Giáo sư Ngô Đức Thịnh, một nhà khoa học nặng lòng với đạo Mẫu

Sắp tới ngày 15 tháng 4 Tân Sửu (ngày 26/5/2021) là ngày giỗ đầu Giáo sư Ngô Đức Thịnh (1944-2020), để tưởng nhớ Giáo sư, Văn hóa và Phát triển. xin đưa lại hình ảnhbài viết đọc trong buổi lễ chúc mừng GS. Ngô Đức Thịnh nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, do Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam tổ chức, ngày 4/6/2017 tại đền Lưu Phái.

giao-su-ngo-duc-thinh2-1621351074.jpg
 

Nhân dịp GS-TS Ngô Đức Thịnh được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam và Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Đạo Mẫu Việt Nam tổ chức buổi liên hoan gặp mặt thân mật chúc mừng  Giáo sư - Giám đốc. Trước tiên thay mặt Ban tổ chức xin chân thành cảm ơn sự hiện diện của Quý vị đến tham dự cùng chung vui. Tại Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu khẳng định: “ Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật là những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành tặng các tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình có giá trị đặc biệt có nội dung tư tưởng tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà”. GS Ngô Đức Thịnh bên cạnh cụm tác phẩm được trao giải thưởng, ông còn đóng góp to lớn trong việc  nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, trong đó có Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Ông là người khới xướng, đặt nền móng về lý luận, định hướng và đóng góp trực tiếp trong việc vinh danh, hoằng dương Đạo Mẫu.

GS-TS Ngô Đức Thịnh, sinh năm 1944 tại Hải Phúc, Hải Hậu, Nam Định. Năm 1980, ông bảo vệ thàng công luận án Tiến sĩ, năm 2002 được phong hàm Giáo sư. Từ năm 1994 là Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam / Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian. Từ năm 2008 đến nay là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam). Ông là Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore Châu Á. Ông tự nhận mình là “ một người dành trọn đời mình cho đạo Mẫu” và theo tôi Mẫu cũng đã chọn ông !

Sinh ra ở Nam Định, ngay từ nhỏ ông đã được nghe những điệu hát chầu văn, được dự nhiều vấn đồng, nhận ban phát lộc.  Thời điểm những năm 60-80 của TK XX khi GS Ngô Đức Thịnh bắt tay vào nghiên cứu thì Tín ngưỡng thờ Mẫu và Hầu đồng bị cấm vì bị coi là mê tín dị đoan. Ngay việc nghiên cứu, công bố, phổ biến và công nhận các nghiên cứu về đề tài này cũng còn rất khó khăn, hạn chế. Việc dấn thân nghiên cứu một lĩnh vực nhạy cảm như vậy, nhất là với tư cách một cán bộ nghiên cứu ăn lương nhà nước đã là cả  một sự dũng cảm. Nhưng ông tự nhận thấy mình phải có trách nhiệm nghiên cứu để tìm ra câu trả lời “ Vì sao bị cấm đoán mà Hầu đồng vẫn diễn ra một cách bí mật, các điện phủ và hầu đồng vẫn sinh sôi mặc dù phải che dấu ?”. Sau một thời gian nghiên cứu, năm 1992 ông cho ra đời cuốn " Hát văn", năm 1996 ông cho xuất bản bộ sách gồm 2 tập " Đạo Mẫu ở Việt Nam". Với một thái độ khách quan, khoa học, thận trọng, Giáo sư Ngô Đức Thịnh  âm thầm tích lũy tư liệu, suy nghĩ để viết ra được cuốn sách về đạo Mẫu Việt Nam đày đủ và hệ thống. Khoảng thời gian 10 năm lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam của GS.TS. Ngô Đức Thịnh là quãng thời gian ông hoàn thiện và nâng cấp nội dung từ cuốn " Đạo Mẫu", thành " Đạo Mẫu ở Việt Nam" và tái bản  vào năm 2010 với tên là " Đạo Mẫu Việt Nam"  Đây không chỉ là thay đối hình thức chữ nghĩa tên sách, mà là một bước tiến về nhận thức. Cuốn " Đạo Mẫu Việt Nam" đã khẳng định ở Việt Nam đã hình thành và định hình một tín ngưỡng thờ Mẫu (nữ thần) của mình, với những bản sắc rất riêng, Nói cách khác, Đạo Mẫu Việt Nam đã trở thành một khái niệm khoa học thực sự. Nội dung được nghiên cứu toàn diện và sâu sắc hơn trước, cuốn " Đạo Mẫu Việt Nam " đã trở thành “ cẩm nang” trợ giúp đắc lực trong việc thực hành nghi lễ của các thủ nhang, thanh đồng ở khắp mọi vùng đất nước. Cuốn sách là chuyên luận khoa học đồ sộ nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được xuất bản và tham khảo nhiều nhất đối với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Năm 2007 cuốn chuyên luận " Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận" ra đời. Cuốn sách nói về những tâm tư, nguyện vọng, những ẩn ức và cách thăng hoa của  các ông bà đồng. Năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức hội thảo quốc tế  nhân dịp kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định. Hội thảo kết thúc và cuốn " Văn hóa thờ Nữ Thần - Mẫu ở Việt Nam và Châu Á - Bản sắc và giá tr"ị dày gần nghìn trang đã trở thành công trình nghiên cứu tầm cỡ mà công đầu thuộc về GS. Ngô Đức Thịnh. 

giao-su-ngo-duc-thinh-1621351074.jpg
 

 Sau khi thôi chức Viện trưởng, ông từ chối lời mời của nhiều nơi và không quản ngại những khó khăn ban đầu, ông cùng một số ít anh chị em tâm huyết tự đứng ra thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam. Trên cương vị Giám đốc ông có nhiều thời gian dành con đường nghiên cứu tâm linh về    đạo Mẫu. Trung tâm có quá trình nỗ lực liên tục, không ngừng nghỉ và gặt hái được nhiều thành công  tổ chức nhiều hoạt động đóng góp rất cụ thể. Hoạt động nổi bật của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam là coi trọng việc xây dựng mối quan hệ, gắn kết với cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về di sản văn hóa tín ngưỡng Việt Nam; Bước đầu mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các nước, xác lập được vị thế của mình trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.

Ngay từ khi thành lập, GS Ngô Đức Thịnh đã chủ trương kết hợp cùng cộng đồng  trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Ông cho thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Đạo Mẫu Việt Nam và Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Việt Nam. Lấy việc bảo tồn các giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu như một di sản văn hóa phi vật thể, theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa. Câu lạc bộ có sự tham gia các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cùng đông đảo các thanh đồng, cung văn, tín hữu. Hoạt động không chỉ dựa vào việc nghiên cứu kinh viện, mà chú trọng hoạt động thực tiễn, rút kinh nghiệm, đề ra chương trình, kế hoạch cho hoạt động. Tổng số hội viên đến nay gần 700 người trên cả nước, Câu lạc bộ đã thành lập 5 chi hội/tổ trực thuộc tại thành phố Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Nam Định, tỉnh Hải Dương.  Dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Trung tâm tăng cường phối hợp với ngành văn hóa các tỉnh, thành phố hỗ trợ cộng đồng thực hành tổ chức tọa đàm kết hợp liên hoan nghi lễ Chầu văn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang. Đến các địa chỉ xa như Côn Đảo, Phú Quốc, Bạch Long Vỹ… Ở đâu ông dù trong khi ốm mệt, đi sớm về khuya ông cũng trực tiếp tham gia. Hình ảnh, ngày 20/5/2017 buổi sáng ông nhận giải thưởng  tại Nhà hát Thành phố, thì ngay buổi chiều ông đã vượt hàng trăm cây số để có mặt tham dự Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Đông Cuông, Yên Bái. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Trung tâm đã phối hợp với tỉnh Nghệ An, tỉnh Nam Định, tỉnh Vĩnh, tỉnh Thanh Hóa , tỉnh Đồng Nai,Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học.  Phối hợp cùng Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện Dự án “Đạo Mẫu và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước”. Sau các hội thảo khoa học đều tập hợp các tham luận in sách làm tài liệu. Trong công tác đối ngoại, giao lưu quảng bá giá trị văn hóa truyền thông; Trung tâm đã tổ chức thuyết trình giới thiệu kết hợp trình diến tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội  (L’Espace) “ Lên đồng - Bảo tàng sống của Văn hóa Việt” và “ Trình diễn Nghệ thuật Chầu văn”. Giao lưu, trao đổi đoàn giữa Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam với Hội Bảo tồn Seoul Saenam Gut Bojnhoe (Hàn Quốc); Tham gia trình diễn, giới thiệu Hầu đồng trong Liên hoan Văn hóa thế giới tại thành phố Gannat (Cộng hòa Pháp). Giao lưu, giới thiệu Hầu đồng tại Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ. Đóng góp trong việc xây dưng Hồ sơ Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam, Tứ Phủ của người Việt do Bộ Văn hóa, Thể thao chủ trì trình UNESCO xem xét. Đến nay,Tín ngưỡng thờ Mẫu đã tồn tại mang tính pháp lý trong xã hội. Các ông bà đồng, các đồng thày, đạo hữu v.v… đã được Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian ( đến nay được 05 người là NNUT và trên 60 NNDG)

giao-su-ngo-duc-thinh4-1621351074.jpg
 

Là một nhà khoa học GS Ngô Đức Thịnh cũng chỉ ra nhưng mặt hạn chế của thực hành tín ngưỡng, GS Ngô Đức Thịnh luôn nói với các thanh đồng “ Đạo Mẫu là ngôi nhà đẹp, nhiều ý nghĩa nhưng cũng đầy rác rưởi. Ông kêu gọi tất cả mọi người cùng chung tay “dọn dẹp”, trả lại ý nghĩa cho ngôi nhà đó !”. Cần tập hợp được các thanh đồng, giúp họ định hướng trên nguyên tắc họ là chủ thể của di sản, tổ chức theo cách thức này và giáo dục các thanh đồng, hướng họ vào một quỹ đạo . Ông mạnh dạn đề xuát xin thành lập tổ chức về thờ Mẫu để khắc phục tình trạng tản mạn, vô tổ chức, buông lỏng quản lý. Thông qua hình thức tổ chức này để phát huy tính chủ động của cộng đồng tín hữu trong việc phát huy các giá trị Đạo Mẫu và khắc phục tình hình lợi dụng trục lợi, biến dạng trong nghi lễ Hầu bóng.Trải qua gần 10 năm GS.TS. Ngô Đức Thịnh đã cùng với cộng đồng các ông bà đồng bền bỉ góp phần gây dựng và khẳng định rõ nét hơn giá trị lớn lao của tín ngưỡng thờ Mẫu. Những ngày đầu tháng 12 năm 2016, cả nước hân hoan với tin vui Tín ngưỡng Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tin vui đến khiến cho GS.TS. Ngô Đức Thịnh khỏe khoắn lên, nghiền ngẫm những vấn đề xa hơn với những kế hoạch công việc mới đầy sáng tạo đang dần hình thành trong chương trình hoạt động của Trung tâm. Niềm vui đó được cộng đồng chủ thể văn hóa thực hành thờ Mẫu ở khắp Việt Nam cùng hân hoan đón mừng. Đối với GS.TS. Ngô Đức Thịnh, niềm hạnh phúc là đã thực hiện được những điều mình tâm huyết. Hạnh phúc của ông là “ Sống chết với Đạo Mẫu và Lòng thành là điều quan trọng nhất !”. Giờ đây, Đạo Mẫu Việt Nam được UNESCO, được Đảng và Chính phủ công nhận đã trở thành hiện thực, cho thấy những băn khoăn, khát khao khám phá khoa học của giáo sư  Ngô Đức Thịnh và những giọt mồ hôi đổ ra trong các công trình nghiên cứu và những đóng góp của ông là không uổng. 

Một lần nữa xin kính chúc Giáo sư cùng gia quyến mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng. Cầu xin Thánh Mẫu phù hộ cho ông có thêm sức khỏe, trí tuệ để sánh bước cùng cộng đồng chủ thể thực hành trong công cuộc hoằng dương, vinh danh Đạo Mẫu !

Trân trọng.

(Phát biểu trong buổi lễ chúc mừng GS-TS Ngô Đức Thịnh nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017)

giao-su-ngo-duc-thinh1-1621351074.jpg
 
giao-su-ngo-duc-thinh5-1621351074.jpg
 

 

 

Bài viết Phạm Tứ - Ảnh Nguyễn Văn Kự

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/giao-su-ngo-duc-thinh-mot-nha-khoa-hoc-nang-long-voi-dao-mau-a2468.html