Nghĩ về ngày 30 tháng 4 lịch sử

Đôi điều tản mạn của Phạm Minh Giang

03/04/2022 17:01

Theo dõi trên

Gần nửa thế kỷ qua rồi nhưng ký ức về ngày 30 tháng 4 năm 1975 - thì những người lính chúng tôi không bao giờ quên.

Trung đoàn tôi là Trung đoàn tên lửa phòng không có nhiệm vụ cùng với các đơn vị bạn chiến đấu tiêu diệt các loại máy bay của Không lực Hoa Kỳ xâm phạm bầu trời Quân Khu Bốn.

chien-thang-lich-su-1648980017.jpg
Tác giả Phạm Minh Giang chụp cùng một số anh em đồng đội Trung đoàn Tên lửa 275 tại BTL QCPKKQ Hà Nội tháng 11-2010.Trong ảnh: tác giẳ mặc comle cổ trắng đứng thứ 7 từ đầu quả tên lửa vào. Trung tướng Thái Hiệp nguyên Trung đoàn trưởng 275 người thấp đậm đứng thứ 5 từ đầu quả tên lửa vào. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Trung đoàn có bốn tiểu đoàn hỏa lực, đó là D66, D67, D68, D69 và một tiểu đoàn kỹ thuật (D70). Cơ quan Trung đoàn bộ có Ban chỉ huy Trung đoàn, Ban tham mưu, Ban Chính trị, Ban Hậu cần, Ban Kỹ thuật và một đại đội thông tin độc lập.

Khoảng những ngày đầu tháng 4-1975, chúng tôi được lệnh chuẩn bị lên đường cùng với đại quân tiến vào giải phóng miền Nam.

Lúc ấy tôi là chiến sỹ thuộc Ban tham mưu Trung đoàn. Với tầm hiểu biết có hạn của tôi, thực sự chúng tôi cũng chưa biết là Trung đoàn tên lửa của chúng tôi sẽ được chiến đấu ở chiến trường miền Nam như thế nào trong những ngày tới. Nhưng, tất cả cán bộ chiến sỹ trong trung đoàn, người nào cũng háo hức, hồ hởi chuẩn bị lên đường.

Thế rồi chúng tôi được lệnh lên đường thẳng tiến về phía nam.

Chỉ sau vài tiếng đồng hồ từ khi nhận lệnh, toàn trung đoàn đã chuẩn bị vũ khí, khí tài, đạn dược, quân trang, quân dụng, thuốc men, lương thực thực phẩm… đầy đủ. Các loại xe TZM (chở tên lửa), xe Gát, xe Zinkho, xe Kra, xe xích (kéo bệ phóng), xe đặc chủng kéo khí tài, máy nổ, ra đa và xe không đặc chủng… tất cả đều sẵn sàng.

Hàng nghìn cán bộ chiến sỹ đều được biên chế theo từng xe. Ngoài vũ khí tên lửa, mỗi xe còn được trang bị các loại vũ khí cá nhân để sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.

Chúng tôi đi không kể ngày đêm. Trừ thời gian dừng lại để nấu ăn và ăn cơm, hầu hết thời gian còn lại là “xe ta bon bon trên đường”. Những ngày tháng tư trời nắng nóng nhưng có những xe anh em cứ đầu trần như thế, lại còn vừa đi vừa hát nữa.

Thật kỳ lạ. Suốt chặng đường dài dằng dặc theo chiều dài đất nước, chúng tôi không hề thấy một tên lính Mỹ nào (sau này mới biết lúc đó người Mỹ đang rút chạy đến những người cuối cùng khỏi Việt Nam). Chúng tôi cũng tịnh không thấy một người lính ngụy nào (sau này chúng tôi mới biết, lúc đó, trừ một bộ phận nhỏ ở Xuân Lộc, còn thì hầu hết lực lượng lính Việt Nam cộng hòa đã tan rã hết).

Tịnh không có một tiếng súng, tiếng bom nào. Chỉ có tiếng gà gáy, tiếng chim, chỉ có trời xanh, cây lá xanh, và biển xanh rì rào sóng vỗ mà thôi.

Rồi chúng tôi vào đến Cam Ranh, Phan Rang, Phan Thiết, rồi tiến sát vào Sài gòn (Rất tiếc đơn vị tôi không kịp có mặt tại Sài gòn trưa ngày 30 tháng 4 lịch sử). Tuy nhiên, khi biết tin quân ta đã húc đổ cổng dinh và cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4 lịch sử, tất cả chúng tôi đều reo hò như vỡ trời vỡ đất. Một niềm vui khôn tả trong lòng mỗi người chúng tôi lúc ấy.

Thời khắc ấy, chúng tôi cảm thấy trời như cao rộng hơn, xanh thẳm hơn, cây lá như xanh rờn hơn, biển như phập phồng ngực sóng, đất dưới chân như nở ra, ấm nồng lên rất nhiều…

Như vậy là chiến dịch “tiến về Sài gòn giải phóng thành đô” của Trung đoàn tên lửa chúng tôi chẳng khác nào một cuộc hành quân đường dài đặc biệt – một cuộc hành quân biểu dương lực lượng của Tên lửa SAM –II (loại tên lửa phòng không hiện đại do Liên Xô trang bị và huấn luyện, loại súng pháo phòng không duy nhất cùng với lực lượng bộ đội tên lửa và không quân anh hùng đã tiêu diệt B52 “Pháo đài bay” tối tân hiện đại nhất của Không lực Hoa Kỳ thời ấy).

Mặc dù sẵn có niềm tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng nhưng sự kiện trọng đại trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 quân ta chiếm trọn Dinh Độc lập, giải phóng miền Nam một cách mau lẹ trong không khí hòa bình – làm cho ai ai cũng ngỡ ngàng trước một niềm vui to lớn. Một niềm vui lớn chưa từng có suốt hơn ba mươi năm dài trường kỳ kháng chiến.

Đây là thật hay đây là mơ?

Đây là thật hay đây là mơ?

Thật rồi! Thật rồi! Mỹ đã cút, ngụy đã nhào.

Đó là trăm phần trăm sự thật.

Thế là từ nay, không còn bất cứ tiếng súng, tiếng bom mìn và chất độc hóa học nào có thể phá hoại được cuộc sống yên bình của dân tộc chúng ta.

Thế là từ nay vĩnh viễn không còn cảnh đầu rơi, máu chảy, vĩnh viễn không còn cảnh chia lìa, đớn đau, tang tóc trên toàn cõi Việt Nam.

Thế là từ nay nước sông Bến Hải không bị cách ngăn thành hai dòng, cây cầu Hiền Lương không còn phải phân ra hai nửa. Đất nước Việt Nam từ Lũng Cú đến Mũi Cà Mau và một vùng biển đảo rộng lớn dã được nối liền thành một dải. Non sông Việt Nam được thu về một mối. Con cháu Lạc Hồng Việt Nam đã được về trong một nhà.

Thế là từ nay, dây tơ hồng của hàng triệu đôi uyên ương trên đất nước này vĩnh viễn không còn bị tiếng súng, tiếng bom mìn phạt đứt.

“Hoa đến kỳ thì hoa phải nở”. Gái trai đến thì thì được tự do yêu đương. Cánh đồng, vườn cây đến thì thì tốt tươi, thì đơm hoa, kết trái, thì trổ muôn triệu bông vàng no ấm.

Thế là từ nay, không có bất kỳ một thế lực nào có thể chia uyên rẽ thúy. Không có bất kỳ một thế lực nào có thể làm cho vợ chồng chia lìa, gia đình ly tán. Không có một thế lực nào có thể ngăn được mưa nồng, nắng ấm mùa xuân. Không có một thế lực nào có thể ngăn cản mọi con người trên đất nước này có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc.

Hòa bình. Hòa bình. Hòa bình. Hòa bình và Độc Lập, Tự Do đã về vĩnh viễn trên toàn cõi Việt Nam từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử.

*

Có một bộ phận người dân Việt Nam buồn trong ngày 30 tháng 4 . Vâng, có đấy (Nhưng biết làm sao được?). Bởi vì chiến tranh mà. Kết thúc chiến tranh, ắt phải có bên thắng, bên bại. Bên thắng là dân tộc Việt Nam. Bên bại là Đế quốc xâm lược và bộ máy tay sai của chúng.

Rất buồn, vì hoàn cảnh, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam “cầm lòng” phải tham gia vào bộ máy chính quyền và quân đội phục vụ cho mục đích chiến tranh của Đế quốc Mỹ. (Hầu hết người dân là do hoàn cảnh (không còn cách nào khác phải tham gia). Nhưng cũng có một số ít người cố tình làm tay sai đắc lực cho đế quốc xâm lược).

Khi bọn đế quốc xâm lược thất bại thì buộc lòng, một bộ phận không nhỏ người dân nước ta phải chịu chung số phận của kẻ chiến bại (chứ biết làm sao?).

Tuy nhiên, những ai trong số những người dân ấy đến nay vẫn còn ấm ức, vẫn còn hậm hực (thậm chí vẫn còn bực tức và thù hận) thì xin hãy bình tĩnh nghĩ suy, xem xét lại).

(Thưa những con người ấy. Đế quốc xâm lược bại trận là điều tất nhiên, vì chúng tiến hành chiến tranh xâm lược, phi nghĩa. Mình theo chúng (hay buộc phải theo chúng) thì sớm hay muộn cũng đành phải nhận lấy kết cục ấy. Dù sớm dù muộn thì ngày 30 tháng 4 cũng sẽ đến. Dù có đau buồn một lúc, một thời gian (có trường hợp cả đời) nhưng 30 tháng 4 sẽ là ngày chấm dứt mọi đau thương, buồn khổ vì chiến tranh, mở ra một kỷ nguyên mới tươi sáng cho muôn đời con cháu. Mình là người Việt Nam. Khi đất nước đã có hòa bình, độc lập, tự do rồi, mình sẽ có điều kiện làm lại tất cả).

Ngày 30 tháng tư có hàng triệu người buồn. Tuy nhiên những người buồn chỉ là số ít, chỉ là thiểu số so với tổng số toàn dân tộc.

Có thể nói suốt hơn “ba mươi năm đấu tranh” trường kỳ gian khổ, miền Bắc XHCN đã phải làm việc bằng hai, bằng ba, “hạt gạo cắn làm ba, làm tư”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “vì thống nhất nước nhà”. Có thể nói người dân miền Bắc đã phải vắt đất, vắt nước, vắt kiệt sức lực của mình, đã phải huy động cao nhất “sức người, sức của” cho tiền tuyến lớn, đã hiến dâng những gì tinh túy nhất cho miền Nam, cho cách mạng giải phóng dân tộc. Sự hy sinh lớn lao nhất là hàng triệu, hàng triệu bà mẹ Việt Nam (cả ở hai miền) đã “cầm lòng” giao những người con rứt ruột đẻ ra cho cách mạng, là hàng triệu hàng triệu những người vợ lính, những người yêu của lính (ở cả hai miền) đã mòn mỏi chờ chồng, chờ người yêu suốt mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm trời đằng đẵng, đã chờ hết cả một thời con gái, đã chờ hết cả một thời đàn bà, hết cả một thời sinh nở… thì đến bây giờ, đến ngày 30 tháng 4 là ngày chấm dứt sự hy sinh đó. Vậy thì không vui sao được?

Nước mắt của đau thương, chia lìa, nhung nhớ suốt ba mươi năm ròng tích góp lại, cô đọng lại đã làm nên ngày 30 tháng 4 thiêng liêng lịch sử.

Những ai đó nghĩ rằng niềm vui lớn lao này chỉ là niềm vui của hàng chục triệu người miền Bắc - là một điều sai lầm lớn.

Hàng chục triệu đồng bào chiến sỹ miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” đã “đi trước, về sau”, đã chịu bao nhiêu đau thương khổ cực vì chiến tranh của xâm lược Mỹ, đã nhất tề đứng lên dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, đã kiên cường bất khuất, dũng cảm chiến đấu lập nên những chiến công vang dội, từ Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài, Phú Bổn, Cheo Reo, rồi Cồn Tiên, Khe Sanh, Dốc Miếu, Thành Cổ, Núi Thành, Củ Chi, Rừng Sác… Và đến mùa xuân 1975 lịch sử thì “vận nước đã đến rồi”, “Từ đồng bằng, từ bưng biền, từ rừng sâu, từ núi cao” đến miền duyên hải, đồng bào chiến sỹ miền Nam đã cùng với đồng bào chiến sỹ cả nước rầm rập “tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô”, thống nhất đất nước.

Vì thế, ngày 30 tháng 4 là ngày vui lớn của cả dân tộc, là ngày hội lớn của cả dân tộc. Không ai có thể chối cãi được điều đó.

Càng lùi xa ngày đó, chúng ta thấy 30 tháng 4 càng ngày càng lấp lánh, lung linh ngời sáng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

(Mong được anh em đồng đội, nhất là anh em đồng đội Trung đoàn Tên lửa 275 Sư đoàn 365 và 367 Quân chủng PKKQ - cùng bầu bạn gần xa - đọc và chia sẻ vơi tác giả. Xin trân trọng cảm ơn).

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Nghĩ về ngày 30 tháng 4 lịch sử" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn