Kiến tạo văn hóa đồng bằng Bắc bộ trong thơ mới nhìn từ bản sắc dân tộc

Lý Hoài Thu

09/10/2022 20:49

Theo dõi trên

. Vào những thập niên nửa đầu thế kỷ XX, sự hiện diện của các nhà thơ vùng đồng bằng Bắc Bộ có thể coi là một “diễn ngôn phản biện” trước nguy cơ vong bản, thiết lập thế cân bằng giữa truyền thống – hiện đại, Đông phương – Tây phương và chống lại hiện tượng đứt gãy về văn hóa.

lang-que-1662471028.jpg
 

Phong trào thơ mới là một trào lưu thơ ca rạng rỡ, sống động bởi đã hội tụ một cộng đồng tác giả - những gương mặt thơ sáng giá thuộc nhiều khuynh hướng trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Men theo địa hình/ dải đất hình chữ S, có thể bắt gặp Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân (Bắc Bộ) đến Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Nam Trân, Quách Tấn, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên (Trung Bộ) và Đông Hồ, Mộng Tuyết (Nam Bộ) v.v… như là sự hợp lưu tinh hoa, khí chất của mỗi vùng “địa linh, nhân kiệt”. Trong phối cảnh chung đó, sự hiện diện của nhóm thi sĩ đồng quê Bắc Bộ thực sự là một mảnh ghép có sắc màu và giá trị riêng. Từ những trải nghiệm không gian vùng châu thổ sông Hồng: Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân… đã trình hiện một thế giới nghệ thuật thơ mang hồn cốt và đậm đà bản sắc Việt Nam thông qua việc kiến tạo hệ thống hình ảnh/ biểu tượng văn hóa.

Một trong những ký hiệu nghệ thuật nổi bật, tiêu biểu cho không gian đồng quê Bắc Bộ là hình ảnh ngôi làng. Dưới góc nhìn của lý thuyết phê bình cảnh quan (Landscape Criticism), dễ dàng nhận thấy khuôn viên đó chính là sự biểu thị “tính vật chất của thế giới”, một kiểu nhân vật trữ tình nuôi dưỡng tâm trạng, tạo nên mối tương tác giữa chủ thể và khách thể, thiết lập khung văn hóa và ẩn chứa tiềm năng cho việc tái hiện các cung bậc cảm xúc của thi nhân. Tập Thôn ca của Đoàn Văn Cừ là bức tranh thơ nhộn nhịp, tươi vui về đời sống thôn dân: con người và cảnh vật của không gian văn hóa Sơn Nam – Bắc Bộ. Cũng như Nguyễn Khuyến và Nguyễn Bính – hai nhà thơ đồng hương nổi tiếng thuộc hai thời đại khác nhau – thơ Đoàn Văn Cừ in đậm chỉ dấu địa/ sử văn hóa của cảnh quan xứ Bắc: từ một ngôi Làng, Người làng, Đồng làng, Tục làng đến phiên Chợ làng vào xuân, Xóm nhỏ, Ngôi đình, Bữa cơm quê, Đường về quê mẹ, Đám hội, Chợ Tết… Khác với khung cảnh khoáng đạt ở một cộng đồng ngư dân miền duyên hải Trung Bộ với cảm quan sinh thái mang “căn tính” của tâm thức biển tuy cùng hướng về nhịp sống bình dân khỏe khoắn trong thơ Tế Hanh: “Làng tôi vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông/ Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng/ Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá/ Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã/ Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang/ Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…” (Quê hương – Tế Hanh), thơ Đoàn Văn Cừ đã cảm nhận và hình ảnh hóa con người và tạo vật vùng Nam Bắc Bộ trù mật có phần khép kín bằng lối miêu tả đặc biệt nhạy cảm trước sắc màu, đường nét, một thứ thơ rất gần với hội họa, mang tính họa như lời cổ nhân: “thi trung hữu họa”.

Là một hồn thơ được nuôi dưỡng bằng những tình cảm hồn hậu, chân tình, mộc mạc và ấm áp ở chốn làng quê, thơ Đoàn Văn Cừ, vì lẽ đó, cũng mang nét trong trẻo, lành mạnh, tươi sáng và thấm đẫm bản sắc Việt. Đó là những trải nghiệm quý giá bồi đắp nên cá tính phong cách của nhà thơ và đặc điểm thi pháp trong sáng tạo thơ. Đường viền không gian, biên độ cảm xúc của Thôn ca dường như được bao bọc trong khuôn viên Làng – một mô hình kết cấu làng xã thuần nông, một hình ảnh thân thuộc của tâm thức Việt – những cư dân của nền “văn minh lúa nước”:

Làng tôi: mươi chục nóc nhà tranh

Một ngọn chùa cao, một nóc đình

Một rặng tre già vươn chót vót

Một dòng sông trắng chảy vòng quanh…

Cứ thế làng tôi tháng lại năm

Sống bên ruộng lúa, cạnh ao đầm,

Đời như mặt nước ao tù lắng,

Gió lạ không hề thổi gợn tăm

(Làng – Đoàn Văn Cừ)

Dễ nhận thấy ở đây có sự tương giao/ đồng điệu giữa Đoàn Văn Cừ với Nguyễn Khuyến – nhà thơ số một của làng cảnh Việt Nam trong sự cảm nhận không gian sinh thái thiên nhiên, sự lựa chọn và khắc họa những bức tranh quê đặc trưng của vùng chiêm trũng thuộc địa giới đồng bằng Bắc Bộ: Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo/ Sống biếc theo làn hơi gợn tí/ Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo (Thu điếu); Năm gian nhà cỏ thấp le te/ Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe/ Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt/ Làn ao lóng lánh bóng trăng loe (Thu ẩm)… Việc thiếu vắng những hình ảnh núi cao, sông rộng, những non xanh nước biếc “sơn thủy hữu tình” … cho thấy sự chi phối, can dự của đặc thù địa hình đến phương thức thiết lập không gian văn hóa vật thể, đến nhãn quan sinh thái và đặc sắc thi pháp/ bút pháp nghệ thuật của mỗi nhà thơ. Không phải ngẫu nhiên mà các mô tif “tiểu không gian” cùng được hiển thị với mật độ khá dày trong thơ của cả hai tác giả là chiếc ao làng, cầu tre, ruộng lúa, những gian nhà cỏ mái rạ vách bùn, những ngõ tối quanh co, những cồn xanh bãi tía… Dĩ nhiên, giữa hai nhà thơ là một khoảng cách thời gian đủ để diễn ra quá trình xung đột, va chạm, thương thảo và kế thừa, tiếp biến của dòng chảy thi ca nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Họ là hai kiểu tác giả thuộc hai thế hệ thi nhân có sự khác biệt về tâm hồn và “cách biểu đạt tâm hồn”. Có thể cùng mẫu số chung/ hằng số văn hóa, nhưng thơ Nguyễn Khuyến chất chứa nỗi niềm ưu tư, lắng đọng và trầm mặc, Đoàn Văn Cừ là chủ thể sáng tác của Phong trào thơ mới, trẻ tuổi và trẻ lòng. Những nét vẽ trong thơ ông khá “vui mắt”, nhẹ nhõm, truyền tải phong vị dân gian thuần khiết, hồn nhiên và tươi sáng. Mỗi bài thơ như một cuốn phim mini có góc quay chậm, một bức tranh với nhiều gam màu, đường nét nổi bật về cảnh quê, hồn quê đất Việt.

Cùng sinh trưởng, tắm gội trong bầu sinh quyển văn hóa Sơn Nam – Bắc Bộ, song hình ảnh/ không gian làng trong tác phẩm của nhà thơ tài hoa và “quê mùa” Nguyễn Bính lại mang theo sắc diện khác. Dù thơ ông cũng được bao bọc bởi khung cảnh thiên nhiên thấm đẫm sắc màu thôn quê: từ hàng cau đến giàn trầu, từ dậu mùng tơi đến hoa chanh, hoa bưởi, bến đò, dòng sông… nhưng tất cả đều được “sắp đặt” theo trật tự diễn biến của một câu chuyện tình yêu. Không gian làng trong thơ Nguyễn Bính, theo đó, thường không có một khuôn hình cụ thể, chi tiết. Nó đôi khi đơn thuần chỉ là nền cảnh để nhà thơ gửi gắm những tương tư, nhung nhớ, mong chờ, hờn dỗi:

Hai thôn chung lại một làng

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này

Ngày qua ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

(Tương tư – Nguyễn Bính)

 Những lời tình tự lứa đôi thầm thì của một mối tình vừa chớm nở: vừa có cái xao xuyến, rạo rực của tuổi trẻ, vừa có cái ngại ngùng, dè dặt đáng yêu của trai gái thôn quê:

Đôi ta cùng ở một làng

Cùng đi một ngõ, vội vàng chi anh?

Em nghe họ nói mong manh

Hình như họ biết chúng mình… với nhau.

(Lẳng lơ – Nguyễn Bính)

Hoặc có thể là không gian để nhân vật trữ tình “em” xuất hiện với dáng vẻ thị thành, gần như tương phản, lạc lõng với khung cảnh “nhà quê”; là nơi bắt đầu của một câu chuyện khá dài, vượt ra ngoài “tầm đón đợi” về một mối tình có nguy cơ đổ vỡ vì sự xung khắc giữa thôn dân – thị dân mà sâu sa hơn là sự ký thác những tư tưởng, triết lý và quan điểm sáng tác qua lời lẽ rất đỗi chân thành của chàng trai với “một nửa” lòng mình:

Hôm qua em đi tỉnh về

Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng

Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi!

Nói ra sợ mất lòng em

Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa…

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy U mình với chúng mình chân quê…

(Chân quê – Nguyễn Bính)

Ở một góc nhìn khác, với tâm thế nhẹ nhàng, thư thái hơn, hình bóng ngôi làng lại được cảm nhận từ xa với điểm nhấn là “chiếc thắt lưng” của người thiếu nữ thanh tân. Các chiều xa – gần, cao  – thấp, trong – ngoài của không gian thiên nhiên được bao phủ bởi sắc tươi non, mượt mà, tràn ngập sức sống. Nó hài hòa với tâm hồn trẻ trung phấn chấn của anh trai quê khi xa xa thấp thoáng bóng cô gái đầu làng:

Mùa xuân là cả một màu xanh

Giời ở trên cao, lá ở cành…

Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

Bắt đầu là cái thắt lưng xanh

(Mùa xuân xanh – Nguyễn Bính)

Thơ Nguyễn Bính thấm đượm sắc thái duy tình và hình dáng ngôi làng trong thơ ông không được đặc tả thật rõ nét. Nó đa phần là không gian tâm trạng/ tâm tưởng, là những tình tiết gây thương nhớ cho những rung động tình yêu. Điều quan trọng là sau tất cả những điều đó, với âm điệu thiên về ca dao, thơ Nguyễn Bính dễ dàng cảm hóa những ai nặng lòng với quê hương, nguồn cội “bởi đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta”. Mỗi ngõ làng, rặng tre, cây xoan, cây bưởi… trong thơ ông đều là những ký hiệu nghệ thuật mang hình hài xứ sở và trên hết, đó là “một điều quý vô ngần: hồn xưa của đất nước” (Hoài Thanh – Thi nhân Việt Nam).

Trong bộ sưu tập về hình ảnh làng quê, không thể không nhắc đến trường hợp Cổng làng của Bàng Bá Lân. Bài thơ cũng bắt nguồn từ cảm hứng về đồng quê Xứ Bắc, nhưng tác giả của “Xóm thơ sông Thương” yêu người và mến cảnh hơn cả. Hồn thơ ấm áp, bình dị, trong sáng. Cảnh sắc thiên nhiên và dáng dấp con người hiện lên nhịp nhàng cùng với giai điệu cảm xúc:

Chiều hôm đón mát cổng làng

Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi

Đồng quê vờn lượn chân trời

Đường quê quanh quất bao người về thôn.

Sáng hồng lơ lửng mây son

Mặt trời thức giấc, véo von chim chào

Cổng làng rộng mở, ồn ào,

Nông phu lững thững đi vào nắng mai

(Cổng làng – Bàng Bá Lân)

Tất cả phản chiếu một không gian thôn trang tràn trề nhựa sống, nên thơ và thanh bình. Nó khác xa hình ảnh những tháp Chàm bí ẩn, gợi nỗi điêu tàn, tang thương, sầu hận như một ẩn dụ, một sự đan xen giữa hai tâm thức, sự lai ghép giữa hai nền văn hóa Việt – Chăm từng hiển hiện trong thơ thi sĩ tài danh Chế Lan Viên: Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi./ Những đền xưa đổ nát dưới thời gian./ Những sông vắng lê mình trong bóng tối./ Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than. (Trên đường về -Chế Lan Viên). Đó chính là sự khác biệt giữa các lớp trầm tích văn hóa, giữa hai miền đất Bắc Bộ màu mỡ phù sa và duyên hải Trung Trung Bộ chói gắt cát vàng, nắng gió… Có thể nói: bên cạnh những ngôi làng thân thương, gần gũi trong thơ Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, Cổng làng của Bàng Bá Lân là một biểu tượng văn hóa thuần Việt của lưu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Trong cơ chế các giai tầng văn hóa, văn hóa lễ hội là một loại hình văn hóa phi vật thể mang tính chất cộng đồng và là một phần tất yếu của đời sống tinh thần người Việt xưa nay. Nếu văn hóa dân tộc là một bức khảm lớn thì mỗi vùng miền là một mảnh ghép có màu sắc riêng. Đồng bằng Bắc Bộ là một bối cảnh cực lớn, nơi diễn ra rất nhiều các sinh hoạt lễ hội lâu đời, được duy trì, bảo tồn để trở thành một không gian văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Viết về chủ đề thôn quê, các nhà thơ của vùng đồng bằng phì nhiêu Bắc Bộ đã tạo dựng một không gian đa chiều về đời sống người lao động bình dân như là những chủ thể của bức tranh thơ bằng sự trình hiện các “hoạt cảnh” lễ hội/ văn hóa dân gian, từ một phiên Chợ Tết đến lễ Tế thánh, từ một Đám hội đến Đám cưới mùa xuân, từ Hội chèo làng Đặng đến đám rước Quan Trạng… Bài Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ như một bức họa “sặc sỡ” đúng với tâm lý vui Tết của người Việt bao đời, được mở đầu bằng những phác thảo viễn cảnh:

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

(Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ)

và dừng lại ở sự đặc tả các chi tiết ngộ nghĩnh, tươi vui. Khung hình trở nên chật chội bởi sự “chồng lấn” của các tình tiết, tiểu tiết, hình ảnh:

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ

Thằng cu bé nép đầu bên yếm mẹ

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu…

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh…

Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha

Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết

Con gà trống mào thâm như cục tiết

Một người mua cầm cẳng dốc lên xem

(Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ)

Thơ Đoàn Văn Cừ, như đã nói, chủ yếu được kiến tạo bởi vô số các chi tiết, đường nét, sắc màu. Tất cả dường như không tuân thủ trật tự kết cấu hài hòa, chặt chẽ của thi pháp cổ điển mà có sự nới rộng kích thước không gian theo nhịp điệu tâm trạng. Chính vì thế, cùng một chủ đề/ đối tượng thẩm mỹ, cùng tắm mình trong hệ sinh thái văn hóa Folklore dồi dào dưỡng chất ở một vùng địa lý, song, nếu Nguyễn Bính luôn có sự giằng co, phân thân giữa thôn dân và thị dân, giữa sự “dan díu” giữa đô thành và làng mạc… và những bài thơ như Hội chèo làng Đặng, Hội làng, Quan Trạng, Truyện cổ tích… đều gắn với hai nhân vật trữ tình là “anh” và “em”, chung qui nó vẫn xoay quanh câu chuyện tình yêu đôi lứa:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo “Thôn Đoài hát tối nay”…

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay

Hoa xoan đã nát dưới chân giày

Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ

Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”

(Mưa xuân – Nguyễn Bính)

thì những trải nghiệm không gian văn hóa trong Thôn ca của Đoàn Văn Cừ có dấu ấn của yếu tố “vô thức tập thể”. Đời sống nội tâm của chủ thể trữ tình nhẹ nhõm, hồn nhiên và tươi trẻ. Nhiều bài thơ của ông như một tự sự nhỏ, hướng đến tâm thức dân quê mà nhẹ phần riêng tư, cá nhân. Ngay cả nụ cười dí dỏm ẩn dấu sau mấy câu thơ khi “chớp” được khoảnh khắc hài hước, ngồ ngộ:

Trên bãi cỏ dưới trời xanh bát ngát

Một chị đang đu ngửa tít trên không

Cụ lý già dừng lại ngửa đầu trông

Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh

(Đám hội – Đoàn Văn Cừ)

cũng là sự “phóng chiếu” một cái nhìn hồn nhiên, trong sáng, hòa quyện vào niềm vui tập thể/ cộng đồng trẻ trung, sôi động, ngây thơ, thanh thản.

Cảnh vật và thiên nhiên trong thơ Đoàn Văn Cừ ít mang sắc thái “ngụ tình”. Thế giới nhân vật đám đông già, trẻ, gái, trai… của một miền quê hiện lên mộc mạc, vô tư, tự nhiên và gần gũi. Họ là con người của những cuộc vui, từ dáng điệu đến gương mặt, ánh mắt, nụ cười long lanh “ngũ sắc” đều gắn với không khí phấn khởi, tưng bừng của lễ hội. Đó như phiên bản của một bức tranh văn hóa dân gian tươi tắn, nhiều màu, đầy sức sống; là sự biểu thị hằng số văn hóa của một vùng đất đai/ xứ sở chứa nhiều trầm tích.

Đồng hành cùng hoạt động lễ hội, phong tục tập quán có thể coi là sự hóa thân của văn hóa truyền thống được bồi đắp qua thời gian nhằm hướng tới những nguyên tắc, hành vi ứng xử của con người trong tương quan đời sống cộng đồng và hình thành các chuẩn mực nhân cách, đạo đức xã hội. Trong thơ Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, những mỹ tục lâu đời không hề bị phôi pha, trái lại nó được lưu giữ và trở thành nét khác lạ của nhóm thi sĩ may mắn sở hữu vốn văn hóa “đại chúng”, bình dân của làng quê giữa thời đại giao thoa Pháp – Việt và sự xâm lấn của văn hóa Tây phương. Phong tục ngày Tết, cưới hỏi, đón dâu … dưới bút pháp tả thực mang đậm tính trực quan của Đoàn Văn Cừ không còn là ký ức, hoài niệm trong tâm tưởng mà được biểu hiện rõ nét, sinh động:

Tết: bánh chưng xanh xếp chật nồi

Con vàng sợ pháo chạy cong đuôi

Cô nào đi lễ khăn vuông mới

Chiếc yếm đào trông đến đẹp tươi

(Làng – Đoàn Văn Cừ)

ngay đến đời sống tâm linh cũng không còn nguyên vẻ trang nghiêm, huyền bí, độ cách xa mà đã biến thành niềm vui thú “trần tục” thiết thực, gần gũi và có màu sắc “dân chủ”:

Chùa xóm làm ngay ở mé ngòi

Trong ba ngày Tết cúng gà xôi,

Cúng xong các cụ chia gà biếu:

Bốn cụ ngồi trên biếu bốn đùi

(Tục làng – Đoàn Văn Cừ)

Sống trong sự đùm bọc nương tựa vào nhau của quan hệ làng xã, người Việt nói chung và đặc biệt là đồng bằng Bắc Bộ nói riêng coi trọng và tự nguyện tuân theo nếp sống nghĩa tình, có trước có sau. Nhiều tập tục “bất thành văn” nhưng thực sự là “khế ước” xã hội trong giao tiếp hàng ngày. Với người Việt, lễ cưới hỏi là một phong tục được “lập trình” rất bài bản và thường hướng tới một cách hành xử đàng hoàng, nghiêm túc. Đó không đơn thuần là câu chuyện của đôi trẻ, của quan hệ song phương giữa hai dòng họ mà rộng hơn là tình làng nghĩa xóm, là nền nếp gia phong:

Nhà có con trai mới vấn danh,

Sang chơi nhà gái kết thân tình.

Đầu năm lễ tổ: con gà trống

Ngày tết mùng Năm thúng đỗ xanh…

(Tục làng – Đoàn Văn Cừ)

Không sa vào sự rườm rà của hệ thống chi tiết và cũng không cùng tần số cảm xúc với Đoàn Văn Cừ, viết về tục lệ cưới xin, Nguyễn Bính đã chọn “điểm nhìn bên trong” để diễn tả sâu sắc hơn diễn biến nội tâm và trạng thái tình cảm của người mẹ qua những lời dặn dò tiễn biệt con gái về làm dâu nhà người, một cuộc chia tay đong đầy nước mắt:

Gái lớn ai không phải lấy chồng

Can gì mà khóc, nín đi không!

Nín đi, mặc áo ra chào họ

Rõ quí con tôi! Các chị trông!...

Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía

Này gương, này lược, này hoa tai

Muốn gì tôi sắm cho cô đủ

Nào đã thua ai đã kém ai?...

Đưa con ra đến cửa buồng thôi

Mẹ phải xa con khổ mấy mươi!

Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc

Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.

(Lòng mẹ - Nguyễn Bính)

Bài thơ của Nguyễn Bính đã chạm đến phần sâu xa nhất trong cõi lòng của người mẹ thôn quê: thương con vô bờ bến, chỉ nhận về mình nỗi khổ cực, buồn, lo… Hai nhà thơ, mỗi người một phong cách, một biểu đồ tâm trạng khác nhau. Nguyễn Bính “Chỉ ưa sống trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê” (Hoài Thanh), thay vì quan sát tỉ mỉ ngoại giới, ông lui vào thế giới tâm hồn bên trong để “sống chậm”, để lắng nghe những vui buồn, thổn thức của nhân vật trữ tình. Thơ Đoàn Văn Cừ tiêu biểu cho bút pháp “tả chân”. Không gian thơ ông ngập tràn sắc màu (đỏ, vàng, tím, nâu, trắng, lam hồng, đỏ rực, xanh ngắt, xanh cánh trả, trắng phau phau…) và nhộn nhịp hình bóng con người (Cụ lý già, bà cụ lão, người cô dâu, cô gái xứ quê, anh bán pháo, bác lái trâu, ông Đội, chị Sen, “bọn” đô vật, thằng em bé…). Tuy nhiên, không vì thế mà thơ Đoàn Văn Cừ mất đi dáng vẻ mềm mại, thanh thoát được coi là ưu thế của “kỹ thuật” trữ tình. Đôi khi nhờ thủ pháp thị giác hóa, các phạm trù thời gian: sáng, trưa, chiều, tối, xuân, hè, thu, đông vô hình đã hiện hình qua một làn khói, một màu mây, một vòm trời, một tia nắng, một cánh buồm, một hàng tre hút gió… Bức tranh thơ, vì thế, có hồn sắc, truyền tải được nhiều tâm tư, tình cảm và dễ đi vào lòng người. Trung thành với bút pháp đó, trong bài thơ Đường về quê mẹ, chân dung người mẹ đã được khắc họa bằng những nét vẽ chăm chút, tỉ mỉ, trìu mến, ẩn chứa niềm kiêu hãnh và chan chứa tình mẫu tử:

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân

Dặng liễu mây bay sắc trắng ngần,

Lại dẫn chúng tôi về nhận họ

Bên miền quê ngoại của hai thân…

Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,

Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu

Trông U chẳng khác thời con gái

Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au…

Tới đường làng gặp những người quen

Ai cũng khen U nết thảo hiền

Dẫu phải theo chồng thân phận gái

Đường về quê mẹ vẫn không quên

(Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ)

Khung cảnh dịu dàng của bài thơ như càng tôn thêm vẻ đẹp, phẩm hạnh cao quí của một người mẹ Việt Nam truyền thống như một hiện hữu/ hiện thân của thiên tính mẫu vĩnh hằng.

Bên cạnh phương thức tạo lập thế giới nghệ thuật bằng hình ảnh thiên về nét “tả thực”, ở vào thời khắc “vụt hiện” nào đó, tư duy thơ Đoàn Văn Cừ đột ngột chuyển hóa vào những liên tưởng giàu sức gợi, mang đậm tính thơ, nghĩa ẩn dụ, tượng trưng:

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau

(Chợ Tết – Đoàn Văn Cừ)

Đó là hai câu thơ thăng hoa/ được chiết xuất từ vô số những chi tiết thực mang “dáng dấp văn xuôi” (kể và tả) của bài Chợ Tết. Những câu thơ được đánh giá là độc đáo bậc nhất của Đoàn Văn Cừ không chỉ ở sự đặc sắc, khác lạ của trí tưởng tượng mà còn ở độ kết tinh, hóa thạch, ở khả năng tri nhận, cảm giác hóa biểu tượng văn hóa tâm linh qua dòng chảy thời gian – đời người.

Bất cứ một tác phẩm văn học nghệ thuật nào có sự tồn tại của các mẫu gốc (hay còn gọi là cổ mẫu, nguyên mẫu tân sinh) đều chứa đựng thuộc tính văn hóa. Trong Thơ mới, những môtif  trầu – cau, thuyền – bến, con đò – dòng sông, thôn Đoài – thôn Đông… một lần nữa đã được đánh thức bởi thi sĩ “chân quê” Nguyễn Bính. Có thể coi đó là những hình ảnh/ biểu tượng mang tính giao duyên và rộng hơn là sự gợi mở không gian văn hóa giao duyên nhưng khái niệm văn hóa giao duyên ở đây sẽ được hiểu theo nghĩa tương đối vì không bao gồm các màn hát xướng đúng với tính chất và hình thức giao tiếp lễ hội của văn hóa dân gian mà chỉ được “vay mượn” nhằm kết nối các mẫu gốc và tạo lập không gian tình tự lứa đôi.

Thơ Nguyễn Bính mang đậm phong vị, gần gũi với ca dao trên nhiều phương diện: từ lối cảm nghĩ, nói năng nhiều ví von, “bóng gió” đến kiểu tư duy, cách cấu tứ, lập ý… Đặc biệt là ở thể lục bát, cảm xúc thơ đã hòa quyện vào âm điệu trữ tình Folklore quen thuộc và đọng lại trong một tiết tấu nhẹ nhàng, sâu lắng như ca dao vọng về. Những da diết nhớ thương, trao gửi, hẹn thề, nỗi ước ao về một mối lương duyên tốt đẹp được nhà thơ biểu đạt bằng một diễn ngôn tình yêu ngọt ngào, bình dị:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

(Tương tư – Nguyễn Bính)

Là nhà thơ của một thứ tình yêu chân phương/ chân quê thứ thiệt, không gian giao duyên trong thơ Nguyễn Bính là khung cảnh hương đồng gió nội tự nhiên, mát lành, đơn sắc, không tô điểm của thôn quê Xứ Bắc. Hình ảnh các cổ mẫu “trầu – cau”, “thôn Đông – thôn Đoài” biểu trưng cho văn hóa giao duyên của người Việt được phối kết vào nhau thành một miền lứa đôi thắm thiết, một khuôn viên tương tư thanh bình, yên ả giữa làng quê thanh tịnh:

Nhà em có một giàn giầu

Nhà anh có một hàng cau liên phòng

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào

(Tương tư – Nguyễn Bính)

Có thể thấy cặp đôi “trầu – cau” như một ký hiệu sinh thái, một mẫu gốc mang thông điệp tình yêu và ý nghĩa giao duyên trở đi trở lại khá nhiều trong thơ Nguyễn Bính. Tuy vậy, ở mỗi trạng thái tâm tư, tình cảm, hình ảnh trầu cau lại mang hàm nghĩa biểu đạt khác nhau. Nếu ở bài Tương tư là ước mong, khao khát được gắn kết lứa đôi trai gái qua ẩn dụ “giàn dầu” nhà em và “hàng cau liên phòng” nhà anh thì ở Chờ nhau không còn là động thái nhung nhớ, bâng khuâng đơn phương mà đã là hò hẹn, báo hiệu một cuộc gặp gỡ đầy xao xuyến, hy vọng:

Láng giềng đã đỏ đèn đâu

Chờ em ăn dập miếng giầu, em sang…

Ai làm cả gió đắt cau,

Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non?

(Chờ nhau – Nguyễn Bính)

Say mê với đề tài tình yêu, miền giao cảm, không gian tình tự trong thơ Nguyễn Bính có sự châu tuần các hình ảnh/ nguyên mẫu bến đò, nương dâu, dòng sông, con thuyền… Đó là những yếu tố ngoại cảnh làm nẩy sinh nguồn cảm hứng thơ, là nền cảnh cho sự xuất hiện của nhân vật trữ tình. Không chỉ ở sở trường lục bát, thơ tự do của Nguyễn Bính vẫn còn nhiều vương vấn với hoài niệm ca dao bình dân, với văn hóa giao duyên và sinh thái làng quê được gửi gắm qua hình tượng bến cũ, người xưa, con đò, dòng sông:

Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng sông

Cô lái đò kia đi lấy chồng

Vắng bóng cô em từ dạo ấy

Để buồn cho những khách sang sông

(Cô lái đò – Nguyễn Bính)

Có thể nói, đi vào cõi thơ riêng của Nguyễn Bính là được đắm mình vào một không gian miền quê Bắc Bộ bao la, bát ngát, rất đỗi dung dị, mộc mạc, chan chứa tình quê và giàu chất thơ. Các cổ mẫu đã trở thành huyền thoại được tái sinh trong thơ Nguyễn Bính, do vậy, thực sự là những mã nghệ thuật được “chiết xuất” trên nền cảnh địa/ sử văn hóa đặc trưng vùng miền và in đậm dấu ấn của tâm thức Việt.

Nhìn lại 90 năm qua, sẽ là một thiếu khuyết nếu diễn đàn Thơ mới ngày ấy vắng bóng những thi sĩ đồng quê như Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân… Họ là một loại hình tác giả đặc thù không thể thay thế. Vào những thập niên nửa đầu thế kỷ XX, sự hiện diện của các nhà thơ vùng đồng bằng Bắc Bộ có thể coi là một “diễn ngôn phản biện” trước nguy cơ vong bản, thiết lập thế cân bằng giữa truyền thống – hiện đại, Đông phương – Tây phương và chống lại hiện tượng đứt gãy về văn hóa. Hành trình đi từ những trải nghiệm không gian đến việc kiến tạo hình ảnh/ biểu tượng văn hóa đồng quê Xứ Bắc đậm đà bản sắc dân tộc là một hành trình “xuyên thời gian”, “xuyên văn hóa”. Bằng cách ấy, thi nhân đã lưu giữ và “làm đầy” văn hóa Việt ở thời điểm bùng nổ của công cuộc hiện đại hóa khi đời sống xã hội đương thời đang diễn ra sự rạn vỡ, lung lay các giá trị… Đặt trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa đương đại, đó là một sứ mệnh cao cả. Thông qua thế giới nghệ thuật sinh động, nhuốm đậm sắc quê, hồn quê, các nhà thơ đã gửi lại cho hậu thế tấm căn cước văn hóa như một vé thông hành của người Việt để giao lưu, đối thoại với các nền văn hóa/ văn minh trong châu lục và nhân loại bốn phương./.

                                        Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2022 - L. H. T

 

Bạn đang đọc bài viết "Kiến tạo văn hóa đồng bằng Bắc bộ trong thơ mới nhìn từ bản sắc dân tộc" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn