Hưng Đạo Đại Vương dặn vua Trần Anh Tông điều gì ?

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

19/12/2021 09:02

Theo dõi trên

Tháng 6 năm Canh Tý (1300), Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ốm nặng. Khi ấy, ông đang ở phủ đệ Vạn Kiếp, nay thuộc thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Vua Trần Anh Tông (1276-1320) được tin báo, liền cấp tốc từ Thăng Long về thăm.

chuyvbl1-1639879313.jpg
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

 

Biết Đại Vương khó qua khỏi, Anh Tông hỏi: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang (xâm lược nước ta), thì kế sách (đánh giặc) như thế nào?”. Đại Vương trả lời: “Ngày xưa Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán xua quân sang đánh, nhân dân làm kế “thanh dã” (vườn không nhà trống), đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu, đánh vào Trường Sa (Hồ Nam của nhà Hán), còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Lê (Tiền Lê) dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh lên, mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, (nước ta) trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, (Vua nhà Lý) dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm (Châu Khâm), Liêm (Châu Liêm), đến tận Mai Lĩnh, là vì (ta) có thế. Vừa rồi , Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây (chúng ta). Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, (cho nên) giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió, thì dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như tằm ăn lá dâu, không cầu thắng nhanh, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như thể đánh cờ vậy. Tùy thời (mà) tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”!

Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300), người Anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự thế giới, Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua đời ở phủ đệ Vạn Kiếp, hưởng thọ 72 tuổi.

Tương truyền, Hưng Đạo Đại Vương trước khi mất, ngài đoán rằng thế nào giặc Bắc cũng sẽ lại sang xâm lược Đại Việt, nên ngài dặn dò các con hỏa thiêu, lấy tro cốt bỏ vào lọ sành (gốm), bí mật chôn giấu ở đâu đó, rồi trồng cây lên trên, xóa hết dấu vết. Lại còn dặn thêm phải làm thế nào để tro cốt hóa thành đất càng nhanh càng tốt. Cũng lại tương truyền, các con Đại Vương đã cho làm 72 chiếc quan tài giống nhau, để kẻ xấu khó lòng tìm ra đâu là quan tài thật của Đại Vương. Chu đáo sâu sắc đến thế là cùng…Sở dĩ có sự chu đáo này, là bởi đã có bài học sâu sắc từ việc Ô Mã Nhi đã từng sai lính đào bới mồ mả tiên tổ nhà Trần ở Long Hưng, tức huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay. Các vua đầu triều Trần, kể cả Thái sư Thượng phụ Trần Thủ Độ cũng được chôn cất ở đây. Có lẽ vì quá vội vàng, nên giặc Nguyên Mông chưa kịp đào bới phá hủy, nên chúng còn bở dở. Sau chiến thắng giặc dữ, vua Trần Nhân Tông về thăm khu lăng mộ tiên tổ, nhìn thấy bùn đất còn vương vãi khắp khu lăng, còn vấy bẩn cả những con ngựa đá đứng chầu hầu bên lăng, nên ngài đã vô cùng xúc động, ứng khẩu đọc hai câu thơ, mà người đời sau đặt đề là TỨC SỰ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Đất nước hai phen khiến ngựa đá phải vất vả / Non sông ngàn thủa vững như âu vàng).

Quả nhiên, Hưng Đạo Đại Vương tính toán như thần. Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt (1215-1294) bị quân dân Đại Việt ba lần đánh cho tơi bời tan tác, thua trận nhục nhã, cho nên kẻ cường bạo từng đánh bại các đạo quân hùng mạnh nhất thế giới ở châu Á, châu Âu, không hề nguôi hận báo thù. Năm 1293, Hốt Tất Liệt đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc tiến công xâm lược Đại Việt lần thứ 4, nhưng ông ta ốm nặng rồi chết (1294). Cháu ông ta là Thiết Mộc Nhi (1271-1368) lên kế vị, miếu hiệu là Nguyên Thánh Tông (1294-1307) liền bãi bỏ cuộc viễn chinh xâm lược nước ta lần thứ 4, rồi sai sứ giả Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai sang nước ta thông báo việc vua mới của “thiên triều” lên ngôi. Đó là năm 1294. Bấy giờ, Hưng Đạo Đại Vương vẫn đang ở phủ đệ Vạn Kiếp. Chắc chắn, Hưng Đạo Đại Vương cũng đã có sẵn kế sách để đối đầu với Hốt Tất Liệt thêm một lần nữa, cho dù là cuộc chiến đấu lần thứ 4 này sẽ rất khốc liệt. Thật may mắn cho sinh linh hai nước vậy!

Bạn đang đọc bài viết "Hưng Đạo Đại Vương dặn vua Trần Anh Tông điều gì ?" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn