Con voi hùng mạnh mà thân thuộc

Hữu Vi

01/07/2022 15:46

Theo dõi trên

Thảng hoặc lắm người đi rừng mới gặp voi. Thế mà trong văn hóa truyền thống của người vùng cao, voi than thuộc lắm. Chàng Đam San, trong sử thi của người Ê Đê thường cưỡi voi khi xung trận. Voi là loài thú lớn và hùng mạnh nhất chốn rừng xanh. Vì thế mà thuần phục được voi như chàng Đam San là một mơ ước và còn thể hiện sức mạnh, trí tuệ con người.

voi-1-1656665038.JPG
Hình ảnh con voi trên chăn thêu ở Quỳ Châu

Săn voi và thuần phục voi, biến chúng thành vật nuôi đòi hỏi kinh nghiệm, gan dạ và nhiều người tham gia. Vì thế săn voi còn là biểu tượng của sự cố kết cộng đồng.

Với người Thái thì voi đáng sợ. Chẳng mấy ai nuôi voi. Người Thái cũng ít khhi làm quản tượng.  Thế mà hình ảnh con voi lại khá phổ biến trong văn học, nghệ thuật của người Thái.

Người Thái và cả người Tày có truyện cổ tích về nàng tóc thơm. Người Thái ở Con Cuông - Nghệ An kể rằng : Người phụ nữ nọ đã lớn tuổi một hôm vào rừng uống phải nước đái voi về nhà thì mang bầu sinh ra một bé gái. Cô bé quấy khóc nên bị bà mẹ bỏ vào rừng để trả lại cho cha cô là voi. Voi dựng chòi cho con gái ở giữa rừng. Lớn lên, cô gái trở nên xinh đẹp, đặc biệt mái tóc tỏa ra mùi thơm quyến rũ. Hàng ngày, voi đi kiếm quả rừng về cho nàng. Mỗi lần rời đi vọi lại gọi: “Nàng tóc thơm, thả tóc cho cha ngửi, cha ngửi rồi cha đi.” Có người thợ săn nhặt được sợi tọc của nàng bay theo gió mà tìm đến tính cưới nàng làm vợ. Nàng bảo cha tôi là voi, không sức mạnh nào địch lại. Cha không cho phép thì không ai cưới tôi về được. Chàng trai rước nàng tóc thơm về dừng căn nhà có hàng rào bằng sắt và vàng. Voi tìm đến đòi con. Phá xong lớp rào sắt, voi bất lực dùng ngà tự tử. Cô gái khóc than thương tiếc cha nhưng vẫn cùng người mình yêu xây dựng gia đình.

Người viết nghe câu chuyện này từ ngày còn ấu thơ. Nghe những cáo niên kể lại. Chuyện có sự khác biệt rất lớn với sự tích nàng tóc thơm về ngôi đền Choọng (xã Châu Lý - Quỳ Hợp – Nghệ An).

Với cộng đồng người Thái ở Nghệ An, những chuyện về săn voi ít lưu truyền. Voi biểu tượng cho sức mạnh thiên nhiên hơn là niềm khát khao chinh phục thiên nhiên. Chuyện về voi thường dừng lại ở truyền thuyết, cổ tích. Trong tâm thức dân gian, những quản tượng được nể vì lắm. Khiến voi phải thuần phục, cưỡi được voi là một điều phi thường. Người Thái sau giờ làm thường ngồi cầu thang nhà sàn. Có câu cửa miệng rằng : Cưỡi voi không bằng ngồi cầu thang. Câu nói có hàm ý hài hước. Cưỡi được voi là giỏi lắm, sung sướng lắm, nhưng không bằng ngồi cầu thang. Thoải mái, thư giãn. Bao mệt nhọc sau giờ làm việc như tan biến khi cái chân được thả lỏng.

voi-2-1656664532.JPG
Voi trên tấm thêu ở xã Bắc Lý – Kỳ Sơn

Rồi thì cũng từ cầu thang nhà sàn, đôi khi ta thấy thấp thoàng váy thổ cẩm với nhiều thứ hình thêu. Hoa lá, chim muông, rồng rắn. Có hình thêu voi nữa. Người ta thêu hình voi thêu voi trên váy truyền thống. Nhưng phổ biến nhất vẫn là trên chăn thổ cẩm.  Chăn thêu môt con voi đơn độc. Chăn thêu một cặp voi. Có nơi lại thêu thành những cặp chạy theo chiều dài tấm chăn.Người Thái ở xã Bắc Lý – Kỳ Sơn thì dệt hình voi trên chăn thổi cẩm.

Những thợ dệt ở Bắc Lý – Kỳ Sơn cho hay họ học cách thêu và dệt hình voi từ người Lào. Điều này cũng dễ hiểu vì văn hóa người Lào vẫn ảnh hưởng khá sâu rộng với cộng đồng thiểu số ở Nghệ An. Trong khi voi hiện vẫn là loài vật thân thuộc đối với người Lào và Thái Lan, hai đất nước có tỷ lệ người theo Phật Giáo rất cao. Mà voi lại là một biểu tượng quen thuộc của tôn giáo này.

Phải chăng đây cũng là những biểu hiện của văn hóa Phật Giáo đã ít nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng người Thái ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam châu Á?

Không chỉ trên hoa văn thổ cẩm, nhiều địa danh của người Thái cũng gắn với những câu chuyện về voi. Ở huyện Quế Phong – Nghệ An có bản Na Chạng (ruộng voi) Quỳ Châu có bản Chạng (bản voi).

Ở huyện Tương Dương và Con Cuông có những địa danh tên là Cặp Chạng (vọi bị mắc kẹt). Người dân xã Chi Khê – Con Cuông có một con dốc mang tên Cạp Xạng (cách phát âm khác của Cặp Chạng) kể rằng, xưa kia có con voi chiến chở theo một vị tướng qua đây và bị mắc kẹt. Người dân phải dung xà beng để cứu nó ra. Con dốc này từng có một khe núi hẹp. Trên một phiến đá in hằn dấu như vết xà beng.

Dĩ nhiên đó chỉ là truyền thuyết. Cũng có thể đó là cách giải thích cho một vết hằn tạo nên do tác động của nước mưa như cách hình thành những thạch nhũ. Nhưng câu chuyện cho thấy con voi và những địa danh gắn với tên gọi của loài vật này đã rất quen thuộc trong tâm thức cư dân bản địa.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Con voi hùng mạnh mà thân thuộc" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn