Có những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn anh hùng thầm lặng (Kỳ 1) - "Tôi yêu anh chỉ có má là người chứng giám tình yêu"

Thành Đô St -Tổng hợp

21/04/2022 05:48

Theo dõi trên

Tên bà là Vũ Minh Nghĩa, bà là đứa con út trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng ở đất thép Củ Chi có 8 người con. Vì vậy, ở Nam Bộ, người ta gọi bà trong gia đình là Chín Nghĩa.

Cũng vì thế, khi bà tham gia biệt động thành Sài Gòn năm 1965, bà đã lấy bí danh là Chính Nghĩa. Bây giờ, bà cười vui và nói với tôi: người ta gọi tôi bằng nhiều cái tên lắm nha. Khi thì Chín Nghĩa, Vũ Minh Nghĩa; khi thì Chính Nghĩa, Vũ Chính Nghĩa; khi thì bà Bảy. Gọi bà Bảy vì bà là vợ ông Bảy Bê, đơn giản vậy thôi!

biet-dong-1650494724.jpg
Nữ biệt động thành Vũ Minh Nghĩa lúc 19 tuổi ,bà là người con gái duy nhất đã tham gia trận đánh lịch sử của đội 5 biệt động thành Sài gòn vào dinh Độc lập rạng sáng mùng 2 tết Mậu thân 1968 làm chấn động đô thành Sài Gòn.

Tôi có ông sếp cũ là nhà khoa học, nhà quản lý rất nổi tiếng ở thành phố này. Ông là Gs.Hoàng Anh Tuấn, nguyên thành uỷ viên, nguyên giám đốc Sở KH&CN thành phố HCM, nguyên quyền phân viện trưởng Phân viện Khoa học Việt Nam tại phía nam. Giờ Gs.Hoàng Anh Tuấn đã về nghỉ hưu mấy chục năm nay rồi, ông và vợ sống ở căn nhà tại Gò Vấp.

Một dạo, khi đọc những bài viết của tôi về các anh hùng tình báo, đặc công, biệt động trên mạng xã hội, cô Nguyên vợ ông có nói với tôi: Chánh à, cô ở đây là làm hàng xóm với nhà ông bà Bảy Bê biệt động thành rất nổi tiếng. Ông này có 2 vợ, câu chuyện tình cảm của họ sách báo cũng đã viết, nhưng cô thấy viết hời hợt lắm, nếu cháu muốn viết về ông Bảy Bê thì để cô dẫn sang nhà cô Bảy giới thiệu cho, cô với gia đình ấy thân nhau lắm. Tôi thưa, nhất định cháu sẽ viết, cô yên tâm. Hôm trước, khi tôi viết về cuộc tổng tiến công tết Mậu thân 1968, chú Tư Cang có nói: cháu muốn viết về các câu chuyện của biệt động thành thì chú sẽ gọi cho cô Chính Nghĩa, người con gái duy nhất tham gia trận đánh dinh Độc lập rạng sáng sớm mùng 2 tết Mậu thân năm ấy rồi mầy gặp và ghi chép trung thực cho mọi người cùng biết về những chiến công cũng như những hy sinh mất mát của họ trong cuộc chiến cam go hồi ấy.

Hôm nay, cô Nguyên dẫn tôi sang nhà cô Bảy để tôi được nghe câu chuyện cuộc đời cô với nhiều nước mắt của người phụ nữ nhưng cũng đầy tự hào về người chồng anh hùng Bảy Bê của mình. Tôi xin phép cô cho tôi được lên bàn thờ thắp cho chú Bảy và chú Tư Việt ( Lê Văn Việt ) nén nhang để tỏ lòng kính trọng của mình trước những người anh hùng của đất nước trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Nghiêng mình trước di ảnh của chú Bảy Bê và Tư Việt, tôi cầu mong ở bên kia, hai ông cũng ấm lòng vì ở đất nước này, giờ chúng tôi và mọi người không quên các ông và đồng đội của họ đã xuất quỷ nhập thần, chiến đấu anh dũng hy sinh vì nền độc lập, thống nhất đất nước. Nói về biệt động Sài Gòn ngày ấy, trong từng trang sách xúc động của ông Tư Chu, người chỉ huy lực lượng này trong những năm tháng đó, có viết rất cảm động: “ đã có một lớp thanh niên yêu tú, họ đã gác lại tình yêu, tình cảm gia đình để vào trận với khí thế ngút trời, lập nên những chiến công vang dội, chiến đấu hy sinh tới viên đạn cuối cùng khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ và họ mãi mãi nằm xuống, không được nhìn thấy ngày chiến thắng cuối cùng và ngày hoà bình, thống nhất đất nước.”.

Bây giờ, ngồi trước mặt tôi là người phụ nữ đã 74 tuổi, trên mái đầu tóc sợi trắng nhiều hơn sợi đen, nhưng rất minh mẫn và bà bảo, bà không quên bất cứ sự kiện nào trong cuộc đời nhiều gian truân của bà. Gương mặt còn đó thật hiền như các bà má nam Bộ trong trang phục áo bà ba và khăn rằn quấn cổ. Bà kể cho tôi: tôi sinh ngày 1/10/1947 ở Củ Chi đất thép.

Đến Củ Chi đất thép thành đồng, ở xã Nhuận Đức ai cũng biết có một bà mẹ Việt Nam anh hùng tên Phạm Thị Đặng là má tui. Bà Đặng có 8 người con thì trong đó có 3 người là liệt sỹ, 5 người là thương binh. Đặc biệt, có 3 anh chị em Chính Nghĩa đều cùng là biệt động thành trong đội 5. Một gia đình mà tất cả mọi người đều tham gia cách mạng, không hề mảy may sợ hiểm nguy rình rập. Tuổi thơ của bà Chính Nghĩa là những ngày tháng sục sôi khi toàn Miền Nam đứng lên vũ trang chống lại Mỹ-Diệm. Là người con của một gia đình giàu truyền thống cách mạng, bà tham gia giúp má đưa cơm cho du kích, làm bất cứ việc gì có thể để giúp cho du kích đánh giặc với lứa tuổi của mình.

Tấm gương anh dũng của anh Nguyễn Văn Trỗi đã ảnh hưởng rất lớn tới bà. Bà muốn được trực tiếp tham gia hoạt động như anh Trỗi, chứ không chỉ làm giao liên quẩn quanh cho du kích trong cái xã của mình. Tháng 4/1965, khi ở tuổi 18, biệt động thành muốn tuyển một nữ thanh niên làm giao liên hợp pháp giữa nội thành và căn cứ chỉ huy, cô Chính Nghĩa đã được chọn. Kể từ đó, bà chính thức là thành viên của biệt động thành.

Bà được huấn luyện bắn súng, nghiệp vụ giao liên chuyển tin tức và những tình huống phải đối phó với địch khi lâm trận. Bà được cấp trên cấp cho cái xe gắn máy nhỏ Mô-bi-lét làm phương tiện đi lại và cái bản đồ trung tâm Sài Gòn. Bà phải học cho thuộc các con đường, ngõ ngách ở cái thành phố này để thực hiện công việc giao thông liên lạc đưa tin. Bà cười và bảo: làm sao tôi có thể học thuộc được tất cả các con đường hả trời, đường phố nhằng nhịt lắm? Không nhiệm vụ gì mà bà không hoàn thành và bà nhanh nhẹn như con sóc, thoát ẩn, thoát hiện trên chiếc xe Mô-bi-lét đó và được anh em đặt cho cái tên: Mũi tên lửa.

Rồi những ngày tháng làm trinh sát đưa tin, cô gái Củ Chi với dáng vóc thấp nhưng rất rắn rỏi Chính Nghĩa đã trở thành chiến sỹ biệt động tháo vát, khéo léo qua mặt được lũ mật thám nhung nhúc ở cái đô thị tấp nập này và các trạm gác của địch vùng giáp với các căn cứ của ta. Đội trưởng đội 5 biệt động thành (F100) khi ấy là anh Nguyễn Thanh Xuân, tức Bảy Bê là chiến sỹ thoát ly theo bộ đội Việt minh đánh Pháp từ thời 9 năm. Về anh Bảy Bê, anh sinh năm 1930 tại Bình Thuận, tôi sẽ viết chi tiết về anh trong các bài sau.

Anh Bảy Bê là người gan dạ tuyệt vời, người chỉ huy sáng tạo và tổ chức các trận đánh “long trời lở đất” của biệt động Sài Gòn như: đánh vào khách sạn Caraven, khách sạn Metropol, cư xá Brink, toà đại sứ quán Mỹ trên đường Hàm nghi,... Lúc sau này, Bảy Bê thường đóng giả là người tình của Chính Nghĩa để 2 người ung dung đi trên chiếc xe Mô-bi-lét tới khắp nơi trong thành phố để quan sát, điều nghiên cho các trận đánh tiếp, gặp gỡ các cơ sở để thu nhận tin tức. Bảy Bê là một trong những người chỉ huy biệt động Sài Gòn rất lỳ lợm và kiệm lời. Là cô gái mới lớn, Chính Nghĩa chưa từng có được cái nắm tay với người đàn ông để trong lòng có cảm giác rạo rực của con tim.

Với Bảy Bê, ông lớn hơn bà Chính Nghĩa khi đó tới 17 tuổi, ông là người chỉ huy, là người anh dìu dắt bà trong con đường trở thành người biệt động dũng cảm. Bà kể, cảm giác đầu đời nói về tình yêu, giờ bà cũng không nhớ? Đất nước chiến tranh, nhiệm vụ của biệt động thành lại rất nguy hiểm, cái chết luôn rình rập và phải xác định có khi phải hy sinh bất cứ lúc nào. Có thể vì lẽ đó mà Bảy Bê kiệm lời chăng? Thường trực, ở Bảy Bê có nỗi buồn sâu thẳm trên gương mặt mà chính bà cũng không dám hỏi người chỉ huy của mình. Thế rồi, họ bên nhau gắn bó qua từng con phố, giữa đám đông mật thám mật vụ, họ trao nhau những cái nắm tay tình tứ khi thì đi dạo bến Bạch đằng để điều nghiên trận đánh sắp tới, khi thì tay trong tay vào các nhà hàng, khách sạn để tìm cách đánh hiệu quả. Cứ thế, khi Bảy Bê vào trận, bà nơm nớp lo âu cho tính mạng của ông và đồng đội. Bà bảo, trong lòng tôi có một cảm giác rất lạ, ấy là nhớ ông ấy mà không tự mình lý giải được, vì sao?. Bảo đó là biểu hiện của tình yêu ư?

Không phải, tôi chỉ thấy nhớ anh và lo lắng cho sự an nguy của anh, một tình yêu thương anh cũng như các đồng đội khác của người lính biệt động Sài Gòn. Anh lớn tuổi hơn tôi nhiều, suy nghĩ rất chín chắn. Nhớ lại, buổi ấy, nghỉ chân bên quán nước ven đường sau khi khảo sát thực địa cho một trận đánh, tôi tự nhiên hỏi anh: anh Bảy nè, sao anh không kể cho em về anh và gia đình? Ít ra để em cũng tự hiểu được những nỗi buồn thường trực trên gương mặt anh chứ? Trầm ngâm giây lát, ảnh nói: anh mong cho đất nước hết chiến tranh, hết cái gian khổ, chết chóc lùi xa để chúng ta được sống trong hoà bình, để anh cũng có một gia đình nhỏ với bầy con được tới trường trong tiếng nô đùa của chúng. Chả biết khi nào mới có được hoà bình. Anh đã có vợ rồi, giờ thì người vợ ấy ở trong khu không thể chịu đựng nổi cái gian khổ ở rừng, chịu muỗi đốt và vô vàn khó khăn nên đã phản bội anh.

Khuyên bảo nhau gắng sức chịu đựng cũng không được, cô ấy bỏ căn cứ rồi đi ra vùng của địch. Cô ấy bị chúng bắt, không rõ cô ấy có khai báo gì không, và cô ấy cũng có biết gì đâu để mà khai báo nhỉ? Sau nghe kể, cô ấy có người yêu cũ đi lính nguỵ, nhờ ông ấy mà cô ta được tha. Vợ chồng anh đã chia tay nhau vì khác lý tưởng, cũng may chưa có con với nhau. Anh muốn, -Bảy Bê nói tiếp: có được một người vợ để đi cùng với mình trong cuộc chiến này. Giờ không dám nghĩ. Im lặng thật lâu, tôi thấy bà lấy khăn giấy chấm chấm nơi 2 con mắt đỏ hoe để ngăn những giọt nước mắt trực trào ra rồi bà kể tiếp: nhiều ngày sau đó, tôi và anh Bảy cũng đi công chuyện rồi ghé qua nhà má tui ở Củ Chi thăm bả và khi thì ghé chơi hỏi thăm ba câu chuyện, khi thì ăn bữa cơm trưa với tô canh chua cá lóc má nấu. Với linh cảm của một người mẹ, má đã nhận thấy ánh mắt giữa 2 chúng tôi, bả gọi riêng tôi ra gặn hỏi nhiều thứ và căn dặn đôi điều. Một lần, tôi và anh Bảy ghé qua nhà, má nói với anh ấy trước mặt tôi: con Chín Nghĩa nó là con gái út của má.

Má giao nó cho tụi bay, nó còn trẻ lắm. Tụi bay giao việc gì cho nó thì ráng xem xét đừng giao việc nguy hiểm, nó không hoàn thành được, bị bắt, tụi nó đánh đau, khai ra hết thì thiệt hại cho cách mạng lắm. Tụi con phải thương nó giúp má nghen. Anh Bảy chỉ dạ một tiếng, để rồi sau đó hơn 2 năm, tôi có được tham gia trận đánh nào đâu? Hơn nửa thế kỷ qua rồi, tôi nhớ hồi đó vẫn chưa kịp nói tiếng yêu thương với anh ấy, hai chúng tôi chỉ gật đầu và những cái bắt tay rất chặt, và những lần chia tay với những cái ôm thật chặt, thật ấm khiến tôi đã nghe được những tiếng đập rất dồn dập nơi trái tim của cả 2 chúng tôi và cảm giác thật ngọt ngào, khó nói. Rồi sau cùng, má tôi cũng rất thương anh Bảy, chuyện tình cảm của chúng tôi gần như được dấu kín, má là người chứng kiến những tình cảm yêu đương đầu đời của tôi dành cho người chỉ huy lớn hơn mình nhiều tuổi trong sự im lặng của dòng đời. Mỹ đã đổ quân vào, cuộc chiến tranh đã leo thang và rất ác liệt. Cũng giống như là định mệnh, anh Bảy là người đội trưởng đội 5 rất quả cảm. Thật không ngờ do có kẻ phản bội, đầu năm 1966, anh Bảy địch bắt giữa Sài Gòn. Biết bao đòn thù, đủ các cực hình tra tấn như thời trung cổ của giặc, phải đi qua các nhà tù thẩm vấn khác nhau nhưng ảnh đâu có hé răng nửa lời, giữ trọn khí tiết.

Cuối cùng thì chúng cũng đem anh ra Côn Đảo giam cầm với mức án chung thân. Ngày nghe tin ảnh bị bắt, con tim tôi như thắt lại, tôi khóc không thành lời, nước mắt cứ thế tuôn ra. Tôi là một cô gái mới 19 tuổi, tôi vẫn chưa kịp nói tiếng yêu với anh nhưng anh đã hiểu tôi và cảm nhận được tất cả tình cảm của tôi dành cho anh. Giờ thì tôi tự hứa với lòng mình, anh Bảy ơi, em yêu thương anh thật nhiều. Trái tim em đã thuộc về anh rồi, anh biết không? Giờ trong ngục tù, anh hãy nghĩ, luôn có em bên cạnh anh và anh đừng khai báo phản bội gì.

Em mãi chờ anh! Quả thực, câu chuyện của bà Chính Nghĩa kể đến đây cũng làm tôi rất xúc động, nước mắt tôi cũng rơm rớm vì tôi cảm nhận được trong từng lời kể của bà là những ký ức tình yêu đầu đời của người con gái mới lớn, nó trong sáng tựa pha lê được trui rèn trong lửa nóng và khốc liệt của chiến tranh, nó rắn rỏi và kiên định trong đó nhờ ở tình yêu quê hương đất nước của lớp thanh niên sẵn sàng ra trận với hào khí ngút trời sẵn sàng hy sinh cho nền độc lập. Năm 1966, bà Chính Nghĩa cũng chính thức được kết nạp Đảng khi mới 19 tuổi, để rồi sau hơn 1 năm, bà là người con gái duy nhất đã tham gia trận đánh lịch sử của đội 5 biệt động thành Sài Gòn vào dinh Độc lập rạng sáng mùng 2 tết Mậu thân 1968 làm chấn động đô thành Sài Gòn. /.

( Còn nữa )

Trái tim người lính/ BTPNNB