Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 46)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

    

m-t-loan-1632968867.jpg
Tranh minh họa: Mai Thúc Loan phất cờ khởi nghĩa chống ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường.

            

Kỳ 46.

Sáng hôm sau, bốn bác cháu dậy ăn sáng xong, khi không còn gia nhân trong phòng ăn thì Phùng Hạp Khanh nói nhỏ với Phùng Phu nhân:

-Bà phải bí mật không nói cho ai biết, kể cả gia nhân trong nhà và láng giềng, tôi và ba cháu vào Diễn Châu tham gia đánh quân Đường dưới cờ của Mai đại Nhân. Bà chịu khó chờ chúng tôi vài năm. Nhớ bảo trọng.

Phùng Phu nhân buồn rầu nắm tay Phùng Hạp Khanh, nói nhỏ:

-Tướng công và các cháu nhớ bảo trọng nha.

Trước khi lên ngựa, chị em Phạm Thị Uyển ôm lấy bá mẫu tạm biệt. Phùng Hạp Khanh thì dặn gia nhân ở nhà giúp đỡ Phùng phu nhân cho tốt. Các gia nhân đều nói:

-Dạ chủ nhân, nô tì tuân lệnh chủ nhân.

Rồi bốn bác cháu lên ngựa, phi về hướng Tống Bình và từ Tống Bình đi về hướng Nam theo đường thiên lý về Diễn Châu. Phùng phu nhân và các gia nhân nhìn theo bốn người ngựa xa dần trong gió bụi của một sớm mùa hề năm 713.

                                                                     II

 Sau một ngày và một đêm hành trình, vượt 400 dặm đường từ Đương Lâm, cuối cùng bác cháu Phùng Hạp Khanh cũng đã tới được Diễn Châu. Bốn bác cháu vào quán ăn cơm xong, Phùng Hạp Khanh hỏi bà hàng cơm:

-Thưa cụ, cụ cho tôi hỏi thăm đường về núi Hùng Sơn?

  Bà già tươi cười miệng nhai trầu bỏm bẻm:

-Không biết bao nhiêu người đã hỏi về Hùng Sơn, về nơi Mai chúa công phải không? Nhưng Đại nhân không phải lên Hùng Sơn nữa. Tuần trước, quân của Mai chúa công đã tấn công lấy được trị sở của quân Đường là Vạn An ở Sa Nam. Đại nhân cứ đến Vạn An, Mai chúa công đã ở đấy rồi. Toàn bộ Diễn Châu, Hoan Châu và Phúc Lộc Châu  đã được giải phóng rồi.

-Thật vậy à bá mẫu. Đa tạ bá mẫu.

-Không dám, không dám.

  Bốn bác cháu lên ngựa về thành Vạn An. Dọc đường họ thấy những người dân Diễn Châu đi lại ngoài đường vui mừng, phấn khởi cười nói. Họ vui mừng vì quê hương được Mai chúa công giải phóng khỏi ách thống trị tàn bạo của giặc Đường. Cuối cùng, bốn bác cháu cũng đến được cổng thành Vạn An. Thành được che chở nghiêm ngặt bởi địa thế núi sông hiểm trở, bởi những người lính quân phục màu nâu gươm giáo thay phiên nhau đi tuần tra, thay phiên nhau cầm giáo đứng gác. Phùng Hạp Khanh và ba người cháu xuống ngựa, tiến lại cổng thành, lại gần người lính. Người lính tiến ra hỏi lễ phép:

-Đại nhân, tiểu thư và công tử đi đâu? Muốn gặp ai?

  Phùng Hạp Khanh đáp:

-Chúng tôi muốn đến đầu quân, tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai chúa công.

Người lính gác nói với người lính đang ngồi trong buồng gác:

-Đệ vào báo cho đại nhân Phòng Hậu ra có khách

-Dạ.

Người lính đi và một lát sau trở về cùng một người đàn ông khoảng hơn 30 tuổi, mặc võ phục màu nâu, áo giáp đồng, đội mũ đâu mâu nhọn bằng đồng, lưng mang gươm. Người đó chắp tay chào Phùng Hạp Khanh và nói:

-Tiểu tướng là Phòng Hậu, người được Mai chúa công cử ra đón đại nhân, tiểu thư và các đệ. 

Phùng Hạp Khanh chắp tay thi lễ:

-Đa tạ, tại hạ là Phùng Hạp Khanh, ba người này là cháu của tại hạ. Chúng tôi ở  Đường Lâm thuộc Phong Châu. Nay chúng tôi về đây định đầu quân cho sự nghiệp của Mai chúa công. Đã nghe đại danh của Phòng đại nhân từ lâu rồi, nay mới được gặp. Hân hạnh, hân hạnh.

Phòng Hậu đáp:

-Hân hạnh, hân hạnh. Trước hết xin mời Phùng đại nhân, tiểu thư và hai đệ vào phòng khách nghỉ ngơi rồi mai sẽ ra mắt Mai chúa công.

-Đa tạ, đa tạ Phòng đại nhân.

Phòng Hầu gọi:

-Người đâu!

Một người lính chạy ra:

-Dạ, Tướng quân.

-Dắt bốn con ngựa vào chuồng cho thóc và nước cho nó ăn uống tử tế, rõ chưa.

-Dạ.

Bốn con ngựa bị người lạ dắt đi mắt luôn ngoái nhìn những chủ nhân. Phòng Hậu dẫn bốn bác cháu Phùng Hạp Khanh vào sâu trong nội thành. Ba bác cháu nhận một phòng có ba giường, Phạm Thị Uyển được một phòng riêng. Bốn Bác cháu ăn cơm chiều xong, tối nghỉ ngơi để hôm sau còn gặp mặt Mai Thúc Loan.

Sáng hôm sau, bốn bác cháu ăn sáng xong, Phòng Hậu báo cho Phùng Hạp Khanh biết buổi chiều hôm nay Mai chúa công mời bốn bác cháu tới dự buổi gặp mặt với các tướng lĩnh. Phạm Thị Uyển bảo bác:

-Tranh thủ sáng nay, bác đưa chúng cháu đi thăm phong cảnh thành Vạn An, mới nhìn qua mà cháu thấy rất đẹp và đầy kỳ thú.

Phạm Huy và Phạm Miễn cũng đồng thanh nói:

-Phải đó bác, bác dẫn chúng cháu đi.

 Phùng Hạp Khanh cười nói:

-Bác cũng đang muốn đi xem, bác cháu ta cùng đi.

  Thành Vạn An vốn là trấn trị Diễn Châu của nhà Đường. Thành nằm trên vùng đất Sa Nam, thuộc Vận Diên Nam Đường, trong một thung lũng rộng lớn. Chung quanh được bao bọc những dãy núi đá như Hùng Sơn, Liên Sơn…Các dãy núi đó không liền nhau nên bị cắt ra tạo nên những cồn cát, những quả đồi thấp. Trên những đồi và cồn đó Mai Thúc Loan đã cho nghĩa quân đắp những bức thành, những chiến lũy cao lên bằng núi, nối liền mạch với nhau tạo nên những bức tường thành vừa của thiên nhiên, vừa do con người tạo ra vô cùng vững chắc. Chất liệu xây dựng những bức thành nhân tạo đó là đất sét nhào với đá nhỏ tròn hình trái cây nên gọi là đá trái. Phía Nam của thành là dòng sông Lam bắt nguồn từ Ai Lao chảy qua Nam Diễn Châu tại Vạn An và xuôi về Nam là Hoan Châu  rồi đổ ra biển ở cửa Hội. Sông Lam chảy từ Tây sang Đông thành, tạo nên chiến lũy bảo vệ thành ở phía Nam. Ở mạn Tây và Tây Bắc là vùng hồ Nón rộng bao la che chắn. Thành còn được dãy Thiên Nhẫn cùng một chiến lũy dài 2 dặm, án ngự bảo vệ phía Nam. Phía ngoài những dãy núi là đồn trại của quân lính bảo vệ thành mà trung tâm là Vệ Sơn. Biểu Sơn hình quả bầu bảo vệ cánh tả, Lưu Sơn bảo vệ mặt trước, Ngọc Đái Sơn hình đai ngọc cạnh thành Vạn An là đồn Tổng chỉ huy, thống lĩnh cả hai đạo thủy bộ. Kế liền với thành Vạn An phía Tây là thung lũng Rậm. Từ Cồn Vệ bơi theo mạn trái sông Lam là thung lũng Rậm rộng hàng chục mẫu vuông được dãy Hùng Sơn bao bọc. Đây là căn cứ quan trọng sau thành Vạn An, là nơi khởi nghĩa đầu tiên của Mai Thúc Loan được gọi là căn cứ Hùng Sơn.

Bốn bác cháu say mê trước cảnh đẹp hùng vĩ muôn màu của vùng Vạn An, của Diễn Châu. Những dãy núi xanh ngắt mù sương, huyền bí trong cây lá um tùm bí ẩn như là huyền thoại. Những mặt hồ, mặt sông rộng lớn soi bóng những núi non, cây cối chung quanh và còn mọc lên giữa những lòng hồ. Sông Lam xanh biếc mơ màng uốn lượn quanh co soi bóng cổ thành lung linh sóng nước. Đang là mùa hạ, ánh nắng ban mai rải xuống khắp không gian làm cho sông nước, cây lá núi non như rạng rỡ thêm. Gió chạm vào cây, cây đung đưa và hát lên bản nhạc xạc xào muôn thuở.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-i-tieu-thuyet-lich-su-ky-46-a6992.html