Liệu pháp nào trị “bệnh” sợ trách nhiệm ?

Vũ Xuân Bân

25/05/2023 08:29

Theo dõi trên

Trong phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15, ngày 22/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Phải có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo trước Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, khi đề cập nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém cũng cho rằng một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...

Trong  Báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp cũng phản ánh: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, né tránh, không dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, gây cản trở, làm chậm sự phát triển của đất nước… Đây cũng là biểu hiện của tiêu cực, cần kiên quyết xử lý theo quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời  kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, trì trệ, giải quyết công việc không hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.

Có một số nguyên nhân có thể góp phần vào hiện tượng cán bộ sợ trách nhiệm. Một trong số đó là áp lực từ các yếu tố chính trị, kinh tế hoặc xã hội, khiến cho một số cán bộ sợ hãi trước sự kiểm tra, đánh giá và truy cứu trách nhiệm như từng xảy ra ở ngành y tế, đăng kiểm, các TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Bình Dương, Hải Dương, Bình Thuận, Lào Cai... liên quan đến trách nhiệm  người đứng đầu. Ngoài ra, yếu tố cá nhân như thiếu động lực, sự thiếu tự tin trong khả năng làm việc, rồi tham sân si cũng có thể góp phần tạo nên hiện tượng “sợ” trách nhiệm..

Như vậy, hiện tượng cán bộ sợ trách nhiệm được nêu ra tại nghị trường kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 gióng lên hồi chuông  báo động. Đây là tình trạng khi cán bộ đảm nhiệm trọng trách được giao thường sợ hãi trước áp lực, trách nhiệm và hậu quả của công việc, trước những diễn biến phức tạp, khó lường, đã không làm đầy đủ trách nhiệm  công việc mà họ được giao.

Hậu quả của việc cán bộ sợ trách nhiệm có thể làm suy yếu hiệu quả của công việc, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của một tổ chức hoặc địa phương và cả quốc gia.

Vậy liệu pháp nào có thể trị được căn "bệnh" sợ trách nhiệm?

Trong báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã rút ra những bài học kinh nghiệm khắc phục hiện tượng cán bộ “sợ” trách nhiệm là: Đây là những vấn đề lớn, khó, phức tạp, hệ trọng, cấp bách, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần phải đưa ra thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn; cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng để có những quyết định kịp thời, đúng đắn, chính xác và phù hợp với tình hình. Giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền; báo cáo kịp thời, đầy đủ với cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền; không đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Từ thực tế đó, trong nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới, Chính phủ xác định khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ.

Bên canh đó, cần chú ý biện pháp tăng cường giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của trách nhiệm đối với cán bộ. Đồng thời, cần xây dựng một môi trường làm việc công bằng, minh bạch và khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo, để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tự tin và đảm nhiệm trách nhiệm một cách hiệu quả.

Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội khóa 15 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp “Triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc”.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ:  Bên cạnh xem xét đưa ra các giải pháp trong quản lý, điều hành, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành và đưa ra giải pháp cụ thể để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ và an toàn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ… Đặc biệt là hiện tượng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức có thái độ né tránh trách nhiệm, dẫn đến sự trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, gây khó khăn, ách tắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương do thực tế ở một số bộ ngành, địa phương xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám xử lý công việc, đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các Bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các Bộ, cơ quan, địa phương…

Tổng kết và bế mạc hội nghị giữa nhiệm kỳ T.Ư Đảng khóa XIII (Hội nghị T.Ư 7), sáng 17/5/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII, Trung ương thống nhất cao cho rằng với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng", "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt", Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng, đất nước vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực.
Tổng Bí thư lưu ý: Hết sức tránh tình trạng "chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người!"…. “Ai bàn lùi, né tránh trách nhiệm thì đứng sang một bên”.

V.X.B

Bạn đang đọc bài viết "Liệu pháp nào trị “bệnh” sợ trách nhiệm ?" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn