36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 5)

PGS TS Cao Văn Liên

22/11/2022 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 5.

SỰ KIỆN THỨ 6: CỔ LOA-KINH ĐÔ CỦA NHÀ NGÔ (939-954).

   Sau chiến thắng Bạch Đằng vang dội năm 938, năm 939 Ngô Quyền khi đó 42 tuổi lên ngôi vua xưng là Ngô Vương, định quốc đô ở Cổ Loa. Vùng đất Hà Nội một lần nữa lại trở thành kinh đô của quốc gia phong kiến độc lập. Ngô Vương bắt tay xây dựng một nhà nước phong kiến qui cũ, qui định nghi lễ trong triều, qui định trang phục cho quan lại các cấp, phong tước vương cho các Hoàng tử. Ngô Quyền là người đặt nền móng cho nhà nước phong kiến, cho xã hội phong kiến Việt Nam. Định đô ở Cổ Loa. Kinh đô Cổ Loa được xây dựng trên khu đất cao thuộc tả ngạn sông Hoàng Giang, nối sông Nhị và sông Cầu.

co-loa1-chomongcongtrinh-1669023147.jpg
Thành Cổ Loa - nơi hai lần được chọn làm kinh đô của nước ta. Nguồn: Internet.

     Năm 944, Ngô Vương mất. 11 thế lực phong kiến địa phương nổi dậy cát cứ, không phục tùng chính quyền nhà Ngô. Quốc gia thống nhất bị đe doạ. Nhà Ngô tồn taị được 26 năm ( 938-954) với 3 đời vua: Ngô Vương (939-944), Ngô Xương Ngập (Thiên Sách Vương-945-950), Ngô Xương Văn (Nam Tấn Vương-em Ngô Xương Ngập-950-965). Trong 3 đời vua có hai vua là con của Ngô Vương sinh tại Cổ Loa (Hà Nội). Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh quê ở Hoa Lư (Ninh Bình) bằng tài năng quân sự của mình đã lần lượt tiêu diệt 11 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra nhà Đinh. Nhà Đinh do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập. Ông lên ngôi Hoàng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng (vị Hoàng đế đầu tiên), lấy niên hiệu Thái Bình. Nhà Đinh đã chuyển kinh đô từ Cổ Loa về Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt (nước Việt cực lớn). Nhà Đinh chia đất nước thành 10 đạo, tương ứng mỗi đạo là một đạo quân. Cũng như triều Ngô, triều Đinh tiếp tục đặt nền tảng xây dựng nhà nước phong kiến và xã hội phong kiến.

    Năm 979, Đỗ Thích một thuộc tướng trong triều đình Hoa Lư đã giết chết Đinh Tiên Hoàng và con cả là Nam Việt Vương Đinh Liễn nhân lúc vua và Việt Vương say rượu. Đỗ Thích giết vua nhằm đoạt ngai vàng nhưng y bị triều thần giết chết. Vệ Vương là con trai thứ 3 Đinh Tiên Hoàng lên ngôi khi đó mới 6 tuổi. Nhân cơ hội đó nhà Tống uy hiếp biên giới phía Bắc, Chiêm Thành uy hiếp biên giới phía Nam, trong nước nhân tâm giao động. Cần một người uy tín lên ngôi vua, đủ tài năng ổn định tình hình đất nước. Thái Hậu Dương Vân Nga và triều thần tôn Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn lên ngôi lập ra nhà Tiền Lê. Nhà Đinh mất sau 14 năm trị vì qua 2 đời vua: Đinh Tiên Hoàng (968-979) và Vệ Vương Đinh Toàn ở ngôi 8 tháng năm 980.                                                            

Lê Hoàn quê ở Ái Châu (nay thuộc xã Thọ Lập, huỵên Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá). Ông lên ngôi xưng là Lê Đại Hành, kinh đô Hoa Lư, quốc hiệu Đại Cồ Việt. Năm 981 Lê Đại Hành thân chinh cầm quân đánh bại 20 vạn quân xâm lược của nhà Tống, giết chết tướng giặc là Hầu Nhân Bảo, đẩy lùi nguy cơ đe dọa của phong kiến Trung Quốc được 100 năm. Năm 982, Lê Đại Hành cầm quân vào tận Đồng Dương (Quảng Nam) đánh bại Chiêm Thành, ổn định biên giới phía Nam. Lê Đại Hành cũng là người chăm lo phát triển kinh tế, đặt ra lệ Tịch điền,  ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, nhà vua cày luống cày đầu tiên để khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Nhà Tiền Lê còn xây dựng quân đội hùng mạnh, trên trán mỗi quân lính đều khắc chữ “ Thiên tử quân”. Như vậy đến thời Tiền Lê vua ta cũng tự coi mình là Thiên Tử ( con trời). Nhà Tiền Lê tiếp tục đặt nền tảng xây dựng chế độ và nhà nước phong kiến. Dù kinh đô là Hoa Lư nhưng thành Đại La vẫn tiếp tục phát triển thành một đô thị lớn mạnh về mọi mặt chuẩn bị cho việc trở thành kinh đô lâu dài của quốc gia phong kiến độc lập.

(Còn nữa)

CVL

 

Bạn đang đọc bài viết "36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 5)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn