Thẩm mỹ công nghiệp là yếu tố quyết định cho sự cạnh tranh của sản phẩm

Nói đến sản phẩm công nghiệp, nhất là hàng tiêu dung, đương nhiên là phải nói đến hình thức của các sản phẩm đó. Sản phẩm công nghiệp có cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường hay không thì yếu tố thẩm mỹ góp phần quyết định chứ không phải là tăng năng suất, hạ giá thành.

xe-dap-1668823893.jfif
 

 

Thẩm mỹ công nghiệp là yếu tố quyết định để sản phẩm chiếm lĩnh thị trường

Ai cũng thấy, xe máy của hãng Honda trên thị trường thế giới và cả ở Việt Nam bán được là do hình thức chứ không phải công nghệ, kỹ thuật vì điều này đã hoàn thiện từ hàng chục năm trước. Mỗi lần Honda tung ra thị trường một dòng xe mới thì về cơ bản là thay đổi mẫu mã chứ hoàn toàn không phải là cải tiến kỹ thuật. Thậm chí giá bán cũng khác nhau ngay từ nước sơn với các chủng loại sản phẩm.

Và ngay cả với đế chế phần mềm Microsoft, mỗi lần hệ điều hành Windows và bộ phần mềm văn phòng Office của họ lên đời thì về bản chất cũng chỉ là thay đổi giao diện chứ về mặt công nghệ thì theo nhận xét của không ít người có khi còn rối rắm hơn những sản phẩm trước đó.

Để làm được việc này, theo doanh nhân Nguyễn Liên Phương – Chủ tịch Học viện Doanh nhân LP - thì phải kết hợp được cả 3 yếu tố là công nghệ, quản trị và cái đẹp. Có thể sắp xếp 3 yếu tố này thành một hình tam giác với đỉnh trên cùng chính là cái đẹp. Trong một bình diện chung thì các nhà thiết kế phải tạo dáng cho sản phẩm công nghiệp trong điều kiện cho phép của kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì chính cái đẹp là là bên ra điều kiện cho kỹ thuật và công nghệ phải phát triển để đáp ứng được yêu cầu đặt ra về thẩm mỹ công nghiệp. Điển hình trong trường hợp này có thể nói đến các sản phẩm cụ thể về máy tính bảng và điện thoại thông minh mà hãng Apple đã đi đầu để cung cấp ra thị trường toàn cầu.

Về thực tế này, theo các nhà chuyên môn Hàn Quốc thì tư bản là tiền và thiết kế là hoa của nền công nghiệp. Và thực tế, Hàn Quốc thành công chiếm lĩnh thị trường thế giới và cạnh tranh ngang ngửa với Nhật Bản về hàng tiêu dùng chính nhờ vào yếu tố thẩm mỹ công nghiệp bên cạnh sự vượt trội của họ về kỹ thuật và công nghệ.

Có thể nói một cách hình tượng là sản phẩm chưa biết có tốt hay không nhưng trước hết phải đẹp thị mới chiếm lĩnh được thị trường. Tuy nhiên, khi đã đạt được tiêu chí về cái đẹp thì đương nhiên cũng phải tốt vì nếu không tốt thì đó là đồ dởm. Thực tế đó cho thấy, để sản phẩm công nghiệp Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thì các doanh nghiệp phải đầu tư thích đáng cho thẩm mỹ công nghiệp và thậm chí trong cơ cấu lãnh đạo rất cần có vị trí Giám đốc Thiết kế như ở nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Rất tiếc, ở Việt Nam đang tồn tại một thực tế là…

Kỹ sư không biết gì về thẩm mỹ và hoạ sĩ không hiểu gì về kỹ thuật

Tại các trường đại học về kỹ thuật và công nghệ ở Việt Nam, tình trạng chung là môn học về thẩm mỹ công nghiệp về cơ bản không có trong chương trình đào tạo cả chính thức lẫn ngoại khoá. Vì thế, các kỹ sư được đào tạo ra hoàn toàn không có một chút kiến thức nào về lĩnh vực này. Đây là thực tế ngay với cả những trường hàng đầu Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội hay Đại học Bách khoa TPHCM.

Còn với ngành mỹ thuật, tuy rằng có hẳn một trường riêng là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ở Hà Nội, nhưng trong chương trình đào tạo ở đây hoàn toàn không có các môn học về toán ứng dụng, công nghệ chế tạo, công nghệ vật liệu. Vì thế, nếu sinh viên ở đây có tạo dáng sản phẩm thì nếu làm chơi có thể được nhưng nếu sản xuất hàng loạt thì e rằng sẽ có vấn đề vì sản phẩm của họ không thích ứng với quy trình công nghệ của các dây chuyền công nghiệp.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc thì 80% các đại học của họ đều tham gia đào tạo về thẩm mỹ công nghiệp. Theo nhà thiết kế Phạm Huyền Kiêu – Chủ tịch Mạng lưới thiết kế Vietnam Design Network, mô hình chung cho đào tạo thẩm mỹ công nghiệp nên là càng nhiều đại học tham gia càng tốt để kết hợp chặt chẽ chuyên môn kỹ thuật và công nghệ với cái đẹp. Còn khi đã cần sự hội tụ cao hơn thì việc của Chính phủ là đầu tư để thành lập một viện nghiên cứu chuyên sâu về thẩm mỹ công nghiệp chứ không nên theo mô hình có riêng một trường vể lĩnh vực này như ở Việt Nam.

Như vậy, với thực trạng kỹ sư không biết gì về thẩm mỹ và hoạ sĩ không hiểu gì về kỹ thuật thì liệu rằng chiếc ô tô do hoàn toàn do các chuyên gia trong nước thiết kế, tạo dáng chắc không ai dám bước lên. Thực tế này chắc chắn cần sớm được khắc phục và có lẽ đó không thể là công việc riêng của ngành giáo dục nước nhà mà phải có sự quan tâm, hợp tác tích cực của các ngành công nghiệp và ở tầm vĩ mô thì phải có sự quan tâm của Chính phủ để ra đời hẳn một chương trình quốc gia về thẩm mỹ công nghiệp.

Cần đưa kiến thức thẩm mỹ công nghiệp vào hoạt động khởi nghiệp

Những năm gần đây, Chính phủ mà trưc tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ, đã triển khai một đề án quốc gia về hỗ trợ khởi nghiệp (Đề án 844) đễ hỗ trợ kiến thức và động viên khích lệ các đối tượng khởi nghiệp trong toàn quốc. Những kiến thức mà Đề án 844 và các đối tác cung cấp cho các đối tượng khởi nghiệp hiện tại mới chỉ có là về quản trị và công nghệ chứ cũng chưa hề có về thẩm mỹ công nghiệp.

Có thể nói, hoạt động khởi nghiệp trong giới trẻ ở Việt Nam đang diễn ra rất sôi động với nhiều sản phẩm phong phú được cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại rằng theo các tổng kết quốc tế thì tỷ lệ thất bại của khởi nghiệp lên tới ít nhất 90%. Do đó, sẽ hoàn toàn là không thừa nếu thẩm mỹ công nghiệp trở thành kiến thức được bổ trợ chính thức cho các đối tượng khởi nghiệp.

Theo nhà thiết kế Lương Minh Hoà – giám đốc Học viện Thiết kế Hoa Lan, khác với việc đào tạo những nhà thiết kế chuyên nghiệp, kiến thức thẩm mỹ công nghiệp cần được cung cấp cho các đối tượng khởi nghiệp cần được làm theo một cách thức rất khác. Vấn đề cần nhất với họ là làm sao nắm được các kiến thức cần thiết cùng yêu cầu đặt ra về cái đẹp cho sản phẩm của mình để cung ứng cho thị trường. Chỉ khi lĩnh hội được các kiến thức đó, chính các nhà khởi nghiệp sẽ trở thành người ra đầu bài cho các nhà thiết kế để tạo nên cái đẹp cho sản phẩm của mình.

Không dừng lại ở việc đó, điều mà các nhà thiết kế mong muốn hơn nữa là các đại học ở Việt Nam sớm học tập những nước như Hàn Quốc để đưa các kiến thức về thẩm mỹ công nghiệp vào chươnng trình đào tạo chính thức của mình. Chí ít, các đại học phải xây dựng Bộ môn Thẩm mỹ Công nghiệp và sinh viên tất cả các khoa đều phải học những kiến thức này. Việt Nam muốn vươn lên thành một nước công nghiệp có thu nhập cao thì sản phẩm công nghiệp cần phải có chỗ đứng ít nhất ngay tại trong nước với hình thức bắt mắt bên cạnh yếu tố kỹ thuật và công nghệ ít nhất ở mức đạt yêu cầu.

Tưu trung lại, thẩm mỹ công nghiệp cũng phần nào giống như nhu cầu ăn ngon mặc đẹp của một xã hội phát triển. Rất mong Chính phủ cùng các bộ ngành có liên quan sớm chính thức cùng nhau quan tâm đến nhu cầu này của nền sản xuất và tiêu dùng trong thời gian sớm nhất có thể. Trước mắt, có thể triển khai cho hoạt động khởi nghiệp và về lâu dài thì cần phải là một cách bài bản với hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng.

 

Nguyễn Đức Hoàng

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/index.php/tham-my-cong-nghiep-la-yeu-to-quyet-dinh-cho-su-canh-tranh-cua-san-pham-a16377.html