Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương ba– Bông hoa núi rụng rồi

Phạm Việt Long

18/08/2021 09:28

Theo dõi trên

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương ba

HUYỀN THOẠI MỚI

 

Bông hoa núi rụng rồi

 

Cái đêm ấy, cả Đản và cô gái đều kêu lên hai tiếng ‘‘Trời ơi !". Đản là gã lỳ lợm, ít khi hốt hoảng. Khi gã đã kêu trời, ắt hẳn có sự gì ghê gớm lắm. Kêu rồi, gã đứng lặng nhìn cô gái. Cô rũ người xuống. "Trời ơi, Ban!". Gã kêu tiếp. Trời xui đất khiến thế nào mà gã lại gặp cô em vợ ở chốn trác táng này. Cứ nỗng nồng nông như thế, gã đỡ cô em vợ dậy, dìu về giường. Gã đưa tay tắt bớt đèn. Căn phòng chỉ còn thứ ánh sáng hồng hồng mờ ảo. Ban đã ngồi thẳng dậy. Cô không còn là cô gái yếu đuối ngày nào. Hai anh em im lặng một lúc, rồi Đản lên tiếng trước:

  • Sao em lại ở chốn này?
  • Anh hỏi anh ấy!

Đản im lặng, nhớ lại cái hồi Đản đem hiến Ban cho Đại Sư phụ Hoàng Phu để lão cho tham gia Liên doanh. Cách đây cũng gần chục năm rồi còn gì. Cũng sau đận ấy, gã lại biến, chẳng quan tâm gì đến gia đình vợ nữa.

  • Nhưng mà anh đã tạo điều kiện cho em có vốn để làm ăn. - Gã chống chế.
  • Anh có trả lại được cho em đời con gái không?

Ban rền rĩ, trách móc. Cô nhớ lại cái thủa mình như một bông hoa núi hoang sơ, trong trắng. Rồi bông hoa ấy bị giày vò. Về lại phố núi, Ban cố quên chuyện cũ, làm ăn chăm chỉ. Một chàng trai người địa phương ngỏ lời yêu Ban. Ban nhận lời nhưng trong lòng luôn canh cánh một nỗi lo sợ mơ hồ. Gia đình cũng rất quý chàng trai nọ, giục hai người cưới hỏi. Chàng trai tuy hiền lành, nhưng lại rất cảnh giác. Xem phim ảnh, đọc sách báo, anh luôn luôn bị ám ảnh bởi thực trạng tự do sinh hoạt tình dục của giới trẻ ngày nay. Anh đòi Ban cho thấy sự trong trắng của người con gái. Ban một mực từ chối. Rồi một ngày, lấy hết can đảm, Ban kể lại câu chuyện về cuộc đời mình gắn với khu nghỉ dưỡng Vạn Trinh. Người yêu Ban chẳng nói chẳng rằng, đứng phắt dậy, đi một mạch, bỏ mặc Ban bên bờ suối. Sau này, anh lấy một cô gái Mông quê tận Mèo Vạc. Bông hoa núi thế là rụng mất rồi. Người ta không ai thèm nhặt nữa, nói gì nâng niu. Lấy cớ học nghề, Ban xin phép bố mẹ về xuôi. Rồi cô lao vào con đường ăn chơi trác táng, dẫn đến khu nghỉ dưỡng Tiết Hạnh này.

Đản im lặng hồi lâu rồi hỏi:

  • Thế bố mẹ có biết em đi làm việc này không?
  • Biết làm sao được. - Ban buông thõng câu trả lời rồi chua chát - Đời mà, giả dối hết.

Một nỗi thương cảm thật sự mang tính người dâng lên trong trái tim rắn đanh của Đản. Gã xích lại, ôm vai Ban. Ban ngả vào lòng gã. Nhưng, ngay lúc ấy, một xúc cảm xác thịt bùng lên mạnh mẽ trong toàn thân thể Đản. Gã đã nhiễm thói bạo dâm từ lâu rồi. Tệ nhất là, sau khi đã xem người ta làm tình thì gã cũng phải làm tình, không thể nào khác được. Gã ôm riết Ban vào lòng. Ban không phản ứng gì trong mấy giây, rồi đôi tay nõn nà của cô cũng ôm riết lấy thân hình anh rể. Chuyện làm tình đối với một cô gái làng chơi như Ban, chẳng nghĩa lý gì.

Hôm sau, Đản lại cùng hai Đại Sư phụ lên xe về Hà Nội. Đản không chở cô em vợ theo. Gã cũng còn chút sĩ diện, không muốn các Đại Sư phụ biết chuyện gia đình mình. Nhưng rồi, gã sẽ khốn khổ vì cô gái này.

Gã khốn khổ vì Ban, trước hết là bởi nỗi thèm khát khôn nguôi sự chung đụng với cô. Trẻ trung, xinh đẹp hơn chị đã đành, Ban lại có cái đậm đà, ngọt ngào mà Đản chưa từng gặp trong các cuộc truy hoan. Đến nỗi, hình ảnh Ban đeo đẳng tâm trí gã suốt ngày đêm. Khi ái ân cùng vợ hay khi hoan lạc cùng gái, Đản đều nghĩ đến cô em vợ ngọt ngào và mặn mà. Mọi quan hệ xác thịt với những người kia trở nên nhạt nhẽo khiến gã chán chường. Cái thói thị dâm cũng chẳng còn đem lại khoái cảm cho gã nữa. Gã chỉ còn khát khao bông hoa núi ngào ngạt hương rừng, như ong đã hút mật hoa anh túc thì không còn thích loài hoa nào khác nữa. Không tài nào kiềm chế được, thỉnh thoảng gã lại đánh xe xuống khu nghỉ dưỡng Tiết Hạnh. Gã thuê riêng căn biệt thự nhỏ nhất, nằm tận cuối khu nghỉ dưỡng, không theo luật chơi ở đây, mà chỉ đơn thuần là thuê phòng kèm theo em Hải (Ban đã đổi tên là Hồng Hải). Lê Đản là khách đặc biệt, đã có công nhập khẩu từ Pháp về cho Tiết Hạnh chiêu thức nghệ thuật hoá quan hệ tình dục cho nên được hưởng mọi ưu đãi của bà chủ Tiết Hạnh. Được một thời gian, Đản đưa luôn bông hoa núi đã rụng về Hà Nội. Gã giới thiệu cô em gái vợ vào làm nhân viên văn thư trong Công ty trách nhiệm hữu hạn Đô Thành của một tay cùng làm ăn với gã. Theo lời giới thiệu của gã, đây là cô Hồng Hải, tốt nghiệp lớp văn thư lưu trữ, đã làm việc ở một tỉnh miền núi nhiều năm, có kinh nghiệm. Rồi gã bí mật mua cho Ban, tức Hồng Hải, ngôi nhà mầu tím bên bờ đầm đối diện với Khách sạn Bạch Liên. Như chúng ta đã biết, đầm Bạch Liên rộng bao la bát ngát, nhìn bờ này sang bờ kia ngút tầm mắt. Từ Khách sạn Bạch Liên nhìn sang, ngôi nhà tím chỉ là một cái chấm bé tí tì ti.  Ngôi nhà tím chỉ có hai tầng, nhưng độc đáo ở chỗ có một ban công vươn ra mặt nước, rất hữu tình, được Ban đặt tên là ban công soi bóng nước. Thường xuyên gã anh rể tới hú hí với cô em vợ trong cảm xúc mạnh mẽ đầy sức lôi cuốn. Để cuộc tình thêm lãng mạn, hai anh em hay ra ban công soi bóng nước này ngắm mặt nước gợn sóng lao xao rồi ngồi thưởng thức trái cây mỗi khi đã xong cuộc mây mưa.

 

Bạn đang đọc bài viết "Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương ba– Bông hoa núi rụng rồi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn