Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng (Tiểu thuyết lịch sử) - (Kỳ 4)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử  “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 4.

  Người sĩ quan tùy tùng Jean Pouget đem cho Navarre một cốc rượu vang đỏ:

-Xin mời Trung tướng.

-Cảm ơn.

Navarre vừa bê cốc uống, vừa dùng gậy dò trên bản đồ và dừng lại ở Điện Biên Phủ, giây lát sau Navarre vỗ vào bao súng ngắn đeo bên hông một cách khoái trá:

-Tìm ra rồi, Điện Biên Phủ, phải biến Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm toàn hầm ngầm kiên cố với những phương tiện vũ khí hiện đại sẽ là cái bẫy để nhử quân đội Việt Minh tới, sập bẫy xuống mà tiêu diệt 6 đại đoàn hiện có của họ. Ha!Ha!Ha!..Navarre gọi viên sĩ quan tùy tùng Joly:

-Chuẩn bị để họp Bộ Tham mưu, báo cho các sĩ quan có mặt ngay.

-Dạ, tuân lệnh Tổng tư lệnh.

dienbienphui-a-1660819550.gif
Tướng Henri Nava (1898-1983), Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương 1953-1954. Nguồn: baotanglichsu.vn

 

  Không lâu, toàn bộ Bộ Tham mưu của quân đội Liên hiệp Pháp đã đầy đủ trong phòng họp sang trọng, các quân hàm tướng tá vàng chóe, lấp lánh trên gù vai những bộ quân phục ka ki màu vàng. Trên bàn nhiều cốc pha lê đã đầy rượu vang màu hồng lấp lánh. Các sĩ quan có mặt đều có sổ tay để ghi chép. Đối với Navarre, cấp dưới mà quên, không thực thi hoặc thực thi nhiệm vụ không hiệu quả thì sẽ bị cách chức. Navarre ngồi nghế chủ tọa, chủ động nâng cốc và nói:

-Xin mời các ngài giải khát rồi chúng ta làm việc.

  Mọi người nâng cốc:

-Cảm ơn Tổng tư lệnh, chúc ngài sức khỏe.

-Xin cảm ơn.

  Mọi người cạn cốc xong, Navarre nói:

-Thưa các ngài, từ khi sang Đông Dương gánh trọng trách, tôi đã thấy quân đội ta vì sao thất bại và ngày cang lún sâu vào thế bị động chiến lược. Đó là vì chúng ta thiếu một khối quân cơ động mạnh để mở những cuộc tấn công lớn tiêu diệt các Đại đoàn chủ lực Việt Minh. Tôi đã xây dựng được khối quân cơ động 84 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng vì Việt Minh đã tấn công vào những vùng chiến lược quan trọng mà ta không thể bỏ nên tôi đã phải điều quân đến ngăn chặn, đến nay đội quân cơ động đã phải phân tán thành sáu nơi trên toàn chiến trường Đông Dương.

H. Navarre dừng lại uống một ly trà và nói tiếp:

-Tuy nhiên tôi có một giải pháp vừa phân tán binh lực giữ những vùng chiến lược quan trọng mà vẫn có thể tiêu diệt được các Đại đoàn chủ lực Việt Minh, đó là xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm kiên cố, vững mạnh với trang bị những vũ khí hiện đại bậc nhát hiện nay, nhử quân đội Việt Minh tới đánh và sập bẫy của chúng ta, cho chúng ta tiêu diệt. Cho đến nay, quân đội Việt Minh với trang bị thô sơ chỉ mới tấn công tiêu diệt một cứ điểm, không có khả năng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm vững mạnh.

  Trung tá Andre Lalanede hỏi:

-Thưa Tổng tư lệnh, sao lại chọn Điện Biên Phủ là nơi xa xôi thế ạ?

 H. Navarre đáp:

-Trong chiến tranh Đông Dương, các ngài nên nhìn rộng ra mối quan hệ tương tác giữa ba nước chứ không nên nhìn hẹp mỗi chiến trường Việt Nam. Chính phủ Pháp đã căn dặn tôi là không được để mất Lào. Xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm không chỉ là để tiêu diệt chủ lực Việt Minh mà còn là để bảo vệ Tây Bắc Việt Nam, bảo vệ Thượng Lào, cố đô Luôngprabang. Nếu để Việt Minh kiểm soát được Lào thì sẽ nguy cơ lớn cho toàn bộ cuộc chiến tranh, ảnh hưởng tai hại đến uy tín chính trị của nước Pháp, Pháp sẽ mang tiếng rằng không bảo vệ được các Quốc gia trong Liên hiệp. Điện Biên Phủ sẽ bảo vệ được toàn bộ miền Bắc Đông Dương, không cho Việt Minh kiểm soát Lào, không chế miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và tây nam Trung Quốc, là chỗ đứng chân lý tưởng cho quân Pháp bảo vệ Thượng Lào. Điện Biên Phủ còn là căn cứ quân sự lớn nhất của chúng ta Đông Nam Á.

  Đại tá Jules Gaucher hỏi:

-Thưa Tổng tư lệnh, vì sao Điện Biên Phủ lại là cái bẫy để tiêu diệt các Đại đoàn chủ lực Việt Minh?

  Navarre đáp:

-Điện Biên Phủ cách Hà Nội 300km, đường sá toàn rừng núi xa xôi, hiểm trở. Ta sẽ cho xây dựng ở đây nhiều cứ điểm hầm ngầm, công sự, lô cốt bằng bê tông cốt thép, phòng ngự bằng hỏa lực pháo binh, bộ binh, nhiều tầng, nhiều lớp, xe tăng, máy bay ném bom. Lương thực và vũ khí của quân ta được tiếp tế bằng máy bay ở nhiều sân bay miền Bắc Việt Nam. Trong khi đó, Việt Minh không có pháo, có pháo cũng không thể đưa tới được Điện Biên Phủ, vận chuyển lương thực lại càng khó khăn. Việt Minh kéo quân lên đó mà không có lương thực, không có pháo thì sẽ bị quân ta nghiền nát trong một đến hai tuần.

  Đại tá Andere Trancart hỏi:

-Thưa Tổng tư lệnh, nếu Việt Minh không tấn công lên Điện Biên Phủ thì sao ạ?

-Không sao cả, nếu vậy thì Việt Minh thua ở Tây Bắc và Thượng Lào, ta sẽ làm chủ vùng chiến lược quan trọng này và toàn bộ miền bắc Đông Dương, từ đó ta sẽ chủ động tấn công các chiến trường khác. Ở các chiến trường khác, Việt Minh cũng sẽ bó tay trước các tập đoàn cứ điểm. Có thể nói, xây dựng các tập đoàn cứ điểm cũng là một trong điểm cơ bản trong kế hoạch quân sự của chúng ta.

  H.Navarre hỏi thêm:

-Các ngài còn ý kiến gì không?

  Im lặng. Navarre nói tiếp:

-Vậy Bộ Tham mưu thống nhất xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm. Tôi ra lệnh các ngài cùng tôi chỉ huy bắt đầu công việc xây dựng. Tôi sẽ báo cáo cho Chính phủ Pháp về kế hoạch này.

  Cả Bộ Tham mưu đứng dậy nâng cốc:

-Chúc ngài Tổng tư lệnh thành công ở Điện Biên Phủ.

-Chúc mừng ngài Tổng tư lệnh.

-Cảm ơn các ngài, chúc chiến thắng của chúng ta ở Điện Biên Phủ.

  Navarre cùng Bộ Tham mưu cạn cốc vui vẻ khi đã tìm ra lối thoát cho sự bế tắc của Pháp trong tám năm chiến tranh, cũng là bế tắc của kế hoạch Navarre ở Đông Dương.

  Ngày 2 tháng 11 năm 1953, H. Navarre gọi điện cho tướng Cognu, tư lệnh quân đội Pháp ở miền Bắc:

-Alo, tôi Navarre đây.

  Đầu dây từ Hà Nội:

-À, tôi Cognu đây, chào ngài Tổng tư lệnh.

-Chào ngài Cognu, tôi và Bộ Tham mưu quân đội Liên hiệp Pháp vừa họp xong, đã thông qua kế hoạch xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất để bảo vệ Lào và miền Bắc Đông Dương, để tạo thành cái bẫy nhử các Đại đoàn Việt Minh tới để tiêu diệt, giành thắng lợi quyết định về quân sự. Tôi ra lệnh cho ngài ngày 15 tháng 11 năm 1953 cho quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng thành tập đoàn cứ điểm vững mạnh, kiên cố nhất từ trước tới nay.

-Nhưng…

-Không nhưng gì cả, ngài phải thi hành mệnh lệnh.

-Vâng, tôi chấp hành mệnh lệnh, thưa ngài Tổng tư lệnh.

  Nghe điện thoại xong, Cognu ngồi vào bàn có bản đồ Tây Bắc và dừng lại ở vị trí Điện Biên Phủ. Chung quanh là các sĩ quan tùy tùng. Rene Cognu chăm chú đọc tài liệu ghi về Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ là một thung lũng phì nhiêu ở Tây Bắc Việt Nam, dài 15 km, rộng 5 km. Giữa thung lũng có con sông Nậm Rốm chảy qua. Điện Biên Phủ còn được gọi là cánh đồng Mường Thanh do người Thái cày cấy quanh năm để sinh sống. Ở đây có một sân bay cũ của Nhật Bản bị bỏ hoang khi họ rút khỏi Đông Dương năm 1945. Sân bay nằm dọc theo sông Nậm Rốm về phía bắc lòng chảo.

  Điện Biên Phủ cách Hà Nội 300 km về phía tây, cách Lai Châu 80 km về phía nam, chung quanh là núi non trùng điệp, rừng cây bao phủ dày đặc. Cũng như Lai Châu, Nà Sản, Điện Biên Phủ là điểm chiến lược quan trọng bảo vệ Tây Bắc và Lào, trong đó có cố đô Luôngprabang. Đọc đến đây, cặp mắt xanh biếc của Cognu dừng lại ở tâm điểm Mường Thanh và nghĩ: “Nếu xây dựng kiên cố, Điện Biên Phủ sẽ là một căn cứ bộ binh, không quân lý tưởng, là chiếc chìa khóa của Thượng Lào”. Cognu đồng quan điểm với H.Navarre, nếu Việt Minh tấn công thì sẽ bị nghiền nát tại cái bẫy chết người này. Cognu bảo một sĩ quan phụ tá:

-Anh đã ghi chép khi Navarre ra lệnh, ông ta nói phải hoàn thành nhảy dù xuống Điện biên Phủ vào lúc nào?

-Dạ, ngài H.Navarre nói từ 15 đến 20 tháng 11, chậm nhất là ngày ngày 1 tháng 12 năm 1953 phải chiếm được Điện Biên Phủ và bắt đầu xây dựng Tập đoàn cứ điểm ạ. Chiến dịch này mang tên là chiến dịch “Hải ly” ạ.

  Cognu ra lệnh:

-Cho gọi tướng Jean Gilles lại đây.

-Dạ, tuân lệnh.

  Một lát sau Gilles tới:

-Xin chào ngài Tư lệnh.

-Ngồi đi, uống chút vang đi.

-Cảm ơn tư lệnh.

  Gilles uống xong rượu, Cognu nói:

-Sĩ quan Gileles nhận nhiệm vụ.

-Tôi đã sẵn sàng, thưa Tư lệnh.

-Ngày 20 tháng 11 năm 1953, lúc 11 giờ sáng ngài hãy chỉ huy 63 máy bay C-57 Dakota xuất phát từ sân bay Gia Lâm Hà Nội bay lên Điện Biên Phủ thả 3.000 lính dù, vũ khí và chiến cụ xuống địa điểm này, chiếm cánh đồng Mường Thanh và khu vực chung quanh.

  Gilles đứng dậy dập chân nghiêm và nói:

-Tôi xin tuân lệnh.

-Thiếu tá Marcelle Biceard và Tiểu đoàn dù 6 thuộc địa (6eBPC) nhảy xuống điểm D2 Tây Bắc.

-Tuân lệnh Tư lệnh.

-Thiếu tá Jean Brechignac và Tiểu đoàn 2, Trung đoàn nhẹ số 1 (II/1erRCP) nhảy dù xuống điểm Z phía nam.

-Tuân lệnh.

Từ đó ngày 21 và 22 tháng 11 năm 1953, liên tiếp 3 Tiểu đoàn dù với 1 Đại đội pháo binh do Cognu điều động nhảy xuống Điện Biên Phủ. Ngày 24 tháng 11, đường băng cũ của Nhật Bản được sửa chữa xong, phi cơ vận tải đã đáp xuống. Cognu gọi điện cho H.Navarre:

-Báo cáo Tổng tư lệnh, cho đến ngày 23 tháng 1, tôi đã ném xuống cánh đồng Mường Thanh 6 Tiểu đoàn dù, khoảng 4.500 lính.

  H. Navarre đáp:

-Tốt, ngài hãy ra lệnh cho công binh bắt đầu xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được rồi, nhớ là các công trình lô cốt, hầm ngầm, hào phải bằng bê tông cốt thép kiên cố để đạn pháo cũng không thể phá vỡ, nhớ cấu trúc bố trí hỏa lực nhiều tầng, sao cho dày đặc.

-Thưa Tổng tư lệnh, tôi rõ.

Từ đó, trong suốt cuối tháng 11 và tháng 12 năm 1953, hàng ngày hàng chục lượt  chuyến bay xuất phát từ các sân bay miền Bắc như Gia Lâm, Hà Nội; Cát Bi, Hải Phòng chở nguyên vật liệu xi măng, cốt thép hàng nghìn tấn lên Điện Biên Phủ. Cuối cùng là hàng nghìn tấn bom đạn, pháo các cỡ được tháo ra, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nước uống, 3.000 tấn dây thép gai để rào bao quanh cùng với các bãi mìn quanh những cứ điểm.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao văn Liên

Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/index.php/dien-bien-phu-ban-hung-ca-chien-thang-tieu-thuyet-lich-su-tap-viii-ky-4-a14742.html