Chuyện Làng quê: Tiếng đồng vọng từ miền ký ức!

Quyết Tuấn

27/11/2022 00:53

Theo dõi trên

Sáng 26/11/2022, tại Hà Nội, Ban quản trị trang mạng Chuyện làng quê và Chuyện quê tổ chức ra mắt tập sách "Truyện ký 1: Chuyện Làng quê" của hơn 100 tác giả được lựa chọn từ hàng ngàn tác phẩm của các thành viên chia sẻ trên trangt mạng này.

Đến dự ra mắt sách có ông Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Tiến sĩ, Nhà văn Phạm Việt Long, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển; Nhà báo Vũ Xuân Bân, nguyên Trưởng Ban tin trong nước TTXVN, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển; ông Trương Thanh Sơn, Quản trị viên trưởng trang mạng Chuyện làng quê và Chuyện quê; Bà Huỳnh Hồng Điệp, Quản trị viên trang mạng Chuyện làng quê; Các thành viên Ban quản trị, Ban kiểm duyệt  trang mạng Chuyện Làng quê và Chuyện quê...cùng đông đảo các thành viên trang mạng Chuyện làng quê và Chuyện quê là các nhà văn, tác giả sách và công chúng yêu văn học nghệ thuật Thủ đô.

langque-1669485201.jpg
que2-1669483899.jpg
Ông Trương Thanh Sơn, Quản trị viên trưởng trang mạng Chuyện Làng quê và Chuyện quê (ảnh trên) phát biểu khai mạc buổi ra mắt sách và các đại biểu tới dự (ảnh dưới).

Phát biểu khai mạc, ông Trương Thanh Sơn, Chủ nhiệm Diễn đàn Chuyện Làng quê cho biết, đã hơn ba năm nay cái tên Chuyện Làng Quê ngày càng lan toả từ mạng xã hội ảo sang cuộc sống thực thường ngày của trăm nghìn người khắp đất nước Việt Nam và cả ở nước ngoài. Những câu chuyện dung dị được viết với phương châm “vui là chính” đã chạm đến tâm hồn biết bao người. Mỗi câu chuyện ở Chuyện Làng Quê luôn thấy một phần mình trong đó, cảm giác như câu chuyện của chính mình.

"Để làm nên những câu chuyện ấy đã có hàng nghìn tác giả tâm huyết, họ từ khắp miền Tổ quốc lúc đầu có chút ngại ngùng khi viết ra tâm sự của mình song ai cũng dần tự tin hơn khi Ban quản trị luôn tâm niệm “trân trọng từng con chữ”, “nâng đỡ mọi cây viết mới”. Cũng nhờ sự thu hút độc giả của nhóm mà nhiều tác giả chuyên nghiệp đã hoà mình vào nhóm văn chương trên Diễn đàn mạng Chuyện Làng quê...", ông Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.

que3-1669484188.jpg
Ông Trương Thanh Sơn, Quảng trị viên trưởng Chuyện Làng quê và Chuyện quê trao đổi với báo chí

Chủ nhiệm Diễn đàn Chuyện làng quê cho rằng, việc xuất bản cuốn sách Truyện ký Chuyện Làng quê tập 1 là sự đánh dấu bước trưởng thành của mỗi tác giả và của nhóm Chuyện làng quê. Tác phẩm cùng những buổi gặp mặt ý nghĩa của những người có chung trăn trở viết về quê hương yêu dấu, những làng quê Việt thấm đẫm bao ân tình. Từ bạn bè trên không gian mạng xã hội ảo trở thành những tri kỷ hữu yêu văn chương và khát vọng cuộc sống tươi đẹp ngoài đời thực.

Trước đó, Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa xuất bản tập truyện, ký “Chuyện làng quê” của 104 tác giả đến từ các miền quê của cả nước. Cuốn sách dày 524 trang đã giới thiệu 138 câu chuyện nồng ấm mang hơi thở cuộc sống hiện thực ở các làng quê Việt được chọn lọc từ hàng ngàn bài viết tâm huyết trên Fanpage “Chuyện làng quê” có gần 120.000 thành viên gồm nhiều lứa tuổi khác nhau. Tất cả đã khắc họa nên bức tranh quê sinh động, đa màu sắc.

lang-1669483507.jpg
Chuyện Làng quê tập hợp những câu chuyện chân thực về làng quê Việt
long2-1669483161.jpg
Tiến sĩ, Nhà văn Phạm Việt Long cùng phu nhân tại buổi ra mắt sách Chuyện Làng quê

Mở đầu cuốn sách, Tiến sĩ, Nhà văn Phạm Việt Long đã khái quát hàng trăm tác phẩm riêng rẽ thành 3 nhóm chủ đề tư tưởng xuyên suốt: Khắc họa chân dung làng quê Việt thanh bình, dung dị, ấm áp nghĩa tình; Lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc; Xây dựng quê hương đổi mới, giầu đẹp, văn minh.

