Linh ứng sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hiền tài siêu phàm của nước Việt: Bài 3: Người Việt đầu tiên có tầm nhìn chiến lược “chủ quyền Biển Đông”

Trong “gia tài” tri thức mà Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho hậu thế một di sản khá đồ sộ cả về chữ Hán và chữ Nôm, về văn thơ và bia ký. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Về hai chữ Việt Nam, chính Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đầu tiên dùng để chỉ tên đất nước, rồi đến đời vua Gia Long (triều Nguyễn) dùng làm tên nước chính thức cho đến hôm nay.

bkhiem-1a-1634701266.jpg
Tranh minh họa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguồn: Internet

 

Về thơ chữ Hán, Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân am thi tập với khoảng một nghìn bài. PGS.TS Trần Thị Vinh viết trong cuốn “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc - Hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức” rằng đây là con số mà từ thời đại nhà Mạc trở về trước hoàn toàn chưa có. Đến như Nguyễn Trãi cũng chỉ có 105 bài. Về thơ chữ Nôm, Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân quốc ngữ thi tập nhưng không rõ có tất cả bao nhiêu bài. Ngoài ra, ông để lại nhiều bài văn bia và sấm ký. Ông được coi là người viết nhiều thơ văn nhất trong năm thế kỷ đầu tiên của nền văn học nước nhà.

Đáng chú nhất là trong Trong Bạch Vân am thi tập của  Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ “Cự  Ngao Đới Sơn” sáng tác cách nay hơn 500 năm theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Nguyễn Bỉnh Khiêm có khả năng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một tầm nhìn chiến lược thấu suốt về chủ quyền của đất nước trên biển Đông.

Trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp thời gian gần đây, giới nghiên cứu ở Việt Nam đã nhiều lần nhắc đến hai câu thơ trong bài thơ “Cự ngao Đới sơn” mang tính dự báo thiên tài của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”.

Bài thơ tuy đã 5 thế kỷ mà bây giờ càng đọc càng thấy rất… thời sự, tưởng như  Trạng Trình đang nói với chính chúng ta hôm nay.

Nguyên văn bài thơ “Cự ngao Đới sơn”:

Bích tẩm tiên sơn triệt để thanh,

Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh.

Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực,

Trước cước trào vô quyển địa thanh.

Vạn lý Đông minh quy bả ác,

Ức niên Nam cực điện long bình.

Ngã kim dục triển phù nguy lực,

Vãn khước quan hà cựu đế thành.

Dịch nghĩa:

Con rùa lớn đội núi

Nước biếc ngâm núi tiên trong tận đáy,

Con rùa lớn đội được bầu ngọc mà sinh ra.

Ngoi đầu lên, đá có sức vá trời

Bấm chân xuống, sóng cuồn cuộn không dội tiếng vào đất.

Biển Đông vạn dặm đưa về nắm trong bàn tay,

Muôn năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình.

Ta nay muốn thi thố sức phù nguy,

Lấy lại quan hà, thành xưa của nhà vua.

Dịch thơ:

Con rùa lớn đội núi

Núi tiên biển biếc nước trong xanh,

Rùa lớn đội lên non nước thành.

Đầu ngẩng trời dư sức vá đá,

Dầm chân đất sóng vỗ an lành.

Biển Đông vạn dặm dang tay giữ,

Đất Việt muôn năm vững trị bình.

Chí những phù nguy xin gắng sức,

Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình.

(Bản dịch của Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai)

Từ ngàn xưa, dân Việt đã là cư dân của văn hóa biển - đảo. Điều đó được thể hiện trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, khi 2 người chia tay, 50 người con theo mẹ lên non (rừng), 50 người con theo cha xuống biển. Do đó “Vạn dặm biển Đông” phải quay về nắm lấy trong bàn tay. Đúng như tiên tri của Trang Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có làm chủ được biển Đông, thì muôn đời cõi trời, đất nước Nam này sẽ vững vàng trong cảnh thanh bình thịnh trị.

Đó là lời dự báo thiên tài, lời truyền dạy của tổ tiên. Nó phải được cảm nhận để hành động trên quy mô của dân tộc. Nói như Trạng Trình quay về giữ trong bàn tay có nghĩa là nói sự làm chủ của mình. Tinh thần làm chủ của chúng ta là vừa biết kiên quyết bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng, vừa biết tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các nước lân bang trên cơ sở luật pháp, tức Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp quốc (UNCLOS 1982).

Trước đây khi đề cập đến lãnh thổ, chúng ta thường nói nhiều về sông núi, đất đai, chúng ta có nói về biển nhưng không nhiều, biển không là trọng điểm nhấn mạnh. Nhưng từ 5 thế kỷ trước, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự báo tầm quan trọng của biển đảo dẫn đến sự tồn vong thịnh trị của cả quốc gia. Điều ấy cho thấy tầm chiến lược về bảo vệ chủ quyền đất nước của Trạng Trình rất rộng lớn và toàn diện.

Làm chủ Biển Đông, mà tổ tiên đã trao truyền, ngày nay theo chiến lược biển của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện cả ba mặt. Thứ nhất là làm chủ những vấn đề về lịch sử, pháp lý, cả những gì liên quan đến sức mạnh vật chất, tinh thần, để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thứ hai là phải xây dựng một nền kinh tế biển hoàn chỉnh hữu hiệu. Thứ ba là phát triển khoa học và văn hóa biển. Cả ba lĩnh vực trên là ba khâu liên hoàn, làm tiền đề, nhân quả tương tác lẫn nhau. Bảo vệ chủ quyền để phát triển kinh tế biển. Muốn phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền hữu hiệu lại phải coi trọng xây dựng các ngành khoa học biển và văn hóa biển. Đó chính là một năng lực mới của dân tộc huy động sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ đất nước hình chữ S có chiều dài trên 3.260 km bờ biển Đông trải dài từ Bắc xuống Nam, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam (chưa kể bờ biển của các hải đảo), đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Cùng với trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo.

Dựa vào cơ sở các văn bản pháp lý công bố rộng rãi trong nước và quốc tế, chúng ta cần kiên trì đấu tranh ngoại giao, đàm phán với các nước láng giềng, các nước có tranh chấp thềm lục địa, vùng chồng lấn, phân chia vùng biển lịch sử và đảo; xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển.

Trên tin thần đó, Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam xác định: “Chiến lược biển phải kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh…”.

Phát triển kinh tế biển phải gắn với quản lý, bảo vệ biển, đảo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên biển, hải đảo. Nghị quyết Đại hội X của Đảng chỉ rõ: "Phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”. Đến Đại hội hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Về cơ bản, các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế biển thể hiện trong các văn kiện, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030. Về mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Về quan điểm phát triển, phát triển bền vững kinh tế hiển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ của Tổ quốc, cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của quốc gia… Nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc rất nặng nề, đòi hỏi phải thường xuyên quán triệt, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, tổ chức triển khai thực hiện chủ động, sáng tạo trong thực tiễn ở mọi cấp, ngành và toàn dân; phát huy cao nhất vai trò nòng cốt của các lực lượng vũ trang nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới mà Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã truyền dặn.

Một số giải pháp chủ yếu đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo:

Một là, xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển vững mạnh, chủ động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển từ sớm, từ xa.

Hai là, không ngừng chăm lo, củng cố, xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng chính trị, tinh thần vững chắc, sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ba là, đánh giá đúng tình hình trên các vùng biển, đảo, làm cơ sở cho việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thực hiện nhất quán: kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa và lợi ích chính đáng của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, là điều kiện bảo đảm cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thắng lợi. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật chặt chẽ, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Biển Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, v.v.

(Hết)

VXB

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/index.php/linh-ung-sam-trang-trinh-nguyen-binh-khiem-hien-tai-sieu-pham-cua-nuoc-viet-bai-3-nguoi-viet-dau-tien-co-tam-nhin-chien-luoc-chu-quyen-bien-dong-a7557.html