Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương một - Huyền thoại đầm Bạch Liên

Phạm Việt Long

04/08/2021 08:17

Theo dõi trên

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam.

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương một

NHỮNG HÌNH HÀI ĐEN ĐỎ

Huyền thoại đầm Bạch Liên

 

Hà Nội là vùng đất lắm ao, hồ, đầm. Những hồ, đầm lớn đều gắn với những huyền thoại, cổ tích mang tính giáo dục sâu sắc. Đầm Bạch Liên cũng vậy. Xưa kia, khi Hà Nội còn khuôn trong năm cửa ô, thì đầm Bạch Liên nằm ỡ mãi tận phía Đông Bắc thành phố, khá heo hút. Dần dần, quá trình đô thị hoá đã khiến cho đầm Bạch Liên nằm lọt vào một khu phố sầm uất, buôn bán tấp nập. Người ta bảo đây là đất kim cương chứ không phải chỉ là đất vàng.

Vào thủa hồng hoang, đầm chưa có tên Bạch Liên như bây giờ. Người ta quen gọi đó là Đầm Đại, bởi đầm rộng mênh mông, lớn vào loại nhất vùng. Mặt đầm bao la bát ngát, nhìn hết tầm mắt không thấy bờ bên kia. Vào những ngày lặng gió, mặt nước đầm vẫn lao xao sóng vỗ. Còn khi gió to, sóng đầm cuộn lên xô bờ ì oạp. Quây quanh đầm nước là những bãi sú vẹt, những rặng cây um tùm. Ở bờ phía Tây đầm, đất cao hơn, tạo thành một bãi bằng khô ráo chạy dọc bờ đầm. Cả một vùng trời nước mênh mông, cây cối um tùm ấy tạo nên môi sinh lý tưởng cho các loài thuỷ sản, thuỷ cầm. Cư dân ở đây thưa thớt. Trên bãi đất bằng ấy, có một xóm khoảng trên ba chục nóc nhà, gọi là xóm Chài. Bà con xóm Chài làm nghề chài lưới, sống nhờ nguồn thuỷ sản, thuỷ cầm vô cùng phong phú trong đầm. Cuộc sống đang êm ả trôi đi thì có một gia đình gồm ba người đến xin nhập cư. Lúc này người hiếm đất rộng, bà con xóm Chài tỏ ra mừng vui và hào hiệp đón vào xóm một gia đình mới. Gia đình này làm nghề buôn bán nhỏ. Họ vào Thành mua hàng tạp phẩm về bán cho dân xóm Chài, và mua cá về giao cho những người buôn ở chợ lớn. Không biết hai ông bà tên gì, chỉ biết rằng cô con gái có tên là Liên, cho nên dân xóm chài gọi hai ông bà là ông Liên, bà Liên. Còn cô gái, mọi người gọi thân mật là cháu Liên. Cháu Liên khoảng chừng mười tám, xinh đẹp lạ kỳ. Cháu có dáng người thon thon mình trắm. Khuôn mặt trái xoan. Mũi dọc dừa. Mắt bồ câu. Da trắng hồng. Môi đỏ thắm. Sắc đẹp của cháu Liên làm cho cả xóm chài xao động. Những ông già cũng thích nhìn cháu, có lẽ để hồi tưởng những phút giây xao lòng thời trai trẻ của mình. Các chàng thanh niên, khỏi phải nói, thường tìm mọi cách tiếp xúc với Liên. Tính dịu dàng không e lệ nhưng cũng không quá cứng cỏi, Liên tiếp mọi người, chuyện trò với mọi người, đem lại niềm vui cho cả xóm. Trong xóm có hai chàng trai đều mạnh khoẻ, tài ba. Một chàng tên là Lực. Một chàng tên là Điền. Lực người cân đối, nhanh nhẹn mềm mại như con báo. Điền dáng cao to, chắc nịch, mặt vuông chữ điền, mắt to, sáng như sao. Cả Lực và Điền đều chiếm được cảm tình của Liên. Nếu Liên mến Lực ở tính khí mạnh mẽ, trí khôn sắc sảo, thì cô mến Điền ở tính tình hiền hậu, trí lực song toàn. Điền mồ côi nên chí thú làm ăn, hoà hiếu với mọi người, cho nên dân xóm ai cũng yêu mến. Mối quan hệ tình cảm của hai người trai trẻ và một cô trinh nữ lớn dần lên, mạnh dần lên, đến lúc phải rẽ lối. Ông bà Liên biết con đang lưỡng lự, mà mình cũng khó xử, bèn hỏi Liên: "Con phải chọn đi, con cũng đã đến thì rồi. Phải chọn lấy một, con ạ!". Liên thẹn thùng: "Con theo lời bố mẹ!". Ông bà bèn nói với Liên: "Dân vùng đầm có tục chọn rể bằng cách cho thi tài. Đầm này có một con thuỷ quái, ta hẹn với hai anh ai diệt được nó thì làm rể nhà ta, được không?". Liên đồng tình. Thế là hai chàng thanh niên được mời đến và họ thống nhất cách thức thi tài. Trước khi vào cuộc thi, ông Liên trao cho mỗi chàng trai một chiếc lưỡi câu lớn, có cái mũi nhọn hoắt như mũi lao, có chùm lưỡi bén ngọt mà ông thửa từ thợ rèn phường Sinh Từ để hai chàng làm vũ khí.

Dân vùng đầm này vẫn lưu truyền những câu chuyện kinh hoàng về con thuỷ quái Đầm Đại. Chưa ai thực sự nhìn rõ nó, nhưng người ta hình dung nó như một con rồng vĩ đại. Theo truyền thuyết, mỗi năm vài ba lần, vào những đêm mưa to gió lớn, thuỷ quái lại trồi lên khỏi lòng đầm, bơi vào bờ và biến thành con rồng có cánh, bay tới các xóm nhà bắt trinh nữ. Cũng mỗi năm vài ba lần, vào mùa khô ráo, khi dân vùng đầm đang lênh đênh trên các con thuyền đánh cá thì mặt đầm bỗng cuộn sóng. Thuỷ quái quần lộn đảo điên tạo nên những con sóng dữ dâng những con thuyền bé nhỏ lên cao rồi lại dìm xuống đáy sóng. Lần nào cũng có vài ba chiếc thuyền bị nhấn chìm. Lần nào cũng có vài ba người bị chết. Lạ một điều, chỉ chết những chàng trai chưa vợ. Thế là, trong dân gian lưu truyền niềm tin rằng con thuỷ quái là loài vô tính (không phải đực cũng chẳng phải cái), nó bắt trinh nữ và thanh niên chưa vợ về dựng vợ gả chồng dưới thuỷ cung để tạo dựng cuộc sống đông đúc dưới đó. Muốn bắt được con thuỷ quái, phải chèo thuyền ra giữa đầm vào đêm trời giông bão, rình đúng lúc nó vừa trồi dưới lòng đầm lên, chưa kịp hoá rồng. Lúc ấy, nó đang thoát xác, cơ thể yếu ớt, chỉ quăng lưỡi câu vào, giật dây câu là kéo được nó vào bờ. Tin câu chuyện này, một đêm tháng mười giá lạnh, giữa cơn sấm chớp mưa gió đùng đùng, hai chàng trai chèo hai con thuyền hướng tới giữa lòng hồ. Cô gái mở cửa sổ rõi theo ánh đèn leo lét trên hai con thuyền. Ánh đèn nhỏ dần và mất hút trong màn đêm đen kịt. Mỗi giờ khắc qua đi là mỗi khắc khoải, bồn chồn dậy lên trong lòng cô gái. Sấm chớp đùng đùng. Mưa sầm sập. Đầm nổi sóng ầm ào. Mệt quá, cô thiếp đi lúc nào không biết. Trong mơ, Liên thấy một cảnh tượng hãi hùng: Lực bị con thuỷ quái nuốt chửng vào bụng. Còn Điền thì bị đuôi nó quật nát đầu. Cô thét lên một tiếng kinh hoàng, bừng tỉnh, thoát khỏi cơn ác mộng mà toàn thân đầm đìa mồ hôi. Trời cũng vừa sáng. Thấy ngoài sân có tiếng lao xao, Liên vội chạy ra. Trước mắt Liên là Lực - quần áo tả tơi, sũng nước. Lực nói trong hơi thở đứt quãng rồi ngã gục xuống: "Thuỷ quái nuốt anh Điền rồi!".   Ngày hôm sau Lực mới tỉnh. Theo lời kể của Lực, khi hai người vừa ra đến giữa đầm thì thuỷ quái xuất hiện. Lực chỉ kịp quăng dây câu với cái lưỡi câu to đùng do ông Liên đưa cho về phía đầu con thuỷ quái thì nó đã vùng lên nuốt chửng anh Điền, nuốt luôn lưỡi câu của Lực. Nó quật đuôi muốn hạ gục Lực. Nhờ nhanh nhẹn, lợi dụng triền sóng vừa trườn lên, Lực lái thuyền chạy thẳng vào bờ. Nếu không nhanh trí, chắc giờ này Lực đã nằm trong bụng thuỷ quái rồi.

Cuộc đua diệt thuỷ quái không thành. Thuỷ quái vẫn hiện diện trong tâm thức người dân vùng Đầm Đại. Tuy vậy, Lực là người sống sót. Có nghĩa là, trong cuộc đua giữ quyền được sống, Lực đã thắng Điền. Như một lẽ tất yếu, Liên trở thành vợ Lực từ đấy.

Cuộc sống của cư dân xóm Chài vùng Đầm Đại và gia đình Liên có lẽ sẽ trôi đi êm ả nếu như ở nơi này không xuất hiện một người đàn ông kỳ lạ. Đó là một người hát rong có con mắt trái là một hố đen sâu hoắm, con mắt phải lại sáng một cách lạ kỳ, lấp lánh, lạnh lùng như một ngôi sao xa xăm. Mặt anh ta méo mó, đầy sẹo. Anh ta cầm theo một cây nhị và hát. Anh không hát xẩm, không hát dân ca, mà hát lên một bản trường ca chẳng ai từng nghe, kể chuyện mặt đầm và lòng người. Chuyện kể rằng xưa kia có hai chàng trai vì cùng yêu một cô gái mà tranh đua nhau trong trận diệt thuỷ quái. Hai người đều được người cha của cô gái tặng chiếc lưỡi câu lớn làm vũ khí. Trong đêm giông tố mịt mùng, hai chàng trai dong thuyền ra đầm. Đến giữa đầm, chẳng thấy thuỷ quái đâu, chỉ thấy sấm sét, mưa gió đùng đùng. Một người ghé thuyền vào gần thuyền người kia định liên kết thành khối để chống sóng gió. Bất ngờ, anh ta tối tăm mặt mũi, không biết gì nữa. Khi tỉnh lại, anh ta đã nằm trong một túp lều, không rõ là nơi nào. Một chiếc lưỡi câu to khác thường móc sâu vào mắt anh. Những vết thương bầm vập cùng mình do mái chèo đập vào đang rỉ máu. Nhờ sức lực cường tráng và nhờ ơn Trời Phật, anh vùng vẫy theo chiều sóng, dạt được vào bờ. Một lão nông cô độc vớt được anh...

Câu chuyện dài được hát bằng những giai điệu, tiết tấu khác nhau nhưng đều mang đậm chất chèo Bắc Bộ, thể hiện được nhiều sắc thái trong cung bậc tình cảm của con người cũng như trong những diễn biến phức tạp của đời sống. Liên tục trong nhiều ngày, cứ vào lúc sáng sớm và lúc chiều hôm là người đàn ông chột mắt lại kéo nhị, ngồi hát bài ca mặt đầm và lòng người trước cửa nhà Liên. Bài ca gieo vào trái tim nhân hậu của Liên một nỗi thương cảm vô bờ bến đối với nỗi bất hạnh mà người đàn ông trong câu chuyện phải gánh chịu. Dần dần, bài hát gieo vào bộ óc nhạy cảm của Liên những câu hỏi và sự liên tưởng. Tại sao người đàn ông chột mắt này chỉ ngồi hát trước cửa nhà Liên? Tại sao khi nghe người đàn ông hát lần đầu, sắc mặt Lực - chồng Liên - lại tái dại đi? Tại sao Lực cứ bắt mình đóng cửa lại, không nghe hát? Chuyện hai người đàn ông đi diệt thuỷ quái trong bài ca sao giống chuyện Lực và Điền thế? Băn khoăn, nhưng Liên không dám nói điều này ra. Cũng có hôm, Liên định gợi chuyện để hỏi người hát xẩm về lai lịch bài ca, nhưng cô lại thôi. Cô chần chừ, vì muốn giữ một cuộc sống êm ả, không muốn nó bị xáo trộn. Nhưng mặt khác, nỗi khao khát đi đến bến bờ của sự thật cứ thôi thúc Liên phải tìm hiểu xuất xứ và ý nghĩa của bài ca. Cứ lần khân mãi, cho đến một buổi sớm, Liên không nghe thấy tiếng nhị và tiếng hát của người đàn ông chột mắt nữa. Mở cửa sổ, cô rú lên khi thấy treo toòng teeng trước cửa là hai chiếc lưỡi câu to quá cỡ cùng hai đoạn dây câu... Cô đã nhận ra hai lưỡi câu đó là của những ai... Cô thét lên một tiếng kinh hoàng rồi ngã xuống nền nhà. Cô chìm trong cơn mê triền miên suốt ba ngày đêm. Trong giấc điệp dài dặc, Liên chỉ mơ màng nhìn thấy một ông cụ râu tóc bạc phơ và nghe thấy ông cụ nói đi nói lại rằng làm gì có thuỷ quái hại người, con người hại nhau rồi đổ tội cho thuỷ quái mà thôi. Sợ mang tiếng ác, con người bịa ra đủ loài thuỷ quái, yêu tinh, quỷ dữ, ma cà rồng để chúng nhận tội thay mình. Ông cụ còn trừng mắt quở trách Liên đã không có một tình yêu đích thực, đến nỗi phải nhờ đến chuyện thi thố tài năng để chọn chồng. Các cuộc thi thố đều ẩn chứa trong đó mầm mống của sự gian lận, dối lừa. Tình yêu đòi hỏi sự chân thực tuyệt đối, không có chỗ cho các cuộc thi thố, tranh giành.

Tỉnh dậy, Liên như người mất hồn. Cô tự vấn lương tâm. Chính vì mình mà anh Điền phải tật nguyền suốt đời. Chính vì mình mà anh Điền phải chịu cảnh tha phương cầu thực, không chốn nương thân. Mà tại sao mình lại không tự chọn được người mình yêu. Thử tài đâu là biểu hiện của tình yêu. Hoá ra cả cha mình, cả mình chỉ muốn chọn người giỏi giang nhằm gây dựng cuộc sống no đủ cho mình, chứ không phải là chọn cho mình người mình yêu... Trời ơi, yêu ai thì lấy người ấy, bắt họ thi tài làm gì... Nỗi ân hận đè nặng cuộc sống của Liên. Một hôm, trời trong veo, nắng vàng lóng lánh, mặt đầm xanh thẳm, Liên một mình chèo thuyền ra đầm. Cô chèo một cách khoan thai, thơi thả. Gió nhẹ vờn mái tóc. Sóng vỗ nhẹ mạn thuyền như lời ru dìu dặt của thiên nhiên. Đến giữa đầm, Liên rời thuyền, thả mình vào lòng nước trong vắt, mát rượi. Ít lâu sau, từ nơi Liên trầm mình, mọc lên những cây hoa sen tươi tốt lạ kỳ. Bông sen trắng muốt, toả hương thơm ngát. Cũng vào dịp ấy, Lực biến đi đâu, không ai biết.

Từ đấy, đầm Đại có tên chính thức là đầm Bạch Liên. Cư dân trong vùng đầm phá miếu thờ thuỷ quái, dựng một đền thờ ngay trên bến mà Bạch Liên đã lên thuyền ra đi mãi mãi để tỏ lòng thương tiếc vô bờ bến của mình với người thiếu phụ xinh đẹp, nhân hậu mà bất hạnh của làng xóm. Trên tấm bia dựng bên trong đền, người ta ghi lại chi tiết thiên tình sử bi thảm của nàng. Cũng trên tấm bia ấy, người ta ghi lại quy ước sống của cư dân vùng đầm. Nội dung quy ước có nhiều điều, trong đó nói rõ bãi bỏ tục lệ kén rể thi tài. Các đôi trai gái được tự do tìm hiểu, khi thấy đã thực sự yêu thương nhau thì trình với xóm làng để xóm làng vun đắp hạnh phúc cho. Quy ước cũng nêu lên những điều mà mọi người phải thực hiện nhằm tạo dựng một cuộc sống đậm đà tình làng nghĩa xóm, chống dối lừa, ngăn ác độc, cấm hại nhau. Điều cuối cùng ghi rõ ai không thực hiện quy ước này thì phải rời bỏ vùng đầm, đi đâu thì đi. Đó là hình thức xử phạt duy nhất mà bản quy ước nêu lên...

Nghe đâu, tới ngày nay, tinh thần của Quy ước xưa vẫn được vận dụng trong cuộc sống hàng ngày của người dân vùng đầm. Gần đây nhất, tinh thần ấy đẫ được thể chế hoá bằng Quy ước nếp sống văn hoá của nhiều phường trong khu vực đầm Bạch Liên này.

Bạn đang đọc bài viết "Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương một - Huyền thoại đầm Bạch Liên" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Lê Thị Hạnh Hòa

Lê Thị Hạnh Hòa

09:33 05/08/2021

Hay lắm ạ