Theo Tiến sĩ, Nhà văn Phạm Việt Long, trong ký ức của nhiều tác giả, có bao chuyện vui của tuổi thơ nơi làng quê thanh bình. Lắng nghe từ các trang sách, ta có thể cảm nhận được tiếng xạc xào tâm sự của các loài cây dân giã: xấu hổ, xuyến chi, bìm bìm, mần trầu, thài lài…Ta cũng có thể cảm nhận được tiếng rao bán Cà rem và thấy hình ảnh những đứa trẻ háo hức đem dép nhựa cũ, vỏ đạn…ra đổi kem, kỷ niệm của tuổi thơ mà hầu hết chúng ta đều có. Từ các trang sách, cũng rộn lên tiếng cười của những đứa trẻ tinh nghịch làm giả rùa bằng mo cau để trêu bạn, tiếng kèn thổi bằng tổ sâu, tiếng bì bõm lội nước của mấy đứa trẻ bắt trộm cá. Cây ổi thì rung rinh khi có đứa bé trèo hái trộm quả…Thật bất ngờ, trong những kỷ niệm ấy, nhiều tác giả kết thúc bài viết bằng hình ảnh người chủ vườn, chủ ao tốt bụng, không những không trừng phạt đứa trẻ hái trộm ổi, câu trộm cá… mà còn cho quà, khuyên răn cẩn trọng kẻo ngã cây hoặc đuối nước.

"Trong Chuyện làng quê có một số bài đã nhìn thẳng vào sự thật để phê phán bằng ngôn từ nhẹ nhàng mà chí lý. Đó là tục nợ miệng – do sự bày vẽ cỗ bàn theo hủ tục chưa dứt được. Hoặc thói gian dối khi làm ăn buôn bán. Sự biến dạng về môi trường khiến chúng ta xót xa: một người con xa quê lâu ngày, háo hức trở về để “Úp mặt vào sông quê”, nào ngờ sông bị ô nhiễm nặng, đem lại sự hẫng hụt khó cân bằng. Nặng nề hơn, là quá trình đô thị hóa không những làm biến dạng cảnh quan nông thôn mà còn làm cho con người biến chất, bị bần cùng hóa: một người nông dân có nhiều đất, bỗng nhiên nơi đó biến thành khu đô thị mới. Sau khi bán đất, được nhiều tiền, nền nếp gia đình thoái hóa, ăn tiêu bừa bãi, cuối cùng cả nhà không còn chốn nương thân…", Nhà văn Phạm Việt Long chia sẻ.

ban1-1669483718.jpg
 
 
Nhà báo Vũ Xuân Bân và nhiều đồng nghiệp từng công tác tại TTXVN tham gia buổi ra mắt sách Chuyện làng quê (Tập 1).

Còn nhà báo Vũ Xuân Bân, nguyên Trưởng Ban tin trong nước TTXVN thì cho rằng, thành công của cuốn sách Chuyện làng quê, tuy tập hợp bài viết của nhiều tác giả trên mọi miền đất nước nhưng do được biên tập kỹ, các tác phẩm đều thể hiện bằng ngôn từ mộc mạc, mạch lạc, phác thảo nên bức tranh làng quê chân thực, sinh động. Cùng với đó, sách được bố cục khéo nên không thành mớ tạp nham, tản mát mà các tác phẩm đã liên kết với nhau, cuốn hút người đọc bởi tình yêu quê hương, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của làng quê và đất nước trong thời kỳ hội nhập, công nghệ 4.0 bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.

Đáng chú ý, phát biểu tại buổi ra mắt sách, ông Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá cao những ý tưởng tốt đẹp của những người thành lập cộng đồng mạng "Chuyện Làng quê" để tập hợp rộng rãi thành cộng đồng của những người yêu văn chương và trăn trở viết về nét đẹp hồn hậu gắn với những miền quê yêu dấu, những miền ký ức không thể nào phai mờ trong mỗi tâm hồn người Việt yêu nước.

que4-1669484409.jpg
Ông Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại buổi ra mắt sách Chuyện Làng quê

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, chuyện làng quê là mạch nguồn cảm xúc không bao giờ vơi cạn, là hơi thở của cuộc sống muôn mầu sắc hôm nay. Ông cho rằng hơn 30 năm đổi mới bên cạnh những giá trị tốt đẹp làm phong phú đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là chủ yếu, cũng đặt ra nhiều thách thức cần phải giải quyết đi cùng. Một trong những thách thức đó, là nhiều giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp mang bản sắc dân tộc bị phôi phai, lai tạp, xâm lấn...

"Trang Chuyện làng quê đã có trên 120.000 thành viên. Tôi nghĩ Ban quản trị của trang cần khuyến khích mọi người viết về ký ức về quê hương, về tình nghĩa con người, về những làng nghề, về những món ăn dân dã, về những phong tục tập quán rất là đáng quý, đáng trọng, về đạo lý làm người...Tôi nghĩ chúng ta đang xây dựng hệ giá trị của văn hóa và con người Việt Nam, thì chính đây là những nhân tố rất là quan trọng, là những tế bào để xây dựng những giá trị đó. Đất nước bắt đầu cũng từ những làng quê. Mỗi làng quê bắt đầu từ những dòng họ. Mỗi dòng họ bắt đầu từ những gia đình và những con người. Chuyện làng quê không bao giờ có kết thúc. Nó luôn luôn mở ra những trang mới rất nhân văn...", ông Nguyễn Thế Kỷ phân tích.

nguyen1-1669483274.jpg
Nhà báo Vương Xuân Nguyên và một thành viên Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm cùng ông Nguyễn Thế Kỷ

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Thế Kỷ, nhà báo Vương Xuân Nguyên, Tổng thư ký Tạp chí Nông thôn và Phát triển cho rằng, Chuyện làng quê là tiếng đồng vọng từ miền ký ức trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người, là nơi thiêng liêng bồi đắp bao nét đẹp trong đời sống tinh thần không thể thiếu của người Việt đã được ông cha trao truyền bao thế hệ.

"Chuyện làng quê đã góp thêm tiếng nói để chúng ta có bức tranh về nông thôn hạnh phúc, nông thôn mới nhưng vẫn giữ hồn quê Việt. Ở đó, các thế hệ trong cùng một gia đình gắn bó với nhau, những câu chuyện tình người được đánh thức, những khát vọng chân chính được thăng hoa. Đó là những mảnh ghép sinh động mang hơi thở của cuộc sống hôm nay. Đó là những phong tục tập quán, nét đẹp sinh hoạt đời thường gắn với văn hóa đặc trưng của từng vùng miền. Bạn đọc kỳ vọng, từ thành công của Chuyện làng quê tập 1 sẽ có những tập 2, tập 3...để những giá trị tốt đẹp của làng quê Việt được phản ánh, ghi nhận một cách chân thực trong các cuốn sách. Và những giá trị tốt đẹp về Việt Nam - Đất Nước - Con người sẽ từ cuốn sách bước ra đời sống để thăng hoa và phát triển cùng sự trường tồn của dân tộc ta, non sông đất nước ta...", nhà báo Vương Xuân Nguyên trải lòng.

que5-1669484679.jpg
que8-1669484921.jpg
Bà Huỳnh Hồng Điệp, Quản trị viên trang mạng Chuyện Làng quê chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động trong quá trình biên tập sách.

Tại buổi ra mắt, các đại biểu cũng đã được lắng nghe nhiều câu chuyện thấm đẫm bao nghĩa tình đã được các nhà văn, tác giả sách và công chúng yêu văn học nghệ thuật Thủ đô chia sẻ.

Đặc biệt, là phần chia sẻ của bà Huỳnh Hồng Điệp, Quản trị viên Chuyện Làng quê về những câu chuyện cảm động phía sau mỗi tác phẩm trong Chuyện Làng quê. Chính điều đó đã khiến cho bạn đọc thêm yêu, thêm quý nhưng đứa con tinh thần được sinh ra từ "làng" trên mạng "làng quê" mênh mông bất tận...!

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện Làng quê: Tiếng đồng vọng từ miền ký ức!" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn