Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Nga góp phần bảo tồn, phát huy di sản thờ Mẫu

Ngô Kiên

12/01/2023 17:25

Theo dõi trên

Đền Miếu thờ Hai Bà Trưng (Miếu Đồng Nhân), có từ thế kỷ XII, ở cạnh sông Hồng. Dù ngôi miếu cổ đã dời đến nơi mới và được xây dựng khang trang nhưng dân bãi Đồng Nhân vẫn nhớ công đức Hai Bà nên vẫn lập miếu thờ. Đó là Đền Miếu Hai Bà, nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội.

mieudongnhan01-1673513536.jpg
Đền Miếu Hai Bà

 

Đền Miếu Hai Bà nằm sát đường Bạch Đằng, quay mặt ra sông Hồng trên một khu đất rộng 400m2, cách biệt với khu dân cư bằng tường gạch bao quanh. Miếu gồm có tam quan, trụ biểu và miếu thờ hình chuôi vồ. Đáng chú ý trên các trụ biểu đắp nổi 4 chữ Hán "Hùng liệt tinh linh" nghĩa là "Hồn thiêng anh hùng lẫm liệt". Tại đây, đền thờ Hai Bà được xây dựng với quy mô khá lớn theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Tòa tiền tế 7 gian thờ hai voi gỗ sơn đen; tòa bái đường đặt ngai thờ và một tấm khảm thể hiện Nhị vua Hai Bà cưỡi voi đánh giặc. Trong hậu cung đặt tượng Hai Bà cùng 6 tượng nữ tướng hai bên. Đền Miếu Hai Bà được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 1993.

Đền Miếu Hai Bà là nơi thờ tưởng niệm Hai Bà Trưng thể hiện tấm lòng của nhân dân Đồng Nhân trải qua gần hai ngàn năm vẫn còn sống động, dù cho vật đổi sao dời, bờ sông sụt lở, miếu đền dời đổi, chia tách, dân bãi Đồng Nhân dẫn kiên trì chống chọi với sự tàn phá của thiên nhiên và bom đạn của giặc trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ xâm lược để giữ gìn chốn gốc của huyền tích. Hiện nay ngôi đền do Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Nga là thủ nhang trông nom, phụng thờ. Cái duyên bền chặt giữa bà và việc phụng sự Đức Thánh Mẫu suốt bao năm qua vẫn không thể tách rời. Dẫu cho thời thế nổi trôi, nhiều giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một thì tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn tồn tại song hành cùng lịch sử với những giá trị văn hóa tâm linh và nhân văn sâu sắc. Chính vì vậy, việc con người thờ Mẫu Tam Tứ phủ là một tín ngưỡng rất cao quý, hướng con người ta đến Chân – Thiện – Mỹ, hướng con người đến lẽ phải. Đây chính là truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, hướng về tổ tiên, nguồn cuội. Với vốn văn hóa tri thức sâu rộng, sự khiêm nhường trong đối nhân xử thế vẫn không giấu đi nét nhân văn sâu sắc trong cuộc sống đời thường của Nghệ nhân Hoàng Thị Nga.

z4027855477636-e45d28a277abf28fd3370b0df3888a6a-horz-1673513731.jpg
NNDG Hoàng Thị Nga trong canh hầu

 

Trưởng thành trong gia đình có truyền thống văn hóa, bà đã sớm có cơ duyên với Thánh Mẫu. Với đức tính nhiệt tình, năng động và quyết đoán, bà đã xác định con đường đã chọn và quyết tâm dành hết tâm huyết cho công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu. Gắn bó với Đạo Mẫu hơn nửa cuộc đời, bà đã góp một phần sức lực của mình trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa cao cả, tốt đẹp. Là một đồng thầy có tâm sáng từ thiện nên bất cứ ai gặp khó khăn, bà đều giúp đỡ hết mình. Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Nga tâm niệm, lấy tâm làm phúc, lấy đức làm trọng, cố gắng giúp những người nghèo khổ, luôn luôn làm từ thiện. Bà cũng mong những cô cậu đồng trẻ phải sống đúng tâm đức của mình để xứng danh con của Tứ phủ. Điều mà bà luôn mong muốn là thế hệ đời sau có thể quan tâm hơn đến đạo Mẫu, để biết cội nguồn thánh thần, những con người hàng ngàn năm lịch sử đã có công gìn giữ đất nước.

Với những đóng góp trong nhiều năm, Thủ nhang Hoàng Thị Nga đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng vinh danh, giấy khen, bằng khen... của các cơ quan ban ngành trao tặng. Vất vả là thế, gian truân là thế nhưng đã là một người nghệ nhân chân chính thì việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu luôn là tôn chỉ hàng đầu. Bà cùng với nhân dân Đồng Nhân vẫn luôn duy trì nhang khói để giữ gìn chốn gốc của huyền tích thể hiện tấm lòng ngưỡng vọng với hai vị nữ vương anh hùng dân tộc. Đây là việc làm lâu dài và thường xuyên của cộng đồng nói chung và nghệ nhân Hoàng Thị Nga nói riêng.   

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Nga góp phần bảo tồn, phát huy di sản thờ Mẫu" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn