36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 21)

PGS TS Cao Văn Liên

08/12/2022 06:08

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

KỲ 21

SỰ KIỀN 22: THỰC DÂN PHÁP ĐÁNH HÀ NỘI LẦN 1 ( 1873)

   Để biến nước ta thành thuộc địa, nơi tiêu thu hàng hoá, vơ vét nguyên liệu và bóc lột nhân công rẻ mạt, năm 1858 bọn thực dân phiêu lưu người Pháp ở Việt Nam khi đó đã tổ chức xâm lược nước ta. Vì lực lượng ít nên chúng chủ trương đánh nhanh thắng nhanh. Năm 1858 chúng nổ súng tấn công vào bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng. Nếu thắng lợi chúng sẽ đánh tràn ra Huế (Huế cách Đà Nẵng khoảng 100 km) buộc triều đình Huế ký hiệp ước đầu hàng, kết thúc chiến tranh. Nhưng quân ta do Tổng đốc quân vụ Nguyễn Tri Phương chỉ huy đã chặn đứng âm mưu của Pháp.

dh1ag1-1670402184.jpg
Quân Pháp tấn công thành Hà Nội, ngày 20/11/1873. Nguồn: baotanglichsu.vn

         

Thất bại ở Đà Nẵng buộc thực dân Pháp phải đánh lâu dài. Chúng vạch kế hoạch đánh chiếm toàn bộ miền Gia Định (miền Nam) nơi đất rộng người đông, dồi dào lương thực, thuận lợi cho Pháp phát huy thế mạnh là hải quân vì Nam Bộ nhiều sông ngòi ngang dọc. Chiếm được miền đất chiến lược quan trọng này Pháp làm chỗ dựa tiến đánh toàn bộ Việt Nam và Đông Dương.

          Thực hiện kế hoạch này ngày 10-2-1859 Pháp tấn công Vũng Tàu rồi từ đó tấn công Cần Giờ, Cái Bè. Ngày 17-2-1859 Pháp chiếm thành Gia Định. Vua Tự Đức (1848-1883) người đứng đầu triều đình Huế khi đó chỉ chủ trương giảng hoà nên một mực nhân nhượng, không dám phát động nhân dân kháng chiến. Vì thế tại mặt trận Gia Định quân ta có 5 vạn quân chính qui, hàng chục vạn dân binh, đàng sau là hàng chục triệu nhân dân mà không tiêu diệt đựơc 4000 quân Pháp. Ngày 23-2-1861 Đại Đồn- Tổng hành dinh của Tư lệnh mặt trận Nguyễn Tri Phương thất thủ. Tự Đức khiếp sợ chỉ nghĩ tới giảng hoà. Quân Pháp càng lấn tới. Ngày 13-2-1862 Pháp chiếm Định Tường, ngày 18-2 năm đó mất tỉnh Biên Hoà. Sau khi chiếm đuợc ba tỉnh miền Đông, Pháp tấn công ba tỉnh miền Tây, chỉ từ 20 đến 24 tháng 6 năm 1867 Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

          Ngày 20-11 năm 1873, quân Pháp chỉ có 180 tên do Thiếu tá hải quân Gácniê (Francis Garnier) và tên lái buôn Giăng Đuypuy chỉ huy tấn công thành Hà Nội. Chúng nã đại bác dữ dội. Kinh lược sứ Bắc Kỳ là Nguyễn Tri Phương, con trai ông là Phò mã Nguyễn Tri Lâm cùng các quan chức lên mặt thành đốc chiến. Cầm cự được một ngày thành Hà Nội bị vỡ. Nguyễn Tri Phương bị trọng thương vào bụng và cùng bị bắt với các viên chức quân sự triều đình như Hiệp Hội Trần Văn Cát, Suất Đội Ngô Triều, Phan Tôn, Phan Liêm (2 con trai Phan Thanh Giản). Nguyễn Tri Phương nhịn ăn mà chết. Phò mã Nguyễn Tri Lâm hy sinh. Một viên Chưởng Cơ cùng 100 quân chống cự đến người cuối cùng.

          Thành Hà Nội thất thủ nhưng ở Gia lâm, Hoài Đức nhân dân ta vẫn tiếp tục chiến đấu. Gácniê thú nhận: “Chiếm được thành dễ hơn đóng giữ”[1]. Phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân Bắc Kỳ bùng lên mạnh mẽ. Riêng ở mặt trận Hà Nội ngày 21-12-1873 Gác niê đem quân ra Cầu Giấy phản công quân ta. Tại đây y lọt vào trận địa mai phục của quân Lưu Vĩnh Phúc (đạo quân Ngươì Hoa) và quân triều đình do tướng Hoàng Tá Viêm chỉ huy. Gácniê bị giết chết cùng nhiều quân Pháp. Cái chết của Gácniê làm quân Pháp khắp nơi dao động. Viên chỉ huy quân Pháp thay Gácniê định rút chạy khỏi Hà Nội. Bộ Trưởng hải quân và thuộc địa Pháp cấp tốc điện cho Đô Đốc Sài Gòn phải trao trả lại Hà Nội và không thể chiếm đóng lâu dài bất cứ một bộ phận nào của miền Bắc.

          Thắng lợi Cầu Giấy đã tạo khả năng giải phóng miến Bắc và Hà Nội trong tầm tay, nhưng triều đình Huế chỉ một mực giảng hoà, không biết tận dụng thời cơ đẩy mạnh kháng chiến. Triều đình Huế lệnh cho Hoàng Tá Viêm đưa quân lên Sơn Tây, điều quân Lưu Vĩnh Phúc lên miền núi án binh bất động. Tiếp đó ngày 15-3-1874 triều đình Huế ký với Pháp một bản hiệp ước đầu hàng mang tên “ Hiệp ước hoà bình và liên minh” trong đó thừa nhận mất 6 tỉnh miền Nam cho Pháp, mất một phần quyền ngoại giao, các giáo sĩ Pháp được phép truyền đạo trên toàn cõi Việt Nam. Việt Nam phải mở cửa sông Hồng, các cửa biển Thi Nại (Qui Nhơn), Ninh Hải ( Hải Dương) và thành phố Hà Nội cho Pháp buôn bán. Tại các nơi đó Pháp được đặt Lãnh sự quán và có quân đội riêng.

           Khắp nơi nhân dân phẫn uất về sự hèn nhát và thoả hiệp đầu hàng của Nhà Nguyễn. Nhân dân đã vạch mặt chỉ tên nhà Nguyễn là kẻ phá hoại cuộc đấu tranh của nhân dân nhằm bảo vệ độc lập của tổ quốc:
         Phá ngang việc ấy bởi đâu

          Nhà công xế bóng cửa chầu long then[2].

          Năm 1880 Pheri ( Jules Ferry) một chính khách hiếu chiến lên làm Thủ tướng Pháp, chủ trương đẩy mạnh xâm lược thuộc địa ở châu Á, châu Phi. Chính phủ Pháp quyết tâm hoàn thành việc xâm lược Việt Nam.

(Còn nữa)

CVL

-----------------------

[1] .Uỷ ban Khoa học xã hội Việt nam. Lịch sử Việt Nam T2.NXB Khoa học xã hội. H. 1985. Tr. 65.

[2] .Hà Thành thất thủ ca. Dẫn theo Lịch sử Việt Nam .T2. NXBKHXH. H. 1985.Tr.66.

 

Bạn đang đọc bài viết "36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 21)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn