Hành trình về Đất Tổ

Tản văn của Nhất Chi Mai

21/03/2023 10:35

Theo dõi trên

“ Dù ai đi ngược về xuôi  Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.

ve-mien-dat-to-1679369193.jpg

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

Chúng tôi đến Đất Tổ Hùng Vương vào một ngày tháng ba, mưa rơi ào ạt. Vì điều kiện không thể đến đúng vào ngày chạp thánh được nên chúng tôi đi trước vài hôm. Chị tôi lấy chồng quê Phú Thọ. Anh chị lập nghiệp ở miền Nam, thi thoảng mới về thăm quê. Giờ lại dịch bệnh nên đi lại càng hạn chế.
Năm nay, anh chị tôi quyết định về thăm quê vào dịp đầu năm. Hôm nay đoàn chúng tôi có năm người cùng về đền Hùng: bà và bốn anh em chúng tôi. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng máu Tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam!Tôi cảm thấy rất háo hức!
Lịch " ta" hôm nay là mùng bảy tháng ba. Cụ bà nhà chị Thanh (mẹ chồng chị gái tôi) bảo:" Năm nào cũng vậy, cứ trước và sau ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch) là đất trời Phú Thọ lại đổ mưa. Người ta gọi đó là những cơn mưa rửa đền, mát mẻ và sạch sẽ...". Bà còn nói mưa rửa đền gắn liền với nghi thức làm lễ "mộc dục", tức là tắm tượng và các đồ thờ chốn đền miếu trước khi tiến hành các nghi lễ trong mùa lễ hội. Với mục đích làm cho không gian cúng tế được thanh tịnh, trang nghiêm. Tôi còn được nghe bà kể rất nhiều về lễ hội Đền Hùng mà không thể không nói đến những trận mưa “rửa đền” thần thánh! Nhưng có lẽ tôi và mỗi người dân Đất Tổ đều muốn tin rằng đó là những trận mưa đem đến sự tốt lành, may mắn!Tôi háo hức được tắm mát tâm hồn mình trong những cơn mưa tinh khôi, huyền bí ấy. Cầu được ước thấy, chỉ một lát sau, chúng tôi đã có dịp được chiêm ngưỡng một trận mưa thật ngoạn mục! Mưa to, ào ạt và chóng vánh. Mưa xong là tạnh ngay.Trời Phong Châu sau cơn mưa thật tinh khôi, trong trẻo càng làm tăng thêm vẻ đẹp kỳ vỹ, linh thiêng của Đền Hùng . Chúng tôi đi trong ánh bình minh rực rỡ của một ngày mới. Đất trời như hiểu lòng người, ban cho những tia nắng thần tiên của vùng Đất Tổ. Hai bên đường, những loài cây cổ sơ như thông, lụ, kim giao cũng như rộn ràng reo vui trong gió, long lanh những giọt mưa thần tiên còn đọng lại trên lá. Một lát sau, chúng tôi đã tới cổng đền. Chúng tôi ngắm nhìn tấm phù điêu hai võ sỹ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù trông thật oai phong lẫm liệt! Chính giữa một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh hạnh” nghĩa là: Đức lớn như núi cao. Tâm trí tôi cảm thấy thật tự hào và xúc động trước vẻ đẹp uy nghi của bóng dáng tổ tiên từ thời mở nước. Đi vào phía trong là hình hai con hổ dũng mãnh có lẽ là hiện thân vật canh giữ thần. Linh khí đất trời hòa quyện với hình hài dân tộc cho ta thêm trân quý những giá trị trường tồn của vùng Đất Tổ nơi đây!
Đầu tiên chúng tôi đến Đền Hạ. Bà bảo:
- Đây chính là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành một trăm người con trai. Nguồn gốc “đồng bào” nghĩa là “cùng bọc” được bắt nguồn từ đây. Chỉ tay về phía sau, nơi còn dấu tích một cái giếng, bà bảo: Giếng “Mắt Rồng” là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng đó... Chúng tôi cùng nhìn theo tay bà và cùng “ à” lên một tiếng. Nghĩ về câu chuyện truyền thuyết xưa về mẹ Âu Cơ, tôi lại liên tưởng tới những người mẹ Việt Nam bền bỉ, đảm đang nuôi nấng những đứa con trong gian khó mà đẹp như thiên thần, ngoan ngoãn, biết thương nhau những lúc cơ hàn, khốn khó… 
Ngay dưới chân Đền Hạ là Nhà Bia với kiến trúc cầu kỳ hình lục giác, có sáu mái lợp bằng gạch bìa, trên đỉnh có đắp hình nậm rượu.Tôi thực sự xúc động khi đọc dòng chữ trên tấm bia đá:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
Đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1945. Gần tám thập kỷ đã trôi qua, vậy mà giờ đây tôi vẫn cảm thấy mỗi lời Người dặn thật thấm thía!
Trong làn nắng mỏng tháng ba dịu dàng, chúng tôi thong thả ngắm nhìn khung cảnh non nước mùa xuân Đất Tổ. Dừng lại trước một ngôi chùa có tên là “Thiên Quang Thiền Tự”, anh rể tôi vốn là một kiến trúc sư, có lẽ bệnh nghề nghiệp nên đến những nơi như thế này, anh hay ngắm nghía rất lâu những kiểu cách đường nét của những công trình kiến trúc cổ. Anh bảo:
- Ngôi chùa này thật đẹp được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”, Các toà được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt. Mái chùa được lợp ngói mũi, đầu đao cong. Bờ nóc tiền đường đắp lưỡng long chầu nguyệt thật là kiểu cách… chứng tỏ từ thời xưa, nước ta đã có những vị “ kiến trúc sư” thật tài hoa!
Chúng tôi lại có dịp chiêm ngưỡng cây vạn tuế trước cửa chùa Thiên Quang cạnh Đền Hạ. Mọi người đều chăm chú ngắm nhìn . Tôi chợt nghĩ: Cây cổ có ba nhánh ngẫu nhiên hay sự linh thiêng của trời đất mà cây hóa thành như vậy? phải chăng là để tượng trưng cho ba miền Bắc Trung Nam cùng chung một nguồn cội? Thấy tôi có vẻ băn khoăn, bà bảo: Cây cối ở đây có linh hồn đấy, nhất là những cây có tuổi thọ cao như cây vạn tuế này. Bà còn bảo cây vạn tuế này đã gần tám trăm năm tuổi. Vậy mà ba nhánh của nó vẫn ra lá xanh tươi trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử.
Tiếp tục cuôc hành trình, cô hướng dẫn viên xinh đẹp đưa đoàn chúng tôi đến Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu). Cô giới thiệu: Đây là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ sáu đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo có công làm ra bánh chưng, bánh dày dâng lên Tiên Tổ trong ngày lễ Tiên Vương.
Chúng tôi theo chân cô lên Đền Thượng và Lăng Hùng Vương trên đỉnh núi Hùng. Chúng tôi đang đứng trên núi Hùng (còn gọi là núi Cả hay núi Nghĩa Lĩnh) có độ cao 175m so với mặt nước biển.Tối qua, nghe các cụ trong làng nói rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam , mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo. Theo truyền thuyết đây là ba đỉnh “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời. Giữa bát ngát núi đồi, chúng tôi phóng tầm mắt ra xa. Dưới chân núi Hùng là những quả đồi lớn san sát như bát úp trải dài nối tiếp nhau trông xa chẳng khác nào một đàn voi chầu về Đất Tổ. Hiện ra trước mắt chúng tôi là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc: sông Hồng, sông Lô, sông Đà, tạo ra một vùng sông nước mênh mông, rộng lớn trông xa như một dải lụa đào mềm mại giữa bát ngát trung du xanh màu huyền thoại.
Cảnh trời hùng vĩ, thế đất linh thiêng, nơi đây quả là nơi tụ hội của đất trời. Đứng trên đỉnh cao Nghĩa Lĩnh, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn cả một vùng núi sông rộng lớn với vẻ đẹp hòa quyện bao la của sơn thuỷ hữu tình. Còn gì hạnh phúc hơn được là những người con mang dòng máu Lạc Hồng xa xứ trở về đây, bốn biển năm châu, chân trời góc biển, muôn nẻo xa gần cùng về một tổ tiên. Hành trình của chúng tôi hôm nay thật vui và có ý nghĩa biết chừng nào!
Càng đi càng háo hức, chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình tới lăng Hùng Vương, đền Giếng và đền Tổ Mẫu Âu Cơ… Tới mỗi nơi, chúng tôi đều kính cẩn thắp nén nhang thành kính lên tổ tiên! Mùi nhang trầm thơm ngát tỏa đi muôn nơi như tấm lòng thảo thơm của mỗi người con xa quê trở về nơi Đất Tổ!
Ào ào… trời trung du đang trong xanh bỗng nhiên lại đổ xuống một trận mưa trong ngần trong thoáng chốc. Bà nhìn mưa hồ hởi nói “Mưa cho mát mày mát mặt. Mưa cho thấm đẫm ruộng đồng…” mưa cho may mắn tìm đến…Tôi ngắm nhìn những cây si già uy nghi chòm râu nâu bạc chấm đất; những cây chò rung rinh cành lá vút tận trời xanh và vô vàn những loài cây cổ sơ như thông, lụ, kim giao lúp xúp… Cây cổ thụ, cây cổ sơ, cao thấp trập trùng đứng bên nhau canh lăng mộ vua Hùng. Cây cối bao đời vấn vít tụ lại quần quanh mộ Tổ. Khói hương trầm thơm tho thấm trong từng thớ gỗ. Giữa trong veo làn mưa đổ, tôi thầm nghĩ: Trời đất linh thiêng ngút ngàn huyền thoại chứng giám lòng thành của những người con đất Việt luôn hướng về nguồn cội như muôn loài cây quần tụ ấp ôm mộ Tổ nơi đây. Cây và người đất Việt đều hướng về nguồn cội mà yêu thương mà gửi gắm…
Mùng 10 tháng ba ngày Giỗ Tổ! Hỡi ai là con dân Việt nếu chưa một lần về với quê chung, xin hãy bớt chút thời gian mầu nhiệm đầu năm mà về đây trùng phùng cùng chúng tôi nơi bàn thờ tiên tổ, cùng nhau chiêm bái vong linh tổ tiên nơi đất Phong Châu ngút ngàn linh khí; ngắm nhìn hình hài mẹ Âu cơ sinh con và vua Hùng dựng nước. Thắp nén nhang thơm, lòng ta thư thái nghe như tiếng ngàn năm vọng về yêu thương che chở, nhắc nhở ta cùng vững bước đi lên, đoàn kết xây dựng nước non nhà. Đến dâng hương lòng ta ao ước, ước mơ chung cội vững gốc bền, ước mơ riêng công thành danh toại.
Mưa đã tạnh, trời đất phong Châu lại chan hòa ánh nắng lấp lánh những bông hoa đại tỏa ngát hương thơm.
 

Bạn đang đọc bài viết "Hành trình về Đất Tổ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn