Một bài thơ chan đầy nước mắt của Nguyễn Phi Khanh

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

30/11/2021 16:17

Theo dõi trên

 Ở quê xúc động trước sự việc xảy ra, Gửi trình tước công Băng Hồ

chula-q3s-1638263818.jpg
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

Ruộng nương nghìn dặm đỏ như cháy,

Đồng quê than vãn không biết trông cậy vào đâu.

Non sông của Hậu Thổ đang nứt nẻ,

Mưa móc của Hoàng Thiên hãy còn xa vời!

Lưỡi tham quan lại vơ vét hết kiệt,

Mỡ màng của dân đã cạn hết nửa,

Xin đem bài thơ mới này thay cho tờ tấu,

Hiện nay đang nằm trên giường bệnh chưa thể đến chầu được!

DỊCH THƠ

Ruộng nương khô cháy cả rồi,

Đồng quê than vãn hỏi trời nơi đâu ?

Non sông nứt toác mặc dầu,

Móc mưa Thiên đế trên đầu quá xa.

Tham quan liếm sạch sơn hà,

Mỡ màu dân, chỉ còn ba bốn phần.

Xin đem lời mới thay dân,

Thân tàn mong được xá phần tôi con !

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Đây là bài thơ Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh) viết gửi ngài Tướng công Băng Hồ, tức cụ Tư Đồ (Tể tướng) Trần Nguyên Đán, khi ông đang nằm trên giường bệnh ở nhà mình, làng Nhị Khê, khá xa kinh thành Thăng Long. Ta từng biết, Ứng Long được quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán gả con gái yêu là cô tiểu thư khuê các Trần Thị Thái, sau sinh ra người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Mặc dù Ứng Long đã thi đỗ Tiến sĩ dưới triều Trần, vào năm Long Khánh thứ 2 (1374) đời vua Trần Duệ Tông, nhưng không được bổ làm quan to, xứng với tài năng của ông. Là vì Thượng hoàng Trần Nghệ Tông phán rằng như thế là phạm Lễ, thường dân mà dám chòi lên lấy con gái hoàng thất (!) Do vậy, Nguyễn Ứng Long phải ở nhà, dạy học kiếm sống là chủ yếu. Sau chắc nể tình cụ Tư Đồ, nên cả hai ông con rể Trần Nguyên Đán (Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Hán Anh) cũng được bổ một chức quan nhỏ, chức Kiểm Chính thuộc ngành tư pháp. Mãi đến đời nhà Hồ Nguyễn Phi Khanh lại ra làm quan (1401), thăng dần tới chức “Thái tử tả tán Thiện đại phu”, “Tư nghiệp Quốc Tử Giám”.

Bài thơ thay cho tờ tấu của người thường dân, gửi vị đại quan trọng yếu của triều Trần, như một bản báo cáo về hiện tình đất nước, cùng nỗi lo của kẻ sĩ trước vận mệnh của nước nhà. Bốn câu đầu, tác giả tập trung tả cảnh đại hạn ở chốn dân quê:

“Ruộng nương nghìn dặm đỏ như cháy,

Đồng quê than van không biết trông cậy vào đâu”.

(Đạo huề thiên lý xích như thiêu / Điền dã hưu ta ý bất liêu)

Ruộng nương của nông dân đang lâm vào cảnh khô hạn, đỏ như cháy (xích như thiêu). Nghĩa là không còn nhìn thấy màu xanh, màu tươi non của sự sống nữa. Không chỉ một nơi, mà cái họa ghê gớm này là ở khắp nơi, những ngàn dặm (thiên lý) kia! Thế thì thiên tai đã thật là khủng khiếp, cấp bách lắm rồi! Nhưng dân đen còn biết làm gì? Biết kêu ai, biết chờ ai cứu giúp đây? Kêu trời ư? Trời cao thăm thẳm, sao nghe thấu nỗi rên xiết của dân đen ! Kêu triều đình ư? Triều đình xa dân lắm, đâu có nghe? Hoặc giả họ có nghe thấy, thì họ cũng giả câm giả điếc mà thôi. Cho nên, “Đồng quê than vãn không biết trông cậy vào đâu”… Đó chính là một hiện thực vô cùng đau xót, được tác giả khái quát trong hai câu thơ đầu.

Hai câu tiếp theo, vẫn là nói cái cảnh đại hạn, nhưng ở mức cụ thể hơn, sâu sắc hơn:

“Non sông của Hậu Thổ đang nứt nẻ,

Mưa móc của Hoàng Thiên hãy còn xa vời”.

(Hậu Thổ sơn hà đương địch địch / Hoàng thiên vũ lộ chính thiều thiều).

Hậu Thổ, tức là thần Đất. Vậy, non sông của thần Đất (Hậu Thổ sơn hà) mà còn khô khát nứt nẻ toang hoác ra như thế, đến như thần linh cũng phải bất lực, thì dân đen biết làm thế nào? “Hoàng Thiên”, tức Ngọc Hoàng Thượng đế, tức ông trời, cũng chưa chịu ban mưa móc xuống trần gian cứu giúp dân lành. Chữ Mưa móc (vũ lộ), vừa có ý nói là mưa, những cơn mưa từ trên trời, lại vừa có ý chỉ ơn huệ của “Hoàng Thiên”, cũng có thể ngầm chỉ cái ơn “mưa móc” của triều đình. Vậy mà trông trời, trời cao vời vợi, hy vọng mong manh, xa vời lắm! Cũng là nói về cảnh đại hạn, nhưng ở đây lại đề cập đến những đấng quyền lực, quyền năng siêu nhiên, để gửi chút tâm trạng ấm ức, bất bình của tác giả, cũng là tâm trạng của muôn dân.

Hai câu 5 và 6, tỏ thái độ bất bình, phê phán quyết liệt đối với bọn quan lại tham nhũng:

“Lưỡi tham quan lại vơ vét hết kiệt,

Mỡ màng của dân đã cạn mất quá nửa”.

(Lại tư võng cổ hồn đa kiệt / Dân mệnh cao chi bán dĩ tiêu).

Cái lưỡi dơ bẩn của bọn tham quan ô lại (lại tư võng cổ) đã vơ vét sạch, liếm sạch, liếm đến cạn kiệt (đa kiệt) nguồn sống của dân đen rồi. Thóc lúa, của cải của tầng lớp cùng dân khốn khổ, chúng cũng vơ vét sạch. Thế thì dân đen còn biết sống bằng gì? Đến như “Mỡ màng của dân đã cạn mất nửa”! Sức dân gần như đã đến mức kiệt quệ rồi còn gì!

Nguyễn Trãi sau này có lẽ cũng tiếp thu tinh thần của hai câu thơ này của cha mình, mà phát triển thành những câu văn tố cáo tội ác của giặc Minh sắc hơn kiếm: “…kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán”… (ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ). Đương nhiên, đối tượng tố cáo là khác nhau, nhưng tội ác của NỘI TẶC, nào có kém chi tội ác của ngoại xâm? Đơn giản, bởi chúng đều là những kẻ bất nhân bất nghĩa cả! Mà PHÀM LÀ những kẻ bất nhân bất nghĩa, thì thần và người đều căm giận, sao có thể dung tha cho chúng được?

Hai câu cuối, dường như có vẻ không nằm trong nội dung bài thơ. Nó chỉ có ý nghĩa như một lý do không thể đến trình tấu trực tiếp của người đang nằm bệnh tại nhà, thế thôi! Nhưng mà thế cũng là đủ.

Thơ bày tỏ nỗi đau nhức nhối của kẻ sĩ trước vận nước đang suy, nghe xót xa đau đớn vô cùng! Con cháu ngày nay có nghe được tiếng kêu đứt ruột này hay chăng, có tỉnh ngộ ra hay chăng?

Bạn đang đọc bài viết "Một bài thơ chan đầy nước mắt của Nguyễn Phi Khanh" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn