Học sử và Sử học nước nhà

  PGS TS  Phạm Đức Thành

11/12/2022 09:42

Theo dõi trên

Mấy ngày giữa tháng 11 năm 2015, trên các phương tiện truyền thông, rộ lên cuộc tranh luận “một mất một còn” giũa các nhà sử học và các nhà quản lý thuộc Bộ Gíao Dục- Đào Tạo (GD- ĐT). Một bên muốn tích hợp môn Lịch Sử vào môn Công dân với Tổ quốc ở cấp Tiểu học và cấp Phổ Thông Cơ Sở (PTCS), còn ở cấp Phổ Thông Trung Học ( PHTH ),

Lịch Sử  là môn học tự chọn. Một bên lại cho rằng chủ trương tích hợp môn Lịch Sử với các môn học khác là không có cơ sở khoa học và nguy hiểm nhất là hạ thấp vai trò của Lịch Sử với tư cách một môn khoa học cơ bản, thậm chí làm “biến mất” môn Lịch Sử và việc để môn Lịch Sử là tự chọn ở cấp PTTH là cực kỳ nguy hiểm trong “công cuộc trồng người”.

anh-2-1670726212.jpg
PGS TS Phạm Đức Thành, cựu sinh viên lớp Sử 13 (1968 - 1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), nguyện Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nay 80 tuổi.

 

Vấn đề này không chỉ sôi động trên các báo, đài, căng thẳng tại các cuộc hội thảo khoa học do Hội Sử học tổ chức mà còn len vào tận chốn Nghị trường thâm nghiêm. Một số Nghị sĩ Quốc Hội đã chất vấn ông Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT về chủ trương tích hợp môn Lịch Sử với các môn khác và việc quy định Lịch Sử là môn học tự chọn ở cấp PTTH. Các vị đều cho rằng chủ trương tích hợp và tự chọn đó là sai lầm và nguy hại nhất là sẽ làm cho thế hệ trẻ Việt Nam không còn nghe lời dạy của Cụ Hồ nữa “ Dân ta phải biết sử ta / cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đã không hiểu biết tỏ tường Lịch Sử nước nhà thì làm sao có được tấm lòng với dân tộc để mà yêu nước / căm thù giặc / chiến đấu dũng cảm / lạc quan tin tưởng.

Tôi chưa bao giờ nhận mình là nhà sử học mặc dù tôi đã từng là sinh viên khoa Lịch Sử thuộc trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội! Và cũng đã làm được một số việc liên quan đến ngành học .Quả thực là người làm sử thì nhiều nhưng đề trở thành nhà sử học thực sự thì không hề giản đơn, muốn là được !.

Có bạn  hỏi tôi tại sao học Lịch Sử; ra trường lại làm việc ở cơ quan chuyên nghiên cứu về Lịch sử, Văn hóa các nước Đông Nam Á mà lại không nhận mình là nhà sử học? Thậm chí đến nay tôi vẫn chưa dám tham gia vào Hội Sử học và Hội Đông Nam Á học !

Lý do là thế này. Ngay khi còn là anh sinh viên năm thứ nhất “chân ướt chân ráo” nơi sơ tán và chưa hề có chút cảm tình nào với môn học mà mình chưa biết tương lai sẽ ra sao, dù thầy Phan Hữu Dật, ngày đó, khuyên bảo “ Các em cứ ăn đi rồi sẽ thấy ngon”! thì thầy Kiều Xuân Bá, Phó chủ nhiệm khoa lại nói thẳng không úp mở: Học Lịch Sử là để làm tuyên huấn! Thú thực ngày đó, tôi chưa hiểu làm tuyên huấn là làm những gì? Thôi thì sau những năm tháng trong quân ngũ nay trở về được đi học và sẽ có cái bằng Đại học, có nghề kiếm sống là được rồi! Vậy là tôi yên tâm học hành chăm chỉ (Năm thứ hai, tôi và anh Nguyễn Văn Phú được bằng khen học giỏi của nhà trường  do GS Ngụy Như KonTum ký.)

Sau bốn năm, tốt nghiệp ra trường, tôi mới hiểu rõ hơn về cái nghề làm tuyên huấn. Hầu hết các bạn cùng lớp đều được phân công về làm việc tại Thông Tấn Xã Việt Nam, Đài Tiếng Nói Việt Nam, Báo Nhân Dân, một số cơ quan báo, tạp chí và ở một số sở văn hóa các tỉnh… Đó chính là những cơ quan làm công tác Tuyên Huấn của nhà nước. Và các bạn đó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, thậm chí có bạn đã hy sinh trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  Chỉ một số ít, trong dó có tôi được về công tác tại Viện Sử học rồi Ban Đông Nam Á (tiền thân của Viện Đông Nam Á) thuộc Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam ( nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam ). Tôi làm việc ở đây cho đến ngày nghỉ hưu.

Như vậy rõ ràng rằng khoa Lịch Sử ngày ấy chỉ nhằm đào tạo những người làm công tác Tuyên Huấn (Có thể do yêu cầu của cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt ). Đã đào tạo làm Tuyên Huấn thì nội dung cũng như phương pháp giảng dạy sẽ mang đậm chất Tuyên huấn. Chúng tôi được học phần Đại cương, rồi thông sử trong hai năm đầu; hai năm cuối được học theo chuyên ban. Nội dung bài giảng của các thày cô tập trung nhiều vào giai đoạn cận hiện đại. Ban Khảo cổ, Dân tộc và Cổ Trung đại chiếm tỷ lệ nhỏ trong số hơn100 con người cùng lớp.

Chúng tôi được học đấu tranh giai cấp làm sợi chỉ đó xuyên suốt lịch sử nhân loại và của mỗi dân tộc. Trên nền tảng đó, về Lịch Sử Việt Nam, chúng tôi học chủ yếu các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, và nhất là học về sức mạnh của người nông dân trong các cuộc đấu tranh chống phong kiến đế quốc qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Mọi nhìn nhận, đánh giá các triều đại cũng từ góc nhìn đấu tranh giai cấp. Phong kiến là xấu xa. Nông dân nổi dậy chống phong kiến là tốt đẹp. Những triều đại như nhà Nguyễn có rất nhiều đóng góp cho lịch sử, văn hóa  Việt Nam đều bị phủ nhận… Và thiếu nhất là những vấn đề của lịch sử như “quá trình cầm gươm đi mở cõi” của ông cha ta thì lý giải lờ mờ và nhiều vùng đất từ miền Nam Trung bộ trở vào,  nhất là vùng đất Nam bộ hầu như không được đề cập đến! Những gì mà những kẻ xâm lược (người Pháp) khách quan mang lại cho quá trình tiếp biến văn hóa, hình thành văn hóa dân tộc và trong chừng mực nhất định cho cả sự phát triển đất nước cũng đều bị loại bỏ, phủ nhận!

Về lịch sử thế giới, sau một số tiết học về một số nền văn minh cổ như Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà cổ đại…chúng tôi tập trung học nhiều về những cuộc đấu tranh giai cấp tiêu biểu như công xã Pari, chiến tranh nông dân Đức, Cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc ) và có lẽ nhiều nhất vẫn là Cách Mạng Tháng Mười Nga… Khiến cho người học hiểu về bức tranh Lịch Sử Thế giới không hoàn thiện !

Tôi không muốn nói nhiều về những gì mình đã học được một cách lỗ mỗ trong bốn năm ấy về Lịch Sử Thế giới và Việt Nam nữa (cũng có thể do hoàn cảnh chiến tranh, phải sơ tán nơi núi rừng nên chúng tôi chỉ được học có vậy), tôi chỉ xin phép sử dụng lại ý kiến của anh bạn trẻ Nguyễn Quốc Vương, Nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử ở Đại học Kanazawa ( Nhật Bản ) để nói về thực trạng của nền sử học nước nhà “ …Lịch sử Việt Nam đã bị tách ra khỏi dòng chảy của lịch sử thế giới khá lâu.”( Trích báo Thanh niên ngày 22/11/2015 ). Chắc sẽ có bạn  không đồng tình với ý kiến này !

Tôi thấy ý kiến của anh bạn trẻ đó có nhiều điều cần phải suy ngẫm !Đúng là để có thể là một môn học bắt buộc hay tự chọn, trước hết Lịch Sử của Việt Nam phải trở thành một ngành khoa học thực sự. Chúng ta có thể “sáng tạo” ra những nhân vật, sự kiện để làm lợi cho cách mạng ! Nhưng không được biến “chúng” thành lịch sử.

Lịch Sử của một dân tộc phải là lịch sử từ sơ khai, hình thành, từng bước tồn tại phát triển cho đến tận ngày nay. Phải là lịch sử của các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam từ Mục Nam quan đến mũi Cà Mau. Bức tranh lịch sử phải đầy đủ các thời kỳ, các giai đoạn lịch sử, không quá tập trung vào lịch sử cận hiện đại. Tôi còn nhớ mãi chuyên đề về Cải cách ruộng đất do một thầy giảng. Ôi tôi không thể thẩm thấu bài giảng đó được vì bản thân tôi đã từng chứng kiến quá trình diễn biến của cuộc “Cách mạng long trời lở đất” ấy với thân phận là con một gia đình địa chủ… Và khi viết về giai đoạn đấu tranh cách mạng cần khách quan, trung thực hơn, không giấu đi những ngày tháng khó khăn, của cách mạng như sự thật về Tết Mậu Thân (1968), hay sự khốc liệt trong Chiến dịch Quảng Trị (1972), về cuộc chiến ở Campuchia và cả cuộc chiến ở biên giới phía Bắc từ tháng 2/ 1979 cho đến tận những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước… Rồi những số liệu thương vong chết chóc của quân ta, quân địch cũng cần rõ ràng, minh bạch, không né tránh những “vấn đề nhậy cảm”, “húy kị”. Hãy viết đúng những gì đã diễn ra trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.  Càng trung thực thì Lịch Sử càng hấp dẫn, càng được trân trọng.

Phải xuất phát từ lợi ích dân tộc, lấy cái khách quan, trung thực, minh bạch để nhìn nhận,viết về lịch sử.  Bình luận, thêm bớt, thậm chí hư cấu là công việc của các nhà văn. Có lẽ cần phân biệt hai khái niệm: Nhà Sử học mà thực chất là nhà Chép sử và nhà Nghiên cứu lịch sử. Tôi đã xem một bộ phim chỉ nhớ tên phim là “ Người Đa Si”. Phim nước ngoài khá hay. Trong đó có trận chiến giũa hai viên tướng của hai thế lực thù địch đánh nhau quyết liệt.  Nhà sử học luôn bên cạnh cuộc đấu kiếm để quan sát. Ông ta cứ nhẩy từ bên này sang bên kia để ghi chép một cách khách quan quá trình hai viên tướng đánh nhau. Tuy trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt nhưng các đường kiếm vung lên đều né tránh không chém vào nhà sử học. Họ hiểu rằng chém chết nhà sử học thì còn ai ghi lại cuộc chiến của họ nữa !

Khi đã có một bộ lịch sử dân tộc được viết một cách khách quan, khoa học thì việc biên soạn giáo trình, sách giáo khoa cho các cấp học cũng sẽ khoa học, trung thực và hấp dẫn. Trung thực, khách quan, hấp dẫn chính là yếu tố quyết định  lôi cuốn người học sử.

Tuy nhiên ở đây cũng cần phải thấy một sự thật khó phê phán trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam. Từ lâu học sinh đã quay lưng lại với môn học Lịch Sử. Tại sao vậy? Một phần là lịch sử của ta chưa được viết hấp dẫn, chưa có nhiều phương thức để chuyển tải những nội dung hấp dẫn của lịch sử đến với mọi người .Nhưng phần quan trọng hơn có lẽ là tính thực dụng của dân ta. Dân ta nghèo! Muốn thoát nghèo phải đi học. Đã đi học thì phải tập trung vào những môn học có thể kiếm được nhiều tiền trong tương lại. Học sử, khoái sử, mê sử không thể kiếm được nhiều tiền. Do vậy, học sinh và cả các bậc phụ huynh đều muốn con cái của họ tập trung vào các môn học như toán, văn, ngoại ngữ hoặc các môn khoa học tự nhiên để sau này còn có thể thi đậu vào các trường Đại học dễ kiếm tiền hơn. Chính vì thế các ngành Khoa học Xã hội nói chung và ngành Lịch Sử nói riêng, những năm qua, chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong cái biển học sinh thi vào các trường Đại học. Mục tiêu đã như vậy thì học sinh từ Tiểu học, PTCS đến PTTH còn quan tâm đến học sử làm gì !Tôi cho rằng dù viết lại Lịch Sử thật khách quan, khoa học, giáo trình giảng dạy, sách giáo khoa có biên soạn lại cho hay, cho hấp dẫn đến mấy, các thày cô dậy sử có luyện ba tấc lưỡi để giảng cho thật lôi cuốn đi nữa mà vẫn còn nhận thức như vậy thì nhiều học sinh vẫn ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT là tích hợp môn lịch sử ở cấp tiểu học, PTCS và là môn học tự chọn ở cấp PTTH.

Vậy để có thể “dân ta phải biết sử ta” trước hết phải “đổi mới tư duy” trong nhận thức và viết lại lịch sử nước nhà. Bộ Quốc sử mà mọi người đang mong đợi phải là một bộ lịch sử hết sức khách quan và trung thực.Và phải là Bộ Sử của cả dân tộc Việt Nam (Quốc Sử). Làm như thế chính là tạo tiền đề lâu dài cho sự yêu thích thực sự Lịch Sử nước nhà của giới trẻ.

  Ngày nay, với sự phát triển của rất nhiều ngành khoa học xã hội, nên việc đào tạo những người làm công tác báo chí, tuyên truyền, thậm chí làm lãnh đạo… không còn là độc quyền của ngành khoa học Lịch Sử nữa (Thời đó có người còn gọi khoa lịch sử là khoa “ Lãnh tụ”- đào tạo người làm lãnh đạo). Do vậy bên cạnh việc đào tạo một lượng sinh viên ngành sử vừa đủ nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu lịch sử ,viết sử thì nên có chiến lược đào tạo thật bài bản một số em học sinh yêu thích thực sự với môn học Lịch Sử như nhiều nước trên thế giới đã làm. Chính những em sinh viên có tấm lòng, yêu mến, say mê Lịch Sử thực sự đó sẽ trở thành những nhà sử học chân chính của nước Việt trong tương lai.                                                                               

 P.Đ.T    

(Bài đăng trên sách MỘT THỜI ĐỂ NHỚ (Tập 2) do NXB Thông tấn ấn hành cuối năm 2022)                                                  

Bạn đang đọc bài viết "Học sử và Sử học nước nhà" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn