Huyền sử về Thành Hoàng Làng

Bùi Ngọc Phúc

02/05/2022 07:41

Theo dõi trên

Làng Lĩnh Nam xưa vốn là vùng đất vô chủ, ở đó cây cối rậm rạp, rắn rết bò lổm ngổm trên đường, cáo đi theo đàn bắt gà quanh vùng, chưa kể lũ yêu ma quỉ quái giả làm khách phương xa để dụ dỗ bà con dính vào lô đề cờ bạc cũng như mấy trò đa cấp biến tướng.

Ngay rìa làng vào buổi tối, những cây gạo, cây xoan, cây sung, cây thị là nơi tụ hội của hàng vạn con dơi, hàng ngàn con quạ và những đàn chim lợn, nếu ai lạc bước, chỉ cần đi từ xa đã thấy âm khí ngút trời, bởi nơi đây chưa có hệ thống đèn chiếu sáng. Những kẻ bạo gan duy nhất dám lảng vảng dưới gốc cây, chỉ là mấy kẻ tiêm chích hoặc mấy cô gái ăn sương ế khách.

than-thanh-hoang-1651452248.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Vào thời Pháp thuộc, có cụ Vương Kinh là người chuyên buôn hàng bên xứ Tàu thường xuyên qua lại vùng này, cụ nhận thấy dù chỉ là đất thổ canh chưa có sổ đỏ, nhưng nếu biết đầu tư sẽ sinh lãi lớn cho con cháu đời sau, do vậy cụ đã vay mượn tiền của bà con bên vợ mua luôn chục sào Bắc bộ với giá hời. Đã từ lâu ở rể bên nhà vợ tại phường Động Đình, vì thế thoát khỏi cảnh chui gầm chạn, cụ Vương Kinh thuê người lấp ao, chặt cây và khai quang bờ bụi, sau đó cụ phân lô bán nền kiếm kim ngân bạc lượng. Vốn là người coi trọng việc học, cụ đầu tư cho người con trai duy nhất tên là Quân đi du học xứ tây lông để sau này quay về quản lí sản nghiệp của gia đình. Không phụ sự kì vọng của cha mẹ, chàng kĩ sư Quân đã tốt nghiệp một trường hàng hải danh giá với tấm bằng loại ưu.

Ngày về nước sau bốn năm xa cách, kĩ sư Quân đưa cô bạn gái xinh đẹp con nhà trâm anh thế phiệt ra mắt gia đình. Nhà cô người yêu có tiệm vàng Phúc Lai nổi tiếng nơi phố cổ, do vậy họ đặt tên con gái là Kim Cơ. Đám cưới hai nhà môn đăng hộ đối được cả phường trầm trồ khen ngợi, ngày ăn hỏi nhà trai thuê 100 xe xích lô chở sính lễ tới nhà gái, nhằm đáp lại thịnh tình đó, vào ngày vu quy, cô dâu Kim Cơ đem về nhà chồng đúng 100 cây vàng bốn số 9 làm của hồi môn, thật xứng danh thế gia hào môn. Đời vốn không như mơ, thời bao cấp làm ăn buôn bán khó khăn, sau nhiều lần bị phòng thuế kiểm tra tịch thu hàng hóa về tội đầu cơ tích trữ, gia sản của hai vợ chồng vơi đi quá nửa, lại gặp dịp đổi tiền khiến của cải trước có mười phần, nay không còn nổi một phần.

Người ta nói miệng ăn núi lở, nhìn đàn con chục đứa lộc ngộc như cây sào, nhưng không đứa nào có nghề ngỗng gì trong tay, đã vậy còn tối ngày lô đề cờ bạc, người kĩ sư hàng hải năm xưa không đành lòng. Dù đã cất tấm bằng tốt nghiệp nơi đáy tủ, nhưng ông quyết vực dậy nếp nhà không để cha mẹ ở trên trời phải bận lòng. Vào một đêm mưa gió, ông Quân bàn với vợ:

-Hiện nay ở thành phố nhanh giàu nhất là đám con phe hàng hóa, còn ở biển kiếm tiền dễ nhất là cánh thủy thủ tàu viễn dương. Thôi vợ chồng mình đã triệt sản nên không lo việc sinh đẻ nữa, bây giờ tập trung nuôi dạy chục đứa này đủ nhọc. Ngày mai tôi sẽ đưa 5 thằng xuống Hải Phòng cho học nghề, thằng nào không say sóng sẽ theo bố đi nhập hàng bãi của Nhật về bán kiếm lời. Thằng nào thích làm ăn cá thể thì đóng tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, bắt cá cơm về bán cho mấy lò nước mắm. Còn thằng nào không thích ăn sóng nói gió, có thể đầu tư mấy lô đất hướng biển, sau này mở nhà nghỉ phục vụ khách du lịch tây hay ta đều có tiền.

Dù là gái phố cổ danh giá, nhưng biết mình xuất giá tòng phu nên bà Kim Cơ nghẹn ngào nói:

-Đúng là ở nhà nhìn nhau sẽ chết vì đói, riêng việc suốt ngày xếp hàng đong gạo nấu ăn đủ khiến tôi mụ mị cả người. Ở thành phố đất chật người đông, có lẽ tôi dắt mấy đứa đi vùng kinh tế mới, mấy mẹ con chỉ cần chiếm lấy một quả núi hay vài quả đồi là sống tốt. Tôi dự tính đứa nào nhanh nhẹn sẽ cho mở hàng bán đặc sản thú rừng, đứa nào không thích buôn bán thì trồng ngô, trồng sắn hoặc trồng sâm Ngọc Linh sẽ không nghèo được.

Ông Quân dặn kĩ vợ:

-Nhà mình toàn con trai, bà chớ tham tiền trồng cây anh túc sẽ rước họa vào thân, tuyệt đối không cho chúng nó đi đào đá đỏ hay làm lâm tặc. Bà nhớ nhắc các con về truyền thống gia đình vẻ vang, năm nào cũng nhận được giấy khen của phường.

-----

Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai, giờ đây khi bước vào tuổi tròn trăm, lúc đàn con cháu phương trưởng mọi bề, ông Quân gặp lại người vợ tào khang sau nhiều năm xa cách. Sẵn có trong tài khoản vài chục tỉ, ông bàn với vợ cùng dắt tay nhau vào nhà dưỡng lão an hưởng tuổi già, như vậy không phiền đến con cháu. Nếu đứa nào có hiếu tự biết thu xếp đến thăm bố mẹ, bằng không lúc nhắm mắt xuôi tay, ông bà di chúc về nằm cạnh nhau ở công viên vĩnh hằng. Phụ nữ vốn hay lo xa, bà Kim Cơ kéo vạt áo chấm nước mắt nói:

-Mấy thằng con theo ông xuống biển đâm lại tươm, giờ đây mỗi mét đất nhìn ra đại dương có giá trên trời, chưa kể resort mọc nên như nấm. Mấy đứa theo tôi lên núi không được như vậy, chúng nó tham tiền nên phá đồi xẻ núi để dựng chùa, tôi can nhưng chúng mắng bà già rồi ngồi im một chỗ, người ta gọi là du lịch tâm linh, biết gì mà nói.

Ông Quân húng hắng ho vì cảm lạnh do thay đổi thời tiết, sau đó khẽ nói nhỏ, hóa ra đàn con cháu của ông ở vùng biển đâu có sung sướng gì. Thằng đánh bắt cá hủy diệt bị EU ném thẻ vàng vào mặt, thằng buôn lậu xăng dầu trên biển bị công an tóm cổ, có thằng út chân chỉ hạt bột chuyên tâm nuôi tôm hùm ở lồng bè, gặp cơn bão coi như trắng tay.

Riêng thằng cả chuyên cò đất phân lô bán nền cho người ta làm resort, hiện đang dính vào mấy vụ thao túng thị trường chứng khoán, nói chung là trước sau cũng vào nhà đá nghỉ mát cả đám. Tính ra nếu có chạy án, cầm chắc đi toi vài cái trống đồng giả cổ, chưa kể đài báo đưa tin khiến cả họ mất mặt.

Ngồi trước ngôi từ đường cũ nát ở làng Lĩnh Nam, hai ông bà già chỉ biết thở dài thườn thượt, đúng là đẻ nhiều nhưng không cho ăn học đến nơi đến chốn, giờ đám con cháu như bị giời hành vì tiền.

Bà Kim Cơ bàn với chồng một việc hệ trọng, bởi đây là tâm nguyện rất lâu của bà:

-Con cháu nhà mình giàu nhưng không sang, tôi muốn bán luôn mảnh đất do các cụ để lại, sau đó mình góp vốn mở trường dân lập. Dù sao làm giáo dục sẽ khiến đám cháu chắt không mang danh trọc phú, kinh doanh giáo dục vẫn sang hơn nhiều.

-Tôi chỉ sợ chúng nó mua bán bằng cấp sẽ làm khổ bao người. Nhưng theo tôi, bà hướng cho mấy đứa cháu theo ngành y cứu người, như vậy họ nhà mình tích đức bền lâu.

-Tôi lại sợ giống thằng Việt ái bên nhà hàng xóm thì đẹp mặt.

- Thôi tùy bà quyết định. 

-----

Mùa đông năm covid thứ nhất, ông Quân cùng bà Cơ do già yếu lại có nhiều bệnh lí nền, bởi thế đã nắm tay nhau hạc giá vân du ngay khi nhiễm bệnh. Để tỏ lòng biết ơn hai ông bà có nhiều đóng góp cho làng xã, cũng như tổ dân phố, nhiều người đã góp tiền xây miếu và rước di ảnh của hai vị vào phối thờ và tôn xưng làm tổ phụ, tổ mẫu. Riêng người con cả dành cả đời làm trưởng thôn có nhiều đóng góp cho địa phương, sau khi nhập đài hóa thân hoàn vũ được ủy ban phường trao bằng chứng nhận là Thành Hoàng làng.

Nghe nói nhờ thừa hưởng phúc ấm tổ tiên từ đời cụ Vương Kinh, do vậy con cháu ông bà sau này giàu nhanh, đa phần nhờ mua đi bán lại đất đai, do vậy ngôi miếu thờ các cụ Thành Hoàng, ngày ngày hương khói nghi ngút và có từng đàn cò bay lượn xung quanh. Khách thập phương nô nức tới viếng, ai cũng tấm tắc khen đúng cảnh “đất lành cò đậu”.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Huyền sử về Thành Hoàng Làng" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn