Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống hòa đồng thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh

Vương Xuân Nguyên

10/05/2021 11:47

Theo dõi trên

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự lỗi lạc, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, người anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng! Ông còn được biết đến là một trí tuệ siêu Việt mang tư duy xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, một lối sống hòa đồng với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh.

Hơn 30 năm qua, những người làm công tác Sinh Vật Cảnh đã vinh hạnh được Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người truyền cảm hứng và hướng dẫn về lối sống hòa đồng với thiên nhiên. Sinh thời, Đại tướng luôn dành thời gian động viên những người đồng chí của mình dấn thân vào việc phát triển Sinh Vật Cảnh không chỉ ở góc độ một thú chơi nhân văn tao nhã mà ở góc độ một cuộc cách mạng bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sinh thái, di tích lịch sử và danh thắng đất Việt. Đây là việc làm thiết thực để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện trong phong trào Tết Trồng cây do Người phát động ngày 28/11/1959.

Những lúc rảnh dỗi Đại tướng vẫn dành thời gian chăm sóc vườn hoa cây cảnh

Ngày 06/9/1992, tại Hội thảo khoa học về văn hóa Sinh vật cảnh Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài phát biểu gây ấn tượng trong giới khoa học và cổ vũ mạnh mẽ những người làm công tác Sinh Vật Cảnh cả nước với chủ đề “Mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên”.

Tham luận tại Hội thảo, Đại tướng nhấn mạnh: "Con người là một bộ phận của thiên nhiên, phải sống hài hòa với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, biết làm chủ thiên nhiên để làm cho thiên nhiên là một nguồn sống của mình. Nếu con người tự tách mình ra khỏi thiên nhiên, nói cải tạo thiên nhiên mà lại đi với hoại hủy thiên nhiên thì đó là hành động trái với quy luật dẫn tới tai họa không thể lường hết được. Ta nên có kế hoạch vừa phát triển kinh tế gia đình vừa đi tới sản xuất lớn, tận dụng đặc điểm của của nước ta là nơi hội tụ nhiều nguồn động vật, thực vật, có nhiều loại cây, loại hoa, loại quả, có nhiều vùng đặc sản nổi tiếng, tận dụng những vùng có điều kiện thuận lợi như Đà Lạt, Ba Vì, Cúc Phương và nhiều nơi khác vốn có truyền thống trồng hoa, cây cảnh, nuôi chim, cá cảnh. Làm được như vậy thì ta vừa được kinh tế vừa được văn hóa. Muốn vậy thì ta phải có sự đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có sự tham gia của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và trước hết là làm sao để mọi người nhận thức được sâu sắc những giá trị về nhiều mặt của Sinh vật cảnh Việt Nam".

Tác giả bài viết trong dịp tặng sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân cho gia đình và BLL Văn phòng Đại tướng

Nhiều nghệ nhân Sinh Vật Cảnh Hà Nội cho đến tận bây giờ vẫn còn rất ấn tượng về sự tham gia của Đại tướng tại Triển lãm Sinh Vật Cảnh Việt Nam lần thứ nhất năm 1995 được tổ chức tại Triễn lãm Giảng Võ (Hà Nội), Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ đến dự mà còn mang đến góp vui mấy giò hoa lan và chậu trà bạch. Đến dự Triển lãm cùng phu nhân, Đại tướng đã đến thăm các gian hàng và giao lưu với các nghệ nhân.

Khi đến thăm gian hàng gỗ lũa của họa sĩ Hoàng Hải, Đại tướng đã ân cần thăm hỏi và động viên tiếp tục có nhiều sáng tạo trong việc tạo hình thổi hồn vào những bộ rễ cây vốn là những thứ bỏ đi. Nhìn vào gian hàng gỗ lũa của Họa sĩ Hoàng Hải, Đại tướng hỏi: “Chắc hẳn nhà đồng chí rộng lắm mới đủ chỗ để chứa hết những tác phẩm nghệ thuật đồ sộ như vậy…?”

Họa sĩ Hoàng Hải đáp: “Dạ báo cáo Đại tướng nhà cháu nhỏ lắm ở phố Thụy Khuê, cháu mang những tác phẩm này từ quê Yên Bái xuống tham dự để phục vụ nhân dân Thủ đô thăm quan thưởng lãm. Kết thúc triển lãm cháu chưa biết để ở đâu ạ, nếu ở đây không tạo điều kiện”.

Họa sĩ Hoàng Hải vừa dừng lời, Đại tướng tiến gần lại ân cần nói: “Vậy thì hết triển lãm chú cứ cho xe chở thẳng đến 30 Hoàng Diệu để tiếp tục phục vụ nhân dân có nhu cầu thăm quan. Khi nào chú tìm được chỗ thích hợp hơn thì mang về cũng không sao?”.

Với họa sĩ Hoàng Hải, những ngày để tác phẩm gỗ lũa tại cổng nhà riêng của Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu là những kỷ niệm đẹp mà ông may mắn có được sẽ không bao giờ phai nhạt về lối sống giản dị, hoà đồng với thiên nhiên và luôn đồng cảm, động viên những người làm công tác Sinh Vật Cảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với họ.

Còn ông Howard Limbert (một chuyên gia hang động thuộc Hiệp hội Hang động hoàng gia Anh) thì chia sẻ, cách đây gần 30 năm, khi mà Việt Nam còn thiếu ăn, thiếu mặc thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến việc bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế. Chỉ trong một lần ngắn ngủi được gặp và nghe Đại tướng nói chuyện, ông đã “vỡ” ra nhiều điều, luôn xem đó như kim chỉ nam để sống và hành động cho những đam mê của cuộc đời mình.

Năm 1992, khi vừa từ rừng ra, sau chuyến thám hiểm tìm kiếm hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, ông được thông báo có một người rất quan trọng của Việt Nam muốn gặp đoàn thám hiểm. Thật ra lúc đó, ông không biết đó là ai và cũng không hứng thú lắm vì phải lo cấp cứu cho một cộng sự bị gặp tai nạn trong khi thám hiểm. Về sau, ông mới biết vị khách đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bút tích của Đại tướng gửi đoàn của ông Howard Limbert

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một nhà văn hóa, nhà giáo dục nhà khoa học, quân sự lỗi lạc trong thời đại Hồ Chí Minh được bầu bạn khắp năm Châu ngưỡng mộ ghi nhận mà ông còn được đánh giá là một trí tuệ siêu việt mang "tư duy xanh", một con người luôn quan tâm đến giáo dục đào tạo con người mới thích ứng với yêu cầu mới của sự phát triển, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, một tâm hồn yêu thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh thiết tha.

Từ cảm hứng "tư duy xanh" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh trong hơn 30 năm qua, ngành Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ một thú chơi nhân văn tao nhã cú một số ít người có điều kiện trong xã hội, ngày nay, Sinh Vật Cảnh đã phát triển thành một ngành kinh tế sinh thái thu hút trên 4 triệu lao động và có những đóng góp tích cực trong giá trị xuất khẩu trên 4 tỷ USD của nhóm ngành Rau, củ, hoa, quả, cây cảnh hàng năm. Sinh Vật Cảnh từ năm 2018 được Chính phủ công nhận là một trong 7 nhóm ngành quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta.

Một loài phong lan được những người yêu Sinh Vật Cảnh đặt tên là "Phi điệp 5 cánh trắng Đại tướng" để tưởng nhớ Đại tướng

Để bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn vô hạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cộng đồng những người yêu Sinh Vật Cảnh nhiều năm qua đã trân trọng gọi tên một loài hoa Phi điệp đột biến mới xuất hiện mang tên "Phi điệp 5 cánh trắng Đại tướng"! Loại lan đặc biệt này được dùng chủ yếu vào việc bảo tồn và trao tặng cho những Tri kỷ hữu yêu lan để gợi nhớ về Vị tướng huyền thoại sống mãi trong lòng Dân đất Việt trường tồn!

Chuyên trang Hội nhập của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triểnhttps://vanhoaphattrien.vn/ có nhiệm vụ phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thông tin, giới thiệu những bài viết, công trình nghiên cứu chuyên sâu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Văn hóa gắn với phát triển xã hội. Thông tin chuyên sâu về các chuyên đề: Toàn cảnh hội nhập; Kết nối xanh; Dòng chảy văn hóa; Đồng hành Việt. Chuyên trang do Nhà báo, Thạc sĩ Vương Xuân Nguyên trực tiếp phụ trách.

 

Bạn đang đọc bài viết "Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống hòa đồng thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh" tại chuyên mục Tác phẩm – tác giả. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn