Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 12)

Phạm Thúy Hậu (sưu tầm)

25/04/2022 10:02

Theo dõi trên

John Paul Vann ngứa ngáy muốn tham chiến để ông ta có cơ hội đánh giá xem các chỉ huy của quân đội Việt Nam Cộng hoà học thuộc đến mức nào các bài giảng của ông. Ở phía bên kia, các nhà lãnh đạo Việt Cộng cũng đã chuẩn bị để đương đầu chống lại máy bay trực thăng Mỹ.

Việc đưa đại đội trực thăng vận đầu tiên vào tham chiến từ tháng 12/1961 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các du kích. Bên cạnh đó, việc các lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hoà tiến hành các cuộc hành quân càn quét ác liệt giữa ban ngày lục soát từng làng ấp để tìm kiếm Quân Giải phóng cũng gây nhiều khó khăn không kém cho đối phương. Ông Mai Chí Thọ nói với tôi:

xuan-an-1650855669.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

- Lúc đó, chúng tôi không biết phải làm thế nào để có thể chống lại được các xe bọc thép và máy bay trực thăng của Mỹ. Chính ông Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin mà từ đó, cho phép chúng tôi vạch ra các cách đánh ở qui mô chiến thuật chống lại chiến tranh mới của đối phương.

Giờ đây, được trang bị kế hoạch chiến lược mới, các lực lượng Quân Giải phóng đã sẵn sàng nghênh chiến với các máy bay trực thăng. Trước khi ra tham chiến vài tuần, nhằm tính toán tầm bắn hiệu quả nhất, các lực lượng Quân Giải phóng đã tổ chức tập trận gần Đồng Tháp Mười. Những hình nộm của các loại máy bay trực thăng Shawnee và Huey được làm bằng bìa cứng gắn lên ngọn những cột tre để họ tập bắn và ở nhiều tư thế bay với những đặc điểm khác nhau. Nhà báo Neil Sheehan viết:

"Một trong những sự kiện hiếm hoi của cuộc xung đột không ngừng những sự can dự, mà trong đó chẳng ai tỏ ra là có một chút ý nghĩa nào đã sắp xảy ra - một trận đánh mang tính chất quyết định cục diện của cuộc chiến tranh. Ngày nay, Việt Cộng đã sẵn sàng đứng lên và chiến đấu".

Tin tình báo của John Paul Vann đã sai. Không phải ông ta đối mặt với một đại đội gồm 120 người, mà là lực lượng nòng cốt Tiểu đoàn 261 của Việt Cộng gồm 320 người có sự hỗ trợ của 30 du kích xã. Tuy nhiên, phía quân đội Việt Nam Cộng hoà vẫn vượt trội đáng kể cả về số quân lẫn thiết bị quân sự. Một tiểu đoàn của Sư đoàn 7 bộ binh được biên chế 380 quân. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của hai tiểu đoàn lính phòng vệ dân sự và một đại đội xe bọc thép M-113, cộng thêm một đại đội bộ binh có sự hỗ trợ của các xe bọc thép M-113 nặng mười tấn từng được Việt Cộng đặt cho biệt danh "rồng xanh". Như vậy, tổng cộng toàn bộ lực lượng này, John Paul Vann có trong tay tất cả hơn 1.000 quân.

Ngay sau khi trận đánh mở màn, phía quân đội Việt Nam Cộng hoà nhanh chóng bị thương vong, buộc các chỉ huy phải gọi thêm quân tiếp viện từ căn cứ Tân Hiệp gần đó. Mười chiếc máy bay trực thăng Shawnee và năm chiếc máy bay trực thăng kiểu mới Huey, biệt danh là súng ngắn bay, được huy động nhằm thẳng hướng Ấp Bắc bay tới. Khi những chiếc trực thăng này tiến vào Ấp Bắc, bẫy đã được giăng chờ sẵn. Bất ngờ, hàng loạt đạn từ dưới những rặng cây ven đê đồng loạt bắn lên ào ạt. Chi trong mấy phút đầu, mười bốn trong số mười lăm chiếc trực thăng bị trúng đạn, nhưng chỉ có bốn chiếc rơi trong đó có một chiếc Huey và ba lính Mỹ bị thiệt mạng. Phía quân đội Việt Nam Cộng hoà vẫn còn cơ hội để thay đổi thế trận vì quân Việt Cộng đã bị bao vây. Phía Việt Cộng chỉ còn mỗi một đường thoát ra hướng đông, đó là cánh đồng lúa. John Paul Vann bèn gọi thêm xe bọc thép đến tiếp viện, nhưng Ngô Đình Diệm đã ra lệnh tại chỗ rằng không ai được vào trận đánh đó, nếu không có sự chấp thuận trực tiếp của Sài Gòn. Ngô Đình Diệm còn chỉ thị cho các tướng lĩnh chỉ huy các Quân đoàn, Sư đoàn phải giữ được thương vong luôn ở mức thấp. Tất cả những ai không tuân theo chỉ thị này sẽ không được đề bạt. Chiếc máy bay trực thăng thứ năm bị bắn rơi ở Ấp Bắc là chiếc bị trúng đạn khi đang cố gắng cứu hộ. Chỉ huy của quân đội Việt Nam Cộng hoà tại trận Ấp Bắc đã không tuân theo chỉ thị của cố vấn Mỹ John Paul Vann trong việc chặn đường rút của các lực lượng Cộng sản. Cuối cùng, khi màn đêm buông xuống, toàn bộ Việt Cộng đã rút hết ra ngoài.

Khi nhìn nhận lại trận Ấp Bắc, John Paul Vann coi đây như là một dẫn chứng về một quân đội mà ông ta được giao nhiệm vụ huấn luyện đã chứng tỏ là một quân đội không tương xứng một cách tồi tệ. "Đó là một cuộc trình diễn khốn nạn. Những người này không chịu nghe lời. Họ mắc phải những cái lỗi chết tiệt cứ lặp đi lặp lại lần nào cũng giống nhau".

Trận Ấp Bắc chứng tỏ những người lính Việt Nam Cộng hoà đang bị thí mạng một cách vô ích dưới sự chỉ huy của những viên tướng kém cỏi, chỉ giỏi xu nịnh. Thế mà các viên tướng này vẫn được Diệm đặt vào những vị trí chỉ huy then chốt. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi:

- Trận Ấp Bắc đã phơi bày tất cả. Đó là những điểm yếu của ban lãnh đạo quân đội Việt Nam Cộng hoà và những chính sách cất nhắc chỉ dựa vào sự trung thành đối với Ngô Đình Diệm, mà không dựa vào khả năng, năng lực chuyên môn.

Tướng Huỳnh Văn Cao được Diệm tin cậy như là một kẻ trung thành nhất đối với gia đình họ Ngô của ông ta, nên được đề bạt cất nhắc lên nhanh chóng. Thế nhưng, Huỳnh Văn Cao đã thể hiện là một viên tướng yếu kém và hèn nhát.

- Diệm đã có những viên tướng chưa bao giờ cầm quân, thế mà lại được đề bạt chỉ vì họ biết hôn tay của Nhu và Diệm. Ấp Bắc là nơi những con gà trống đầu tiên trở về nhà. - Phạm Xuân Ẩn vừa nói vừa cười, mắt nhìn xuống cuốn sưu tập chim của ông

Bản báo cáo sau trận Ấp Bắc của John Paul Vann là một bản kết tội đối với tất cả các cấp chỉ huy của quân đội Việt Nam Cộng hoà, vì đã không hành động một cách quyết đoán, không khích lệ các binh sĩ của mình. Cố vấn cao cấp Mỹ, Đại tá Daniel B. Porter, đã đánh giá bản báo cáo sau trận Ấp Bắc của John Paul Vann "có lẽ là bản báo cáo có nhiều tư liệu nhất, đầy đủ nhất, giá trị nhất, và nói thẳng thắn nhất so với tất cả các báo cáo" đã từng được trình một năm trước đó.

Không thể đánh giá thấp ý nghĩa của trận Ấp Bắc đối với các lực lượng Quân Giải phóng ở miền Nam và đối với danh tiếng của Phạm Xuân Ẩn ở Hà Nội. Ấp Bắc đã trở thành tiếng thét của đông đảo quần chúng, và Trung ương Cục miền Nam đã phát động một phong trào thi đua với Ấp Bắc trên toàn cõi miền Nam Việt Nam. Tài liệu Dự báo tình báo đặc biệt của CIA ngày 17/4/1963 đã đưa ra kết luận rằng:

"Việt Cộng đã chứng tỏ họ là một kẻ thù hùng mạnh và có một lực lượng du kích hiệu quả… Họ cũng đã thể hiện một cách linh hoạt trong việc điều chỉnh các chiến thuật của mình để đối phó lại với những khái niệm hành quân mới của miền Nam Việt Nam… Một nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Việt Cộng là hệ thống tình báo có hiệu quả của họ. Những người cung cấp thông tin, những người có cảm tình với Cộng sản có ở khắp các vùng nông thôn. chứng tỏ rằng Việt Cộng đã có khả năng duy trì được sự bao quát tình báo đối với mọi cấp cả quân sự lẫn dân sự của chế độ miền Nam Việt Nam".

Có lẽ sự đánh giá rõ ràng nhất về trận Ấp Bắc là bản Báo cáo sau trận đánh của các lực lượng Quân Giải phóng. Bản Báo cáo này được biết đến như là "tài liệu của Việt Cộng về trận Ấp Bắc ngày 2/1/1968".

Đây là tài liệu thu được của đối phương và đã được dịch sang tiếng Anh rồi lưu hành trong cơ quan tổng hành dinh của Bộ chỉ huy quân sự ở Việt Nam (MACV) thời gian khoảng cuối tháng 4/1963. Việt Cộng đã coi việc họ chống lại cuộc hành quân càn quét ngày 2/1/1963 là một "thắng lợi to lớn của các lực lực lượng vũ trang và toàn thể đồng bào ta. Chiến thắng Ấp Bắc chống lại cuộc hành quân càn quét chứng tỏ rằng các lực lượng vũ trang của chúng ta đã lớn mạnh trong lĩnh vực chiến thuật và kỹ thuật. Thắng lợi này cũng đã cho chúng ta một khái niệm rõ ràng về những lợi thế chiến thuật của kẻ thù".

Do những cống hiến vào chiến thắng Ấp Bắc, Phạm Xuân Ẩn đã được nhận tấm Huân chương Quân công đầu tiên trong số các Huân chương mà ông được trao tặng. Trong trận Ấp Bắc - một trong những trận đánh trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh - chỉ có hai Huân chương Quân công được trao. Một Huân chương được trao cho chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang Giải phóng Nguyễn Bảy. Tấm Huân chương kia được trao cho cộng tác viên của Hãng tin Reuters Phạm Xuân Ẩn vì đã gửi kịp thời những báo cáo giúp làm thay đổi bản chất của cuộc chiến tranh.

Có một thực tế vững chắc rằng khi ông Phạm Xuân Ẩn được thưởng Huân chương Quân công đầu tiên sau trận Ấp Bắc và tấm Huân chương thứ ba vì những đóng góp trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, thì đó đều là những thời điểm bước ngoặt trong việc báo chí đưa tin về cuộc chiến tranh. Trận Ấp Bắc là một điểm sôi làm trào lên sự thù địch bị dồn nén bấy lâu giữa các phóng viên và Phái bộ Mỹ ở Sài Gòn, khi các nhân viên Phái bộ Mỹ khẳng định là họ đã thắng lợi trong trận Ấp Bắc. Tướng Paul Harkins, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy MACV nói:

- Tôi không hiểu tại sao mọi người lại có thể gọi trận Ấp Bắc là một thất bại. Quân đội chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã đặt ra mục tiêu của cuộc tấn công vào Ấp Bắc là chiếm đài vô tuyến điện của đối phương và thực tế, họ đã đạt được mục tiêu đó. Việt Cộng đã rút đi và thương vong của phía Việt Cộng còn lớn hơn của phía quân chính phủ. Các quí vị còn muốn gì hơn nữa?

Khi Peter Arnett, phóng viên Hãng tin Mỹ AP, nêu một câu hỏi khó tại cuộc họp báo sau trận Ấp Bắc, Đô đốc Harry D. Felt bỗng độp lại:

- Anh đứng về phía nào?.

Nhà báo Sheehan viết:

"Trước khi diễn ra trận Ấp Bắc, Chính quyền Kennedy đã thành công trong việc ngăn cản không để cho công chúng Mỹ biết việc nước Mỹ đã dính líu vào chiến tranh tại một nơi được gọi là Việt Nam… nhưng trận Ấp Bắc đã đặt Việt Nam lên trang nhất các tờ báo Mỹ và xuất hiện trên truyền hình chương trình tin buổi tối nhiều đến mức, không sự kiện nào sánh bằng.”

Các phóng viên Neil Sheehan và David Halberstam đã từng đến Ấp Bắc nên biết rõ điều gì đã xảy ra. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Ấp Bắc đã bắt đầu làm phân hoá chế độ Diệm. Chúng tôi biết điều đó và chẳng bao lâu lâu, mọi người ai cũng đều biết điều đó.

Sếp của Phạm Xuân Ẩn ở Reuters là Nick Turner đã đi cùng với Sheehan đến bãi chiến trường Ấp Bắc để trực tiếp thấy những mảnh vỡ của những chiếc máy bay trực thăng Mỹ bị bắn rơi, cũng như những thi thể lính quân đội Việt Nam Cộng hoà. Halberstam được đến bãi chiến trường bằng máy bay hạng nhẹ.

Nick Turner nhớ lại:

"Tôi sẽ không bao giờ quên vẻ mặt của Phạm Xuân Ẩn khi ông bước vào văn phòng với tin về trận Ấp Bắc. Ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của trận này ngay từ khi các bài báo đầu tiên mới bắt đầu xuất hiện".

Phạm Xuân Ẩn cũng sớm tới Ấp Bắc vào ngày 8/1, ngồi trên chiếc máy bay trực thăng dành cho các phóng viên. Phạm Xuân Ẩn nhớ lại:

"Tôi đến Ấp Bắc với tư cách phóng viên để tận mắt chứng kiến và để giúp đỡ các đồng nghiệp của tôi hiểu được điều gì đã xảy ra".

Nghề vỏ bọc của Phạm Xuân Ẩn cho phép ông được coi là một thành phần của phe bên này. David Halberstam viết trong cuốn sách mang tựa đề Tạo ra sự sa lầy:

"Những người bạn thân nhất của chúng tôi cũng là những người làm báo như chúng tôi. Phạm Xuân Ẩn của Reuters, Nguyễn Ngọc Giao của UPI, Võ Huỳnh của NBC và Hà Thúc Cần của CBS. Họ là những người đáng nể. Họ có sự nhậy cảm của những nhà báo… Họ là những người đáng tự hào; chỉ có họ mới là những người tự do của một xã hội đóng cửa. Có lẽ họ còn có tinh thần chiến đấu hơn cả chúng tôi, mỗi khi có ai đó cố tình nhồi nhét cho họ những thông tin và câu chuyện giả mạo".

Trận Ấp Bắc đã làm cho cách tiếp cận của chính phủ và của giới báo chí về cuộc chiến tranh trở nên khác nhau. Có vẻ như MACV luôn tìm cách chứng minh rằng cuộc chiến tranh đang diễn ra tốt đẹp, rằng sức mạnh của đối phương đang hao mòn dần, rằng ngày càng nhiều thôn ấp có an ninh được giữ vững. Nhưng cánh nhà báo có mặt tại chỗ nhìn tình hình lại khác hẳn. Phóng viên AP, Malcolm Browne nhanh chóng nhận thấy muốn biết câu chuyện thật ở Sài Gòn, đòi hỏi phải có "những biện pháp không hay ho gì gần giống như những biện pháp mà các nhà tình báo sử dụng". Cuộc chiến tranh để lấy thông tin đã đẩy đoàn quân báo chí đến chỗ chống lại sứ quán Mỹ, MACV, và quan điểm áp đặt của tổng thống cho rằng cuộc chiến đang diễn biến tốt đẹp. Đó là một thời làm báo rất khó khăn trong những năm Kennedy cầm quyền. Nhưng tình hình trở nên đặc biệt tồi tệ khi cuộc chiến tranh này trở thành một cuộc chiến tranh của Mỹ. Trước khi một đoàn phóng viên mới lên đường sang Việt Nam, Lyndon Johnson căn dặn họ:

- Đừng làm việc giống như mấy cậu Halberstam và Sheehan ấy. Đó là những kẻ phản bội lại nước Mỹ của họ.

Các nhà báo trở thành mục tiêu đặc biệt của bà Ngô Đình Nhu, thường gọi là Madame Nhu, em dâu của Ngô Đình Diệm. Sự hiếu chiến của Madame Nhu đã trở thành biểu tượng của chế độ Diệm. Người ta gọi bà Nhu là "con rồng cái của miền Nam Việt Nam" vì bà này có quan điểm chống phật giáo, nhưng lại thân Thiên Chúa giáo. Bà đã chỉ trích các nhà lãnh đạo Phật giáo là đã để cho Việt Cộng thâm nhập. Khi một vị sư ở Huế tự thiêu sống để phản đối (1) bà đưa nhận xét rằng đó chẳng qua chỉ là các nhà lãnh đạo Phật giáo đem "nướng" ông sư ấy mà thôi. Mà ngay cả khi làm việc đó họ cũng phải lệ thuộc vào trợ giúp của nước ngoài, tức là dùng xăng là thứ phải nhập khẩu. Khi nhiều người khác phản đối tiếp theo, Madame Nhu nói:

- Hãy để cho họ tự thiêu, chúng tôi vỗ tay hoan hô.

Cuộc chiến chống lại các nhà báo ở Sài Gòn đạt đến cao độ vào mùa hè năm 1963, khi Charles Mohr, Trưởng phân xã Time viết một bài chỉ trích Madame Nhu. Khi được gửi về toà soạn ở New York, bài báo đã bị coi là trái với tầm nhìn về thế giới của Trưởng ban biên tập Henry Luce. Bài của Charles Mohr bị viết lại khiến tác giả rất cáu, vì toàn bộ phần kết luận của ông đã bị sửa lại theo hướng tác giả đồng tình với quan điểm của Chính quyền Mỹ rằng hiện không có nhân vật nào có thể thay thế được Diệm.

Trái tim người lính/Theo  “ Điệp viên hoàn hảo” của Giáo sư Larry Berman

Bạn đang đọc bài viết "Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 12)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn