Ông trùm của những huyền thoại tình báo

Hồ Công Thiết

10/09/2021 14:49

Theo dõi trên

Cục trưởng Cục tình báo Trần Hiệu là người có tầm nhìn chiến lược. Từ những ngày Chính phủ đang đàm phán về Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông và Ban lãnh đạo Cục tình báo chạy đua với thời gian để xây dựng hàng loạt mạng lưới điệp viên để cài cắm suốt lượt trong các cơ quan đầu não của quân đội Pháp, của lực lượng ngụy quân ngụy quyền, lực lượng chủ chốt của chính phủ Việt Nam Cộng hòa sau này.

 

ong-trum-cua-nhung-1631259690.jpg

Khi Hiệp định Giơnevơ về chiến tranh Đông Dương còn trong giai đoạn thương thảo, tình báo Việt Nam đã gấp rút xây dựng thế trận tình báo nhân dân cho giai đoạn mới. Các cơ quan cấp tỉnh, ngành nếu có cơ hội đều tung người cài cắm vào các cơ quan và đầu não chỉ huy của địch. Việc chui sâu leo cao ổn định, Cục tình báo sẽ tiếp nhận và trực tiếp quản lý để tránh những sơ xuất khiến các đồng chí mình bị phát giác. Tại cơ quan Cục, bộ phận tổ chức cũng sàng lọc trong lực lượng cán bộ đảng viên của cách mạng để bồi dưỡng thành tình báo viên để tung vào lòng địch. Mỗi người tham gia đều hoạt động đơn tuyến trong thời gian đầu và việc nối liên lạc với họ, chỉ được giao cho một hoặc hai cán bộ chuyên trách của Cục.

Để xây dựng mạng lưới tình báo rộng khắp và cả chuyên sâu, Cục trưởng Cục tình báo Trần Hiệu rất chú trọng công tác nhân sự và tuyển chọn nhân tài. Ông Trần Quốc Hương, sau này là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng được ông tuyển chọn kỹ càng như vậy.

Cuối năm 1948, trong một lần làm việc với bộ phận G.L.A (Giao thông – Liên lạc – An toàn khu), ông đã phát hiện tư chất của người cán bộ trẻ thua ông gần một Con Giáp này. Ngay lập tức ông lên gặp Tổng bí thư Trường Chinh và xin được đưa ông Trần Quốc Hương về bộ phận tình báo. Đề xuất được duyệt và ông Trần Quốc Hương đã chứng tỏ khả năng của mình trong cương vị trợ thủ Cục trưởng Trần Hiệu hoạch định các kế sách tầm cỡ chiến lược.

Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam sắp được ký kết, xét đề nghị của Cục tình báo, ông Mười Hương đã được các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng trực tiếp giao nhiệm vụ vào Nam xây dựng lực lượng tình báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tham dự cuộc gặp và động viên ông Mười Hương trước trọng trách mang tính bước ngoặt của tình báo Việt Nam.

Vào đến Quân khu 9, ông Mười Hương gặp lại người bạn tù là Phan Trọng Tuệ đang là Tư lệnh Quân khu, ông Lê Toàn Thư là Xứ ủy viên Nam Kỳ cũng hết lòng ủng hộ nên các kế hoạch của Trung ương được ông cùng các ông Cao Đăng Chiếm, Mai Chí Thọ (sau này đều là những lãnh đạo chủ chốt của ngành công an) gấp rút triển khai. Hàng loạt các lớp huấn luyện tình báo với thành phần nòng cốt là các chiến sĩ tuyển dụng từ ngành công an được mở. Ông Mười Hương cũng là người thay mặt Cục tình báo, phụ trách các đầu mối tình báo đang hoạt động tại địa bàn miền Nam. Ông Mười Hương cũng là cấp trên trực tiếp của những nhà tình báo lỗi lạc của Việt Nam như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Đặng Trần Đức (Ba Quốc), Đinh Thị Vân…

Là người giữ trọng trách cao nhất của ngành tình báo Việt Nam, ông Trần Hiệu phải xây dựng mạng lưới tình báo trên mọi lĩnh vực cho Tổ quốc, nhưng đồng thời ông cũng phải chuẩn bị ở mức cao nhất cho các chiến sỹ của mình trước khi hoạt động đơn độc trong lòng địch.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh và thành phần xuất thân. Cục trưởng Trần Hiệu dày công cùng họ xây dựng một vỏ bọc hợp lý nhất và một định hướng để họ chủ động tối đa trong việc thể hiện mình trước sự săm soi của tình báo địch. Ngay cả khi giao việc hoặc gặp gỡ các tình báo viên, ông Trần Hiệu cũng đề cao sự cảnh giác khi lập các cơ sở bí mật để tiếp xúc các điệp viên, dù lúc đó ta đang nắm quyền quản lý địa bàn, đồng thời ông luôn chú trọng phát huy tính tự chủ, quyết đoán cho mỗi điệp viên. Vì vậy như trường hợp của ông Phạm Xuân Ẩn, khi có thời cơ đi Mỹ du học để tạo độ chắc chắn cho vỏ bọc, đồng thời cũng là cơ hội để trang bị thêm kiến thức cho hoạt động tình báo, ông Phạm Xuân Ẩn đã tự quyết định được ngay. Quả nhiên cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kéo dài hơn dự kiến và với vỏ bọc hoàn hảo được xây dựng, cùng kỹ năng làm báo được đào tạo chính quy, ông Phạm Xuân Ẩn đã khai thác được những nguồn tin tình báo chiến lược hết sức giá trị. Đóng góp của ông Phạm Xuân Ẩn đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cụ thể hóa bằng hình tượng: “Chúng ta đang ở trong phòng điều hành tác chiến của quân đội Mỹ” khi thông báo những tin tức ông Ẩn gửi về trong cuộc họp của Bộ chính trị.

Với ông Vũ Ngọc Nhạ, vị cố vấn của hai đời chính quyền Sài Gòn lại khác. Tháng 11 năm 1954, Hà Nội đã được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản nhưng ông Trần Hiệu vẫn mặc chiếc áo bông lù xù, mũ trùm tận tai đi bộ đến hộp thư liên lạc của Cục tình báo đặt tại nhà cơ sở ở phố Hàng Bạc để gặp ông Nhạ. Khi đó Cục trưởng Cục tình báo Trần Hiệu muốn giữ bí mật tuyệt đối cho điệp viên bí mật nên dù chính quyền đã về tay nhân dân, ông vẫn không thể làm việc với ông Vũ Ngọc Nhạ tại công sở.

Tối đấy hai người làm việc tới tận khuya. Thủ trưởng Trần Hiệu đặt mật danh Hai Bân tức Hai B cho ông Vũ Ngọc Nhạ và cho lưới tình báo ông Nhạ phụ trách là H10. Thủ trưởng Trần Hiệu đã bàn giao cho ông Nhạ một số cơ sở trong mạng lưới tình báo để xây dựng mạng lưới H10 hoàn chỉnh. Pháp lúc đó vẫn đang quản lý Hải Phòng 300 ngày theo Hiệp định Paris, và tại miền Nam Pháp vẫn đang nắm quyền quản lý nên mạng lưới H10 có nhiệm vụ phải xâm nhập vào cơ quan tình báo của quân đội Pháp là tổ chức Phòng nhì (Deuxième Bureau) của quân đội Pháp. Đêm đấy ông Trần Hiệu và ông Vũ Ngọc Nhạ tâm sự nhiều lắm. Biết ông Nhạ còn băn khoăn về khả năng của mình khi nhận một công việc mới lạ, ông Hiệu trấn an: “Đừng lo. Chúng mình cứ vừa làm vừa tự học hỏi rồi gỡ dần dần. Cứ xác định Tổ quốc trên hết thì sẽ có giải pháp đúng đắn”. Biết ông Nhạ còn nhiều vấn vương về gia đình, ông Trần Hiệu đã bố trí “bắt cóc” vợ con ông Nhạ từ Thái Bình, đưa xuống Hải Phòng để làm mọi thủ tục cho vợ con ông Nhạ được di cư vào Nam đoàn tụ với chồng. Lúc ấy Hải Phòng vẫn do quân Pháp quản lý trong 300 ngày sau Hiệp định Giơnevơ để lo di tản những người theo họ.

Trong những ngày hoạt động tình báo đơn độc giữa vòng vây kẻ thù, ông “cố vấn” Vũ Ngọc Nhạ vẫn luôn ấm lòng khi nhớ tới sự quan tâm rất nhân văn của thủ trưởng Trần Hiệu.

Dù là người kiệm lời, ít tự bộc lộ bản thân nhưng ông Vũ Ngọc Nhạ cũng phải hãnh diện thốt lên khi gặp các cán bộ Viện kiểm sát Nhân dân tối cao sau ngày Chiến thắng: “Viện phó của các cậu (chỉ ông Trần Hiệu) là thủ trưởng của tớ đấy. Trong Nam, tớ theo dõi thấy truyền thông đưa tin đều đặn về các hoạt động của thủ trưởng là tớ yên tâm”.

Cục trưởng Cục tình báo Trần Hiệu là người có tầm nhìn chiến lược. Từ những ngày Chính phủ đang đàm phán về Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông và Ban lãnh đạo Cục tình báo chạy đua với thời gian để xây dựng hàng loạt mạng lưới điệp viên để cài cắm suốt lượt trong các cơ quan đầu não của quân đội Pháp, của lực lượng ngụy quân ngụy quyền, lực lượng chủ chốt của chính phủ Việt Nam Cộng hòa sau này.

(Trích)

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ông trùm của những huyền thoại tình báo" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn