Gia Lâm có thêm 30 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP năm 2022

Sáng 10/12, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Hà Nội.

Theo đó, tại buổi đánh giá, phân hạnh sản phẩm OCOP tại huyện Gia Lâm sáng nay, Hội đồng đã đánh giá 30 sản phẩm của 11 chủ thể. Trong đó có: Công ty TNHH Ceramics Thanh Bình với các sản phẩm: Bình giọt ngọc, bình tỳ bà, hoa sen men Chu Đậu, bình lưu ly men Chu Đậu, bình tỏi men Chu Đậu; Hợp tác xã Công nghiệp Quỳ vàng Kiêu Kỵ với các sản phẩm: Chậu lan dát vàng, tượng Trần Quốc Tuấn dát vàng, trống đồng dát vàng, điếu cày dát vàng; Công ty TNHH phát triển thảo dược Việt với các sản phẩm: Bột gừng, cao gừng táo đỏ, muối gừng.

Ngoài ra, còn có các sản phẩm của các chủ thể khác như: Công ty TNHH gốm sứ Mai Linh; Công ty Cổ phần Phù Đổng Green Park; HTX sản xuất thương mại nông nghiệp Phong Châu; HKD cơ sở sản xuất, chế biến đông trùng hạ thảo Thiên Sơn; Công ty TNHH SANAVI; Hộ kinh doanh Minh Trị; Công ty Cổ phần thương mại Lan Vinh; Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp xã Dương Hà.

mm1-1670659035.jpg
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Qua ba năm triển khai thực hiện, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Gia Lâm đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tổng số sản phẩm OCOP được công nhận là 89 sản phẩm của 18 chủ thể, trong đó có 5 sản phẩm đạt 5 sao, 68 sản phẩm đạt 4 sao, 16 sản phẩm đạt 3 sao. Trên địa bàn huyện đã hình thành 2 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại xã Dương Xá và xã Bát Tràng.

Năm 2022, huyện tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của huyện theo chuỗi giá trị, do các doanh nghiệp, hộ sản xuất và tập thể thực hiện. Cùng với đó, huyện cũng tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP một cách thống nhất, đồng bộ; Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm truyền thống, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Tại hội nghị hôm nay huyện Gia Lâm có 30 sản phẩm tham gia đến từ các chủ thể. Các sản phẩm rất đa dạng và phong phú, đặc sắc, có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Thông qua hội nghị này huyện Gia Lâm mong muốn lựa chọn được các sản phẩm mang đặc trưng, lợi thế của huyện, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

d13-1670659504.jpg