GS Viện sĩ - Thiếu tướng, anh hùng Trần Đại Nghĩa với khẩu súng Ba-dô-ca

CCB Lê Hải Triều

30/08/2022 15:23

Theo dõi trên

Ngày 5/12/1946 tại Bắc bộ phủ, Phạm Quang Lễ được Bác Hồ giao giữ chức Cục trưởng Cục Quân Giới và Bác đặt tên anh là Trần Đại Nghĩa.

Hai tuần sau đó, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tại Hà Nội, ý đồ của quân Pháp là dùng xe tăng, xe bọc thép để chiếm những nơi xung yếu, từ đó càn quét rộng ra. Lực lượng chiến xa của địch lúc đó rất mạnh, có tới 62 chiếc. Chống lại số chiến xa này, quân ta chỉ vẻn vẹn một khẩu ba- dô- ca, mấy viên đạn và 80 quả bom ba càng lấy được của quân Nhật. Bom ba càng là một khối thuốc đạn lõm, gắn trên một cán gỗ dài vài mét, dùng sức người lao vào xe tăng. Bom nổ, xe tăng bị phá hủy nhưng người sử dụng khó tránh khỏi hy sinh.

dvh1abcv-1661847587.jpg

Bộ Quốc Phòng giao cho Trần Đại Nghĩa (ảnh trên) nghiên cứu chế tạo vũ khí chống chiến xa. Anh không có ý định nghiên cứu, sản xuất bom ba càng vì anh cho rằng một người thiết kế chế tạo vũ khí của quân đội cách mạng, không thể thiếu trách nhiệm với sinh mạng của chiến sỹ. Bất đắc dĩ tạm dùng nó nhưng không thể coi nó là một thứ vũ khí lâu dài...

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô ngày một diễn ra ác liệt. Có lần Giáo sư Trần Đại Nghĩa gặp một chiến sỹ Vệ quốc quân từ Mặt trận Hà Nội ra, kể cho anh nghe về các chiến sỹ cảm tử ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch. Anh nhớ mãi câu nói của người chiến sỹ ấy: " Nếu chúng tôi có một loại súng nào đó mà bắn được xe tăng, xe bọc thép địch ở cự ly dăm chục mét thì thất bại của quân địch còn nặng hơn, anh em chúng tôi cũng đỡ hy sinh xương máu"...

Suốt đêm đó, Trần Đại Nghĩa không sao ngủ được. Hình ảnh lẫm liệt của những chiến sỹ cảm tử ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch để rồi vĩnh viễn nằm xuống đường phố Thủ đô, cứ ẩn hiện trong anh như một lời kêu gọi thiết tha. Anh nhớ đến hôm trên đường theo Bác Hồ từ Pari về nước, khi tới Li- ông, tàu tạm nghỉ, mọi người chạy xuống ga mua sắm, trên tàu chỉ có Bác và anh. Bác hỏi Trần Đại Nghĩa:" Ở nhà cực khổ lắm, chú về có chịu được không?". Anh thưa với Bác là anh chịu nổi. Bác lại hỏi:" Bây giờ ở nhà kỹ sư, công nhân về vũ khí không có, máy móc thiếu, liệu chú có làm được không?".

Anh đã hứa với Bác là làm được.

Trách nhiệm với đất nước, với xương máu của chiến sỹ đã thôi thúc Trần Đại Nghĩa hoàn chỉnh đạn ba - dô -ca, loại vũ khí mà anh đã biết.về uy lực của nó khi quân Đồng minh đổ bộ vào nước Pháp. Khi còn ở Pháp, anh đã bỏ ra hơn mười năm nghiên cứu loại vũ khí này. Về nước, anh đã nghiên cứu khẩu ba - dô - ca của Mỹ cùng với hai viên đạn.

Trần Đại Nghĩa bắt tay ngay vào công việc.

...

Đạn ba- dô -ca Việt Nam ra đời đã lập được chiến công: Một đoàn xe tăng, xe bọc thép của Pháp chọc vào tuyến Chùa Trầm, đã bị những khẩu ba- dô - ca vừa ra xưởng chặn đánh. Bộ đội ta bắn hai phát, diệt hai xe. Số còn lại hốt hoảng quay đầu tháo chạy về Hà Nội. Bộ đội ta không chỉ dùng ba- dô- ca bắn xe tăng, mà còn sử dụng bắn diệt các ụ súng, lô cốt, tàu chiến và bắn cả bộ binh địch co cụm. Nhiều đoàn cơ giới địch bị ba- dô - ca của ta tiêu diệt trên đường số 4...

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp càng phát triển, càng đòi hỏi ta phải có những vũ khí thích hợp. Giáo sư Trần Đại Nghĩa và những cộng sự của ông lại chế tạo thành công đại bác không giật SKZ. Từ ngày súng SKZ ra đời, bộ đội ta đã có vũ khí nặng để đánh những trận công kiên lớn...

Ngày nay quân đội ta đã được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, song nhớ lại lúc khởi đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội ta dùng chai cháy, bom ba càng chống chiến xa địch ta mới thấy hết được khẩu ba- dô - ca đầy uy lực của Thiếu tướng, Giáo sư, Anh hùng Trần Đại Nghĩa ý nghĩa biết nhường nào!

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "GS Viện sĩ - Thiếu tướng, anh hùng Trần Đại Nghĩa với khẩu súng Ba-dô-ca" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn