huế có thể cho chúng ta hình dung sự độc lập trong sáng tạo và xu hướng riêng biệt”[4]

Những thủ pháp áp dụng vào trang trí gốm Biên Hòa như: chạm khắc, chạm lộng, trang trí nét chìm, vẽ nét chìm kết hợp với chạm lộng rồi tô men. Men màu trên gốm Biên Hòa rất phong phú, có cả hệ màu sáng lẫn men màu trầm, mỗi sản phẩm có thể được phối hợp nhiều màu rất hài hòa, tạo nên đặc điểm vùng miền của gốm Biên Hòa. Chạm lộng là hình thức trang trí thông dụng thường xuất hiện trên gốm Biên Hòa, tạo những mảng đậm làm nền cho các mảng hoa văn trên các sản phẩm trang trí nội thất như gạch trang trí, chân đèn trang trí, đôn voi, đôn rồng, bình, lọ,… khi kết hợp với ánh sáng từ trong ra nhằm tạo hiệu ứng sáng lung linh. Nghệ thuật trang trí gốm luôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm tăng giá trị thẩm mỹ của sản phẩm gốm, đồng thời nó thể hiện được đặc điểm vùng miền hay bản sắc của một dân tộc.

Kết luận: Gốm Biên Hòa là sản phẩm giao thoa giữa ba dòng gốm: gốm bản địa, gốm Trung Hoa và gốm Limoges của Pháp. Chính vì vậy, nó rất đa dạng về chủng loại, với nhiều kiểu dáng khác nhau và đặc biệt là khẳng định phong cách độc lập trong sáng tạo và có xu hướng riêng biệt. Nhìn chung, đặc điểm rõ nét nhất của dòng gốm Biên Hòa là tính tổng hợp của sự phong phú về chủng loại, hoa văn, nội dung đề tài, hình thức thể hiện linh hoạt và tinh tế về kỹ thuật tạo hình. Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi khẳng định rằng gốm Biên Hòa đẹp và độc đáo từ nghệ thuật tạo dáng, nghệ thuật chạm lộng, khắc chìm, phân mảng màu men riêng biệt cùng với kỹ năng phối màu men mang tính sáng tạo trên cơ sở những màu men truyền thống nổi tiếng của trường dạy nghề Biên Hòa thời kỳ ông Balick làm hiệu trưởng.                                              

Tài liệu tham khảo

Trần Khánh Chương (2004), Gốm Viết Nam từ đất nung đến sứ, Nxb Mỹ thuật.

Phan Đình Dũng, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Yên Tri (2004), Gốm Biên Hòa, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.

Tô Văn Thăng (2015), “Ứng dụng những giá trị gốm truyền thống vào các công trình kiến trúc nghệ thuật công cộng tại Biên Hòa”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học gốm Đồng Nai và các vùng phụ cận từ truyền thống đến hiện đại, Nxb Đồng Nai. 

Nguyễn Háo Thoại (2003), “Vài nét về hoạt động của trường trong thời gian trước đây”, Kỷ yếu, 100 năm hình thành và phát triển, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.

Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc (1997), Tượng gốm Đồng Nai - Gia Định, Chi hội Việt Nam dân gian Đồng Nai, Nxb Đồng Nai.

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai (2003), 100 năm hình thành và phát triển, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.

Mark Getlein (2013), Living with art, Tenth edition, Published in New York.

Henri Laurens (1926), L’art Chinois classique, Éditions Paris.

                                                                                             

 

 

[1] Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai (2003), 100 năm hình thành và phát triển, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.

 

[2] Limoges ở phía Tây Nam nước Pháp, cách thủ đô Paris khoảng 400km, nổi tiếng với nghề làm gốm lâu đời. Hiện nay Trường quốc gia cao cấp công nghiệp gốm sứ (ENSCI) trực thuộc Trường Đại học Limoges.

[3] Tô Văn Thăng (2015), “Ứng dụng những giá trị gốm truyền thống vào các công trình kiến trúc nghệ thuật công cộng tại Biên Hòa”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học gốm Đồng Nai và các vùng phụ cận từ truyền thống đến hiện đại, Nxb Đồng Nai. 

 

[4] Nguyễn Háo Thoại (2003), “Vài nét về hoạt động của trường trong thời gian trước đây”, Kỷ yếu, 100 năm hình thành và phát triển, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.

 

Tiến sĩ- Họa sĩ Đoàn Minh Ngọc- Trường ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/index.php/dac-diem-nghe-thuat-gom-bien-hoa-a7712.html