Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương hai - Chôn thây ma sinh ra quỷ dữ

Phạm Việt Long

05/08/2021 08:13

Theo dõi trên

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam

bia-gia-tu-1627524038.jpg

 

Chương hai

ĐẢO ĐIÊN TRONG VÒNG XOÁY

 

Những hình hài đen đỏ giới thiệu trên đây, trời xui đất khiến thế nào lại hội tụ hoặc có liên quan với nhau trong một Tập đoàn khá lớn của Nhà nước, Tập đoàn duy nhất của Bộ Nhân văn. Đó là Tập đoàn Tri thức, ngoài việc đứng độc lập còn tham gia một liên doanh có tên gọi Công ty trách nhiệm hữu hạn Bạch Liên, nhưng thường được gọi là Khách sạn Bạch Liên. Khách sạn ấy nằm ngay bên đầm Bạch Liên với huyền thoại mà chúng ta đã biết ở trên. Chẳng hiểu rồi đây những điều xảy ra trong huyền thoại có vận vào những người chủ của Khách sạn này hay không, nhưng trường đời đã dạy rằng những gíá trị nhân văn mà cha ông chúng ta gửi gắm cho đời sau đều là tài sản vô giá, và nếu ai trân trọng nó, sẽ được cuộc đời ban tặng phần thưởng xứng đáng. Còn nếu ai phạm vào những điều cấm kỵ trong lối ứng xử truyền thống, người ấy khó tránh khỏi sự trừng phạt...

 Nếu cuộc đời có bão tố, thì Bạch Liên chính là mắt bão, khiến cho cả vùng đất rộng lớn, tức Tập đoàn Tri thức, quay cuồng, điên đảo. Trong vòng xoáy ấy, các mảnh đời va chạm vào nhau cực mạnh, làm bật ra những câu chuyện kỳ lạ. Để rồi khi bão lặng sóng yên, bình tâm nhìn lại, mọi người mới thấy rằng mình đã bị cuốn vào cơn bão ảo và thốt lên rằng có chuyện gì đâu mà ầm ĩ thế nhỉ. Nhưng, đây cũng là dịp rất hay, giống như cuộc đời dựng nên một sân khấu để cho các diễn viên ra trình diễn, sẽ bộc lộ hết tính cách của các nhân vật. Nói cách khác, qua vụ bê bối này, những nhân vật chính trong Tập đoàn có dịp bộc lộ rõ nét phẩm chất, năng lực của mình mà ngày thường, có khi bị ẩn giấu dưới những vỏ bọc vô tình hoặc hữu ý được tạo ra.

 

Chôn thây ma sinh ra quỷ dữ

Tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, Nhà nước ta chủ trương phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế. Các doanh nghiệp nhà nước cần phải đổi mới một cách cơ bản hơn. Những doanh nghiệp này được hình thành trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngay cả khi bị bao vây cấm vận, và trong hai mươi năm đổi mới, doanh nghiệp nhà nước đã đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế quốc dân. Từ năm một nghìn chín trăm tám sáu, chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều đổi mới để phù hợp và đến nay đã thành công, đồng thời cũng bộc lộ những yếu kém, bất cập. Nhiều doanh nghiệp trở thành gánh nặng của Nhà nước. Để tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh hơn, chủ động hơn, thích ứng hơn với cơ chế thị trường, nhất là khi chúng ta chuẩn bị gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), Nhà nước ta chủ trương sẽ tác động mạnh hơn nữa vào hệ thống doanh nghiệp, trong đó sẽ thành lập một số tập đoàn kinh tế cỡ lớn, đồng thời tiến hành cổ phần hóa khoảng gần hai nghìn doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp sẽ chuyển sang đa sở hữu. Như vậy, chúng ta chuyển doanh nghiệp nhà nước hoạt động từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, từ sở hữu nhà nước thành sở hữu đa thành phần. Chủ trương đổi mới doanh nghiệp hiểu ngắn gọn là như vậy. Tập đoàn Tri thức cũng được chỉ đạo thực hiện chủ trương này. Trước mắt là đổi mới các Công ty thành viên.

Công ty Hân Hoan nằm trong số ấy. Muốn thay đổi mô hình tổ chức của Công ty, việc đầu tiên là rà soát về tài chính. Xem tài chính có lành mạnh không? Có cân đối thu chi không? Hàng tồn đọng thế nào? Công nợ ra sao? Cuối cùng là có còn vốn Nhà nước không? Nói chung, toàn phải lôi ra những con số mà xưa kia chúng giống như những con gián lẩn trong bóng tối. Khi con số chẻ hoe ra rồi, cơ quan quản lý mới ngã ngửa người về thực trạng những đơn vị dưới quyền quản lý của mình xưa nay. Có đơn vị liên tục là điển hình tiên tiến, nhận cờ thi đua Chính phủ, thậm chí còn nhận Huân chương Lao động, lại sạch sành sanh vốn, lại tồn hàng, thất thoát tài sản, không còn đất tồn tại. Có Công ty, do nội bộ hay lục đục nên thường bị xếp loại yếu kém, thì tài chính lại trong sạch, cổ phần hoá dễ như chơi (mất đoàn kết nên hay lườm nhau, không ai dám làm bậy, nhưng cũng chẳng ai dám sáng tạo). Thế mới biết kiểu quản lý doanh nghiệp chỉ theo lối hành chính bao cấp xưa nay hay áp dụng, là lối quản lý quan liêu, không sâu sắc, dễ bị sơ hở. Muốn quản lý doanh nghiệp, mối quan tâm số một là tình hình tài chính. Phải xoáy vào các báo cáo tài chính, kiểm tra kỹ các con số chứ không phải là say sưa đọc những bản báo cáo thành tích văn hoa bay bướm. Có thế mới không bị lừa, mới quản lý được.

Công ty Hân Hoan không nằm trong hai loại doanh nghiệp nói trên. Nó chẳng bao giờ được đánh giá cao. Nội bộ không lục đục cho nên nó cũng không bị xếp loại yếu kém. Nó cứ bàng bạc trôi đi giữa dòng đời. Giống như con người, ngày ngày vẫn sống đó, vẫn cười nói, chào hỏi đó, không ai biết rằng trong cơ thể người ấy đang chứa một khối u ác tính đến ngày kịch phát. Khi lên cơn đau, vào bệnh viện mới phát hiện ra căn bệnh hiểm nghèo thì đã muộn, chỉ còn cách đưa về nhà, chăm nom chu đáo, để rồi chờ ngày đăng tin buồn trên báo. Đấy chính là thực trạng của Công ty Hân Hoan. Bác sĩ tìm ra khối u ác tính trong cơ thể người thì Ban Đổi mới doanh nghiệp tìm ra căn bệnh thua lỗ, mất vốn trong doanh nghiệp. Lục tung sổ sách, kiểm kê tất cả hàng hoá, so sánh các khoản nợ phải đòi và nợ phải trả, đi đến kết luận: hết đường cứu chữa, hoặc là phá sản, hoặc là giải thể. Thực ra, không hẳn là các cơ quan quản lý không biết gì về doanh nghiệp này. Nhưng, như các cụ thường nói, bỏ thì thương, vương thì tội, bàn đi tính lại rồi không ai quyết cả, cứ để nó tồn tại, rồi sau hãy hay. Trong đất nước ta, loại doanh nghiệp như thế nhiều vô thiên lủng. Đó là những thây ma của nền kinh tế quan liêu bao cấp, đã chết rồi nhưng chưa được chôn. Nay, thời thế thay đổi, không thể trì trệ như cũ. Người ta mạnh dạn chôn đi những thây ma đang vật vờ đây đó. Công ty Hân Hoan đã là thây ma thì phải chôn gấp gấp, không thể để cho khí âm lạnh ngắt của tử thi huỷ hoại môi trường doanh nghiệp. Ban Lãnh đạo bàn đi tính lại, cuối cùng chọn hình thức giải thể Công ty này. Trực yêu cầu phân tích rõ hơn tình hình. Trước sinh mạng của cả một doanh nghiệp, không thể khai tử nó một cách đơn giản. Minh tập hợp tư liệu, làm thành một bộ hồ sơ đầy đủ và sáng rõ. Tình hình tài chính của Công ty này thật là không còn gì để nói nữa. Suốt tám năm, Công ty này thua lỗ liên tục, dẫn đến lỗ luỹ kế gần một tỷ rưỡi đồng. Công ty đã mất toàn bộ vốn Nhà nước và còn thâm hụt trên ba trăm năm chục triệu đồng. Công ty còn mất khả năng thanh toán các khoản nợ, không có tài sản để đảm bảo trả món nợ trên hai tỷ đồng. Vậy thì phải giải thể hay phá sản? Nếu cứ căn cứ vào tình hình tài chính, thì Công ty này bị phá sản rõ như ban ngày. Nhưng, việc tuyên bố phá sản như thế nào, không phải là chuyện dễ. Chúng ta mới nhớm chân vào con đường kinh tế thị trường, thì việc một doanh nghiệp phá sản là việc tày đình, lạ lẫm, khó được chấp nhận lắm. Dư luận rất dễ ào lên phản đối. Cái lối ứng xử nặng về tình, nhẹ về lý của người Việt Nam từ truyền thống, bây giờ dễ hướng con người vào sự níu kéo - níu kéo sự tồn tại vật vờ của những doanh nghiệp cần cho tiêu vong. Chẳng giống như bên Tư bản, doanh nghiệp nào đáng phá sản thì phá sản; cái đáng chết phải chết đi để cuộc sống phát triển lành mạnh. Ở đây, chưa đi đến quyết định nào đã có mấy cú điện thoại của Lãnh đạo này Lãnh đạo nọ gọi đến bảo Trực phải cố cứu lấy doanh nghiệp, bảo lưu sự tồn tại như nó vốn có. Không yên tâm, Trực tổ chức cuộc họp với Bộ và các Bộ liên quan. Chị Mai, đại diện Bộ Tài chính phát biểu:

- Công ty Hân Hoan đã rơi vào tình trạng phá sản; nhưng nếu giải quyết các tồn tại theo Luật Phá sản thì rất phức tạp. Hơn nữa, các văn bản của Nhà nước hướng dẫn việc phá sản doanh nghiệp chưa đầy đủ, đồng bộ, tính khả thi chưa cao, do vậy, Luật Phá sản ban hành năm 1994 đang được Quốc Hội sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới. Căn cứ Luật Doanh nghiệp, Bộ Nhân văn có thể uỷ quyền cho Tập đoàn Tri thức lập Hội đồng giải thể doanh nghiệp, có các Vụ chức năng tham gia để thẩm định hồ sơ, tài liệu. Trực thấy ý kiến của chị Mai rất có tính thuyết phục. Anh thầm cảm ơn những chuyên viên, cán bộ của Bộ Tài chính, của Ban Đổi mới doanh nghiệp Chính phủ đã sâu sát, có trách nhiệm cao đối với hoạt động của Tập đoàn. Những anh chị này còn gần gũi Tập đoàn hơn khá nhiều cán bộ của Bộ Nhân văn, đã giúp Tập đoàn tháo gỡ biết bao khó khăn về cơ chế, với thái độ chân tình, vô tư. Trong thời buổi thị trường đảo điên này, những con người như thế thật đáng yêu đáng quý. Dứt khỏi dòng suy nghĩ, Trực chú ý nghe anh Võ Liêu, phó sếp Tổ chức của Bộ, phát biểu. Anh này vẫn được coi là một cạ với Giám đốc Lê Xuân Định. Đây là loại cán bộ tham mưu nhưng mưu ít, tham nhiều. Chính anh này đã tạo điều kiện cho Định ra làm Giám đốc Công ty Hân Hoan. Rồi, qua mấy trận làm ăn thất bát, lẽ ra phải giải thể Công ty Hân Hoan, anh này lại tham mưu cho Bộ giữ nó lại, chuyển nó từ Công ty thuộc Bộ thành Công ty thành viên của Tập đoàn Tri thức. Trong quá trình xem xét sắp xếp lại Công ty Tri thức, với danh nghĩa sếp phó Tổ chức và Phó Ban đổi mới doanh nghiệp của Bộ, Võ Liêu luôn luôn tìm cách làm chậm quá trình này lại. Với dáng người vừa phải, giọng hơi rè rè, Võ Liêu nói:

- Các văn bản hồ sơ Tập đoàn gửi Bộ không đầy đủ, chẳng khác nào đánh đố chúng tôi. Mãi gần đây tôi mới nhận được công văn của Bộ về việc giải thể Công ty Hân Hoan. Theo Đề án sắp xếp doanh nghiệp của Bộ đã được Chính phủ phê duyệt, thì Công ty Hân Hoan được cổ phần hoá trong năm hai nghìn linh ba. Nhưng thôi, chúng tôi không chấp, bỏ qua. Vừa qua, chúng tôi đã trình Bộ trưởng quy trình giải thể doanh nghiệp đối với Công ty Hân Hoan.

Nghe Võ Liêu phát biểu, Trực không vui. Tay này cố tình bóp méo sự thật. Chính anh đã chỉ đạo cho Văn phòng Tập đoàn phải đem thẳng lên Bộ báo cáo do anh ký về tình hình sắp xếp doanh nghiệp Hân Hoan, đồng thời trực tiếp xin ý kiến Vụ chức năng đối với những việc cần thiết, vậy mà tay này lại bảo ta đánh đố Bộ. Thật là không có thiện chí. Nhìn sang Minh, Trực thấy nét mặt chị hầm hầm. Khi Võ Liêu vừa ngồi xuống thì Minh đã đứng phắt dậy, nói oang oang:

- Tôi không tán thành ý kiến anh Võ Liêu. Tập đoàn đã gửi đầy đủ hồ sơ, tài liệu làm theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc giải thể Công ty cho Ban Đổi mới doanh nghiệp của Bộ. Lẽ nào Bộ không nhận được? Tôi được biết Ban Đổi mới doanh nghiệp của Chính phủ và Bộ Tài chính đều đã nhận được bộ hồ sơ này. Anh Võ Liêu nói tới ba lần bỏ qua, không chấp, vậy anh bỏ qua cái gì, không chấp ai? Đây là công việc Nhà nước, chúng ta cần nghiêm túc...

Lý Ngồ Ngộ bấm Trực, ý muốn nhắc anh kéo Minh xuống, không cho nói nữa. Nhìn sắc mặt tái dại của Ngộ, Trực thấy vừa buồn cười vừa thương hại. Tổng Giám đốc ơi, cứ để cho anh chị em phát biểu thẳng thắn, cho dù có phê phán quan chức Tổ chức đi chăng nữa, việc gì mà sợ run lên thế?

Sau một loạt ý kiến phát biểu của các cơ quan Chức năng, Lãnh đạo Đinh Quang kết luận:

- Việc giải thể Công ty Hân Hoan như thế là đã được quyết, không có gì thay đổi. Chúng ta cần căn cứ vào thực tế để vận dụng các quyết định của Nhà nước. Tuy trong Đề án, Chính phủ đồng ý cho chúng ta cổ phẩn hoá Công ty Hân Hoan, nhưng Công ty này không đủ điều kiện, thì chúng ta không cổ phần hoá, đó là cách xử lý phù hợp. Bộ sẽ uỷ quyền cho Tập đoàn thành lập Hội đồng Giải thể doanh nghiệp này.

Nhân cuộc họp này, Trực nêu ý kiến về cách vận dụng tinh thần chỉ đạo sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp sao cho vừa đúng đắn, vừa mềm dẻo, phù hợp với thực tế khách quan. Trong Công ty, có Trung tâm Dịch vụ Văn minh hoạt động độc lập, hạch toán riêng, làm ăn rất phát đạt, lẽ nào lại nhốt chung một rọ giải thể với Công ty Hân Hoan? Làm như thế, khác nào chôn đứa con mạnh khoẻ cùng với thây ma của mẹ nó? Trực đề xuất phương án tách Trung tâm này ra để tiến hành cổ phần hoá riêng. Hội nghị tán thành. Thế là một phần lành mạnh trong cái cơ thể ung nhọt của Công ty Hân Hoan được tách ra, hướng tới một cuộc sống độc lập, lành mạnh. Trực xuống thăm Trung tâm, thấy rất mến phục hai vợ chồng anh Ngà chị Hằng. Từ hai bàn tay trắng, hai anh chị xây dựng nên Trung tâm này, nay đã có cả hai nghìn mét vuông đất cùng với ngôi nhà chín tầng đồ sộ. Anh Ngà cho biết Giám đốc Định xuống đây mấy lần, dậm doạ anh chị để anh chị không tiến hành cổ phần hoá. Trực động viên: "Anh chị khỏi lo, tập thể lãnh đạo Tập đoàn đã quyết thế nào sẽ thực hiện thế ấy. Anh chị cần làm hồ sơ và các thủ tục nhanh chóng, đúng hướng dẫn". Thế là chỉ sau đó ít lâu, Trung tâm Dịch vụ Văn Minh đã trở thành Công ty Cổ phần Đầu tư, phát triển Văn minh - Kinh tế. Định hậm hực nhưng không làm gì được. Tiếp đó, Tập đoàn tập trung giải quyết phần còn lại của Công ty Hân Hoan, đó là tiến hành các thủ tục giải thể Công ty này. Giải thể, lãnh đạo Tập đoàn vất vả hơn, nhưng người lao động sẽ có chỗ mà bấu víu. Trước mắt, cái khoản tiền trợ cấp thôi việc, tìm việc, hưu sớm theo chế độ 41 sẽ được lo chu đáo. Những chuyện nội bộ khác cũng dễ được quan tâm giải quyết hơn, như nợ nần của Công ty với các cá nhân là nhân viên trong Công ty, hoặc những vướng mắc đối với người lao động về chế độ bảo hiểm... Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thu Minh được phân công đặc trách vấn đề đổi mới doanh nghiệp của toàn Tập đoàn. Công việc đó, bắt đầu từ Công ty Hân Hoan này. Một bộ máy giúp việc được hình thành để tập trung làm hồ sơ khai tử cho doanh nghiệp này. Những cán bộ của phòng Nghiệp vụ, Tài chính, Văn phòng và một số cán bộ tích cực của Công ty Hân Hoan tham gia Ban Giải thể làm việc quên cả giờ giấc, lục cả kho tài liệu, đối chiếu hàng vạn con số, gặp gỡ tất cả những người lao động trong Công ty để hoàn tất hồ sơ.  Sau khi đã làm rõ các vấn đề về tài chính, Minh cùng anh chị em đi sâu vào đống hồ sơ nhân sự. Chị tâm niệm một điều, trong bất kỳ loại việc nào, thì con người đều phải được quan tâm số một. Trong giải thể doanh nghiệp, người lao động phải được hưởng chế độ thoả đáng. Chị thầm nghĩ: Nhà nước ta thật tuyệt vời khi ban hành chế độ 41, trong đó quy định người lao động trong các Công ty nhà nước bị giải thể được hưởng một khoản trợ cấp rất khá, mức độ tuỳ theo mức độ đóng góp của họ đối với Nhà nước trong suốt quá trình trước đó. Nhờ quan hệ chặt chẽ với các cơ quan trên Bộ và ở các Bộ liên quan như Lao động, Tài chính, Minh giải quyết nhanh gọn các yêu cầu về tài chính đối với người lao động. (Vào giai đoạn sau, khi tiến trình đổi mới doanh nghiệp đã đi đến mức cổ phần hoá hầu hết các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn, chị đã lo được trên chục tỷ đồng ém sẵn trong ngân quỹ để tung ra khi hồ sơ lao động làm xong. Đây là thành tích lớn của chị mà ai cũng thán phục. Riêng Tổng Giám đốc Lý Ngồ Ngộ lại hằn học về việc này). Nói gọn lại, việc giải thể diễn ra khẩn trương, đúng quy định tuy khá vất vả. Vất vả nhất là xử lý những khoản chi vô tội vạ của Giám đốc, những khoản nợ khó trả, những khoản đầu tư sai mục đích. Phải nói tay Lê Xuân Định này liều và lỳ số một. Tiêu tiền nhà nước bừa phứa theo kiểu ném tiền qua cửa sổ. Riêng khoản tiền tạm ứng đi công tác, nay chưa thanh toán, lên tới trên hai trăm triệu đồng. Khốn khổ cho Mạnh, cô nhân viên phòng Hành chính, người mà sếp Định bắt ký tên lĩnh tiền cho sếp đi công tác. Trên sổ sách chứng từ, toàn là chữ ký của cô, và bây giờ, cô chính là người mang nợ! Đã mang nợ thì không được lĩnh tiền 41. Cô chạy đôn chạy đáo, hết gặp sếp Định lại lên Tập đoàn trình bày, cầu khẩn. Cũng may, cô còn giữ được một mảnh giấy viết tay của Định gửi cô: "Cứ khi nào anh đi công tác thì em lĩnh tiền tạm ứng cho anh nhé!". Thấy Mạnh khốn khổ quá, Minh mủi lòng thương. Chị gọi Định đến hỏi rõ căn cớ. Lúng búng mãi, Định mới công nhận việc Mạnh đứng tên tạm ứng tiền cho mình là có thật. Không để Định kịp đối phó, Minh yêu cầu Định làm giấy trình bày rõ trách nhiệm của mình đối với khoản tiền trên hai trăm triệu mà Mạnh ký thay. Thế là giải cứu được cho Mạnh khỏi món nợ mà đối với cô, là quá lớn. Nhận được tiền 41 rồi, đi liên hệ tìm việc ở cơ quan khác, Mạnh sút mất năm cân thịt. Chưa kể hai vợ chồng lục đục nhau mất mấy ngày vì món nợ vô lý đó. Ban Giải thể có Mạnh tham gia, công việc trôi chảy là thế, riêng Mạnh lại khốn khổ như vậy, ai cũng thương cảm. Tốt nghiệp đại học, có nghiệp vụ về hành chính - tổ chức khá vững, Mạnh xử lý đống hồ sơ cán bộ tồn đọng nhẹ như lông hồng, giúp cho việc đóng lại tiền bảo hiểm và nhận chế độ bảo hiểm của người lao động trong Công ty xuôi lọt.

Còn một khoản tiền, Minh kiên quyết không đưa vào diện loại khỏi vốn Nhà nước mà truy trách nhiệm cá nhân. Đó là khoản trên một tỷ đồng mà Định xuất quỹ của Công ty đầu tư vào Công ty Trách nhiệm hữu hạn truyền hình cáp Yên Hưng. Về Yên Hưng, chẳng thấy Công ty đâu. Tiền thì mất hút. Kiểm tra hồ sơ, thấy có đơn đề nghị của Giám đốc Lê Xuân Định và Quyết định của Chủ tịch Hoàng Phu cho phép Công ty đầu tư vào truyền hình cáp Yên Hưng. Ông Chủ tịch này ký bừa rồi. Việc đầu tư lớn như thế, mà không bàn bạc trong lãnh đạo, không có Nghị quyết phê duyệt của Ban Lãnh đạo thì Chủ tịch ký đồng ý thế nào được. Liều hơn nữa, thực hiện phương thức tín chấp, hai thầy trò này đã khai vống tài sản từ vài tỷ đồng lên trên năm chục tỷ đồng. Đó là chưa kể Giám đốc Định đã vi phạm pháp luật khi dùng tiền của Công ty mình đầu tư vào Công ty trách nhiệm hữu hạn mà vợ lại là thành viên sáng lập, có số vốn đóng góp khá lớn, gần năm tỷ bạc. Vấn đề được đưa ra bàn bạc trong Ban Lãnh đạo. Cả bẩy thành viên đều thấy đây là việc làm vô nguyên tắc, cần phải có thái độ nghiêm khắc. Ban Lãnh đạo ra Nghị quyết giao cho Minh làm việc với Định để khoanh khoản tiền này lại, đồng thời giao cho Lý Ngồ Ngộ tập hợp hồ sơ chuyển cho cơ quan Chức năng phối hợp xem xét những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong "dự án" ma này. Trước thái độ cương quyết và sự phân tích sắc sảo của Minh, Lê Xuân Định đành tâm phục khẩu phục. Thế là khoản tiền được khoanh lại với bản cam kết của Lê Xuân Định rằng cá nhân anh ta phải chịu trách nhiệm trả món nợ này cho ngân hàng. Riêng Lý Ngộ Ngộ, cả tháng sau vẫn chưa thấy hoàn tất hồ sơ về vụ đầu tư chui chuyển cơ quan Chức năng theo Nghị quyết Ban Lãnh đạo.

Một số lao động trong Công ty khóc dở mếu dở vì khoản nợ bảo hiểm. Chẳng là, suốt mấy năm trời, Định chẳng cho đóng bảo hiểm xã hội gì cả, nay nợ tới trên một trăm triệu đồng của cơ quan Bảo hiểm. Đã vậy, thì chẳng ai được về hưu hay nghỉ chế độ nữa. Người lao động không còn Công ty để làm việc, lại chẳng được nghỉ theo chế độ bảo hiểm, cứ lơ lơ lửng lửng như người bị buộc vào bụng treo lên xà nhà. Minh phải phái Dương, Trưởng phòng Nghiệp vụ của Tập đoàn, cùng với Mạnh đi giải quyết vụ này. Dương có mối quan hệ thân tình với bên bảo hiểm. Mạnh thì thạo việc hồ sơ nhân sự. Hai chị em hứa với Minh sẽ thực hiện chu đáo nhiệm vụ được giao. Dương là một phụ nữ đã quá thì xuân sắc, nhưng sống sôi nổi và thẳng thắn. Nghĩ sao là nói toẹt ra vậy, chẳng e dè, che chắn. Có lần, Lý Ngồ Ngộ đem cái Thiếp chúc Tết của Tập đoàn mới in đến khoe Dương về sự sáng tạo của mình. Nhìn qua tấm thiếp, Dương lắc đầu, chê: "Không được đâu anh ạ. Ai lại in hoa sen vào Thiếp chúc mừng xuân mới. Mùa xuân là mùa của hoa đào, hoa mai. Còn hoa sen thì dành cho mùa hè. Mà hoa sen gì lại ủ rũ thế này !". Lý Ngồ Ngộ chống chế: "Thế mà nhiều người khen đây là sự sáng tạo, vượt khỏi lối mòn đấy". Dương lại thẳng tuột: "Họ nịnh anh đấy thôi, chứ không thật lòng đâu. Bởi vì họ biết anh thích nịnh mà!".  Bản tính như vậy, Dương rất thích làm việc với Minh. Nhiều khi, Dương chỉ cho Minh những việc không phù hợp mà Minh định làm, Minh liền vui vẻ tiếp thu. Nhưng cũng có lúc hai chị em mặt đỏ tía tai tranh luận về công việc, ầm ĩ như mổ bò. Găng lên, đập bàn đập ghế như đàn ông. Nhưng chẳng ai giận ai, tranh luận xong lại rủ nhau ra ăn trưa ở cửa hàng bún chả phố Hàm Long. Dương thường bảo rằng làm việc với Minh, Dương học được rất nhiều. Học về tinh thần xả thân cho Nhà nước. Học về cái tâm sáng. Học về khả năng nắm bắt tài chính... Sau khi Dương, Mạnh thống nhất được với bên bảo hiểm về việc thu tiền bảo hiểm tồn nợ, lại nảy sinh khó khăn mới: Lấy tiền đâu ra? Minh đề xuất với Tập đoàn tạm xuất tiền quỹ đóng bảo hiểm cho cán bộ công nhân viên Công ty Hân Hoan. Nhờ thế, chị đã tháo gỡ được vướng mắc lớn trong việc giải thể Công ty này.

Với những thành tích bất hảo đại loại như đã dẫn ra trên đây, Lê Xuân Định đáng bị đưa ra toà. Nhưng không muốn đưa đồng sự vào vòng khốn khó, Minh đề nghị cho Định về chế độ 41 và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khoản nợ mà anh ta vay. Lẽ ra, Định phải hàm ơn Minh, nhưng anh ta bắt đầu nuôi lòng căm hận... Minh hì hục làm sổ sách, soạn công văn, đôn đáo chạy lên Bộ và sang Bộ Tài chính lo khoản tiền trợ cấp cho số cán bộ công nhân viên Công ty Hân Hoan. Chị thở phào nhẹ nhõm khi được Thuỷ, cô cán bộ của Bộ Tài chính, đem sang tận nơi giao vào tận tay Quyết định về việc xuất quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước cho Công ty Hân Hoan, với tổng số tiền gần một tỷ đồng. Cô Thuỷ này người cao to, chắc nịch, nhưng phong thái lại nhẹ nhàng, tình cảm, thân thiết với Minh như chị em. Thuỷ thủ thỉ:

- Chị ơi, Bộ em đã giải quyết đúng yêu cầu của chị rồi nhé. Ghi rõ cả ba khoản đây này. Khoản chi trả cho ba người lao động nghỉ hưu trước tuổi với số tiền là gần năm chục triệu đồng. Khoản chi trả cho hai mươi mốt người lao động thực hiện hợp đồng không xác định thời gian bị mất việc với số tiền là gần sáu trăm triệu đồng. Khoản chi trả cho Giám đốc mất việc với số tiền là trên tám chục triệu đồng.

Thuỷ nói thêm, vẻ chu đáo:

- Bộ em đã làm thủ tục rồi, chắc nay mai chị sẽ nhận được tiền.

Minh ôm chầm lấy Thuỷ mà lắc, mà rung. Tin vui cho người khác mà Minh thấy vui hơn tin vui của nhà mình. Buông Thuỷ ra, Minh lục tủ lấy gói bánh quy mặn Hải Hà và gói cà phê 3 trong 1 ra mời:

- Ta liên hoan mừng thắng lợi em nhé!

Thuỷ vừa nhận lời vừa từ chối:

- Chị bóc bánh ra đi. Còn cà phê thì em xin chịu, sợ mất ngủ lắm.

Minh cất gói cà phê trở lại ngăn tủ. Thuỷ nhìn theo, lắc đầu - gớm, bà này uống cà phê trừ cơm, em xin chịu.

Cũng cần nói kỹ thêm về tay Giám đốc liều lỳ Lê Xuân Định một chút. Là một công an chuyển ngành (hay bị buộc chuyển ngành thì không rõ), Định về làm công tác tổ chức. Ở ta có cái lệ là hễ làm công tác tổ chức một thời gian, y như rằng phải được đề bạt. Đề bạt tại chỗ thì tốt, nếu gặp phải tình trạng nhiều đít ít ghế thì chuyển đi, đề bạt ở các đơn vị cơ sở. Định không gặp may, vì cơ quan tổ chức này có mỗi năm cái ghế thì đã chật cứng cả năm rồi, chưa kể có mấy người nhấp nhổm muốn nhảy vào tranh ghế người đang ngồi. Thế là hạ phóng làm đầu gà ở Công ty Hân Hoan này. Khốn nỗi, ngày xưa Định học C500, biết gì về kinh tế đâu. Cho nên anh ta quản lý theo kiểu bừa tăng tít. Có Khách sạn, có chức năng tổ chức biểu diễn, tổ chức du lịch văn hoá, nhưng chẳng làm ra đồng nào cho Nhà nước. Riêng tua du lịch khá đặc biệt, vì có tên Du lịch văn hoá, khá hấp dẫn, thu hút khá đông khách trong và ngoài nước. Tiền thu không ít, nhưng cứ vừa nhập vào két Công ty chưa kịp khoá thì đã được lệnh xuất ra cho Giám đốc. Người lao động chỉ chằn chặn đồng lương cơ bản. Còn Giám đốc thì lĩnh không biết bao nhiêu tiền mà kể, trực tiếp lĩnh có mà gián tiếp lĩnh qua tay nhân viên cũng có. Dùng tiền công chưa đã, Định còn tìm cách moi tiền của cá nhân người lao động. Anh ta kêu gọi mọi người góp vốn cho Công ty hoạt động. Tiền nộp vào rồi là mất hút con mẹ hàng lươn, gốc lãi đều chui vào lỗ nẻ hết. Định có đặc tính là ít nói, nhưng đã nói thì hay nói xấu người khác sau lưng. Mọi chủ trương giải thể Công ty, Định không phản đối một lời nào, thậm chí còn phát biểu ủng hộ tinh thần đổi mới triệt để của Ban Lãnh đạo. Nhưng anh ta lại gọi điện đến khắp nơi kêu toáng lên rằng anh Trực, chị Minh đang phá Công ty, đang đẩy người lao động ra cày đường nhựa. Làm cho anh Trực phải nhận liền mấy cú điện thoại của mấy Lãnh đạo hỏi thăm, thậm chí răn đe. Nhưng Trực không nao núng. Anh chỉ đạo Ban Đổi mới doanh nghiệp Tập đoàn nhẹ nhàng trong thái độ nhưng cứng rắn trong nguyên tắc khi xử lý các vấn đề có liên quan đến Giám đốc Lê Xuân Định. Giám đốc ấy, đã không lãnh đạo được Công ty mình sống sót trong thị trường, thì làm sao đủ tư cách tham gia liên doanh. Cho nên Liên doanh Bạch Liên khốn khó cũng là điều dễ hiểu. Trong quá trình giải thể này, quan sát hoạt động của những người lao động ở đây, Trực thấy vừa thương vừa giận. Họ hiền lành, dốt nát quá (xin lỗi người lao động vì không có từ nào lịch sự mà đúng thực trạng như từ này). Họ đúng là loại gà công nghiệp, chỉ quanh quẩn kiếm ăn trên máng cám do người nuôi bày sẵn Suốt thời gian dài làm ăn bi bét như thế mà họ không dám đấu tranh, không có sáng kiến gì, hành động gì tự cứu mình và cứu Công ty. Giám đốc bảo sao nghe vậy. Cứ ì thần xác ra, đầu óc ì, chân tay đồng loạt ì. Uể oải, trì trệ, chăm chỉ ngày tám tiếng đến cơ quan nhưng chỉ như những cái bóng vật vờ. Đến khi giải thể Công ty, thì chỉ nghe những kẻ xấu xui dại đòi này đòi kia, chẳng hề biết chế độ chính sách là gì. Họ cứ ngỡ rằng Tập đoàn đã đứng ra giải thể Công ty thì mọi thứ Tập đoàn phải lo hết. Tập đoàn to, lắm tiền, lẽ nào không lo giúp chút đoạn sống thoi thóp cuối cùng của họ trước khi họ trở về làm phó thường dân. Họ có biết đâu, Ban Giải thể làm gì có trách nhiệm và có quyền tung tiền của Tập đoàn ra cứu vớt đời sống của họ. Tập đoàn và Công ty là hai pháp nhân khác nhau, độc lập về kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, làm sao Tập đoàn có quyền mở hầu bao vãi thóc đãi gà rừng. Trực và Minh đã phải vận dụng mọi cách để có tiền đóng bù khoản bảo hiểm tồn đọng, người lao động mới được hưởng chế độ 41. Thế nhưng họ lại còn đòi được nhận lương của thời gian nghỉ việc trước khi có quyết định giải thể. Minh chỉ còn nước giơ hai tay lên kêu "Giời ơi, sao giời hành con thế này!". Giời hành đâu, người hành đấy chứ. Nhưng cái sự hành ấy cũng bằng hành động hiền lành, chỉ là đề nghị, thậm chí là xin, chứ không phải là kiện cáo. Những người lao động đáng thương ấy là những người mang nặng chất bao cấp, họ chỉ đề nghị, xin quyền lợi, chứ họ không đấu đá. Chính những người lãnh đạo họ ở Công ty, những người đã đẩy họ vào thảm cảnh kia mới là những kẻ đấu đá thành thần.

Còn Đản? Gã đang thay mặt phía Việt Nam làm Uỷ viên Ban Lãnh đạo, Phó Tổng Giám đốc Liên doanh Bạch Liên, lẽ nào cũng cho về vườn? Đơn giản và chân thật, Minh cho rằng cách xử lý thích hợp nhất là bổ nhiệm Đản vào chức Phó Chánh Văn phòng Tập đoàn để Đản tiếp tục tham gia liên doanh với chức vị cũ. Ý kiến của chị được tập thể lãnh đạo tán thành. Chị không ngờ rằng chính mình đã gieo một mối hoạ cho mình vào thời gian sắp tới. Một ổ quỷ dữ đang hình thành, mà lòng ổ là Khách sạn Bạch Liên, với những nhân vật đầy thành tích bất hảo mà chúng ta đã biết sơ sơ gồm Phó Tổng Giám đốc Lê Đản, Giám đốc nhân sự Nguyễn Tuấn Lặng và một nhân vật đặc biệt nữa, hồi sau mới xuất hiện.

Công việc giải thể Công ty Hân Hoan tưởng đã yên, thì hôm ấy, khoảng chín giờ sáng, Minh xuống phòng Trực đề nghị anh tiếp một nhóm nguyên là nhân viên Công ty Hân Hoan. Trực vui vẻ nhận lời. Vào phòng anh là bảy người mà anh không lạ gì, trông đều một vẻ bần hàn, nhàu nhĩ. Minh cùng vào với họ, chưa kịp ngồi đã nói:

- Anh Trực ơi, số anh chị em này đòi tiền lãi...

- Sao, tiền lãi gì? - Trực ngạc nhiên hỏi.

 Cả bảy người đều nói:

- Lãi tiền cho Công ty vay ạ!

Trực nghe mà buồn hiu trong lòng. Thế này thì quá thể. Nghe Giám đốc Định xui dại xui khôn, số anh chị em này vác tiền nhà và cả tiền vay nơi khác đến cho Công ty vay để phát triển kinh doanh. Gần chục năm qua, chẳng thấy đâu sự phát triển mà chỉ thấy sự lụn bại, đòi mãi không được gốc, nói gì đến lãi. Trực ôn tồn mời mọi người ngồi và uống nước. Anh hỏi một chị ngồi gần anh trạc tuổi ngoài năm mươi, có khuôn mặt đầy đặn nhưng nước da ram rám:

- Chị Diễn cho vay bao nhiêu?

- Em cho vay ba chục triệu đồng. Khổ quá, có phải đó là tiền của em hết đâu. Em đi vay thêm hai chục triệu cộng với số tiền em tích cóp bao năm trời thành ba chục triệu cho Công ty vay...

Nói chưa dứt câu, chị Diễn đã rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào.

- Thế giấy tờ cho vay thế nào? Quy định lãi suất ra sao?

- Có giấy gì đâu ạ. Giám đốc bảo đem tiền đến nộp vào Tài vụ rồi lấy giấy biên nhận, chứ có quy định lãi suất thế nào đâu...

- Giả sử Công ty Hân Hoan vẫn tồn tại, thì các anh chị có đòi được tiền đã cho Công ty vay không?

- Dạ, không ạ! - Cả nhóm thành thật trả lời gần như đồng thanh.

- Vậy là rõ rồi. Các anh chị hãy vui lòng với việc đã lấy lại được tiền gốc. Tiền lãi, làm sao mà lấy được. Nếu có đem ra toà, thì các anh chị cũng thua thôi, vì có khế ước gì đâu.

Nghe Trực phân tích, bẩy người ngậm ngùi nuối tiếc cho cái sự dại dột của mình, cảm ơn anh, rồi cáo lui. Minh nói trước khi nhóm bẩy người ra khỏi cửa:

- Các anh chị thấy đấy, anh Trực và Tập đoàn làm hết sức vì quyền lợi của người lao động, nhưng không phải là muốn làm gì cũng được, còn phải tuân theo những quy định của pháp luật nữa chứ.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương hai - Chôn thây ma sinh ra quỷ dữ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Lê Thị Hạnh Hòa

Lê Thị Hạnh Hòa

10:05 05/08/2021

Xót xa