Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 24)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 24.

Minh chứng cho điều đó là trên trống đồng, thạp và những đồ đồng Đông Sơn được khắc rất nhiều cảnh đua thuyền sôi nổi trên sông nước, cảnh múa hát có vũ trang và hóa trang theo nhịp trống trầm hùng hòa với tiếng khèn tình tứ thể hiện rõ nhất là trên trống đồng Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho một nền văn minh huy hoàng rực rỡ nhất của tổ tiên ta. Trên trống đồng ngoài sự thể hiện những chiếc thuyền đi biển lớn chở được vài chục người, thuyền chiến có cả vọng lâu ở đằng lái. Thuyền là phương tiện giao thông quan trọng nhất của người Lạc Việt và người Lạc Việt rất giỏi chèo thuyền và tài bơi lặn.

chim-2-image-1664624871.jpg

Hình chim bay trên mặt trống Cổ Loa (nét đúc nổi trên mảng khoét chìm nông). Phía trên nóc nhà Đông Sơn có hình dường như khủng long (?) . Nguồn: Internet.

 

Thực tế cuộc sống lao động sinh hoạt chiến đấu là cơ sở, là nguồn tài liệu phong phú cho nghệ thuật, dù nhà nghệ sĩ có cách điệu bao nhiêu thì trong đó tác phẩm vẫn mang dấu ấn sâu sắc của hiện thực xã hội. Thuyền chiến có vọng lâu đằng lái, thuyền lớn đi biển chở được vài chục người, được khắc chạm trên trống đồng Đông Sơn chứng tỏ trong thời kỳ đó thủy quân của đất nước Văn Lang đã ra đời: Bởi vì trong thời đại Hùng Vương công xã nguyên thủy đang trên bước đường tan rã cực độ, xã hội đang phân hóa thành giai cấp, mà theo sự giải thích của Ăng ghen thì trong thời kỳ này chiến tranh đã trở thành phổ biến và liên tục. Do vị trí địa lý quan trọng của mình, vừa mới ra đời nước Văn Lang đã phải đương đầu với nhiều kẻ ngoại xâm. Nhu cầu chống ngoại xâm trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự lớn mạnh nhanh chóng của xã hội Văn Lang về mọi mặt, kể cả một đội vũ trang chuyên nghiệp, trong đó bao gồm lực lượng bộ binh và lực lượng thủy binh. Sự ra đời của lực lượng vũ trang đó là tất yếu, hợp với tiến trình lịch sử, nó thể hiện ý chí dân tộc, tinh thần làm chủ đất nước của tổ tiên ta.

Đặc biệt, ngay trong buổi đầu dựng nước, không những xây dựng lực lượng thủy quân mà cha ông ta còn kết hợp xây dựng thành quách với việc xây dựng quân cảng, xây dựng căn cứ thủy quân. Vào nửa sau thế kỷ thứ ba trước công nguyên, Thục Phán một thủ lĩnh của người Âu Việt ở miền núi đã kết thúc triều đại Hùng Vương, hợp nhất hai  tộc Lạc Việt và Âu Việt thành lập nước Âu Lạc. Thục Phán làm vua lấy Đế hiệu là An Dương Vương. Sự ra đời của nhà nước Âu Lạc dựa trên sự hợp nhất những bộ lạc gần nhau về địa vực, về dòng máu, về trình độ phát triển kinh tế văn hóa là một nhu cầu tất yếu khách quan của lịch sử. Bởi vì khi nước Âu Lạc ra đời thì cục diện phương Bắc đang có nhiều biến chuyển lớn, thời chiến quốc (481-221 TCN) đã kết thúc với sự thống nhất Trung Quốc của Tần Thủy Hoàng. Nhà Tần theo đuổi chính sách bành trướng bình thiên hạ, phát quân xâm lược phương Nam. Sự thống nhất hai thành phần dân tộc Âu Việt và Lạc Việt làm cho nước Âu Lạc lớn mạnh, đủ sức đối phó với tình thế. An Dương Vương dời đô từ miền trung du (Việt Trì - Phú Thọ) xuống miền đồng bằng Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) tỏ rõ lòng quyết tâm giữ gìn độc lập của đất nước.

Để chuẩn bị bước vào cuộc chiến tranh chống phong kiến phương Bắc xâm lược, bảo vệ tổ quốc, người Âu Lạc tích cực củng cố quốc phòng. Ngoài cung nỏ và những vũ khí bằng đồng rất lợi hại, người Âu Lạc đã sáng tạo nên một kỳ công về kỹ thuật quốc phòng là xây dựng thành Cổ Loa (nay còn di tích ở huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội). Thành Cổ Loa được xây dựng ở vị trí trung tâm của đất nước Âu Lạc với chức năng là kinh đô của vương quốc. Thành nằm trên một khu đất cao phía tả ngạn sông Hoàng Giang. Sông Hoàng Giang ngày xưa là một nhánh quan trọng của sông Hồng, nối sông Hồng với sông Cầu và qua đó nối với sông Lục Đầu ở phía Đông. Theo sử sách rất xưa thì thành được xây dựng 9 lớp quanh co hình xoáy trôn ốc. Chu vi hiện nay còn lại 3 vòng thành bằng đất tổng cộng dài 16 km, không kể những ụ công sự và những đoạn lũy thành riêng lẻ. Nhiều đoạn chân thành được kè bằng đá rất vững chắc. Trên mặt thành có nhiều ụ đất cao và nhô ra phía ngoài. Đó là vọng canh và công sự phòng ngự. Ở phía ngoài mỗi bức thành đều có hào sâu rộng, thuyền bè có thể đi lại được. Hệ thống hào đó tạo thành một mạng lưới nối liền với sông Hoàng Giang. Trong thành có miền Đầm Cả rộng mênh mông, hàng mấy trăm thuyền bè có thể đậu được.

Thành Cổ Loa đòi hỏi đóng góp lao động lớn của người Âu Lạc, số lượng đất đắp như vậy phải huy động tới hàng vạn nhân công. Thành Cổ Loa là một công trình không những thể hiện cho tài năng sáng tạo lao động tài giỏi của người Âu Lạc như vận dụng kiến thức địa lý xây đắp cho hợp lý, phát minh ra kỹ thuật kè đá tảng v.v... mà còn biểu hiện rằng những chủ nhân của thành đó có một tri thức tuyệt vời về quân sự. Giống như nhiều thành lũy của thời đại đó, Cổ Loa vừa là trung tâm chính trị đồng thời cũng là căn cứ quân sự thích ứng với phương thức chiến tranh thời cổ đại trong khi phòng ngự. Trước hết đó là một căn cứ bộ binh bao gồm nhiều công trình phòng thủ: lũy, hào, ụ, công sự liên tiếp nhau. Những chiếc ụ đất trên mặt thành nhô ra phía ngoài vọng canh và công sự phòng ngự giúp cho người chiến sĩ cố thủ trong đó có thể bắn địch được từ ba phía mà khó có thể bị quân thù tiêu diệt. Tính sáng tạo độc đáo của thành Cổ Loa ở chỗ nó vừa là căn cứ bộ binh vừa là căn cứ thủy quân. Ở phía ngoài mỗi chiến lũy đều có hào sâu, rộng ngập nước vừa là chướng ngại để bảo vệ thành vừa giúp cho thuyền chiến vận động. Tất cả những hào sâu đó hợp thành hệ thống hào nối liền với sông Hoàng Giang tạo thành một màng lưới giao thông đường thủy thống nhất. Thuyền chiến của thủy quân Âu Lạc, khi tác chiến có thể xuất phát từ quân cảng Đầm Cả ở trong thành vận động theo hệ thống sông hào, phối hợp chiến đấu với bộ binh ở trên mặt thành, trên các công sự phòng ngự. Từ căn cứ Cổ Loa, thủy quân Âu Lạc có thể tỏa ra trên sông Hoàng Giang xuôi sông Hồng, sông Cầu và tiến ra biển, thủy quân Âu Lạc có thể ngăn chặn hoặc truy kích thủy quân địch trước khi chúng đột nhập vào nội địa hoặc khi chúng thất bại chạy ra khỏi kinh thành. Khi lui về phòng thủ, thủy quân và lục quân có thể phối hợp tác chiến để phát huy hết sức mạnh phòng ngự tiêu diệt địch. Thành Cổ Loa là chung đúc truyền thống và tài năng quân sự của người Âu Việt và  Lạc Việt: truyền thống thạo thủy chiến giỏi dùng thuyền và thạo cung nỏ. Thành Cổ Loa cũng thể hiện nghệ thuật triệt để lợi dụng địa hình thiên nhiên đồi gò sông nước để xây dựng công trình của người Âu Lạc.

Tóm lại Cổ Loa là một căn cứ nói lên rằng cha ông ta không những biết phòng thủ mà còn biết tấn công, hết sức tạo điều kiện tấn công địch ngay cả trong công trình quân sự phòng ngự. Cổ Loa là một căn cứ mà tiến lên có thể tiêu diệt được địch, lui về có thể huy động được tốt sức mạnh các quân binh chủng để phòng thủ. Công trình quân sự đó đưa ta đến kết luận rằng mặc dù trong buổi đầu dựng nước, kế thừa truyền thống của Văn Lang trước đó, lực lượng vũ trang của nhà nước Âu Lạc gồm hai binh chủng lục quân và thủy quân. Các nhà sử học nước ta đã chứng minh được rằng quân đội thường trực trong thời kỳ này có đến hàng vạn người, so với dân số đương thời thì đó là một đội quân lớn, được trang bị nỏ mỗi lần bắn được nhiều phát tên bằng đồng[1]. Đó là một loại vũ khí rất quan trọng lợi hại được thần thánh hóa là “nỏ thần”. Ngoài "nỏ thần" quân đội Âu Lạc còn được trang bị những loại vũ khí thông thường lúc đó như cung tên, giáo, mác v.v...

Chính nhờ có lực lượng vũ trang, tức là bộ binh và thủy binh mạnh mẽ đã làm nòng cốt trong cuộc chiến tranh mang tính chất nhân dân của đất nước Âu Lạc đánh bại nhiều lần xâm lược của Triệu Đà vào năm 207 trước công nguyên. Như vậy, ngay trong buổi đầu tiên dựng nước, Thủy quân Âu Lạc đã là một binh chủng cùng với bộ binh gánh vác trách nhiệm nặng nề bảo vệ tổ quốc, đánh đuổi ngoại xâm. Thủy quân Âu Lạc đã cùng với toàn dân nêu cao ý chí độc lập dân tộc, đánh bại kẻ thù xâm lược. Vai trò của thủy quân đối với công cuộc giữ nước đã được xác nhận rất sớm. Thủy quân Văn Lang mà đặc biệt là thủy quân Âu Lạc với sự ra đời của quân cảng Cổ Loa đã được phát triển lên một bước là những viên đá tảng đầu tiên đặt nền móng cho truyền thống vẻ vang của thủy quân Việt Nam trong tiến trình lịch sử, cùng với bước trưởng thành của dân tộc.

(Còn nữa)

CVL

 

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/index.php/thuy-hai-chien-viet-nam-truyen-lich-su-ky-24-a15560.html