Đêm 15/6/2022 tôi nằm phục hồi sức khỏe tại Khoa Nội 2 Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Trước đó, do không có kinh nghiệm, tôi bị bí tiểu suýt vỡ bàng quang, phải cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn trong một đêm mưa gió tơi bời.
Chuyển về Bệnh viện Ung bướu trong thể trạng lúc nào bụng dưới cũng căng và đau. Đã đứng là không muốn ngồi và đã nằm là không muốn đứng.
Khoảng 19h30 các y tá trực đi các buồng bệnh, mời những bệnh nhân có sức khỏe sang hội trường bệnh viện ở sát bên cạnh, dự cuộc tọa đàm và hướng dẫn thường thức về bệnh ung thư, các chế độ chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh.
Cuộc tọa đàm do Phòng Công tác xã hội, khoa Dinh dưỡng và trường Đại học Y Hà Nội phối hợp tổ chức, kèm theo chương trình văn nghệ “Tiếng hát át ung thư” của đoàn viên thanh niên 2 đơn vị biểu diễn.
Quá nể, tôi dò dẫm sang dự tọa đàm. Đến nơi, được phát các tờ rơi, được giới thiệu khái quát về các phản ứng phụ sau khi hóa xạ trị, tôi như chợt bừng tỉnh khi đối chiếu phản ứng của cơ thể mình với những thông tin mà tờ rơi và các báo cáo viên thuyết trình.
Hóa ra, mình rất chăm tìm hiểu nhưng sai phương pháp, không nắm bắt được những diễn biến chính của các phản ứng đề kháng cơ thể trước những đợt hóa xạ trị nên hoang mang không cần thiết khi cơ thể có những thay đổi bất thường.
Mượn vội cái bút của cháu sinh viên, tôi viết nháp bài viết về buổi tọa đàm trên những phần còn trống trên tờ gấp vừa được phát.
Quay về phòng bệnh, tôi chuyển bài viết lên chiếc điện thoại cùng hình ảnh buổi tọa đàm.
Gửi cho ông Phạm Việt Long, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa và Phát triển, tôi đinh ninh phải sáng hôm sau, ông Long mới đọc mail và xử lý bài báo này. Tôi quay lại buổi tọa đàm. Vừa ngồi xuống ghế điện thoại lại nhắn có tin. Bài báo đã được ông Long duyệt và đích thân ông Long post lên Tạp chí.
Từ lúc tôi viết bài hết 15‘ rồi gửi cho ông Long. Cả duyệt, chỉnh sửa và cả dàn trang, ông lão U80 sau 15’ đã đưa bài báo lên Tạp chí. Khi đó, buổi tọa đàm vẫn đang tiến hành và bài báo đã được chuyển đường link tới Trưởng phòng Công tác Xã hội chủ trì buổi tọa đàm.
Việc ông Tổng Biên tập Tạp chí VH&PT kịp thời đưa tin đã thể hiện sự quan tâm của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tới những người mắc bệnh ung thư và động viên những người mắc bệnh vượt qua gian khó.
Đúng chất người lính năm xưa, khi là học sinh giỏi văn của Hà Nội (Đoạt giải nhì thành phố), năm 1966-1967 ông Phạm Việt Long đã xếp bút nghiên vào chiến trường Khu V làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
Sau 10 năm ở chiến trường, ông Phạm Việt Long về TTXVN rồi chuyển sang Bộ Văn hóa Thông tin. Học xong bậc đại học, ông theo học Thạc sỹ, Nghiên cứu sinh rồi bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ Ngữ văn, đảm đương xuất sắc chức trách Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thông tin.
Tổ chức dự định đưa ông lên bậc Thứ trưởng với số phiếu tín nhiệm rất cao. Do quá tuổi bổ nhiệm (Ông quê gốc Ninh Bình, sinh ngày 1/7/1946 tại Hà Giang), ông đã về làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Sách Việt Nam và đảm nhiệm cương vị này cho đến khi về hưu.
Ngỡ tưởng “ông quan văn hóa’' này chỉ chuyên quản lý, nhưng tất thảy mọi người quen biết ông đều ngạc nhiên với sức sáng tạo nghệ thuật của ông.
Văn ông có hàng chục tác phẩm, đoạt Giải B về văn xuôi do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000 với tập sách “Bê trọc”; Giải C sách hay - Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất - năm 2018 với bộ truyện dành cho thiếu nhi “Bi Bi và Mặt đen”; Tác phẩm mới nhất của ông là tập truyện “Phong lan về trời” (NXB Dân trí, 2020)…
Về nhạc, với những ca khúc trữ tình mà hào hùng, với những sách chuyên luận về âm nhạc, ông đoạt Giải Nhất Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016 với sách chuyên luận “Hát mãi Trường Sa ơi!”, Giải Khuyến khích Giải thưởng hằng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019 với sách chuyên luận “Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc”.
Nhà văn Ma Văn Kháng đã từng khẳng định: “Phạm Việt Long là một tiềm năng sáng tạo đáng nể trọng. Báo chí hay văn chương chưa thỏa "cơn khát” sáng tạo trong ông. Với sự bay bổng, lãng mạn, hào hoa vốn có của một người đã gắn bó với Hà Nội hơn nửa thế kỷ, ông đến với âm nhạc như một cái duyên”.
Những ca khúc mới của Phạm Việt Long còn độc đáo hơn khi ông mày mò thể hiện chất tiền chiến xen lẫn chất đương đại, khiến các ca khúc như mang một diện mạo mới, hồn cốt ngàn xưa nhưng đầy chất đương đại, quyến rũ lòng người. Ca khúc "Tâm sự người làm báo" của ông có sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp, có sức sống bền bỉ, thường được chọn biểu diễn trong những sự kiện lớn cấp quốc gia liên quan đến hoạt động báo chí. Ca khúc "Niệm bình an" nhẹ nhàng mà sâu lắng, trở thành ca khúc phổ biến trong giới phật tử và trong các sinh hoạt văn hóa của các chùa trên cả nước.
Nhà báo – Nhà văn – Nhạc sỹ Phạm Việt Long đã thuộc ngưỡng U80, nhưng phong thái và sự năng động của ông lại như trai 18.
Ông tham gia mạng xã hội, rành thao tác công nghệ khiến nhiều người trẻ phát ghen. Ông tham gia quản trị trang mạng, góp phần làm cho trang mạng đó thêm chững chạc, đầy chất văn hóa nghệ thuật và số thành viên tham gia vượt lên TOP đầu trong các trang mạng tại Việt Nam.
Có thể nói Phạm Việt Long là “Người không phổi” trên văn đàn Việt Nam.
Sức sáng tạo, năng lượng sống đã khiến Phạm Việt Long là “Người đặc biệt” của văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Nhân ngày sinh 1/7, xin kính chúc ông mãi khỏe, mãi vui và mãi sáng tạo những tác phẩm hay để lại cho đời.
Hồ Công Thiết
Link nội dung: https://www.vanhoavaphattrien.vn/nguoi-dac-biet-pham-viet-long-a13677.html