Làm dâu

Bài và ảnh: Duyên Phùng

31/03/2023 06:29

Theo dõi trên

- Bao giờ thì chị về với Bu? Bu nhẽ không qua khỏi đâu! Anh chị cố sắp xếp công việc mà về cho sớm! Đó là Mùi, Em gái của chồng tôi Mùi hơn tôi hai mươi tám tuổi.

Vài bộ quần áo, một ít thuốc bổ cho bu tôi vội vã bắt chuyến xe chiều về quê.

Tôi là người dân tộc Thái từ nhỏ chỉ biết đến trường rồi về bản, tôi là con út trong gia đình có năm chị em gái

Học hết cấp ba trường dân tộc nội trú thì tôi lấy chồng tôi bây giờ. Người đàn ông làm nghề xây dựng, nay đây mai đó. Người ấy làm chủ của một toán thợ xây dựng khoảng ba mươi người, vào bản tôi xây công trình thuỷ lợi.

b1ld1q-1680185692.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Mười sáu tuổi bẩy tháng tôi làm vợ người ấy. Người đàn ông hơn tôi tròn ba mươi tuổi, đã có một đời vợ và một con riêng. Con riêng của chồng tôi hơn tôi bốn tuổi (Điều ấy mãi sau này tôi mới biết)

Chồng tôi và cô Mùi là con của bu. Thầy tôi còn lấy thêm vợ hai và có thêm năm người con, một trai và bốn gái nữa.

Gần nửa đêm thì tôi về đến quê. Quê chồng tôi ở Hưng Yên cái tên huyện rất mỹ miều - Tiên Lữ.

Gió như vuốt mèo hoang cào vào đêm tươm tước máu, gió rượt theo như roi da ngựa quất vào từng thớ thịt đã được xát muối. Đường làng vắng hoe thỉnh thoảng có một đống trấu nhỏ người dân đốt ven đường cho bớt cái lạnh.

Trả tiền anh xe ôm, cảm ơn anh, tôi gọi

- Cô Mùi ơi!

- Chị về một mình đấy à?

- Ừ! Bu ăn được gì không cô?

Tôi đi qua gian bếp lên nhà. Bu nằm co quắp, hơi thở nặng nề như có gì vướng vít nơi cổ họng

- Bu mới ngủ, lúc chiều bu ăn cháo rồi, chị mới đi xa về thì nghỉ đi. Tôi canh bu cho, sáng mai chị đỡ mệt thì trông bu.

Quê chồng tôi gọi mẹ là Bu và bố là thầy.

Ngày hai mươi tháng mười hai năm một chín chín mốt, tôi về làm dâu bu. Bu ăn trầu, răng đen, hay quấn khăn mỏ quạ mặc áo bà ba .

Sau cưới tôi một ngày bu vào buồng, khẽ khàng ngồi bên cạnh tôi,

- Giờ chị là dâu con nhà này rồi bu coi chị như con cái Mùi, có gì không biết thì hỏi bu, hỏi em Mùi, tiếng là cả nhưng chị còn ít tuổi, chị phải nghe bu.

- Lấy chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn hang rồng cũng đi/ trăm năm lòng dạ khắc ghi/ Nào ai thay nút đổi khuy cũng đừng

Chị biết chửa? Tôi chỉ biết cúi đầu vâng khẽ.

Chị còn trẻ quá! Thằng Hưng (chồng tôi) lấy vợ trẻ là vất vả chứ chả có sung sướng như người ta vẫn nói đâu. Các cụ xưa vẫn rằng

Có phúc lấy được vợ già/ Vừa sạch cửa nhà lại ngọt cơm canh/ Vô phúc lấy phải trẻ ranh/ nó ăn nó phá đoạn đành nó đi

Nên chị phải biết lựa mà sống cho hàng xóm anh em nhìn vào biết chửa? Các cụ vẫn dạy

Có chồng bớt áo thay vai/ Bớt màu trang điểm kẻo trai nó lầm

Còn cái chuyện bu hứa với chị là sẽ cho chị đi học đại học, thì chị hỏi ý thằng Hưng nó đồng ý thì chị cứ đi! Cơ mà, theo bu thì .

Sách rằng phu xướng phụ tòng/ Làm thân con gái lấy chồng xuất gia

Tôi nhớ lời Ềm dặn trước hôm lấy chồng

- May à! Cái miệng nói ít thôi, cái tay làm nhiều, Ây dà! Nói thì không vừa lòng nhau, không nói thì bảo khinh nhau, cái gì không biết thì phải hỏi nhé! Không được ghét người bên nhà chồng đâu, mày ghét nhà chồng là tự mày mở cửa cho con ma xấu nó chui vào bụng mình đấy!

Tôi gõ mạnh cái đũa vào miệng chảo cám mà gắt lên

- Con đã bảo không lấy người ấy mà Êm cứ ép, Con muốn đi học, con chưa muốn lấy chồng!

- Êm không ép! Là các ông chú nói nhiều quá May à! Mà không lấy Lúc khươi (Con rể) thì Êm Ải (bố mẹ) lấy đâu tiền mà trả công cho người ta xây cái bếp này. Con dê buộc dưới sàn mình nhận rồi, quả cau đem cúng Ma nhà rồi, mày cãi cũng không được đâu! Lấy chồng giàu thì ấm cái thân mày thôi, mày đi học, cái chân không quen leo núi, cái tay bỏ hạt ngô cũng không nên, vài năm nữa thân mày như cái cây tre có hoa thì còn ai thương mày nữa không? Êm nói, không để cho tôi chen vào; như ấm ức, cái giận muốn tràn ra như chõ xôi đang đun to lửa bị bật vung…

Tuần trước, Bu lên nhà nói chuyện cưới xin. Đời người có mấy dịp để người ta được nói đâu! Bu thì lại có mỗi chồng tôi là con trai, bu chỉ được nói một lần thôi nên có bao nhiêu vốn liếng từ ngữ khéo léo Bu nói ra cả

- Thầy bu hứa sẽ cho con đi học đại học, nhà chả có ai nên tôi coi cháu như con gái tôi

Ngày đầu tiên về làm dâu. Khi con gà le te cất tiếng gáy là tôi đã dậy. Cái lạnh như người đàn bà chửa khó ở cứ quay bên này lật bên kia mà gắt gỏng, ném những cơn gió cắt da vào mọi nơi.

Bu cũng dậy ngồi cạnh bếp chỉ cho tôi cách đun rơm, cách vần nồi cơm cho chín đều. Bu là người đàn bà tần tảo, ngoài việc đồng áng bu còn đi chợ nữa. Ngày ấy khi có nhà còn chưa đủ ăn, nhà lợp rạ, trát đất sét, thì nhà chồng tôi đã có một căn nhà năm gian lợp ngói đỏ, cũng bề thế thời bấy giờ.

Về làm dâu, lấy người chồng mà mình không yêu. Sắp tết rồi! Đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ trường lớp, nhớ bản. Sau tết có khi hội bản này nối sang bản kia cả tháng, chợ nào cũng đông nghìn nghịt, con gái con trai mặc đẹp, đeo đầy vòng bạc mua sắm thì ít mà ngắm nhau thì nhiều. Những đứa gái mười ba, mười bốn tuổi khỏe khoắn. Đôi nhũ nhô lên sau làn áo cóm mỏng, nửa như vênh vang, nửa như thèn thẹn. Lũ trai gái thường rủ nhau ra bãi cỏ chơi, cưới rúc rich, đi qua nhà í ới gọi tôi . Tôi ghét lũ trai dán con mắt vào gáy tôi mỗi lần tôi đi qua. Tôi muốn thương và lấy một người đàn ông giống như Ải tôi vợ không biết đẻ con trai cũng không bỏ đi lấy người khác.

Bu tần tảo là vậy, mà thầy vẫn đi lấy người đàn bà khác. Thầy tôi người nho nhã, thoát ly lên mạn ngược làm công nhân

Có lần tôi hỏi tại sao bu không thoát ly cùng thầy? Bu nói:

Công danh theo đuổi mà chi/ Sao bằng chăm chỉ theo nghề canh nông

Chắc vì lý do ấy nên thầy có vợ bé và có thêm đến năm người con, mỗi lúc thầy về nhà bu hay nói bâng quơ cố ý cho thầy nghe

- Có chả anh tính phụ xôi/ Có cam phụ quýt có người phụ ta

Thầy hầm hầm chẹp miệng thở dài, bỏ vào nhà. Bu vẫn gióng giả

- Bạn nghèo thủa trước chớ quên/ Vợ cùng kham khổ chớ nên phụ tình

Những bữa ăn có thầy về không khí nặng như cái cối xay đặt trước cửa bếp

Mẹ tôi sinh năm chị em gái. Các ông chú, là em của ông nội tôi thường sang nhà tôi mỗi khi Ải về phép. Bên bếp lửa các ông chú rì rầm với Ải một lúc rồi đập bàn

- Mày là cái nóc nhà họ Phùng đấy! Cái chân cột chưa mục mà cái nóc muốn mục trước thế có được không? Con vợ mày không đẻ được đứa trai nối dõi, không có con trai khi chết sẽ thành ma đói. Cái đầu mày cũng phải nghĩ qua cái ngưỡng cửa chứ! Có ai trách mày không?

Ải chỉ ôn tồn:

- Các ông chú à! Không nói nữa nhé! Cái cây nhà mình chưa héo, sao đi tìm cái cây khác được?

Ông chú ngồi xếp hai chân to bè, nứt như ruộng hạn , xát vào nhau

- Không bỏ! Đề đấy! Vẫn dùng được! Muốn có con trai, chỉ một con dê thôi sang bản bên kia núi một đêm đi! Sau chín tháng thì bắt đứa trai về nuôi được mà!

- Nhưng không được đứa trai thì ông chú tính sao? Ông chú đập bàn

- Cái đầu mày như con dơi trong hang tồi rồi!

Thầy lấy vợ bé cùng xã thỉnh thoảng vợ bé mới về. Có bữa bu đi từ sáng, tôi không dám hỏi bu đi đâu. Giữa buổi thì bà Tới gần nhà tôi chạy sang. Bà trạc tuổi bu tôi, mặt vuông, đôi lông mày xếch lên, cái vết đen giữa trán hệt như một con ruồi đang bơi ngửa trong bát phở gầu tào, bà Tới ghé tai tôi thì thầm:

- Mày biết gì chửa? Bu mày đi đánh ghen! Rằng thầy mày già mà còn đú đởn, rằng vợ bé của thầy mày mất nết. Nói một hơi rồi bà ấy về

Non chiều thì bu tôi về. Tôi đang lúi húi băm bèo thì bu đá cái chậu kêu xoảng xoảng.

Tôi sợ lắm! Đứng vội lên nhìn, mắt bu còn ướt, mặt bu đỏ lên, không biết vì tức giận hay mệt

Tôi lúng túng:

- Bu đi đánh ghen về có mệt không bu? Bu quắc mắt nhìn tôi

- Khi ăn thì phải lựa nồi/ Khi nói thì phải lựa lời đúng sai

Ai bẩu chị tôi đi đánh ghen?

- Cũ người thì lại mới ta/ Tao chê rách rưới nó coi là gấm nhung

Cái bụng tôi thấy ghét bà hàng xóm ghê lắm. Tự dưng bu tức mà mắng oan tôi

Đã quá nửa đêm, bu vẫn ngủ ngon, tôi thấy thương Bu đến quặn lòng.

Thương Êm tôi, mỗi sáng lên nương thường đi tắt qua cánh đồng cho nhanh. Chân Ềm giẫm lên những gốc rạ mới cắt còn ướt đẫm sương đêm. Đống rơm nhà nào ủ dưới ruộng còn khói bốc lên

Tôi đã rất nhiều lần xin đón bu về ở cùng nhưng bu không nghe Bu nói

- Một ngày loi lẻ không chồng/ Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng cũng hư

Bu không nỡ rời xa những cái thân thuộc suốt một đời

Tôi cố gắng dỗ giấc ngủ đến. Trên mái nhà, tiếng hú của những cơn gió mùa thê thiết…

D.P

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Làm dâu" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn