Non nước xứ Quảng: Một tác phẩm biên khảo giá trị

Lê Hồng Khánh

27/11/2021 22:07

Theo dõi trên

Nhà biên khảo Phạm Trung Việt (1926- 2008) tên thật Phạm Viết Trưng, tác giả Non nước xứ Quảng, tái bản nhiều lần. Các tác phẩm khác:  Khuôn mặt Quảng Ngãi (Nam Quang, Sài Gòn, 1973), Thi ca và giai thoại miền Ấn – Trà (Cẩm thành thư xã, Quảng Ngãi, 1973), Tâm sự người cha I, II (tùy bút – thư) 1964, 1968…

pham-trung-viet-1-1638020423.jpg
Chân dung nhà biên khảo Phạm Trung Việt

Năm 1962, ông Phạm Trung Việt lần đầu tiên cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Non nước xứ Quảng, một tác phẩm biên khảo tổng hợp về lịch sử, văn hoá và thi ca miền đất Quảng Ngãi. Cho dù còn có mấy cuốn sách khác của ông cũng được nhiều bạn đọc biết đến như Khuôn mặt Quảng Ngãi, Thi ca và giai thoại miền Ấn Trà, Tâm sự người cha, nhưng Non nước xứ Quảng đã trở thành tác phẩm để đời và cái bút danh Phạm Trung Việt cùng với nhan đề cuốn sách đã thành một cặp đôi gắn chặt lấy nhau, như có mối lương duyên kỳ ngộ.

Đến thời điểm trước năm 1975, Non nước xứ Quảng đã có đến 4 lần tái bản, vào các năm 1965, 1969, 1971và 1973. Rồi cũng ít nhất từng ấy lần, sau năm 1975, người ta in lại cuốn sách nầy ở nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Khi internet đã trở nên phổ biến trên toàn cầu, những ai quan tâm tìm hiểu về mảnh đất và con người Quảng Ngãi chẳng khó khăn gì khi muốn tìm trên mạng những trích đoạn khác nhau của Phạm Trung Việt viết về mảnh đất chôn nhau cắt rốn mà ông gắn bó đến trọn đời, từ danh lam thắng cảnh đến văn hoá ẩm thực, từ lịch sử khai mở đến khí cốt dân tình,…

Non nước xứ Quảng là một cuốn sách có số phận đặc biệt, và nếu có một cuộc bình chọn cho những tác phẩm viết về quê hương được người Quảng ngãi yêu mến nhất, trân trọng nhất thì chắc hẳn đây sẽ là cuốn sách xếp lên đầu bảng. Trong chiến tranh, rất nhiều học sinh trung học Trần Quốc Tuấn, Bồ Đề, Hùng Vương,.. xếp bút nghiên đi kháng chiến đã mang theo Non nước xứ Quảng trong gói hành trang ít ỏi của mình. Bên kia chiến tuyến, cuốn sách của Phạm tiền bối cũng là niềm an ủi cho những người lính đêm ngày đối mặt với bao điều phi lý mà chiến tranh đã gieo rắc trên thân thể bà mẹ quê hương nghèo khó và khổ đau của họ. Với nhiều thế hệ người Quảng Ngãi sống xa quê, Non nước xứ Quảng chính là một mảnh quê nhà theo bước ly hương, sớm tối xẻ chia bao nỗi niềm mưa nguồn, chớp bể.

Điều gì đã làm nên tình cảm sâu đậm của người đọc đối với một cuốn sách chưa thể gọi là công trình biên khảo mẫu mực, thậm chí có những thiếu sót, hạn chế cả về phương pháp nghiên cứu lẫn về kết cấu tác phẩm? Phải chăng là sự thấu hiểu, đồng cảm với soạn giả về nỗi nhọc nhằn khi sưu tầm, tra cứu các nguồn tư liệu, văn khố trong hoàn cảnh nghiệt ngã của chiến tranh? Hay vì nội dung cuốn sách đề cập đến những điều dễ gợi tính hiếu kỳ của người đọc như truyền thuyết về giếng Phật, chuông Thần trên đỉnh đồi Thiên Ấn, giai thoại về những người Quảng Ngãi từng góp công lao, xương máu làm rạng danh lịch sử nước nhà như Lê Văn Duyệt, Trương Đăng Quế, Trương Định, Lê Trung Đình, ..? Quả đúng là như vậy, nhưng cái đúng nhất, cái thẳm sâu nhất tạo nên sức hút kỳ diệu của Non nước xứ Quảng chính là tấm lòng người viết đối với quê hương “sông Trà, núi Ấn”, là nỗi niềm của một người con nặng nợ với quê cha, đất tổ. Từng trang sách của Phạm Trung Việt thấm đẫm tình yêu tha thiết với xóm thôn, làng mạc chốn quê nhà, với hương đường, mật mía, với những con người cần lao, mưa nắng dãi dầu. Và vì vậy, người đọc nhận ra nơi ông tiếng nói tâm tình, chia xẻ, như thể tiếng rì rầm quen thuộc của những guồng xe ngày đêm nhẫn nại mang dòng nước sông Trà, sông Vệ tắm mát cánh đồng xanh. Cũng thật là một phối ngẫu hy hữu thăng hoa khi cái tình nhuần đượm trong từng trang sách thì mặn mà nồng thắm, còn văn chương, chữ nghĩa lại thật thà, mộc mạc, không một hơi hướng bóng bẩy phô trương, cũng chẳng thấy đâu lối viết kiểu cách, điệu đàng…

pham-trung-viet-2-1638020423.png
Sách Non nước xứ Quảng- xuất bản năm 1969

Đọc Non nước xứ Quảng, người Quảng Ngãi tha hương ngỡ gặp lại xóm làng, cố quận, ruộng lúa, đồng dâu; người đang sống ở quê nhà thấy dòng sông Trà quen thuộc bấy lâu âm thầm xuôi về với biển mà sao nay cứ lưu luyến vấn vương, ngọn núi Thiên Ấn phía xa xa bỗng trở nên lung linh. huyền diệu trong lấp lánh ánh chiều. Với người nầy, cuốn sách của Phạm Trung Việt gợi nhớ về kỷ niệm một thuở đã xa, với ai kia là lời nhắc nhở đừng vội quên bến nước cuối thôn, luỹ tre đầu xóm. Và hơn tất cả, trong sâu thẳm tâm tư của rất nhiều người Quảng Ngãi, thuộc nhiều thế hệ, dù đang sống ở quê nhà hay trở thành lưu dân trên khắp mọi miền đất nước, tận hút xa góc biển, chân trời, lời nói như không có thanh âm mà rưng rưng vọng lên từ mỗi trang Non nước chính là một tiếng gọi đàn.

Sáu mươi năm đã trôi qua, kể từ lần đầu Non nước xứ Quảng đến với bạn đọc, đã có không biết bao nhiêu bài báo, cuốn sách viết về quê hương Quảng Ngãi, trong đó có không ít tác phẩm thừa hưởng những thành quả biên khảo giàu tâm huyết của ông Phạm Trung Việt, nhưng đã kịp nối bước ông, bổ sung, chỉnh sửa những điều còn thiếu sót hoặc chưa thể làm được trong điều kiện khó khăn lúc bấy giờ. Mặc dù vậy, Non nước xứ Quảng vẫn có chỗ riêng trong lòng người Quảng Ngãi mà không phải cuốn sách nào cũng có thể có được.

Chỉ mấy giờ sau khi Phạm tiền bối tạ thế, những dòng thương tiếc mà người Quảng Ngãi tha hương dành cho ông đã xuất hiện khá nhiều trên các website, các diễn đàn của cư dân mạng. Thương ông đi xa, nhưng lại mừng cho ông lắm, vì khi nhắc đến ông thì y như rằng người ta nhắc đến những kỷ niệm với cuốn sách đã chứng thực giữa đời là đứa con tinh thần mà ông dành trọn niềm yêu mến. Thật xúc động khi có người bạn tận Bắc Mỹ kể rằng, ở nơi xa xôi đó, có một ngày cách nay đã nhiều năm, khi mạng internet chưa phát triển như bây giờ, anh đã lang thang đến các tiệm sách với ý định tìm mua mấy quyển Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ , nhưng khi trở về, thay vì những tập luận lý, triết học của nho gia, trên tay anh lại là cuốn  Non nước xứ Quảng. Và anh bảo: “ Cái gốc mạch nha, đường phổi nó nằm sâu trong tâm hơn cái lý trí, suy luận ở trên đầu…”. Thì vậy, quê hương rất nhiều khi là những gì mà ta không thể nói ra, không thể cắt nghĩa cho ai đó hiểu, thậm chí với chính ta lắm lúc cũng chỉ là những chớp sáng bềnh bồng mơ hồ hiện ra trong vô thức, nhưng mãi mãi cái chớp sáng ấy còn ở lại, mãi mãi cái mơ hồ ấy vướng víu lòng ta.

Trong nhiều chuyến điền dã ở cù lao Ré, người viết bài nầy thường lân la đến với các bậc niên trưởng để tìm hiểu về giai thoại, tộc ước, gia phả có liên quan đến lớp cư dân Việt đầu tiên đến khai phá miền đất đảo, kiến lập vạn phường, xây đình, dựng miếu.. Có lần, cách đây chừng hơn mươi năm, tại tư gia một vị cao niên ở xã An Hải, sau khi thắp mấy nén nhang, lầm rầm khấn vái xin phép tổ tiên, ông bà, cụ chủ nhà mang chiếc trắp bằng gỗ sơn then cẩn xà cừ trên bàn thờ xuống. Thiêng liêng, nghiêm cẩn, ông cụ lấy ra từ trong đó tập gia phả viết bằng chữ Hán cùng một số tập sách, sổ ghi chép. Cũng như tập gia phả, mỗi cuốn sổ, tập sách đều được gói trong một vuông vải điều. Thật bất ngờ, trong số những sách vở mà ông cụ xem như của gia bảo ấy có cuốn Non nước xứ Quảng. Khi ông cụ bảo: “Mấy chú đọc đi!”, chúng tôi hiểu, trong ấy có ngầm ý rằng những điều mà ông ghi chép về gia tộc mình, về đảo Lý Sơn là có sách, có chứng,…

Những ai đã đọc qua Non nước xứ Quảng chắc hẳn không khó để nhận ra chứng cứ được nói đến trong cuốn sách của Phạm Trung Việt chính là những dòng ông viết về đảo Lý Sơn và về những dòng họ đầu tiên đến định cư trên hòn đảo nầy. Trong phạm vi quan sát của mình, chúng tôi xin được phép thưa rằng: Phạm tiền bối chính là người đầu tiên viết về 13 vị tiền hiền kiến lập An Vĩnh phường và An Hải phường trên cù lao Ré và xác định thời điểm diễn ra sự kiện đó là vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Chỉ rất tiếc là nhà biên khảo đã không nói rõ ông sử dụng những nguồn tài liệu nào để đi đến xác quyết như vậy. Rất tiếc, mà cũng rất xót xa vì mãi mãi con người mà chúng ta hằng yêu mến chẳng bao giờ còn có thể nói ra điều ấy, dù chỉ một lời, kể từ buổi sáng nhiều mưa ngày 23 tháng mười năm Mậu Tý…

Thưa Phạm tiền bối, sao ông lại chọn ngày 23 tháng mười âm lịch để ra đi? Hay số mệnh lại cố tình đính tên ông vào một ngày vốn đã gắn với câu cửa miệng của người Quảng Ngãi quê mình: “Ông tha mà bà không tha/ Làm thêm cái lụt 23 tháng Mười". Thì thôi cũng đành, ông đi khi nước lụt sông Trà ngập bến Tam Thương, dòng sông loang về phía chân Thiên Ấn cho non nước gần nhau hơn. Hàng vạn tấm chân tình của người Quảng Ngãi sẽ sưởi ấm lòng ông, tiễn ông về cùng non, cùng nước.

 

Bến Hà Nhai, tháng Mười âm lịch.

Bạn đang đọc bài viết "Non nước xứ Quảng: Một tác phẩm biên khảo giá trị" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn