Ký ức chiến tranh: Vào Trận - P26

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập -giới thiệu)

07/06/2023 08:37

Theo dõi trên

Ở An Thuận một thời gian, ba chúng tôi, trong đó có Kỷ và anh Cường, chính trị viên phó đại đội (quê Diễn Châu - Nghệ An sau này trong chiến dịch bảo vệ Hiệp định Paris năm 1973, Cường đã hy sinh. Hôm đó, Kỷ, Tý và Cường chung một công sự.

Trái pháo nổ gần. Một mảnh pháo găm vào ngực anh) cùng với ba đồng chí du kích địa phương do ông Năm Châu, một cán bộ "nằm vùng" và là một đảng viên kiên trung, nhận lệnh vào một ấp chiến lược ở cuối Lộc Giang, nằm sâu trong lòng địch có nhiệm vụ tiêu diệt tên xã trưởng ác ôn khét tiếng vốn có nhiều nợ máu với nhân dân và cách mạng. Đêm ấy, trời tối như bưng, nhưng nhờ ánh sáng điện của tiểu khu Hậu Nghĩa và Sài Gòn, chúng tôi men theo các bìa ấp và những khoảnh ruộng nằm giữa các bốt bảo an, dân vệ, luồn sâu vào hậu địch. Từ chỗ xuất phát đến khi vào được tới ấp mất gần 8 tiếng đồng hồ. Chúng tôi len lỏi giữa đồn bốt giăng giăng, luồn sâu vào ấp.

b1td2asq-1686101691.jpg

CCB Vương Khả Sơn (thứ 4) viếng anh hùng Liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Hoà, tỉnh Long An , ngày11/5/2023.

 

Gần hai giờ sáng mới tới nơi quy định vì phải vừa đi vừa thăm dò, bám địch (ở đây, chúng hay phục kích và gài mìn ban đêm). Đồng chí du kích có tên là Sáu Luật, người vùng này, nhanh nhẹn, thông thuộc địa hình nên dẫn chúng tôi đến nơi tập kết an toàn, tránh được sự phục kích và mìn của địch. Sáu và ông Năm bắt liên lạc với cơ sở cách mạng của ta, nói rõ nhiệm vụ là tiêu diệt tên ác ôn đồng thời đề nghị bố trí chỗ trú ẩn an toàn. Cơ sở đưa chúng tôi đến một một nơi bí mật ở cuối ấp. Chỗ này, trước đây đã đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Sau năm 1968, cơ sở bị lộ, các cán bộ “nằm vùng”, một số bị địch bắt, một số hy sinh. Hiện vẫn còn một căn hầm bí mật (BEM) nhưng lâu ngày không sử dụng nên rất có thể có rắn rết, côn trùng. Nhưng vì trời gần sáng, chúng tôi đánh liều chui xuống. Không có rắn, rết nhưng ve thì nhiều. Loại này sau khi châm vào người thì để lại nọc ở đó. Chạm vào y như bị kim châm. Ngày hôm ấy, chúng tôi nằm nghỉ dưới hầm, chỉ thay nhau để lại một đồng chí cảnh giới. Hầm chúng tôi nằm ngay dưới một đám cây mắc cỡ lâu năm, cao gần một mét (miền Bắc gọi là cây trinh nữ hay xấu hổ). Khi đi qua, cây rũ xuống nhưng chỉ cần vài chục phút sau nó trở lại nguyên dạng. Do vậy rất bất ngờ. Sát đó có một cái giếng hoang từ lâu không ai dùng. Trưa nắng, khát nước, tôi trườn dưới cây mắc cỡ để ra múc nước uống. Tôi buộc hăng-gô vào sợi dây dù rồi thả xuống, kéo nước lên. Hăng-gô chạm vào đá nghe loảng xoảng. Mỗi lần múc, chỉ đủ cho một người uống. Nước trong vắt và ngọt lịm. Sau này chúng tôi mới bàng hoàng vì biết sự thật về cái giếng ấy. Năm 1965, du kích bắt được mấy tên ác ôn, giết rồi vứt xác xuống, ném đá đè lên. Tôi chợt hiểu vì sao ở đồng bằng mà lòng giếng lại có nhiều đá như vậy (?!) Móc họng thế nào cũng không ra được nữa vì đã mấy ngày sau khi tên ác ôn bị tiêu diệt, mới biết (cơ sở cách mạng ở đó biết rất rõ cái giếng ấy nhưng họ không ngờ chúng tôi lại dùng nước ở đấy. Hơn nữa, nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là làm sao sớm diệt được tên ác ôn nên không ai để ý). Đến bây giờ mỗi lần nghĩ đến, tôi vẫn cứ kinh kinh, lợm lợm!

Thằng ác ôn có tên là Đởm (Sáu Đởm). Được biết, hắn có hai vợ. Một cô vợ bé, ở đâu trên Hậu Nghĩa. Thi thoảng hắn mò lên trên đó. Còn chủ yếu là ở lại địa bàn này. Nhưng thằng này tinh quái lắm. Ban đêm, hắn chuyển chỗ ngủ tới hai, ba lần. Vì hắn biết rõ tội ác của mình và bản án tử hình mà cách mạng dành cho hắn nhưng chưa có dịp thực hiện nên càng điên cuồng như con thú dữ bị thương.

(Còn nữa)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Vào Trận - P26" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn