Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 27)

Phạm Việt Long

15/09/2022 21:20

Theo dõi trên

Do giới hạn của cuốn sách, tôi chỉ đề cập tới ca khúc, nhưng cũng xin nói qua về Opera. Ở Việt Nam, các nhà hát của ta đã sớm du nhập một số vở Opera của Liên Xô, Phương Tây về chuyển ngữ và dàn dựng, biểu diễn. Đặc biệt, chúng ta cũng đã tự viết, dàn dựng, biểu diễn một số vở Opera, trong đó nổi bật là hai cha con nhạc sĩ Đỗ Nhuận – Đỗ Hồng Quân đã cho ra đời hai vở Opera tầm cỡ: “Cô Sao” và “Lá đỏ”.

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

 

Hồi miền Nam mới được giải phóng, tôi vào Sài Gòn thăm chú Nhất, người đã sống ở đây từ năm 1954 cùng gia đình. Khi nói đến âm nhạc, chú tôi cười cười: “Những bài hát giống bài “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” chứ gì?” Tôi cũng cười, ngồi thủ thỉ kể cho chú nghe về âm nhạc của miền Bắc, rất đa dạng, phong phú, có những bộ phận mang tính đại chúng, cổ vũ, hô hào, lại cũng có bộ phận trữ tình, với những bản nhạc bán cổ điển, hoặc Nhạc Vũ Kịch, đạt tới trình độ nghệ thuật khá cao. Rồi hôm khác, thăm chú Phong là giáo viên, tôi ngồi nghe nhạc cùng chú, bàn luận về những bản nhạc Valse mà tôi thich, cả những bản Sonata, Serenade... Hôm sau, gặp lại, chú nói với tôi: “Hôm qua có ông hàng xóm nghe chú cháu mình nói chuyện. Ông ấy hỏi là sao chính quyền ông Thiệu bảo rằng người miền Bắc ngu lắm, không được học hành, không biết âm nhạc. Vậy mà tôi nghe ông này nói chuyện thông thạo thế?” Nhắc lại điều này, tôi muốn nói rằng chính quyền Thiệu trước đây không chỉ dùng vũ khí mà còn dùng thủ đoạn tuyên truyền, hạ thấp miền Bắc về văn hóa để nhằm mục đích giành chiến thắng. May thay, ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Bắc đã cử vào Sài Gòn một đội ngũ hùng hậu văn nghệ sĩ, trong đó có cả dàn nhạc giao hưởng, vào phục vụ công chúng. Những buổi biểu diễn nghệ thuật ấy không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của công chúng, mà còn là một hành động chính trị, phản bác luận điệu tuyên truyền hạ thấp văn hóa miền Bắc, chứng minh cho công chúng rõ trình độ văn hóa, nghệ thuật của miền Bắc là thế nào?

Câu chuyện trên cũng nói lên rằng, một nền âm nhạc không thể chỉ có ca khúc, mà còn phải có các thể loại khác, như Giao hưởng, Opera (Nhạc kịch) cùng các loại hình khí nhạc khác... Do giới hạn của cuốn sách, tôi chỉ đề cập tới ca khúc, nhưng cũng xin nói qua về Opera. Ở Việt Nam, các nhà hát của ta đã sớm du nhập một số vở Opera của Liên Xô, Phương Tây về chuyển ngữ và dàn dựng, biểu diễn. Đặc biệt, chúng ta cũng đã tự viết, dàn dựng, biểu diễn một số vở Opera, trong đó nổi bật là hai cha con nhạc sĩ Đỗ Nhuận – Đỗ Hồng Quân thuộc hai thế hệ nối tiếp nhau, đã cho ra đời hai vở Opera tầm cỡ: “Cô Sao” và “Lá đỏ”.

           Vở nhạc kịch  Cô sao  được Đỗ Nhuận sáng tác sau khi tu nghiệp 3 năm ở Liên Xô về, với một vốn hiểu biết và kỹ năng vững vàng về âm nhạc. Điểm đặc biệt là Nhạc sĩ thực hiện toàn bộ các loại hình nghệ thuật của tác phẩm: từ viết kịch bản, ca từ, đến viết nhạc, phối khí. Với 3 màn, 36 tiết mục, Đỗ Nhuận đã tạo ra được một không gian nghệ thuật đủ rộng để thể hiện cao nhất nhận thức của ông về cuộc sống, tài năng của ông về văn học nghệ thuật. Ông kết hợp tài tình âm nhạc dân tộc, trong đó có dân ca Thái, với âm nhạc thế giới, tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật phản ánh sinh động và sâu sắc một giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc, nói lên được nỗi đau, nỗi buồn chiến tranh và ý chí đấu tranh vượt qua số phận của nhân dân Tây Bắc, hướng tới một tương lai tốt đẹp.

Vở nhạc kịch LÁ ĐỎ  Lá đỏ do Đỗ Hồng Quân sáng tác, trên nền lời thơ của Nguyễn Thị Hồng Ngát, có 2 hồi 6 cảnh và vĩ thanh.

“Với vai trò đạo diễn kiêm dàn dựng âm nhạc vở LÁ Đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phải trải qua một quá trình lao động công phu, nghiêm túc, tuân thủ các quy trình khắt khe của nghệ thuật, từ kịch bản văn học chuyển thành nhạc kịch, soạn cho dàn nhạc giao hưởng, rồi chuyển tiếp ra Piano để các diễn viên tập hát theo giai điệu, tiếp đó là phần múa, ánh sáng, tiếng động. Đỗ Hồng Quân được đào tạo bài bản về sáng tác – chỉ huy ở Liên Xô trước đây– đất nước của âm nhạc cổ điển – đã vận dụng sáng tạo cách viết Opera vào viết nhạc kịch Việt Nam, để cho tác phẩm vừa đảm bảo những yêu cầu của nghệ thuật Opera, vừa gần gũi, dễ hiểu với công chúng Việt Nam. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: “Trong vở diễn, các diễn viên đều phải hát thật, không sử dụng micro và độ to - nhỏ đều do chỉ huy dàn nhạc chỉ đạo trong từng phần diễn. Tuy nhiên, Việt Nam hiện không có đạo diễn Opera thực thụ nên trong quá trình dàn dựng, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Hy vọng trong tương lai, chúng ta có những người được đào tạo bài bản và tâm huyết để trở thành những đạo diễn Opera, giúp phát triển loại hình nghệ thuật này”.

Người xem rất xúc động với vở nhạc kịch vừa mang tính bi hùng, vừa có tính lãng mạn, huyền ảo, trên một sân khấu ước lệ. Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, các nhân vật của vở nhạc kịch không bị chìm mờ bởi khói lửa, đạn bom, mà vẫn hiển hiện lên với khí phách dũng cảm và tâm hồn cao đẹp, đằm thắm yêu thương. Những góc sâu của tình cảm riêng tư, và trách nhiệm với đất nước được các tác giả khắc họa sinh động qua hành động kịch và qua các khúc hát trữ tình tha thiết.” (Phạm Việt Long – Báo Văn nghệ, và vanhien.vn).

 

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 27)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn