Phố Hàng Bột – Nét riêng và chung trong lòng Hà Nội

Hồ Công Thiết

17/01/2022 20:52

Theo dõi trên

Từ Cửa Nam thành Thăng Long có con đường chạy qua Văn Miếu – Quốc Tử Giám về đến Ô Chợ Dừa, đó là phố Hàng Bột, nay đổi tên thành phố Tôn Đức Thắng – Đống Đa – Hà Nội.

271238480-3101648383447616-7520911448561272392-n-1642394439.jpg

Cũng từ Cửa Nam, đến đoạn đường có ga Hàng Cỏ bây giờ là các con phố được đặt tên xưa là Hàng Lọng và Hàng Cỏ. Hàng Bột, Hàng Lọng, Hàng Cỏ là phố cổ Hà Nội nhưng cũng là nơi có 2 con đường xuôi về phía Nam của thành Thăng Long. Hàng Cỏ là nơi bà con các làng phía Nam kinh thành gánh cỏ đến bán cho quan binh trong thành ra mua để nuôi ngựa và gia súc. Hàng Lọng là nơi chế biến những đồ nghi trượng, lọng, tàn hoặc tán cho các quan trong triều.

Xuôi về Nam theo hướng đấy là ao hồ và các đầm nước rộng mênh mông. Đường qua hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu, nay là đoạn cuối đường Lê Duẩn và đường Giải Phóng bây giờ, ngày xưa chưa có. Bên phía Hàng Bột, vốn là đất thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Xưa nơi đây là huyện lỵ Thọ Xương, sau huyện lỵ chuyển về khu vực Ngõ Huyện – Lý Quốc Sư. Vị trí huyện lỵ xưa ở phần đất xây Nhà thờ Hàng Bột (số nhà 162) và Phòng y tế quận Đống Đa (số nhà 107) phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội bây giờ. Hàng Bột là tên thôn hay còn gọi là Miến Thôn. Dân có nghề làm bột bán khắp kinh thành. Miến Thôn có 2 phường (hoặc gọi là 2 thôn) Thục Miến làm bột chín và Hương Miến chế loại bột thơm.

Ở số nhà 36-38 phố Tôn Đức Thắng có ngõ thông ra khán đài B sân Hàng Đẫy nay vẫn gọi là ngõ Hàng Bột. Bên đối diện, nằm trên phố Văn Miếu vẫn còn ngõ lớn, được giữ tên cũ là ngõ Thanh Miến. Tuy là phố hình thành khi mới lập Thăng Long thành nhưng phố Hàng Bột lại vừa giống vừa khác với khu vực phố cổ. Cũng có các phường buôn bán lương thực, các loại bột và sản phẩm làm ra từ bột, nhưng phố Hàng Bột còn là con đường thiên lý xuôi về hướng Nam, qua ngả Ô Chợ Dừa. Ao hồ, đất ruộng nằm xen lẫn nhà dân khiến phố Hàng Bột vừa mang nét phố phường vừa có cảnh quan của một thôn quê. Các làng Hào Nam, An Trạch, Bích Câu, Linh Quang, Lương Sử, Văn Hương, Văn Chương rồi sau đó là Thổ Quan, Quan Thổ, Thịnh Hào, Cẩm Văn… vây quanh phố Hàng Bột.

271863323-3101648583447596-7306511655877042328-n-1642394556.jpg

Phố Hàng Bột, chặn hai đầu phố là hai cái chợ. Xưa bên hông Văn Miếu - Quốc Tử Giám là chợ Giám, còn gọi là chợ Con Bò, có thời kỳ kéo dài gần tới đền Sòng Sơn (Sùng Sơn) ở số nhà 35. Đền Sòng Sơn tức đền Sòng, thờ bà chúa Liễu Hạnh. Chợ Giám xưa là bãi đất trống với các lán chợ chạy thẳng hai hàng từ đầu đến cuối chợ. Chợ bán hàng lagim (rau củ quả) và rất nhiều thịt bò. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, có thời gian chợ Giám vẫn còn ông quản chợ người Ấn, đội mũ vải xếp nếp đứng thu tiền của những người vào chợ bán hàng. Ở mặt quay ra phố Quốc Tử Giám, nay vẫn còn một nhà có tấm phù điêu đắp nổi hình hai con bò đang châu đầu vào nhau. Tấm biển quảng cáo thời a còng (@) đang che khuất phù điêu đó. Cuối phố Hàng Bột là chợ Dừa. Ô cửa thành hướng này nằm bên chợ Dừa nên được gọi theo là Ô Chợ Dừa. Chợ còn là Kẻ Chợ đã xuất hiện từ rất sớm. Năm 1035, vua nhà Lý “mở chợ Tây Nhai với hành lang dài” (ở vào quãng chợ Ngọc Hà). Sau đấy, vua Thái Tông cho mở chợ ở Cửa Đông (quãng phố Hàng Buồm ngày nay), hàng quán chen chúc sát đến bên đền Bạch Mã, rất huyên náo. Chợ Dừa cũng vậy, nằm sát bên sông, trên bến dưới thuyền, chợ Dừa họp dưới những rặng dừa mà nên tên. Thủa đấy chợ Dừa là chợ sầm uất nhất Hà Nội thời xa xưa.

Mới chỉ cách đây hơn chục năm, chợ Dừa vẫn tồn tại. Men theo Đê La Thành, các bà nội trợ phải dò dẫm xuống từng bậc thang mới vào đến những gian hàng như đang nằm lọt thỏm trong một thung lũng. Những người đi chợ hẳn không hình dung mình đang đi trên những nẻo đường tiền nhân đã bước. Xưa Hàng Bột là con đường kinh lý với Ô Chợ Dừa ngăn cách khu thành nội với con đường xuôi phương Nam. Phố dài 1,24km, chạy qua các làng Văn Chương, Văn Hương, Linh Quang, Thịnh Hào, An Trạch bây giờ. Phố bắt đầu từ nơi giao cắt với phố Nguyễn Thái Học và kết thúc ở Ô Chợ Dừa. Phố cũng từng in đậm dấu voi chiến, ngựa chiến khi qua cửa ô giải phóng Hoàng thành.

271812798-3101648476780940-935589453004249585-n-1642394478.jpg

Đầu phố có Văn Miếu - Quốc Tử Giám (chữ Hán: 文廟-國子監) là quần thể di tích Quốc gia hạng đặc biệt bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám, được xây dựng từ năm 1070. Sát bên cạnh, ở phố Y Miếu trên phố Văn Miếu là Y Miếu thờ thờ Tuệ Tĩnh thiền sư và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Các gian bên thờ Thần Nông và những danh Nho. Trong Y Miếu có các hoành phi, câu đối ca ngợi sự nghiệp cao đẹp của hai vị Tổ cùng những giá trị sâu sắc của nền Y học cổ truyền. Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Từ ngoài vào trong có hai cổng chính là Văn Miếu Môn và Đại Trung Môn.

Giữa phố có chùa Huy Văn, ngôi chùa 2 trong 1 độc nhất trên đất Việt cùng lúc thờ cả Phật lẫn vua. Điện phía trước thờ vua Lê Thánh Tông ngồi trên ngai rồng, bên phải có tượng thờ bà Quang Thục Hoàng thái hậu ( mẹ vua), bên trái là tượng thờ Hoàng hậu, vợ vua. Phía sau điện là chùa Dục Khánh, có Văn bia "Huy Văn Điện, Dục Khánh tự bi ký" cho chùa Dục Khánh là một ngôi chùa lớn từ thế kỷ thứ XV. Việc bố trí sắp xếp trên điện của chùa có sự khác biệt với ngôi Chùa thờ Phật thông thường. Lớp trên cùng là 3 pho tam thế, lớp thứ hai ngồi chính giữa là tượng vua Lê Thái Tông và bốn vị tứ trụ triều đình, lớp 3 là tượng Quan Âm, lớp thứ tư : Toàn Cửu Long đặt ở giữa, bên trái là tượng Quan âm Thị Kính, bên phải là tượng bà nội của vua Lê Thánh Tông, lớp thứ 5 là tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, hai nhân tài đất Việt đã được vua Lê Thánh Tông giải oan.

Đời vua Lê Thánh Tông thịnh trị nhờ có bộ luật Hồng Đức. Những phép Tu thân, Tề gia ở bộ luật Hồng Đức nay vẫn được các làng xã ở Việt Nam đưa vào Hương ước để bổ khuyết cho những thiếu sót của bộ luật đương đại. Cuối phố có Đàn Xã tắc, nơi hội tụ mọi linh khí của đất trời để các triều vua xưa cầu Quốc thái dân an. Hàng Bột còn Bích câu đạo quán, nơi lưu giữ mối tình đẹp giữa chàng Tú Uyên với tiên nữ Giáng Kiều. Không phải ngẫu nhiên mà các cơ sở văn hóa và giáo dục đều tập trung quanh Hàng Bột. Nhạc viện Hà Nội, Đại học Văn hóa, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, trường viết văn Nguyễn Du cũng chỉ cách Hàng Bột có vài bước chân. Xin lưu ý những nơi đấy xưa kia đều không có đường phố, nhưng thế đất trấn ải cõi Nam của thành Hà Nội đã thu hút mọi vượng khí văn hoa của nước Việt.

271686903-3101648766780911-2010467115622008462-n-1642394588.jpg

Lịch sử phố Hàng Bột cũng trải qua thăng trầm cùng đất nước. Khi Pháp chiếm Hà Nội năm 1882, phố Hàng Bột bị đổi tên là phố Rue Soeur Antoine (Phố sơ An-toan). Địa giới Hàng Bột khi ấy có 2 phần. Phần trong nội thành và phần ngoài thành phố. Phần trong nội thành bản đồ ban đầu chỉ kẻ tới đường 221 (Phố Hồ Giám bây giờ) nhưng thực tế phố Hàng Bột kéo dài tới ngã ba Tôn Đức Thắng – Phan Văn Trị ngày nay. Phố Phan Văn Trị xưa thông sang làng An Trạch và cả Bích Câu. Về sau, chính quyền thực dân Pháp nhượng lại phần đất trụ sở cũ của huyện lỵ Thọ Xương cho Giáo phận Tây Đàng ngoài ( Nay là Tổng Giáo phận Hà Nội) để xây dựng một trại tế bần. Tiếp đó, hội Dòng thánh Phaolo xây nên Nhà thờ Hàng Bột. Nhà thờ Hàng Bột và Trại tế bần là khu vực nằm ở số nhà 162 và 107 Tôn Đức Thắng ngày nay. Bên số nhà 162, cạnh nhà thờ xưa có các dãy nhà 1 tầng mái ngói. Đó là cơ ngơi của Trại tế bần và phía đối diện, khu nhà Tây làm trụ sở Phòng Y tế Đống Đa và các dãy nhà cũng 1 tầng thuộc dãy số nhà 107, cũng là cơ sở xưa của Trại tế bần.

Những dãy nhà của Trại tế bần đều thẳng hàng ngay lối, rất dễ nhận diện từ trên cao nên trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, quân Đồng Minh đều tránh ném bom khu vực này. Dân Hàng Bột lúc đó hay gọi khu Trại tế bần là Sở An toàn (đọc chệch của Sơ An-toan) để chỉ ở trong khu này sẽ an toàn khi có báo động máy bay quân Đồng Minh đến. Chính vì vậy nên phố Hàng Bột hội đủ những điều đặc biệt, những nét riêng, rất độc đáo trong hệ thống các phố Hàng ở Hà Nội. Ở phố Hàng Bột có đủ các di tích lịch sử bậc nhất kinh thành Thăng Long, có nhiều của ngon vật lạ đất kinh kỳ và cũng có những ngành nghề đặc trưng của đất kẻ chợ. Nó như một Hà Nội thu nhỏ trong lòng Hà Nội.

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Phố Hàng Bột – Nét riêng và chung trong lòng Hà Nội" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn