Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương ba - Gió đổi chiều

Phạm Việt Long

21/08/2021 09:13

Theo dõi trên

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam

bia-gia-tu-1627524038.jpg

 

Chương ba

HUYỀN THOẠI MỚI

 

Gió đổi chiều

 

Đang yên lành, gia đình Hoàng Phu lâm vào một cuộc nội chiến khủng khiếp với hai chiến tuyến rõ rệt. Một bên là Hoàng Phu. Một bên là vợ Phu - bà Kim, cùng với các con gái, con rể. Bà Kim đã vùng lên, không chịu để chồng đè nén nữa. Bà nghiêm giọng: Ông ăn gì của thằng Lê Đản mà làm những điều thất đức thế. Ông làm thế, chỉ lợi cho thằng Đản, chứ con cháu ông được gì nào. Lão Phu trở đi trở lại cái bài gia trưởng: Bà thì biết gì mà nói. Đến nước ấy thì Hối, cậu con rể ở rể, cũng không chịu vẫy đuôi phận chó nằm gầm chạn nữa. Cậu vừa ức bố vợ làm chuyện thất đức, vừa lo bị ảnh hưởng đến bản thân. Cậu là Giám đốc một Trung tâm dưới quyền Đại Hoạ sĩ Lãi Nguyên. Nể tình xưa nghĩa cũ với lão Phu, Lãi Nguyên vẫn ưu ái cho cậu đặt cửa hàng của Trung tâm ở ngay phố Ngân Dài, trung tâm của trung tâm Thủ đô. Đại Hoạ sĩ Lãi Nguyên là Giám đốc Công ty Đại Hoạ, thành viên của Tập đoàn Tri thức. Có nghĩa, Đại Hoạ sĩ là cấp dưới của bà Nguyễn Thu Minh. Vừa có quan hệ trên dưới kỷ cương, vừa có quan hệ anh em thân thiết với Giám đốc, bà Minh chỉ ho một tiếng, là có thể đánh bật cậu ra khỏi mảnh đất hốt bạc kia. Đó là lẽ thường tình. Đến lúc nào đó, lấy lý do cổ phẩn hoá rồi, phải khai thác cơ sở vật chất có hiệu quả hơn, bà Minh yêu cầu tính lại mức khoán đối với Trung tâm, cũng đã đủ chết. Chưa kể, bà ấy bắt đưa ra đấu thầu cửa hàng, thì cơm chim chắc bị cướp mất thôi. Hôm vừa rồi, Hối lại nhận được hai bản sao chụp hai văn bản của hai Cơ quan Chức năng kết luận về những đơn tố cáo bà Minh của ông Phu và Đản, cậu càng lo lắng. Cả hai văn bản đều khẳng định rằng những lời tố cáo của Ông không có cơ sở. Thế thì Ông mắc tội vu cáo mất thôi. Cậu bàn với vợ phải yêu cầu ông bố chấm dứt cuộc chiến không cân sức với phe chính nghĩa. Cậu nói rõ đó là phe chính nghĩa, phe mạnh, Ông không thể đương đầu được đâu. Vả lại, Ông cần tu nhân tích đức, cần để phúc cho con cháu nữa chứ. Vợ cậu gọi điện vào cho cô em trong Sài Gòn là Thuý Hỏi, đề nghị phối hợp với anh chị thuyết phục bố cải tà quy chính. Cô con gái thứ hai tức Thuý Hỏi, tức Phó Phòng của chi nhánh Sa Ba bị huyền chức, không gọi điện khuyên lão, mà bay ra, bảo bố mẹ họp gia đình hoả tốc để bàn phương án ngưng chiến. Trong cuộc họp lần đầu tiên mà gia đình lão Phu tổ chức nghiêm túc như thế, lão nói trong uất nghẹn, nước mắt đặc quánh ri rỉ ở hai mí mắt đỏ như hai viền son:

- Bố làm những việc vừa qua cũng là vì các con. Các con thử ngẫm mà xem, bố đã sinh ra cái chi nhánh Công ty Sa Ba ở Sài Gòn. Bố đã mất bao tâm lực cho sự hình thành và phát triển của cái chi nhánh ấy. Phải có bố mới có nó. Nó lớn mạnh lên cũng là nhờ bố. Thế mà những người đi sau không biết nhớ công lao của bố, lại muốn cướp cái chi nhánh ấy từ tay bố. Rồi cái bà Minh ấy nữa. Khi trước, bố đã nhất quyết không đồng ý bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc, thế mà rồi bà ấy vẫn được bổ nhiệm, có phải là người ta tát vào mặt bố không? Bà Minh lại không biết điều, dám hất con gái bố ra khỏi cái nơi bố đã khai sinh ra, thì chịu làm sao nổi. Bà nghĩ xem. Các con nghĩ xem. Tôi làm thế có phải là vì bà, vì các con hay vì thằng Lê Đản?

Cả nhà lặng đi trong nỗi thương cảm ông già khốn khổ này. Vừa thương vừa giận. Thuý Hỏi nói liền một mạch bằng giọng nói chân thành, tha thiết:

- Đúng, Ông là người khai sinh ra cái chi nhánh Công ty Sa Ba ở Sài Gòn, sự phát triển của nó phải được Ông quan tâm. Nhưng Ông ơi, đó là Công ty của Nhà nước, không phải là của riêng Ông. Những cán bộ tiếp bước Ông có quyền quản lý nó, đưa nó phát triển lên, lẽ nào Ông lại kìm hãm sức lớn của nó. Vả lại, thời ấy, làm ở đó, con cũng sai rồi Ông ạ. Bây giờ ra làm riêng, con mới thấm thía rằng làm nhân viên mà phản chủ, mà cướp lợi ích của Công ty, là một tội lỗi. Con có lỗi đấy, nên con không oán hận ai cả. Nhờ trận sóng gió ấy, con mới tỉnh ra, mới làm ăn đàng hoàng, mới phát đạt như ngày nay. Mà về chuyện bà Minh, Ông nói thế nào ấy chứ. Con còn nhớ Ông đã ký Nghị quyết của Ban Lãnh đạo về nhân sự, trong đó đánh giá bà Minh rất cao, đề nghị Bộ bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc cơ mà!

Sau buổi họp gia đình, Hoàng Phu sống trầm hẳn xuống. Huyết áp của lão tăng vọt lên mức 250 - 130. Con cái vội đưa lão vào khu A9 bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Còn Lê Đản. Hôm ấy đang dở dang món nghệ thuật làm tình thì gã vào toa lét. Khi vừa dốc bầu tâm sự xong, thì điện thoại của gã rung bần bật trong tay. Nhìn thấy số điện thoại của Ban, gã bảo Ban tắt máy, chờ chút, gã sẽ gọi lại. Sau đó gã về phòng mặc quần áo, mở cửa sau ra ngoài sân vừa hít thở không khí trong lành của thiên nhiên vừa gọi điện cho Ban. Ban căn vặn gã đi đâu, ở đâu. Gã lắp bắp dối quanh: Anh đang đi giải quyết việc của cơ quan, cách Hà Nội hai chục cây số.

Như chúng ta đã biết, từ sau khi hít vào hương vị ngọt ngào, mê hoặc của bông hoa núi rừng, Lê Đản không còn ham hố các trò chơi dục tính bừa phứa nữa. Lần này về Tiết Hạnh, chẳng qua là chiều Đại Sư phụ Tóc đen nhánh để cầu xin Đại Sư phụ ra tay cứu giúp, chứ tình hình diễn biến xấu quá. Con mụ Minh không những không bị một đòn chết tươi, mà còn phản công tới tấp, khiến Đại Sư phụ Hoàng Phu và gã lao đao. Đản sợ hãi, vùng vẫy như cọp sa bẫy khi thấy vận đen đang trùm lên số phận mình. Trong phiên Toà phúc thẩm xử vụ mại dâm ở Bạch Liên, các Quan Toà cấp trên đã bác phán quyết của Quan Toà cấp dưới, yêu cầu điều tra lại. Cả Đản và Lợi đều bị gọi ra Toà. Lần đầu, cậy vào những ô dù ngầm, cả hai không thèm ra Toà. Ngờ đâu, Quan Toà cứng quá, trát giấy yêu cầu phải đến, nếu không sẽ ra lệnh dẫn giải đến phiên Toà sau. Thế là cả hai đành phải vác mặt mo ra Toà. Các Quan Toà rách việc quá, thi nhau vặn vẹo đủ điều. Thằng Lợi dại miệng đã khai trước Toà: "Tôi biết rằng trong câu lạc bộ có hai loại phù hiệu dành cho tiếp viên nữ, loại đeo phù hiệu hình bầu dục là tiếp viên kiêm bán dâm, loại đeo phù hiệu hình chữ nhật là tiếp viên đơn thuần, nhưng tôi không có ý kiến gì". Thế này thì chẳng khác nào tự nhận tội không tố cáo tội phạm, hoặc tội đồng phạm. Đản cũng khai bừa rằng có biết việc mại dâm, có báo cáo Tổng Giám đốc, có đấu tranh nhưng không ăn thua vì vị thế yếu quá, mà cũng do đấu tranh cho anh em cho nên bị lão chủ Đài Loan đuổi việc! Khai bừa thì cứ khai bừa, mà lo sợ thì vẫn lo sợ. Cơ quan Chức năng Thành phố có một số bằng chứng về hoạt động mại dâm đã diễn ra từ mấy năm trước, và Đản, Lợi đều có liên quan. Đản đã bị gọi lên cơ quan Chức năng Thành phố lấy lời khai hai lần. Trong khi hỏi gã, anh cán bộ điều tra còn mở rộng vấn đề, căn vặn gã về mối quan hệ với báo chí, trong đó có những việc làm mờ ám với Khánh Đô, phóng viên báo Việc Làm. Thế mà báo chí lại còn đăng mấy bài nói về những hành vi xấu xa của Đản tại Khách sạn Bạch Liên nữa chứ. Tình hình căng thẳng như thế cho nên Đản phải vật nài van vỉ như thằng ăn xin mới mời được Đại Sư phụ Tóc đen nhánh đi thư giãn để xin ý kiến chỉ đạo của Đại Sư phụ.

Thấy có động, Đản bỏ cả đồ đạc và xe ô tô lại khu Tiết Hạnh, chạy bộ ra đường lớn đón tắc xi chuồn một mạch về Hà Nội. Hai hôm sau, gã giật bắn mình khi giở tờ báo Việc Làm, tờ báo ruột của hắn. Trên trang nhất, in rõ mồn một ảnh Đại Sư phụ Tóc đen nhánh kèm theo dòng tít lớn in đậm: "Phá ổ mại dâm lớn Tiết Hạnh". Dưới hàng tít to đùng này, là một hàng tin in cũng đậm không kém: "Bắt quả tang phó Thủ trưởng Cơ quan Chức năng khu Bình Đà đang hành lạc tại khu nghỉ dưỡng - mại dâm cao cấp Tiết Hạnh. Ông này đang có hành động dâm ô với gái vị thành niên. Liệu ông này có phải là kẻ có biệt danh Đại Sư phụ Tóc đen nhánh, một kẻ bảo kê ngầm khét tiếng cho các động mại dâm tại khu Bình Đà hay không? Cùng hưởng lạc với ông này còn có ông Lê Đản, Phó Chánh Văn phòng Tập đoàn Tri thức, nhưng ông Đản đã nhanh chân tẩu thoát. Ông Đản đã từng là người hùng bên đầm vì thành tích tham gia phá ổ mại dâm Bạch Liên cách đây vài năm. Ông Đản bỏ lại hiện trường chiếc ô tô Méc xê đét, hiện cơ quan Chức năng đang quản lý". Bên trong, trên trang 3, đăng bài phóng sự dài dặc của phóng viên Khánh Đô về sự vụ động trời này, có đoạn viết về Lê Đản như sau: "Lê Đản, tức Đản sực ka ka theo biệt danh, là kẻ dâm ô, truỵ lạc, từng bị nhiều nhân viên mát xa ở Khách sạn Bạch Liên tố cáo về tội thường quấy rối tình dục, thậm chí hãm hiếp các nữ nhân viên mát xa khi phải lên tận phòng làm việc của ông này để phục vụ. Khi sự vụ kinh doanh mại dâm sắp có nguy cơ bại lộ, Lê Đản đã rắp tâm gài bẫy đối tác nhằm thoát thân. Lê Đản có một lý lịch bất hảo. Thời chiến tranh, cha của Lê Đản ăn cắp thuốc nổ của bộ đội, đem đi đánh cá, bị nổ trên tay, chết tan thây. Lê Đản khai man lý lịch có bố là liệt sĩ". Cuối bài báo này, là ảnh Lê Đản do phóng viên mặt lìn lịt của báo Việc Làm chụp hồi năm kia. Liền đó là ảnh Lý Ngồ Ngộ cùng lời nói quen thuộc của anh ta được trích làm tít cho bài phỏng vấn Tổng Giám đốc Tập đoàn Tri thức: "Tôi đâu có biết gì! Anh Đản phạm pháp thì pháp luật cứ trừng trị anh Đản!". Trong bài trả lời phỏng vấn, Lý Ngồ Ngộ tuyên bố rằng Lê Đản là một tay vô tổ chức, vô kỷ luật, Tổng Giám đốc không quản lý nổi, cho nên mới xảy ra sự cố nghiêm trọng như vậy. Tổng Giám đốc đề nghị cơ quan pháp luật cứ đúng người đúng tội mà xử, trước mắt cần bắt được Lê Đản, Tổng Giám đốc sẽ yểm trợ tối đa. Đản buông một câu:"Mẹ kiếp cái đồ cơ hội! Ông sẽ cho mày biết mặt!" rồi gấp tờ báo Việc Làm lại. Giở tờ báo Vì Dân, gã muốn đứng tim khi nhìn thấy cũng ảnh, tin về vụ Tiết Hạnh đăng trên trang tám. Đây là tờ báo mang tính chính thống. Lê Đản thừa hiểu rằng, những chuyện bôi nhọ, có thể đăng trên các báo lá cải, kiểu như báo Việc Làm, chứ không thể đăng trên báo chính thống Vì Dân được. Khi Vì Dân đã lên tiếng phê phán ai, có nghĩa là người ấy đã bị chiếu tướng, không đường thoát. Gã hú hồn hú vía về cuộc thoát hiểm bất ngờ vừa qua, nhưng không khỏi lo ngại cho tương lai của mình.

Cầm mấy tờ báo, Lê Đản tìm về ngôi nhà tím bên bờ đầm Bạch Liên. Gã vô cùng ngạc nhiên khi thấy cổng nhà không khoá, cửa cũng chỉ khép hờ. Sững người mấy giây, rồi gã nhanh chân bước vào. Không có ai cả. Lên tầng hai, không có ai. Ra ban công soi bóng nước, cũng không có ai. Hôm nay chủ nhật, Ban có đi làm đâu?

Mệt mỏi, Lê Đản tháo đôi giày và cởi bỏ quần áo ngoài, đi về phía chiếc giường đôi ở tầng hai. Phía đầu giường, gã treo bức ảnh khổ 50 X 60 chụp gã và Ban ôm nhau trong tư thế tình tứ mà trên người không một mảnh vải. Gã tin rằng nơi này là lãnh địa riêng, cho nên gã muốn thoả thuê thể hiện những thú vui bệnh hoạn của gã. Nhìn qua bức ảnh, thở dài một tiếng, gã ngả lưng trên tấm đệm êm. Gã đọc lại tin, bài trên báo Việc Làm, chửi một câu mẹ kiếp rồi chìm vào suy tư.

Chẳng lẽ Đại Sư phụ Tóc đen nhánh của ta sập bẫy thật rồi chăng? Không còn cách nào thoát bẫy chăng? Ta có bị truy cứu không? Báo chỉ nói ta cùng tham dự cuộc hưởng lạc với Đại Sư phụ Tóc đen nhánh, chứ không nói gì đến chuyện ta làm đầu mối cho Đại Sư phụ Tóc đen nhánh bảo kê các ổ mại dâm lớn tại khu Bình Đà. Như thế, liệu ta có thoát không? Một loạt câu hỏi gã tự đặt ra và không tự trả lời được. Gã thở dài, nghĩ đến thời oanh liệt, khi được làm đệ tử của Đại Sư phụ Tóc đen nhánh. So với Đại Sư phụ Hoàng Phu thì Đại Sư phụ Tóc đen nhánh không đa mưu túc kế bằng, nhưng mạnh mẽ, dữ dằn hơn. Cái hồi mới về làm tại Liên doanh Bạch Liên, Lê Đản chưa tinh quái như bây giờ. Mặc dù có tiền do Liên doanh cấp để đi đối ngoại vào dịp Tết nhất, nhưng vốn hay bớt xén, gã chỉ dành chút ít để biếu xén mấy vị sếp mà gã cho là cần thiết. Thế rồi, Khách sạn Bạch Liên cứ bị kiểm tra liên miên. Khi thì bị phạt về tội để các bình chống cháy hoen gỉ, không sử dụng được. Khi thì bị phạt về tội để tiếng ồn lọt ra ngoài quá lớn. Lại còn bị đe doạ gọt bớt một phần mặt tiền, vì xây dựng phạm vào quy hoạch thành phố. Đủ loại kiểm tra. Đủ loại phạt. Rối tung cả đầu óc lên. Giữa lúc ấy thì gã gặp Nguyễn Tuấn Lặng, người được Phó Thủ trưởng cơ quan Chức năng Khu giới thiệu đến để xin việc làm. Vớ được Lặng như vớ được bửu bối, vì đây là người thân tín của sếp sòng trong Khu. Lê Đản thuyết phục được ngay Tổng Giám đốc Cheng An tiếp nhận Lặng vào chức Giám đốc Nhân sự. Những chiêu thức quái quỷ của thời thị trường, Đản được mài rũa nhờ chính tay Lặng này, tại Khách sạn Bạch Liên này đây. Muốn làm ăn thiên thẹo nhưng lại được yên ổn, phải biết cống nộp những cơ quan Chức năng từ cơ sở đến Khu. Đó là tầm với gần nhất nhưng cũng cần thiết nhất. Còn tầm với xa hơn, như Thành phố, Trung ương, thì phải tuỳ mặt mà gửi vàng, không cần quan hệ rộng. Tính sơ sơ, cũng có tới mười lăm đầu mối cần quan hệ thường xuyên. Muốn có tiền cống nộp, phải có quỹ riêng mà Nhà nước gọi là quỹ đen, phải biết khoanh những khoản thu nào dễ lẩn tránh sự kiểm soát của Cục Thuế, đưa vào quỹ đen, với sổ sách riêng. Khách khá đông, phần lớn lại là người nước ngoài, có nhu cầu tươi mát. Thì chiều, khách hàng là thượng đế, chớ quên câu nhật tụng này. Lúc đầu, là mát mẻ vòng ngoài. Rồi, vào vòng trong, là đi đến Z. Tiền thu ngày càng khá. Đản vẫn cống nạp đều đều cho Phó Thủ trưởng Cơ quan Chức năng Khu. Bất ngờ một hôm, Lặng báo hôm nay sẽ đi nghỉ ngơi ngoại thành, để tháp tùng Đại Sư phụ Tóc đen nhánh. Sang Gia Lâm, vào ngôi nhà sàn mái lá bên sông Hồng có biển đề Quán tâm tình, Lặng và Đản vào căn phòng có cửa sổ nhìn ra sông. Gió sông Hồng thổi mơn man, như báo hiệu những điều tốt lành sẽ đến với cuộc đời Đản. Lát sau thì Đại Sư phụ Tóc đen nhánh đến. Nhìn Đại Sư phụ, Đản giật mình. Hoá ra Đại Sư phụ Tóc đen nhánh khét tiếng về bảo kê cho các động mại dâm chính là vị Phó Thủ trưởng Cơ quan Chức năng oai quyền này. Đản vội vã đứng dậy, luống cuống thế nào làm đổ cả bình rượu ngâm cá ngựa vừa mới mở nắp. Đại Sư phụ tỏ ra độ lượng, xua tay - chuỵện vặt, đừng để ý làm gì. Phục vụ đâu, đem bình khác ra. Trong cuộc vui này, Lê Đản chính thức được tuyển làm đệ tử cho Đại Sư phụ Tóc đen nhánh. Không phải vì gã đã bộc lộ tài năng gì đặc biệt, mà vì gã đang là cấp trên trực tiếp của Lặng, kẻ có họ hàng xa với Đại Sư phụ. Hơn nữa, với con mắt nhìn bao quát của một nhà quản lý hành chính, Đại Sư phụ hiểu rằng Bạch Liên là nơi lý tưởng cho các hoạt động mại dâm. Nơi này cần được bảo kê chặt hơn, cần đẩy mạnh hoạt động hơn, cần cống nạp nhiều hơn. Đó là ý nghĩ thầm kín trong đầu, dưới bộ tóc dày đen nhánh của Đại Sư phụ, chứ Đại Sư phụ không nói ra. Đại Sư phụ chỉ dặn dò đệ tử bốn điều: Thứ nhất, phải trung thành. Thứ hai, phải phát triển hoạt động, tăng mạnh thu nhập. Thứ ba, phải làm nghĩa vụ nghiêm túc. Thứ tư, không sợ ai cả. Đại Sư phụ còn giao cho Đản trọng trách quản lý tất cả các Khách sạn trong vùng để Đại Sư phụ lo chỉ đạo tầm xa, tránh tiếp xúc với các thành phần phức tạp trong xã hội. Đản hiểu rằng, từ nay, gã phải đi thu tiền của các động mại dâm đem nộp cho Đại Sư phụ Tóc đen nhánh và răn đe các động này phải biết điều, đừng tìm cách vượt ra khỏi vòng kiềm toả của hệ thống ngầm hùng mạnh mà Đại Sư phụ đã tổ chức nên. Từ đó, Đản cần mẫn làm chức trợ lý ngầm cho Tóc đen nhánh, thu không biết bao nhiêu tiền bảo kê nộp cho Đại Sư phụ. Tất nhiên, với bản tính hay tắt mắt, gã thường bớt xén tiền chầu nộp của các động, nhưng Đại Sư phụ không hề hay biết, vì nguồn thu lớn quá, rơi rụng tiền triệu không bõ bèn gì. Chuyện cứ diễn biến êm đẹp như thế, cho tới khi con mụ Minh về làm đảo lộn guồng máy. Cộng với việc con mẹ má mì bên Bạch Liên dám hỗn láo với bồ của Tóc đen nhánh, Đại Sư phụ làm một chưởng bất ngờ: đánh vào động mại dâm lớn nhất do chính mình bảo kê! Đại Sư phụ dự tính, sau cú đòn gây vỡ trận này, Đại Sư phụ sẽ tổ chức hệ thống theo một phương thức khác. Một hệ thống ngầm không nên để hoạt động lâu, tới một ngưỡng thời gian nào đó phải thay đổi. Ngưỡng thời gian đó đã đến với Khách sạn Bạch Liên.

 

Bạn đang đọc bài viết "Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương ba - Gió đổi chiều" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Hoài An

Hoài An

09:42 21/08/2021

Tác phẩm được vào vòng chúng khảo cuộc thi Tiểu thuyết Việt Nam.