Chùa Bảo Sơn ở đâu ? (Cần chỉnh lý chú thích sai qua bài thơ của Trần Thuấn Du)

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

29/11/2022 09:47

Theo dõi trên

Tác phẩm của Trần Thuấn Du hiện chỉ còn 2 bài thơ được chép trong sách Toàn TOÀN VIỆT THI LỤC của Lê Quý Đôn. Ông quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào, đều chưa được rõ. Chỉ biết ông từng làm chức Thông phán châu Vũ Ninh (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) dưới triều nhà Hồ (1400-1407).

Làm quan cho nhà Hồ, có lẽ phần nhiều là vì ông xem đó chỉ là công việc của một người “đại ẩn” mà thôi. Đại ẩn, tức là ẩn giữa triều đình, để kiếm miếng cơm nuôi vợ nuôi con, chứ thực ra chẳng phải ham hố gì nhiều. Nếu vào ẩn trong núi sâu rừng thẳm (tiểu ẩn), thì đói nhăn răng là cái chắc.

dh1aq1-1669689646.jpg
Ảnh do tác gtiar cung cấp.

 

Bài thơ THÀNH TÂY ĐẠI ẨN LƯ KHẨU CHIẾM của Trần Thuấn Du đã nói rõ điều đó.

BẢO SƠN TỰ

Tạm thừa công sự ngẫu đăng lâm,

Liêu bả cần lao châu huyện tâm.

Tùng cái ỷ vân sâm vũ vệ,

Trúc thương dát ngọc hưởng cầu lâm.

Giang sơn hoa điểu xuân thiên địa,

Thành quách lâu đài thế cổ câm (kim).

Dục phỏng An Dương điếu trần tích,

Dục tà lưu thủy điếu nan tầm.

Dịch nghĩa:

CHÙA BẢO SƠN

Nhân việc công, tình cờ được lên chơi chùa,

Xin gửi lại tấm lòng chăm lo công việc châu huyện của ta.

Hàng thông như lọng cao vút tận mây và san sát như vệ sĩ,

Khóm trúc như giáo cọ vào nhau tiếng kêu lanh lảnh.

Sông núi hoa chim đem mùa xuân lại cho trời đất,

Thành quách lâu đài gợi lên ý cổ kim.

Muốn đến thăm An Dương để viếng dấu cũ,

Nhưng chiều tà nước chảy, mông lung khó thấy.

Dịch thơ

Duyên nay nhân dịp đến thăm chùa,

Gửi lại dân miền tấc dạ ta.

Thông tỏa tận mây hàng thẳng tắp,

Trúc khua sênh ngọc tiếng ngâm nga.

Lâu đài, thành quách đời bao thuở,

Sông núi, hoa chim xuân bốn mùa.

Muốn đến An Dương thăm dấu cũ,

Chiều tà nước chảy khó nhìn ra.

(TRẦN LÊ SÁNG dịch)

Nhân việc công, vãng cảnh chùa,

Chăm lo châu huyện, biết cho lòng này.

Thông như lọng vút tầng mây,

Trúc khua lanh lảnh giáo bày uy nghiêm.

Lâu đài gợi ý cổ kim,

Hoa chim sông núi muôn nghìn sắc xuân.

An Dương dấu cũ muốn thăm,

Chiều tà nước chảy dường ngăn ý tình.

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Sách THƠ VĂN LÝ-TRẦN (TVLT), Do Viện Văn học biên soạn, xuất bản năm 1977, chú thích rằng chùa Bảo Sơn, còn gọi là chùa Bảo Sơn Vương, ở xã Đường Hào, huyện Phù Ủng (thuộc tỉnh Hải Hưng xưa). Nay Phù Ủng thuộc tỉnh Hưng Yên như cũ.

dh2aq2-1669689858.jpg
 Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tuy nhiên, không rõ các nhà lâm sách căn cứ vào đâu mà chú thích như thế. Trần Thuấn Du làm quan cuối đời Trần, sang cả đời nhà Hồ (1400-1407). Ông giữ chức Thông phán châu Vũ Ninh, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Nội dung bài thơ ở hai câu thơ đầu đã cho CHÚNG TA thấy rằng, ông nhân việc quan mà lên viếng thăm cảnh chùa Bảo Sơn, vào lúc chiều tà. Vậy chùa Bảo Sơn này phải chăng là ở châu Vũ Ninh, chứ không phải là ở huyện Phù Ủng như chú thích của sách TVLT? Vả chăng, chùa Bảo Sơn này nằm ở trên một vùng núi không cao, mà huyện Phù Ủng, nay thuộc tỉnh Hưng Yên thì không có ngọn núi nào cả!

Thơ tả cảnh chùa, có “hàng thông như lọng cao vút tầng mây, san sát như vệ sĩ”. Lại thêm “khóm trúc như giáo cọ vào nhau tiếng kêu lanh lảnh”. Quang cảnh đã cho thấy cái sự hoang lương, cổ kính, uy nghiêm trầm mặc. Chưa hết! Lại còn “sông núi hoa chim đem mùa xuân lại cho trời đất / Thành quách lâu đài gợi lên ý cổ kim”…

dh3aq3-1669690003.jpg
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

Cảnh chùa mà thấy có cả "lâu đài thành quách", khiến thi nhân trong lòng bỗng dào lên cảm khái, suy tư về lẽ cổ kim, còn mất ở đời. Đó cũng là một chi tiết khác với những bài thơ của nhiều tác giả khác đương thời.

Muốn đến thăm An Dương để viếng dấu cũ,

Nhưng chiều tà nước chảy, mông lung khó thấy.

An Dương ở đâu và là dấu tích gì, chú thích của sách TVLT nói là cũng "chưa được rõ". Nhưng chắc phải là một di tích lịch sử quan trọng nào đó ở vùng này! Phải chăng là một nơi thờ tự một vài vị tiền nhân nào đó trong lịch sử hay chăng?

Mới đây, nhân việc điền dã vài ba lần đến Cổ Loa, tôi đã tìm thấy chùa Bảo Sơn. Hóa ra, chùa Bảo Sơn (Bảo Sơn Tự) nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đời nhà Hán, sau khi Mã Viện mang quân xâm lược nước Lĩnh Nam (Nam Việt thời Triệu Vũ Đế). Ông ta đánh bại Hai Bà Trưng (năm 43 sau c.n), biến nước ta thành quận Giao Chỉ. Mã Viện thành lập 2 huyện mới, trong đó có huyện Phong Khê. Đông Anh ngày nay chỉ là một phần của huyện Phong Khê thời nước ta thuộc Đông Hán. Đất Phong khê kéo dài từ thành phố Bắc Ninh, qua Đông Anh, lên một phần tỉnh Vĩnh Phúc và lên đến vùng Tam Giang, Sơn Tây, Hòa Bình…chứ không chỉ là một tẹo Đông Anh như nhiều người nhầm lẫn.

Từ đời nhà Hậu Lý, Đông Anh xưa thuộc phủ Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc. Châu Vũ Ninh mà ông Trần Thuấn Du làm Thông phán thuộc vùng này. Cảnh lâu đài thành quách trong thơ này, chính là quang cảnh di tích thành Cổ Loa thời An Dương Vương, sau nữa là Ngô Vương Quyền từng đóng đô. Thế nên “An Dương” mà tác giả nói ở đây là danh xưng của Thục Phán (An Dương Vương) vậy!

Thơ tả cảnh chùa, nhưng không thấy tác giả nói về cảnh bên trong, về ý Thiền. Chỉ thấy tả cảnh bên ngoài cùng những suy tư hàm ẩn về thế sự.

Các bạn đến du thăm khu vực thành Cổ Loa, nếu vào thăm đền thờ nàng Mỵ Châu, sẽ thấy cái mũi tên chỉ ra phía sau. Đó chính là lối rẽ vào chùa Bảo Sơn đấy!

Tất nhiên, các công trình quy mô hiện có không phải được xây dựng ở đời Trần, mà nó chỉ được xây dựng chủ yếu ở đời nhà Nguyễn gần đây thôi.

Đọc thơ mà tưởng tượng, chúng ta mới tự vẽ ra trong tâm tưởng quang cảnh được tác giả mô tả ở đây là đã quá xưa rồi. Còn tìm đâu thấy nữa!

Bạn đang đọc bài viết "Chùa Bảo Sơn ở đâu ? (Cần chỉnh lý chú thích sai qua bài thơ của Trần Thuấn Du)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn