Lan man tháng Bảy

Nguyễn Đình Sứ

09/08/2022 08:39

Theo dõi trên

Tháng Bảy đối với tôi là trời mưa rả rích từ ngày nọ qua ngày kia, cùng với đó là ngày Tết Xá tội vong nhân.

bao-hieu-1660009124.jpg
Con cháu kính cha mẹ rằm tháng 7 của bà con vùng cao. Ảnh MXH

 

Ngày xưa chưa có thủy điện Hoà Bình, con sông Hồng chạy qua quê tôi nước đỏ ngầu phù sa cuồn cuộn chảy từ thượng nguồn về. Nước cuốn từ thượng nguồn về vô vàn cây cối, nhà cửa trâu bò, nông sản…. Đứng trên đê đại hà nhìn dòng sông mênh mông nước, nhà cửa ven sông đều bị chìm ngập, thỉnh thoảng lại có tiếng trống tiếng kẻng đánh liên hồi thông báo những đoạn đê xung yếu cần hỗ trợ.

Những ngày ấy quê tôi đi vớt củi sông như trẩy hội, ai có thuyền thì ra xa giữa dòng vớt được củi to, nhà ai không có thuyền thì vớt củi rác sóng đánh dạt vào bờ đê hay những lũy tre chắn sóng. Ba chục năm nay hình ảnh ấy vĩnh viễn đã biến mất, biến đổi khí hậu mưa cũng chẳng theo quy luật, mưa ngâu có khi cũng chẳng có. Còn mùa nước lũ với thế hệ người nhiều tuổi chỉ là ký ức, người trẻ tầm ba mươi thì chưa biết bao giờ bởi có đập thủy điện Hoà Bình đã điều tiết không còn gây ra lũ lụt.

Nói đến tháng bảy mà chẳng nói đến Tết Xá tội vong nhân thì thật là thiếu sót. Ngày còn bé tôi được bố tôi giảng giải: “Trần sao âm vậy, ở trên trần gian vào ngày 2/9 nhà nước sẽ có lệnh ân xá cho ai đang bị cầm tù. Dưới âm thì có ngày Tết Xá tội vong nhân là ngày đó Diêm vương mở cửa ngục thả những vong hồn bị giam cầm vì mắc tội khi sống trên trần gian”.

Ngày đó nhà nào cũng làm cỗ cúng gia tiên và đốt quần áo tiền giấy cho người dưới âm. Theo các cụ kể thì ngày đó ma rất nhiều, những âm hồn không nơi nương tựa sẽ lang thang kiếm ăn. Vì thế các chùa, miếu mạo họ hay cúng chúng sinh bố thí đồ ăn. Khi mặt trời bắt đầu lặn, trâu bò từ đồng về thì trẻ con không được ra đường vào những nơi hoang vắng, ai có việc bế trẻ đi ngoài đường thì phải mang theo con dao bổ cau kèm theo để tránh tà ma trêu ghẹo bắt vía em bé. Có lẽ vì thế mà người ta gọi tháng bảy là tháng cô hồn chăng?

Thời gian vài chục năm gần đây, tôi bắt đầu thấy rộ lên việc Vu lan báo hiếu, thú thực là tôi không theo bất cứ đạo nào nên cũng chẳng biết Vu lan báo hiếu là thế nào? Và nó bắt nguồn từ đâu. Tôi chỉ biết trong Kinh Phật có một câu mà tôi tâm đắc và thực hiện suốt đời: “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”, tức là linh thiêng hay không bắt nguồn từ Tâm mình. Tôi không dám đả phá họ xây chùa to, đền lớn, tôi không dám đả phá những người mộ đạo đi hết đền nọ chùa kia để cầu công danh giàu có hơn người.

Nhưng tôi tin chắc rằng Đức Phật trên cao Ngài sẽ thấy tất cả, tâm anh không sáng, đức anh không trong thì cầu xin cũng thế mà thôi. Bố mẹ anh, cô dì chú bác nhà anh, anh chẳng quan tâm lúc sống thì ra chùa Vu lan báo hiếu để mà làm gì? Tôi được biết có một dân tộc vùng cao miền Bắc, tháng bảy này con cháu làm mâm cơm thịnh soạn kính dâng cho ông bà, cha mẹ khi còn sống với tấm lòng rất thật tâm cung kính, họ mới là tấm gương báo hiếu cho chúng ta cần học tập noi theo. Đừng Vu lan báo hiếu hình thức, đừng phóng sinh chim cá theo phong trào. Cái trò phóng sinh chim, cá hiện nay giả dối lắm, ác độc lắm, các vị đã hiểu sai giáo lý Đạo Phật rồi.

Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Lan man tháng Bảy" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn