Phùng Huấn ngoắc tay gọi tôi: "Bê! Bê" (tên gọi tôi ngày còn ở nhà) rồi ghé sát tai tôi nói nhỏ:" Tối ni đơn vị tau đi cảm tử vị trí nhà hàng Sáp - phăng - xông (bây giờ là cửa hàng bách hóa số 1, thành phố Huế). Mặt trận sẽ đãi tụi tau một bữa thịt bò, thịt heo với xôi ở sân chùa Vạn Phước. Để lỡ có chết thì anh em được chết no. Tắt mặt trời, mi nhớ chạy xuống mà ăn chực". Tụi liên lạc nhóc chúng tôi hễ nghe nói được ăn thì có phải chui qua lưới lửa của đạn súng máy, chúng tôi cũng chẳng từ. Chúng tôi thường lý sự: " Bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết, không trúng không chết thì được ăn?".
Tôi không ngờ đó là bữa ăn cuối cùng của trung đội cảm tử. Trận cảm tử vào nhà hàng Sáp phăng xông đêm đó không kết quả. Các anh xung phong nhiều đợt định chiếm tầng dưới rồi dùng mìn đánh sập ngôi lầu, nhưng lưới lửa phòng thủ của giặc quá dày đặc, các anh đều bị đánh bật ra. Ba giờ sáng, toàn mặt trận phải rút quân ra ngoài. Trung đội anh Ngọc vừa rút đến ngôi lầu cạnh nhà tên trùm mật thám So - nhi thì chạm trán bọn giặc mai phục sẵn ở đó. Chúng dàn thành thế gọng kìm, kẹp chặt trung đội, với hỏa lực cực mạnh với ý đồ bắt sống hoặc tiêu diệt gọn. Lúc này các đơn vị chiến đấu quanh khu vực này đã rút hết, không còn ai cứu viện. Các anh ở vào cái thế đơn độc, một chọi mười. Năm giờ sáng tiếng súng bắt đầu vang dội ở tầng trên ngôi lầu. Chúng tôi đoán bọn giặc đã chiếm được tầng dưới các anh phải rút lên tầng trên cố thủ. Tiếng súng nổ mỗi lúc một tăng. Cả tuần liền trời mưa tầm tã không ngớt, bầu trời cố đô u ám, giăng kín lớp lớp mây chì. Sáng hôm đó tự dưng trời nắng. Bầu trời sạch làu mây như được ai quét dọn, cao vút, xanh màu trứng sáo. Rặng núi phía tây tím ngắt, in bật lên nền trời đường uốn lượn sắc gọn như được cắt bằng kéo. Nắng mới óng ánh như vàng nấu chảy, tưới hào quang lên mặt sông Hương... Chúng tôi nghĩ rằng, nếu có một ông trời thật, đã cố tình bố trí một ngày tuyệt đẹp để cho cả Mặt trận được nhìn thật rõ cuộc đọ sức bi hùng của những người con quê hương " Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Mười giờ sáng, tiếng súng bắt đầu vang dội ở tầng trên ngôi lầu, đạn súng máy các cỡ từ các vị trí giặc xung quanh bắn xối xả vào tầng lầu với cường độ mỗi lúc một tăng, tiếng súng chống trả từ trong tầng lầu lẻ tẻ từng phát một, các cánh cửa quanh tầng lầu bị trúng đạn vụt mở tung, đạn các loại súng cầu vồng rớt xuống mái lầu, dầy đặc đến nỗi cây cột thép thu lôi bị tiện phăng đến gốc. Chỉ chốc lát, mái lầu dốc đứng bị đạn chém phạt, băm vằm thấp hẳn xuống. Ba giờ rưỡi chiều, tiếng súng chống trả vẫn tiếp tục vang lên trong tầng lầu. Như vậy là các anh còn đứng vững. Lệnh của trung đoàn trưởng Hà Văn lâu được truyền đi khắp mặt trận. Các đơn vị sẵn sàng xuất kích cứu viện vào lúc mặt trời lặn. Các đài quan sát bỗng phát hiện có hai xe cứu hỏa của giặc chạy đến, rồi chúng dùng vòi rồng phun nước lên tận nóc ngôi lầu. Hai vòi nước đan chéo nhau lấp lóa trong nắng chiều vàng rượi, như hai cây roi khổng lồ đúc bằng kim loại , quất tới tấp xuống mái lầu đã bị bơm đạn băm nát. Tiếng trung đoàn trưởng hét vang trong máy: " không phải nước! Xăng?". Chúng tôi chết lặng. Thế là hết, bọn giặc đã hạ độc thủ. Tiếp theo đó là tiếng nổ , tiếng réo hú dữ dằn của lửa xăng ngày một lan rộng, bốc cao. Lửa lan nhanh khủng khiếp. Trong chớp mắt đã phủ kín ngôi lầu, hàng trăm nghìn lưỡi lửa thè lên tua tủa, như muốn hếm thủng bầu trời. Thực sự là một ngọn lửa Hỏa Diệm Sơn mọc lên giữa thành phố Huế. Ánh lửa hắt xuống dòng sông Hương Giang nhuộm bóng chiều tà, các đỉnh sóng đuổi rực lên như cũng đang bốc cháy, rồi bất ngờ cả ngôi lầu phủ lửa bỗng sụm xuống trong tiếng nổ rung chuyển cả mặt trận. Chúng tôi chợt nhớ lúc đi đánh nhà hàng Sáp phăng xông các anh có mang theo hai khối mìn dẻo khá lớn, thứ mìn này dẻo và mềm như sáp nặn, màu vàng nhạt, phong thành từng thỏi như bánh khảo, nếm hơi ngọt ngọt, sức công phá của nó còn mạnh hơn bom, bây giờ trong tình thế tuyệt vọng, trước lúc hy sinh các anh đã dùng hai khối mìn đánh sập ngôi lầu từ bên trong, biến vị trí cố thủ thành nấm huyệt chôn chung. Nấm huyệt chôn chung ấy vẫn tiếp tục bốc cháy mãi đến trưa hôm sau... Nhưng tất cả cũng chỉ là phỏng đoán, sự thật ra sao vĩnh viễn không có câu trả lời. Nó đã cùng với thân xác các anh cháy thành tro bụi... ngày đó tất cả chúng tôi đều tin chắc như vậy. Nằm giữa một ngọn Hỏa Diệm Sơn gần hai ngày đêm thì đất phải hóa thành gạch nung, đá phải hóa thành vôi bột, huống chi xương thịt con người.
Hơn 30 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ được đoạn kết thúc cuộc đọ sức bi hùng này, tôi miêu tả trọn hai chương thiên hùng ca, theo thể thơ cổ phong và tất cả đều vần trắc. Đó là hai chương thơ đã hành hạ tôi đến khốn khổ, gạch xóa nát các trang giấy, bỏ rồi viết lại không biết bao nhiêu lần, tôi viết trong nỗi phiền muộn cay đắng về sự bất lực của mình, tôi đọc lại những trang viết, lòng vô cùng buồn bã. Nghĩ bụng một đề tài như thế này mà vào tay một nhà thơ khác chắc họ đã biến thành một thiên I - li - át, thế mà vào tay mình nó biến thành một bản diễn ca tầm thường, kể chuyện người thật việc thật. Trong lòng tôi dâng lên một niềm hối tiếc không nguôi, giống tình cảnh người thợ kim hoàn tồi làm hỏng mất một viên trân châu. Tôi tìm đến anh Thanh Tịnh và anh Bửu Tiến, người cùng quê và bậc thầy của tôi về nghề văn. Tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện, đã tha thiết đề nghị với hai anh hãy vì những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời này viết nó ra thành thơ, thành văn, thành kịch. Hai anh hỏi tôi: "Sao em không viết", tôi trả lời: " đó là một đề tài quá sức em, em không kham nổi, sau khi đã thử sức. Vả lại có viết được người ta cũng chẳng in...". Với các nhà văn khác thế nào, tôi không rõ với riêng tôi trong suốt cuộc đời làm văn của mình có vài ba đề tài ám ảnh tôi không chút nào nguôi, nó giống món nợ không trả được chết không nhắm mắt, nó giống mối tình " khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào", giống cái lưỡi câu có ngạnh dài và sắc, xóc vào trí nhớ, vào con tim, muốn gỡ được nó ra chỉ còn một cách là phải cầm lấy bút chấm mực, trải nó lên trang giấy. Tôi biết chắc chắn rằng đấy là một công việc sẽ làm cho mình hao tâm tốn lực gấp mười lần thực hiện những đề tài khác, mà kết quả sẽ chẳng ra sao. Hai chục năm đã trôi qua mà tôi đành phải dẹp cuốn sách đang viết dở dang về một đề tài mà tôi hi vọng có thể bán được cho nhà xuất bản phía Nam để trở lại với nó. Nó dằn vặt hành hạ, làm tình, làm tội tôi hết năm này qua năm khác đến mức không chịu nổi. Lần này tôi quyết định kể lại câu chuyện bằng văn xuôi, tôi phải vật lộn với nó đến gần kiệt sức, viết để xóa, xóa rồi viết, dàn ý xem lại đảo ngược đảo xuôi. Cuối cùng tôi cũng hoàn thành được cuốn sách nợ đời. Tôi đọc đi đọc lại bản thảo, cảm thấy vừa ý vì đã viết hết sức mình nhưng rồi tôi bắt đầu hoang mang tự hỏi - liệu người đọc có tin câu chuyện tôi kể là có thật hay không. Để bớt gánh nặng hoang mang, tôi thửa một bữa tiệc nhỏ, vài chai rượu gạo với nồi cháo cá hồ Tây, tôi mời một số nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học thân quen đến chơi nhà. Phần lớn họ đều ít tuổi hơn tôi và từng có tác phẩm được xuất bản, tác phẩm của họ từng gây nên nhiều cuộc tranh luận trên diễn đàn, tôi thật lòng ngưỡng mộ một tài năng cũng như học vấn của họ. Tôi mời họ đến uống rượu và chịu khó nghe giúp tôi cuốn sách vừa mới viết xong, kể một câu chuyện có thật, những nhân vật có thật. Nó là một tác phẩm chí cốt trong đời văn sắp tàn của tôi. Bởi vậy tôi mong các bạn góp ý kiến thẳng thừng không nể nang gì hết. Tôi đã đọc trọn cuốn sách, các bạn đều chăm chú lắng nghe rồi sau đó họ không phụ lòng tin cậy của tôi, phang tôi thẳng thừng: " Một cá nhân anh hùng không hạ vũ khí hàng giặc, điều đó có thể xảy ra nhưng cả mấy chục con người đều quyết định như vậy là bịa đặt, anh hùng đâu ra mà lắm thế, anh không nghe dân gian người ta tổng kết "Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều ", các anh đa số không làm văn mà làm công tác tuyên truyền, dùng văn thơ thêm chút giấm ớt, tí tình yêu, tí ti tiêu cực, cốt làm cho Văn chương có vẻ như thật để tuyên truyền chủ trương chính sách, các anh hư cấu các nhân vật tích cực chính diện, tô vẽ nhằm mục đích nêu gương. Câu chuyện trung đội cảm tử quân anh hùng của các anh cũng không ra ngoài quỹ đạo đó. Để người đọc có thể nuốt trôi câu chuyện khó tin, anh đã khôn khéo chọn kết thúc bất khả tranh cãi : tất cả các anh hùng đều bị thiêu cháy thành tro thì còn ai tranh cãi với anh được..."
Tôi không nhịn được, cắt ngang: " nhưng ngôi lầu bị thiêu cháy, hôm đó cả mặt trận đều nhìn thấy ". " Sao các anh ngây thơ thế. Ừ đúng là ngôi lầu bùng cháy, một ngọn lửa Hỏa Diệm Sơn như các anh đã tả. Nhưng bọn giặc chỉ đốt ngôi lầu khi cả trung đội đã ra hàng, chúng đốt đến bịt mắt các anh, bảo vệ cho những người ra hàng...". Tôi rót đầy một ly rượu uống cạn một hơi để có thể nuốt trôi những ý kiến về tác phẩm của mình. Phải tôi là một người bộ hành còn sót lại trên con đường không còn ai đi nữa, tôi không đủ sức để minh chứng những điều tôi viết là sự thật, trước hết vì tôi bất tài sau nữa vì trong tay không có lấy một mảy may chứng cớ, tưởng chỉ là một nắm tro có hình hài đồng đội...Nồi cháo cá đã nguội ngắt mà bếp lửa đã tắt ngấm, tôi cười buồn...
Thế rồi, vào một lúc bất ngờ nhất, tôi được đọc bài báo, tường thuật việc phát hiện 17 bộ hài cốt liệt sĩ nằm sâu trong lòng đất đã 46 năm sau đó. Tôi lại được nhìn các tấm hình gửi từ Huế ra chụp các góc độ của khuôn viên khai quật, người tôi ớn lạnh. Thì ra các anh cảm tử quân thành Huế chưa cháy thành tro như ngày đó chúng tôi tưởng. Các anh đã kịp rút xuống tầng hầm của ngôi lầu và dùng mìn đánh sập cái khối bê tông gạch đá sắt đồ sộ phủ lên tầng hầm như ngày đó chúng tôi phỏng đoán, làm cho lửa xăng không bén được đến xương thịt và vũ khí của các anh, dù nó đã cháy suốt một đêm và nửa ngày hôm sau.
Chị Nguyễn Thị Dung, em gái ruột của anh Ngọc Giao hiện là bác sĩ viện tai mũi họng cho biết: anh trai mình cao một mét tám ba, bộ hài cốt thứ hai nhỏ thó cùng nằm với khẩu súng lục ru - lô và con dao găm, chính là chính trị viên trung đội Vĩnh tập. Vĩnh tập là đảng viên Cộng sản duy nhất của đơn vị và là chắt nội của vua Hiệp Hòa. Đào sâu xuống thêm 0,5 m là 15 bộ hài cốt nằm sát bên nhau cùng với vũ khí, trong đó có hài cốt của ông bác tôi Phùng Huấn, với chiếc lập lắc bằng nhôm cứng, lủng lẳng nơi xương cổ tay. Như vậy là chiến sĩ rút trước, chỉ huy rút sau cùng. Có thể chính hai anh Ngọc Giao và Vĩnh tập đã đánh mìn ngôi lầu trước khi rút. Đội hình hài cốt của trung đội cảm tử quân nằm sâu dưới đất 46 năm gửi lại hậu thế bức thông điệp: " những chiến sĩ quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" . Ngày 27 tháng 7 năm 1992, học tục lệ của nhân dân quê tôi cúng tế các chiến sĩ trận vong, tôi chờ đến đêm khuya thanh vắng, lập một bàn thờ nhỏ trước sân nhà, một cái khay, đặt bỏng, muối, rượu trắng, một bát nhang. Ngoảnh mặt về hướng Nam, quỳ phục xuống đất, tôi lạy bốn lạy rồi khấn: " Em là Phùng quán, thằng em nhỏ, đội viên liên lạc ngày nào ở mặt trận Huế cùng với các anh, nay đã 62 tuổi, các anh đã sống vẻ vang chết anh hùng, nêu cao gương nghĩa liệt cho hậu thế, em cầu nguyện vong linh các anh được siêu thoát và về đây chứng giám cho lòng biết ơn sâu nặng thủy chung của em. Các anh đã cứu sống em chính bằng hài cốt của mình, các anh đã minh chứng cho em những điều em viết về các anh là hoàn toàn sự thật..."
Vì một nhà văn viết ra những điều mà không còn ai tin nữa thì nhà văn đó coi như đã chết...
Ngày mùng 4 tháng 8 âm lịch. Năm Nhâm thân.
Trái tim người lính
Phùng Quán.
Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/ban-hung-ca-bi-moi-xong-va-17-bo-hai-cot-a15152.html